Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull: Tự do trong bảo thủ

Thứ Sáu, 29/01/2016, 08:42
Chính phủ mới của Australia - mà đứng đầu là Thủ tướng Malcolm Turnbull - sẽ rất khác biệt so với chính phủ tiền nhiệm dù đều cùng thuộc liên minh Tự do - Dân tộc.


Ông Turnbull đã miêu tả chính phủ dưới thời cầm quyền của ông sẽ nắm bắt được nhiều hơn những cơ hội trong tương lai, thay vì chỉ nhìn thấy những thách thức phía trước và tìm cách bảo toàn trật tự đã có. Khi thành lập “chính phủ thế kỷ XXI”, ông đã cho thấy một sự tập trung rõ ràng vào kỹ năng chính trị và những tài năng hàng đầu trong nội các.

Một trong những bước đi quan trọng mà Thủ tướng Turnbull thực hiện nhằm hướng đến một hình mẫu “chính phủ hoàn hảo cho tương lai” của Australia trong năm 2016 là đưa ra nhiều thay đổi liên quan đến chính sách đối ngoại, trong bối cảnh Trung Quốc đang trỗi dậy và Australia đang phải nghiêm túc xem xét lại cách thức vận hành bộ máy nhà nước.

Đối mặt thách thức

Ông Malcolm Turnbull từng rất nổi tiếng khi là một bộ trưởng có năng lực và là vị chính khách được quý trọng nhờ khả năng giao tiếp rất tự tin. 

Dù đảng Tự do theo trường phái bảo thủ, với cương vị Bộ trưởng Truyền thông, ông Turnbull lại được biết đến với những quan điểm cấp tiến, nhất là sự ủng hộ nhiệt tình đối với vấn đề biến đổi khí hậu, chính sách năng lượng tái tạo và hôn nhân đồng giới. Tuy nhiên, điều này khiến các thành viên trong đảng Tự do không mấy hài lòng. Họ thậm chí bày tỏ lo ngại rằng, khi ông Turnbull trở thành Thủ tướng Australia, những chính sách cốt lõi của đảng có thể sẽ bị phá hủy hoàn toàn.

Trên thực tế, ông Malcolm Turnbull có những đặc điểm nổi bật của một nhà lãnh đạo nhiều năng lực. Nhưng ông lại không nhận được sự yêu mến và tín nhiệm trong đảng bởi có xu hướng đi theo cánh tả trong khi các thành viên khác lại chọn đường lối cánh hữu.

Bên cạnh đó, một số nghị sỹ trong liên minh đảng cầm quyền, do không đồng tình với việc cựu Thủ tướng Tony Abbott bị lật đổ một cách chóng vánh, đã cảnh báo không hợp tác nếu ông Turnbull không đáp ứng một số yêu cầu của họ. Còn đảng Lao động đối lập đã ngay lập tức chỉ trích Malcolm Turnbull là một triệu phú hoàn toàn xa lạ với cuộc sống của người dân Australia.

Vấn đề ở chỗ, ông Turnbull sẽ không thể thúc đẩy thay đổi quá nhanh. Mặc dù một số thành viên then chốt trong “đội bảo vệ cũ” của những người cực kỳ bảo thủ thời Thủ tướng Tony Abbott đã bị loại bỏ khỏi nội các, song vẫn còn một nhóm những người thuộc trường phái đó ở trong Nghị viện, thậm chí ở ngay trong nội các của ông Turnbull. 

Thay đổi quá nhiều và quá nhanh sẽ tạo ra mâu thuẫn với lối tư duy bảo thủ của những người này, và họ chưa chắc sẽ ủng hộ bất cứ sự thay đổi lớn nào về chính sách. Dù vậy, Thủ tướng Malcolm Turnbull vẫn cứng rắn tuyên bố, chính phủ của ông sẽ là một chính phủ tự do, hướng tới từng cá nhân, tận dụng mọi lợi thế trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay.

Thủ tướng Malcolm Turnbull tuyên bố xây dựng hình ảnh một chính phủ tự do, hướng tới từng cá nhân, tận dụng mọi lợi thế trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay.

Ưu tiên hàng đầu của ông Turnbull là “thổi luồng gió mới” vào nền kinh tế Australia, tập trung xây dựng kinh tế và xã hội như nền tảng của an ninh quốc gia trong xu thế toàn cầu hóa. Chính khách này tự tin sẽ đưa Australia trở thành một quốc gia đầy sáng tạo, linh hoạt và luôn đổi mới, thông qua một nội các biết tôn trọng ý nguyện của người dân, có khả năng ứng phó với các vấn đề phức tạp bằng những quyết sách kịp thời và thích hợp. Chính phủ của ông cũng sẽ có cách tiếp cận nhẹ nhàng hơn trong vấn đề khủng hoảng di cư, tránh sử dụng các biện pháp cứng rắn trước đây như trục xuất những thuyền tị nạn đến hải phận Australia.

Thủ tướng Malcolm Turnbull khẳng định sẽ không kêu gọi bầu cử trước thời hạn nhằm tận dụng lợi thế hay để củng cố quyền lực khi tuyên bố Quốc hội hiện hành sẽ hoạt động hết nhiệm kỳ, có nghĩa là cuộc tổng tuyển cử sắp tới vẫn được tổ chức theo dự kiến vào tháng 9/2016.

Trong việc xây dựng nền tảng cho cuộc bầu cử năm 2016, Thủ tướng Turnbull sẽ nhấn mạnh về cải cách kinh tế trong nước và tham vọng đạt được nhiều thành tựu đáng kể về chính sách ngoại giao. Dư luận hiện đang rất quan tâm về chiến lược đối ngoại của ông Turnbull, liệu có sự thay đổi nào về lập trường của Australia đối với các vấn đề quan trọng của khu vực hay vai trò của nước này tại các diễn đàn quốc tế hay không.

Kì vọng đổi thay

Các chuyên gia cho rằng, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Malcolm Turnbull, Australia trong năm 2016 sẽ chứng kiến những thay đổi tinh tế trong chính sách ngoại giao với Mỹ và Trung Quốc. Sẽ có sự nhận thức lớn hơn rằng, một trật tự cũ ổn định khu vực do Mỹ đứng đầu đã chấm dứt. Trung Quốc hiện là người chơi mới nắm trong tay quyền lực trên sân khấu khu vực, và cần phải có những thay đổi trong vị thế chiến lược của Australia.

Ông Turnbull nhấn mạnh đến sự xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ, và nhận định Trung Quốc là chìa khóa cho sự tái cân bằng kinh tế, đem lại cơ hội khổng lồ. Do đó, Canberra có lẽ sẽ bớt phụ họa theo Washington khi có những phê phán chỉ trích Bắc Kinh. Đứng trước bối cảnh này, Thủ tướng Turnbull lựa chọn theo đuổi cách tiếp cận cân bằng và mang tính ngoại giao ôn hòa hơn đối với Bắc Kinh.

Ưu tiên hàng đầu của ông Turnbull là “thổi luồng gió mới” vào nền kinh tế Australia, tập trung xây dựng kinh tế và xã hội như nền tảng của an ninh quốc gia.

Rõ ràng, Australia cần hình thành cách tiếp cận linh hoạt và cân bằng hơn đối với hai cường quốc kể trên. Thủ tướng Malcolm Turnbull coi Trung Quốc là nhân tố đã làm thay đổi tình hình địa chính trị hiện nay, nhưng cho rằng Mỹ là yếu tố bảo đảm hòa bình ổn định tại khu vực. Ông từng chỉ ra những hạn chế trong việc phản ứng của Washington trước thái độ quyết đoán của Bắc Kinh.

Mặt khác, ông cũng chỉ trích cách thức ứng xử của Bắc Kinh, yêu cầu Trung Quốc cần minh bạch hơn về các mục đích “mờ ám” trong khu vực. Nói là vậy, nhưng ông cũng rất thận trọng và khôn ngoan khi không “nghiêng” về bất cứ phe nào trong các tranh chấp lãnh thổ liên quan tới Bắc Kinh, mà chỉ quan tâm việc đi lại không bị cản trở tại các vùng biển và tuyến đường hàng hải quốc tế.

Bên cạnh đó, Australia cần nhìn lại các lợi ích quan trọng trong chính khu vực ở vào thời kỳ được cho là “thế kỷ châu Á”. Chính quyền Turnbull mong muốn có sự thay đổi cơ bản, chú trọng đến châu Á hơn so với các mối quan hệ truyền thống với Mỹ hay châu Âu. 

Theo đó, chính sách đối ngoại dưới thời ông Turnbull sẽ phải “đều đặn giao tiếp” hơn nữa với các nước châu Á và Tây Nam Thái Bình Dương, hướng tới sự phát triển của cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương. Về lâu dài, không có mối quan hệ nào quan trọng đối với Australia hơn Indonesia và New Zealand.

Trong các chuyến công du nước ngoài gần đây, Thủ tướng Turnbull đã khẳng định tầm quan trọng về việc củng cố “tình bằng hữu”, cũng như đề xuất thắt chặt hợp tác trong một số vấn đề khu vực với hai quốc gia này. Ngoài ra, một viễn cảnh dài hạn là Australia có thể tham gia ASEAN. Điều này, nếu đạt được, sẽ là sự phát triển logic trong chiến lược can dự lâu dài của chính quyền Turnbull với châu Á.

Một hồ sơ đối ngoại khác cũng cần Malcolm Turnbull lưu tâm trong năm 2016 chính là sự can thiệp của Australia tại những “điểm nóng” ở Trung Đông. Ông Turnbull chủ trương cho phép Australia tham gia huấn luyện quân sự ở Iraq và mở rộng những cuộc không kích hỗ trợ chiến dịch của các lực lượng Iraq tấn công các mục tiêu của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). 

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định, sự có mặt của Australia tại Trung Đông sẽ không đóng góp nhiều cho việc đánh bại IS hay đảm bảo duy trì tính ổn định và dân chủ ở Iraq và Afghanistan. Có vẻ như, chính quyền Turnbull chỉ muốn ủng hộ đồng minh Mỹ, trong khi đó các chính sách của Mỹ lại tỏ ra thất bại. Sự tham gia của Australia chỉ mang tính biểu tượng.

Năm 2016 được coi là thời điểm quan trọng để ông Malcolm Turnbull thể hiện vị thế quốc tế của Australia như một quốc gia độc lập hơn, với chính sách đối ngoại và an ninh không cần phải phù hợp với các chính sách của Mỹ hay xuất phát từ sự lo ngại đối với Trung Quốc, mà dựa vào các lợi ích quốc gia thực sự.

Cùng với nội các mới là những chính sách được hứa hẹn thay đổi theo hướng tự do, độc lập hơn, khiến dư luận Australia đặt nhiều kỳ vọng vào vị tân Thủ tướng này. Tuy nhiên, hiệu quả thực sự từ những “lời hứa có cánh” của vị Thủ tướng Australia thứ 29 vẫn còn đang ở phía trước. Để hoàn thành chiến lược đưa Australia trở thành “cường quốc hạng trung” có vai trò và vị thế nhất định trong khu vực và trên phạm vi toàn cầu, Chính phủ Malcolm Turnbull cần lắng nghe nhiều hơn, hành động quyết liệt hơn, và nói ít hơn…

Anh Doãn
.
.