Con cái tế, tẽ, rẽ, bộng

Thứ Năm, 30/03/2023, 08:19

Rồng chầu ngoài Huế, ngựa tế Đồng Nai.

Nước sông trong chảy lộn sông ngoài.

Thương người xa xứ lạc loài tới đây.

Chầu là gì? “Việt Nam từ điển” (1931) giải thích: “Bởi chữ triều đọc trạnh. Đi hầu chực vua chúa: Các quan đi hầu vua. Nghĩa rộng: Cùng hướng về một phương nào: Long hổ chầu về huyệt”. Chầu cũng là hầu. Mà đứng hầu/ chầu vua thì nghi tiết, nghi lễ phải long trọng. Còn tế là cúng/ cúng tế/ lễ tế. Hễ những ai “Vái lạy lia lịa. miệng ca cẩm van xin, cầu khẩn, ví như động tác của người cầu khấn trời đất” thì được ví “Lạy như tế sao” (Từ điển thành ngữ Việt Nam - NXB Văn hóa Thông tin - 1994, tr.373).

Có phải trong lúc “rồng chầu” ngoài Huế thì “ngựa tế” ở Đồng Nai được hiểu như trên? Không.

“Tự điển Việt-Bồ-La” (1651) giải thích “tế” có nghĩa là chạy. Ngựa tế là ngựa chạy/ chạy mau, chạy đều bốn chân; “tế riết” là chạy hoài, chạy mãi, chạy riết, không nghỉ chân. Trong “Lục súc tranh công” khi tỵ nạnh với dê, ngựa bảo: “Dê, người cho ăn nhảy chơi bời/ Ngựa, người bắt kỵ biều, luân tế” - tức bị người cưỡi, phải chạy luôn không nghỉ. Còn dê “Nghề tế kiệu coi đà xấu vóc/ Việc cày bừa nhắm bóng cũng ươn”.  Tế kiệu còn gọi nước kiệu/ chạy nước kiệu: “Ngựa hay chẳng quản đường dài/ Nước kiệu mới biết tài trai anh hùng” - tức chạy chậm/ chậm rãi, trái ngược với chạy nhanh.

rong-da-hue.jpg -0
Ảnh: ST.

Vậy nên, ở câu ca dao “Rồng chầu ngoài Huế, ngựa tế Đồng Nai” có sự đối xứng rõ ràng về từ trái nghĩa: đứng/ chạy. Mà trái nghĩa với đứng, đôi khi còn là nằm. Chẳng hạn, một đứa trẻ sinh ra đời, tía má/ cha mẹ/ thầy u nào cũng mong muốn nó lúc đến tuổi trưởng thành “Có đôi có đũa” - thành ngữ này nhằm chỉ về việc dựng vợ gả chồng. Vì lẽ đó, khi nói đến đũa đứng/ đũa nằm, ta hiểu ám chỉ về sự tréo ngoe, ngăn cách giữa chàng/ nàng; trai/ gái. Hò Huế có câu:

Ơ… ơ… hơ… Cơm bữa mô bát ăn bát để

Đũa mô đũa đôi đứng đôi nằm

Ví dầu thầy với mẹ có đánh chín chục một trăm

Đánh rồi ngồi dậy, thiếp vẫn nhất tâm… hò ơ… thương chàng

Nghe câu hò này, có người bình: “Rõ ràng, cô gái này cứng đầu, lì lợm lắm đây”, người kia gật đầu hùa theo: “Cô ta bị mẹ tế cho một trận nữa là cái chắc”. Tế ở đây lại là chửi mắng ầm ĩ, tới tấp khiến người nghe vuốt mặt không kịp, chỉ còn có nước chui xuống đất cho đỡ thẹn. Trong tác phẩm “Tắt đèn”, nhà văn Ngô Tất Tố viết: “Thợ cày và tuần phu đều biết cái hách dịch của ông Lý, ai nấy chỉ đáp lại những câu chửi chùm chửi lợp bằng sự nín im”. Rõ ràng, lúc “chửi chùm chửi lợp” là ông Lý đang “tế”.

Ở câu hò Huế nêu trên, đứng/ nằm là từ trái nghĩa. Không có thế, còn có đứng/ ngồi. “Khi khoan chửa chán thời khi nhặt/ Đánh đứng không thôi lại đánh ngồi” (Hồ Xuân Hương); hoặc “Con lợn khóc đứng khóc ngồi/ Mẹ ơi đi chợ mua tôi đồng riềng”.

Có thể nói, trong tiếng Việt, các từ trái nghĩa cực kỳ phong phú chẳng hạn, một khi nói về giới tính nói chung, ta có những “cặp đôi hoàn hảo” như nam/nữ; trai/ gái; đàn ông/ đàn bà; trống/ mái; đực/ nái; đực/sề; đực/cái… Một người bảo: “Dạo này tớ thất nghiệp, chỉ bữa đực bữa cái cho qua ngày”, thì đực/ cái lại chỉ về bữa ăn mà bữa có/ bữa không; bữa đỏ lửa/ bữa treo niêu, bữa cơm nhà/ bữa cơm bụi...

Một khi muốn nói về sự đầy đủ, người ta bảo “Có cái có nước”. Cái trái nghĩa với nước. Trong phép ăn uống của người Việt có câu: “Khôn ăn cái, dại ăn nước”. Cái là cái gì? Nếu nắm rõ về một trong những cấu trúc đặc thù của tục ngữ, ta thừa biết rằng, trong câu này có hai vế đối với nhau: khôn - dại; cái - nước là từ trái nghĩa. Cấu trúc này cũng tương tự như “Khôn làm văn tế, dại làm văn bia”. “Khôn nhà, dại chợ”, “Miệng khôn, trôn dại”, “Hết khôn dồn đến dại” v.v… Dù không giải thích nhưng ai cũng thừa biết trong ngữ cảnh này, nước là chất lỏng khi nấu món ăn nào đó. Vậy, trái nghĩa với cái là phần đặc còn lại, chất lượng nhất, tùy theo nấu món gì. Vậy, ta hiểu làm sao với câu “Con dại cái mang”? Cái là gì? Cái là từ Việt cổ dùng để chỉ người mẹ. Câu tục ngữ này nhấn mạnh đến vai trò giáo dục của người mẹ dành cho con, bởi thế mới có câu: “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”.

Nhằm chỉ về người mẹ, không chỉ có từ cái mà còn có dăm từ khác nữa. “Từ điển Việt-Bồ-La” của A. de Rhodes (1651) ghi nhận cách nói của người Việt từ hơn 350 năm trước: “Áng ná: Cha và mẹ”. Về sau từ “ná” đã dần dần chuyển thành “nạ”, ta có thể tìm thấy trong câu “Sẩy nạ quạ tha”, “Đòng đòng theo nạ, quạ theo gà con”… Theo năm tháng từ “nạ” không còn phổ biến nữa, nếu còn chăng chính là “nạ/ nạ dòng” nhằm chỉ người đàn bà lớn tuổi, đã có chồng. Do không hiểu từ nạ nên người ta đã thay đổi bằng từ khác, chẳng hạn “Quen nhà mạ, lạ nhà chồng” hoặc “Chờ được vạ, má đã sưng”… Không rõ, từ lúc nào tiếng “cái” biến mất trong cách gọi về mẹ? Khảo sát từ ca dao, tục ngữ, ta biết ở thế kỷ XVIII vẫn còn xuất hiện:

Em về nuôi cái cùng con

Anh đi trẩy hội nước non Cao Bằng

Dấu Bố Cái rêu in nền miếu

Cảnh Bà Đanh hoa khép cửa chùa

(Phú Tây Hồ). 

Nếu lấy “Từ điển Việt-Bồ-La” (1651) làm mốc thì ta biết trong thời điểm đó, cái không còn sử dụng để dùng chỉ người mẹ nữa, mà dùng để chỉ… con/ con gái. Ngộ nghĩnh chưa? “Con cái: Con trai và con gái, chỉ dùng cho người”. Cách hiểu này vẫn tồn tại đến nay, thí dụ một người đến chơi bạn đã hỏi: “Dạo này con cái học học hành thế nào?” là hỏi con trai lẫn còn gái. Đúng như “Đại từ điển tiếng Việt” (1999) ghi nhận: “Con cái: Con, thế hệ con nói chung: Con cái đã trưởng thành, chăm lo việc học hành của con cái”. Đừng tưởng, cái nhằm chỉ con gái như “Từ điển Việt-Bồ-La” ghi nhận, nay đã mất đi. Không đâu. Vẫn còn đó. “Cái” lại dùng để chỉ thân mật bạn bè cùng trang lứa, chẳng hạn, “Kìa, cái X vừa tậu chiếc xe mới”; nhưng gọi “cái con mẹ X” lại hàm nghĩa xem thường, khinh bỉ, miệt thị.

Ngoài ra, cái còn nhiều nghĩa khác nữa. Qua sự liệt kê, giải thích của “Đại từ điển tiếng Việt” (1999), ta đã thấy cái đóng vai trò hết sức đa dạng và phong phú. Tuy nhiên, dám nói rằng, các nghĩa của từ cái ấy không thể áp dụng cho từ cái gắn liền với địa danh ở Nam Bộ. Theo quan điểm của học giả Vương Hồng Sển với các từ chánh gốc Khơ Me, Chàm khi du nhập vào nước Việt đã Việt hóa không theo nguyên tắc nào cả: “Khi nào túng chữ, nói theo ngày nay là nghẹt lối thì giản tiện hơn hết là “ban” thêm một chữ “cái” đứng đầu cho nó rặt Annam tỷ như Cái Nứa, Cái Thia, Cái Cối…” (Tự vị tiếng Việt miền Nam - NXB Văn hóa -1993, tr. 98). Bên cạnh đó, lâu nay cũng đã có nhiều ý kiến khác nhau khi lý giải từ cái trong những trường hợp này nhưng vẫn chưa dẫn tới kết luận cuối cùng.

Trở lại với “Khôn ăn cái, dại ăn nước” thì cái lại là vật đặc, ngon nhất trong thức ăn nước. Nước thì bao giờ cũng loãng/ lỏng, ngoại trừ lúc đông cứng do làm lạnh. “Dốt đặc hơn chữ lỏng” là ngụ ý chẳng thà (ai đó) “Dốt đặc cán mai” còn hơn chỉ mới i tờ, lõm bõm nhưng cứ lên mặt ta đây “trên thông thiên văn dưới tường địa lý” nhưng chẳng ra đâu vào đâu. Dù lỏng/ loãng đồng nghĩa nhưng “Lạt mềm buộc chặt” thì chặt trái nghĩa với lỏng, chứ không thể dùng loãng.

Loãng thường cặp kè với đặc. Một người vừa thưởng thức chén trà, nhận xét: “Trà móc câu à? Đặc quá”. Chén trà đặc ấy, với nước pha lần đầu đậm đặc, còn gọi nước cốt. Đậm có nhiều sắc thái như đặc sệt/ đặc lển, đặc quẹo, đặc quệt, đặc quánh, đặc xít… Cũng nhúm trà ấy, càng về sau, nếu cứ châm thêm nước sôi vào, trà càng nhạt gọi nước dão - “thường nói về nước chè đã lợt rồi, hết mùi chè” - theo “Đại Nam quấc âm tự vị” (1895). 

Từ dão vốn “đặc sản” của người miền Nam chăng?

Có điều lạ, từ điển ngoài Bắc như “Việt Nam tự điển” (1931),  “Từ điển tiếng Việt” (1977) không ghi nhận từ dão. Thậm chí “Đại từ điển tiếng Việt” (1999) dão xếp chung với dạo - theo nghĩa dạo/ dạo mát/ đi dạo. Mà dạo cũng là rảo, chẳng hạn một cậu học trò kể: “Cơm nước xong, trời mát, tía tôi dẫn tôi rảo một vòng quanh xóm”. “Từ điển từ ngữ Nam Bộ”, Huỳnh Công Tín có nêu thí dụ về nghĩa thứ 2 của dão: “Nói mà không chịu dão tai ra mà nghe, rồi có khi làm lại làm bậy”.

Thế thì, trong ngữ cảnh này, từ dão lại hàm nghĩa dỏng/ dóng, chẳng hạn, người bực bội: Tớ nói lần chót nè, cậu dóng tai mà nghe cho rõ”. Nghe xong, người kia vẫn phùng mang trợn mắt, gân cổ cãi lại cho bằng được; người này càng bực bèn nửa đùa nửa thật: “Cậu chỉ cãi dóng là giỏi”. Ấy cũng là cách nói lái tếu táo của người Quảng Nam.

Không chỉ đặc trái nghĩa với loãng mà tùy ngữ cảnh còn có thể là rỗng. Sau khi trò chuyện, gặp gỡ, một người nhận xét: “Ối dào, tay đó dốt đặc cán mai”, tức rất dốt. Cán mai thường được bằng loại cây đặc ruột, hoàn toàn không gì có thể chen/ chêm/ nêm vào trong được nữa. Trái ngược với sự đặc ruột đó lại là rỗng. “Kìa ai lào lạo ngoài da/ Mà trong rỗng tuếch như hoa muống rừng”. Rỗng, rỗng tuếch rỗng toác, rỗng không, rỗng hoác là không có phần lõi, không có gì bên trong. Dù thế, có kẻ lại chẳng khác gì “Thùng rỗng kêu to”, nói nhiều nhưng chẳng có thực lực, khoác lác chẳng khác gì “Ba voi không được bát nước xáo”.

Mà rỗng cũng đồng nghĩa với bộng. “Chà, hắn ta nói nhiều nhưng bộng ruột”, câu này, ngụ ý dù nói huyên thuyên nhưng trong bụng chẳng có chữ nghĩa gì; nhưng cũng hàm nghĩa bụng đói, chẳng có gì bỏ vào bụng. Thành ngữ xưa ở miền Nam có câu “Tinh ở bộng” nhằm chỉ con ma dữ nhưng nghĩa bóng lại ám chỉ con gái, đàn bà hỗn hào. 

Lê Minh Quốc
.
.