Thẳng thắn và trách nhiệm

Thứ Hai, 10/06/2019, 09:26
“Tư lệnh ngành” là khái niệm do nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An dùng để chỉ các vị bộ trưởng, trưởng ngành. 

Việc chất vấn “tư lệnh ngành” lâu nay đã trở thành một phần cấu thành của kỳ họp Quốc hội và sự quan tâm thế nào tùy thuộc vào tính sống động, lôi cuốn của nó, bao gồm 3 bên: người chất vấn (đại biểu Quốc hội), người trả lời (bộ trưởng) và người điều hành chất vấn (thường là Chủ tịch Quốc hội).

Kỳ họp thứ 7 là lần đầu tiên Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội. Tại những kỳ họp trước, Bộ trưởng Tô Lâm thường trả lời với tư cách là thành viên Chính phủ, tham gia làm rõ thêm những vấn đề đại biểu, cử tri quan tâm. 

Bởi sự đổi mới trong chất vấn, trả lời chất vấn, những vấn đề đặt ra trong lĩnh vực đảm bảo an ninh trật tự cùng sự đăng đàn lần đầu tiên nên phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Tô Lâm thu hút sự quan tâm của đại biểu và cử tri cả nước.

Tội phạm mua bán, vận chuyển ma túy, nhất là việc gia tăng những đường dây vận chuyển ma túy với số lượng rất lớn là một trong các vấn đề đại biểu quan tâm, đặt câu hỏi chất vấn. 

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) nêu 3 ý:

Một, có phải chúng ta chưa đánh ma túy mạnh như một số nước trong khu vực nên tội phạm đã chọn Việt Nam là địa bàn để trung chuyển ma túy đi các nước hay không? 

Hai, lỗ hổng trong công tác kiểm soát ma túy tại các cửa khẩu hiện nay là gì mà một số lượng ma túy lớn đã xâm nhập vào nội địa?

Ba, ngành công an có giải pháp mạnh mẽ và đột phá nào để xử lý 2 vấn đề nêu trên.

Bộ trưởng Tô Lâm trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội.

Với sự thẳng thắn và trách nhiệm, Bộ trưởng Tô Lâm đã trả lời rõ những vấn đề này. 

“Trước hết phải khẳng định, tội phạm ma túy là một vấn đề của tội phạm quốc tế, không một quốc gia nào có thể không có sự hợp tác mà giải quyết được tội phạm ma túy. Chúng tôi đã tính đến những nguy cơ tội phạm ma túy ở Việt Nam phát triển, tức là chúng ta rất gần vùng trung tâm thứ 2 sản xuất ma túy là Tam giác vàng” - Bộ trưởng chỉ rõ. 

Tình hình về ma túy trên thế giới hiện nay có những diễn biến phức tạp, nhiều nước hợp pháp hóa về ma túy. Riêng đối với Việt Nam, với Asean đã có lập trường chung về phòng chống ma túy. Bộ Công an đã đánh giá được tình hình phức tạp và dự báo trước. 

Năm 2018, đã triển khai những biện pháp tích cực ngăn chặn nguồn ma túy rất lớn chiếm 70% vào nước ta qua các tỉnh Tây Bắc, chủ yếu là Điện Biên, Hòa Bình và Sơn La. Sau khi bị trấn áp mạnh, các đối tượng ma túy chuyển hướng hoạt động vào các tỉnh miền Trung, thậm chí miền Nam. 

Đặc biệt, đầu năm 2019 đến nay, phát hiện có sự can thiệp chỉ đạo của các tội phạm ma túy là người nước ngoài không chỉ hoạt động ma túy ở Việt Nam mà nhiều nước khác. “Với sự quyết tâm cao của hệ thống chính trị, chúng tôi đã “đánh mạnh”, hoàn toàn ngăn chặn được tội phạm ma túy và không để Việt Nam là địa bàn trung chuyển ma túy ra thế giới” - Bộ trưởng khẳng định.

Bộ trưởng Tô Lâm cũng chỉ rõ những thách thức đặt ra trong đấu tranh phòng, chống ma túy. Một là, chúng ta đang ở rất gần trong vòng xoáy trung tâm lớn thứ hai về ma túy của thế giới. Hai là, số người nghiện ma túy tiếp tục gia tăng. Đây là một thách thức lớn, tội phạm này có diễn biến rất phức tạp. 

Hiện nay có những khó khăn, vướng mắc về mặt pháp luật đặt ra như việc đơn giản hóa thủ tục đưa người vào các cơ sở cai nghiện, vấn đề giám định hàm lượng chất ma túy, hướng dẫn áp dụng một số vấn đề trong Luật Phòng, chống ma túy và Bộ luật Hình sự (người sử dụng ma túy không bị xử lý hình sự).

Từ việc nêu rõ hiện trạng, thách thức, Bộ trưởng cũng chỉ ra một số giải pháp chính. Đây là sự đầy đủ trong nội dung trả lời chất vấn, bởi yêu cầu đặt ra của chất vấn là tìm giải pháp tháo gỡ tồn tại, khó khăn. 

Bộ trưởng nêu rõ, thứ nhất, tiếp tục khẳng định quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước, nhân dân đối với loại tội phạm này, lực lượng công an quyết tâm đấu tranh với loại tội phạm này. Thứ hai, khẩn trương ưu tiên tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc về pháp luật. Thứ ba, thực hiện đồng bộ, song song các giải pháp chặn nguồn cung, giảm nguồn cầu trong nước đối với tội phạm ma túy. Thứ tư, tiếp tục tăng cường nguồn lực, sự phối hợp chung giữa các lực lượng về phòng, chống ma túy.

“Tăng cường sự phối hợp giữa các lực lượng và tuyên truyền vận động sự ủng hộ của nhân dân, ở đâu cũng phải có người dân vào cuộc thì cuộc đấu tranh với tội phạm ma túy mới đạt kết quả, để chúng ta không trở thành một địa bàn trung chuyển ma túy trên thế giới, đất nước ta sẽ phát triển” - Bộ trưởng khẳng định.

Về việc kiểm soát ma túy tại cửa khẩu thì thế nào, có lỗ hổng không? Bộ trưởng cho biết, chúng ta mở cửa phát triển kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Kiểm soát hải quan chủ yếu là cửa xanh, các đối tượng lợi dụng chính sách thông quan về hàng hóa thuận lợi để trà trộn, giấu ma túy vào hàng hóa qua cửa khẩu. 

Trong khi đó, những phương tiện, điều kiện để kiểm soát ở cửa khẩu, công tác phối hợp giữa các lực lượng trong triển khai cửa khẩu còn có những khó khăn. 

Hiện nay, lực lượng biên phòng kiểm tra chính ở cửa khẩu, lực lượng công an đấu tranh với tội phạm ma túy trong nội địa và phối hợp ở nước ngoài. Khu vực cửa khẩu, “chúng tôi sẽ tính toán và đề xuất có sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa các lực lượng”.

Trả lời rõ thêm chất vấn của đại biểu về việc này, Bộ trưởng Tô Lâm thẳng thắn nhìn nhận, việc đấu tranh ngăn chặn, thậm chí kể cả việc phát hiện ra những đường dây, những vụ án ma túy lớn vừa qua là trách nhiệm phối hợp của các cơ quan. 

“Chúng tôi đánh giá phối hợp rất tốt thì mới phát hiện, xử lý được. Còn việc thẩm lậu vào trong nước, trong đó có trách nhiệm của nhiều cơ quan, kể cả của lực lượng công an. Đây là những tội phạm rất mới, diễn biến của tội phạm thì chúng tôi đã có những biện pháp để ngăn chặn. Bên cạnh đó, cũng thấy những sơ hở của các lực lượng trong việc này” - Bộ trưởng nhìn nhận.

Có đại biểu chất vấn, đề nghị kiểm tra, xử lý cán bộ công an “bảo kê tội phạm”. 

Từ việc phân tích, đánh giá đặc điểm tình hình, thủ đoạn mua chuộc, lôi kéo của tội phạm, Bộ trưởng Tô Lâm chỉ rõ: Những loại hoạt động như vậy, chủ trương của Đảng, Nhà nước cũng như lực lượng công an kiên quyết loại trừ, loại bỏ những cán bộ không chịu được áp lực, bị tội phạm tấn công, lôi kéo, mua chuộc và xử lý rất nghiêm những trường hợp bảo kê, từ xử lí hành chính đến hình sự. Đồng thời cũng cần bảo vệ cán bộ trong trường hợp bị vu khống, xuyên tạc. 

“Nếu cộng tác với tội phạm, vi phạm pháp luật thì dứt khoát phải xử lí, vừa qua cũng xử lý rất nghiêm, không có vùng cấm, bất kể ở cấp nào, đây là sự kiên quyết, quyết liệt của Bộ Công an. Chúng tôi kiên quyết chống sự bảo kê đó để khôi phục lòng tin của nhân dân đối với lực lượng công an” - Bộ trưởng nêu rõ quan điểm.

Đại biểu Quốc hội chất vấn tại hội trường.

Chất vấn tại Quốc hội là hỏi để làm rõ những vấn đề nóng, nổi cộm đặt ra trong ngành, lĩnh vực thuộc bộ, ngành đó. Cho nên, hỏi trong chất vấn là hỏi để làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Người trả lời chất vấn nắm chắc, rõ từng lĩnh vực mình phụ trách và phải trên tinh thần thẳng thắn, cầu thị thì mới trả lời trúng và đúng yêu cầu, đáp ứng được nguyện vọng của đại biểu và cử tri. Việc trả lời rõ ràng, hết sức thẳng thắn, trách nhiệm của Bộ trưởng Tô Lâm, nhất là làm rõ các vướng mắc, bất cập và đề ra giải pháp tháo gỡ..., được đại biểu Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao. 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, cuộc chiến chống ma túy rất gian khổ, ác liệt không chỉ là nhiệm vụ của ngành công an mà là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, từng gia đình. 

“Mới chiều hôm qua (3-5-2019), đã có một chiến sỹ hi sinh ở đồn biên phòng Bát Mọt, Thanh Hóa và 2 chiến sỹ biên phòng bị thương nặng cũng trong cuộc chiến chống tội phạm ma túy. Có thể nói, thời gian vừa qua, lực lượng công an, biên phòng đã phối hợp rất tốt để ngăn chặn và phát hiện, bắt giữ nhiều vụ ma túy. Nếu như không phát hiện được lượng ma túy đó thì chúng ta hình dung xem nó sẽ gây tác hại như thế nào đến đời sống của xã hội, đến từng gia đình và thế hệ trẻ của chúng ta” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chia sẻ.

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) cho rằng, với phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Tô Lâm trước nghị trường, “tôi thấy Bộ trưởng đã đi thẳng vào vấn đề, nội dung các câu chất vấn. Đặc biệt là xác định rõ trách nhiệm của cá nhân, của ngành, đưa ra được kiến giải về những hiện tượng, tình hình hoạt động tội phạm đang diễn ra và những giải pháp để ngăn chặn, đấu tranh nhằm làm tốt hơn nữa công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật hiện nay”. 

Đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) thì bày tỏ: “Tôi tin là với cách trả lời, giải quyết vấn đề như vậy đã góp phần giúp cán bộ, đảng viên, nhân dân, đặc biệt cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang có thể nhìn nhận tổng quan hơn các vấn đề, cũng như giải pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung, tội phạm ma túy nói riêng”.

An Nhi
.
.