Mối tình đầu dài 47 năm của một nữ tù binh cộng sản

Chủ Nhật, 24/07/2016, 21:18
Bạn đọc thân mến! Thời chống Mỹ, tôi ở Trung Đoàn 14, Sư đoàn 7 miền Đông Nam Bộ. Chiến tranh khốc liệt vô cùng, nhưng cũng có nhiều ký ức sâu sắc, xúc động.


Tôi xin kể cho bạn đọc nghe một câu chuyện rất cảm động, liên quan đến tôi và đồng đội của tôi. Đó là chuyện tình của chị Hoàng Thị Kim Ngân, một nữ tù binh người Quảng Trị được chính quyền Sài Gòn trao trả tháng 4-1973 ở Lộc Ninh.

Câu chuyện bắt đầu từ “Đêm nói tiếng Quảng Trị ở Lộc Ninh” cho đến ngày hôm qua đây, chị Kim Ngân tìm đến nhà tặng vợ chồng tôi tập sách “Tình quê và tình đời” dày 230 trang, bìa cứng sang trọng, của đồng tác giả Hồng Tư và Lệ Ngân, kể về mối tình đầu vượt thời gian của họ…

Chị Hoàng Thị Kim Ngân sinh năm 1943, quê ở thôn Bích Khê, xã Triệu Long, Triệu Phong, Quảng Trị. Họ Hoàng ở Triệu Phong nhiều người nổi tiếng như nhạc sĩ Hoàng Thị Thơ, hai anh em nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan .v.v... 

Tôi quen chị Ngân từ năm 1973, quen thân gia đình anh Hoàng Phủ Ngọc Tường ba chục năm trời ở Huế, thế mà tôi chỉ biết chị Ngân là vợ anh Nguyễn Sự, Trưởng Ban lịch sử Đảng của tỉnh Thừa Thiên Huế (đã mất). 

Chỉ biết anh chị lấy nhau và có một người con gái nuôi, đã có cháu… Tôi không hề biết , trước anh Sự, chị Ngân có một mối tình đầu lúc tuổi hai mươi mà đến 47 năm sau mới gặp lại nhau, thật đẹp, thật ám ảnh…

Chị Ngân kể rằng, cách đây hai năm, hôm đó chị ở nhà. Bỗng có chuông điện thoại. Người bên kia máy, giọng nữ, hỏi: “Xin cho tôi hỏi, đây có phải là nhà cô Lệ Ngân không ạ? (Lệ Ngân là bút danh của chị Ngân khi làm thơ).

Bất ngờ và hồi hộp. “Đúng rồi, tôi là Ngân đây, chị ở đâu mà biết Lệ Ngân?”. “Năm 1967, 1968 chị công tác ở đâu?”. “Tôi làm việc tại Trạm Quân y miền Tây Quảng Trị”. “Chị nhớ ai là thủ trưởng Trạm Quân y?”. “Tôi nhớ chứ. Đó là đồng chí Hoàng Hữu Hải”. “Chị có quen ai là Lê Hồng Tư…”. 

Nghe đến cái tên Hồng Tư, người chị Kim Ngân như điện giật. Chị rối rít: “Có! Có! Tôi quen anh ấy…”. Rất nhanh, người cầm máy là chị Lộc, nguyên Phó Bí thư Huyện ủy Hướng Hóa, Khe Sanh quen và có số điện thoại chị Ngân, đưa máy cho người đàn ông đang chờ bên cạnh.

Giọng anh run lên vì cảm động, vì nghẹn ngào: “Thôi, đúng là Lệ Ngân rồi, anh Lê Hồng Tư đây Ngân ơi! Anh đọc bài lưu bút năm xưa, em đã ghi vào cuốn sổ của anh, cho em nghe nhé?”. “Thôi anh đừng đọc. Em khóc mất!”. Và chị Ngân nghe tiếng anh Tư nấc ở đầu dây bên kia… Ôi, 47 năm mới nghe tiếng anh nói.

Đó là giây phút họ nhận ra nhau sau 47 năm 2 tháng mối tình đầu ly biệt. Không đợi ngày mai, bất chấp đã 7 giờ tối, đường núi đèo Khe Sanh heo hút. Anh Tư bắt xe về Huế. Gần nửa đêm mới về tới Huế. 

Tác giả cùng đồng đội vào Lộc Ninh tháng 4-1973.

Anh đã về đường Lê Hồng Phong nơi chị ở. Nhưng oái oăm thay, điện thoại lại hết pin, phố xá vắng tanh. Hỏi ai đây! May còn một quán nhỏ chưa đóng cửa. Anh Tư mượn máy của người bán quán, lắp sim của mình vào để gọi chị. Thì ra chị Ngân đã ra đầu phố đợi anh. Thế là họ ôm chầm lấy nhau như một đôi tình nhân trẻ. Cả anh chị đều trào nước mắt, nấc lên bên vai nhau. Xa nhau ở tuổi đôi mươi, nay gặp lại cả hai anh chị đầu đã bạc. Ôi, còn gì hạnh phúc hơn, sung sướng hơn một mối tình đầu 47 năm mới gặp lại!

Câu chuyện bắt đầu từ những ngày đầu tháng 2-1967 tại Bệnh xá quân y miền Tây Quảng Trị. Anh Lê Hồng Tư, sinh năm 1942 ở Hà Nội, quê gốc Hải Dương, lúc đó là lính đặc công, thuộc Bộ Tổng tham mưu. 

Anh vào chiến trường Quảng Trị từ năm 1964. Trong một trận đánh lớn với quân Mỹ, anh bị thương nặng. Đồng đội cáng anh về Trạm quân y. Y tá trưởng Hoàng Thị Kim Ngân đưa anh vào hồi sức cấp cứu. Bác sĩ Hoàng Hữu Hải, bệnh viện trưởng trực tiếp mổ. 

Sau hai ngày mê man, tưởng không qua khỏi, sắc mặt anh nhợt nhạt, môi thâm tím, huyết áp tụt, mạch không đếm được. Y tá Ngân đưa anh về phòng hậu phẫu, trực tiếp chăm sóc vết thương cho anh. Nói là “phòng hậu phẫu” nhưng thực chất là một góc rừng, có hầm, có lán để thương binh nằm. Anh được cô gái Ngân chăm lo thuốc men, truyền huyết thanh, thay băng lau rửa , bón từng thìa cháo…, rất chu đáo, như một người em đối với anh của mình. 

Sau này anh Lê Hồng Tư thường tâm sự: “Cha mẹ sinh ra tôi. Các cô gái quân y Quảng Trị sinh ra tôi lần thứ hai, trong đó có Lệ Ngân”. Từ đó giữa họ nảy nở một mối tình. Sở dĩ anh hay gọi Lệ Ngân là do lúc nào tỉnh dậy anh cũng thấy Ngân bên cạnh, mắt đỏ hoe vì thương anh, khóc nhiều. Lệ Ngân không chỉ chăm sóc thương binh tận tình, mà còn biết làm thơ động viên thương binh. Ngày đó, chị viết tặng anh: “Thuốc men, cơm cháo vẹn toàn/ Thấy anh ăn được là an tấm lòng...”.

Hôm tiễn anh về hậu phương an dưỡng, trong cuốn sổ lưu bút của anh, chị viết cả trang liền, những câu chữ nồng nàn, tha thiết: “Sau này dù có sống ở nơi chân trời góc bể nào anh cũng đừng quên em, người bạn gái đang ngày đêm trên tuyến đầu đánh Mỹ và là người em yêu, anh yêu thương của em!”. Rồi chị ghi đầy đủ địa chỉ quê quán cho anh, dặn anh nếu hòa bình còn sống phải tìm về!

Sau này trở lại đơn vị chiến đấu, đi khắp các chiến trường, Lê Hồng Tư đọc nằm lòng những dòng lưu bút của Lệ Ngân. Anh chiến đấu rất dũng cảm, nhiều lần được phong tặng dũng sĩ diệt Mỹ. 

Tháng 2-1968, một năm xa người yêu Lệ Ngân, anh được cấp trên chọn tham gia phái đoàn 23 người của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra thăm Bác Hồ. Tháng 9-1969, anh lại được cử tham gia phái đoàn miền Nam ra viếng Bác. Năm 1986 anh “ra quân” với quân hàm trung tá, ngực đầy huân huy chương, về quê, là thương binh 2/4.

Suốt 47 năm, anh Hồng Tư đau đáu một lần gặp lại người yêu Lệ Ngân. Gặp ai người Quảng Trị anh cũng hỏi thăm. Nhưng không ai biết chị ở đâu. Rồi anh lập gia đình ở quê. Nhưng nỗi niềm ly biệt đã đưa anh đến với thơ. 

Anh Hồng Tư năm 1974.

Anh đã làm hàng trăm bài thơ, trong đó có rất nhiều bài viết về mối tình đầu của mình đối với cô quân y Quảng Trị. Ngắm trăng ở chiến trường, anh nhớ Lệ Ngân:Gửi thương theo bóng trăng ngà về em (Trăng); Khi bão lòng/ Gieo vần thơ thân ái/ Khi thơ cười/ Đời khắc khoải nỗi đau (Tình thơ)

Một năm xa người yêu Hồng Tư, sau Mậu Thân 1968, kỵ binh bay của Mỹ đổ quân vào hậu cứ Bệnh viện Quân y Quảng Trị. Chị Hoàng Kim Ngân đưa thương binh đi sơ tán.

Khi trở về bị lính Mỹ phục kích bắn bị thương gãy chân và bắt đưa vào Trại giam Phú Tài, một trại giam dành cho nữ ở Bình Định. Cho đến tháng 4-1973 chị được trao trả. Trong nhà lao Phú Tài có 41 chị em Quảng Trị, tuổi đời còn rất trẻ. 

Chỉ có 3 chị có chồng tập kết ra Bắc, còn 38 chị tuổi từ 17 đến 25 chưa lập gia đình. Vào trại giam, bị cai ngục đánh đập hàng ngày. Ăn thì gạo mốc, gạo hẩm. Nước thì thiếu không có để tắm giặt. Con gái mà không có nước để tắm rửa là một cực hình. 

Bị tra tấn đánh đập tàn nhẫn, lại không có thuốc men chữa trị, một số chị em đã chết. Nhiều chị em bị triệt đường sinh sản. Cả chị Kim Ngân cũng bị đánh đập, sau này lấy anh Nguyễn Sự, chị cũng không thể sinh nở được nữa. 

Hàng ngày hai buổi sáng và chiều, bọn giám thị Trại giam Phú Tài bắt chị em ra sân điểm danh và chào cờ ba que. Chị em đấu tranh không chào cờ. Chúng bắt chị em gặp sĩ quan Mỹ, sĩ quan quân đội Sài Gòn thì phải chào theo kiểu nhà binh, chị em cương quyết chống đối. Chị Ngân đứng lên đấu lý với bọn giám thị: “Chúng tôi là tù binh có quyền giữ lý tưởng của mình. Chúng tôi không chào cờ Sài Gòn và không chào những sĩ quan khác lý tưởng!”.

Chị Kim Ngân năm 1976, lúc chuyển ngành.

Trong tù, chị Ngân là đảng viên, bí thư chi đoàn, Đội trưởng Đội thanh niên quyết tử. Chi bộ Đảng đầu tiên tại nhà lao Phú Tài thành lập ngày 19-8-1968, lấy tên là Chi bộ Bất Khuất, ký hiệu là BK 1968. Chị mở lớp văn hóa dạy cho hơn 50 chị em tù, mặc cho kẻ thù ngăn cản, đánh đập, nhốt biệt giam chuồng cọp, chị vẫn duy trì lớp học cho đến khi ra tù, được trao trả về Đoàn 210, Trung ương Cục miền Đông Nam Bộ. 

Ở trong tù chị luôn nhớ về anh, một thương binh người miền Bắc chị đã đem lòng thương yêu. Năm 1976, chuyển ngành, chị không biết anh ở đâu để tìm… Thế rồi chị lập gia đình...

Dịp may mắn là năm 2014, Trung tá Lê Hồng Tư là cựu chiến binh được mời về dự Đại lễ cầu siêu đồng đội và xây dựng Bảo tháp Khe Sanh tri ân các chiến sĩ đã ngã xuống trên mảnh đất Quảng Trị. Dịp này, anh Tư quyết tâm tìm cho bằng được cô quân y thon nhỏ, cao ráo, nhanh nhẹn đội mũ tai bèo Lệ Ngân năm xưa đã từng chăm sóc, yêu thương anh, mà anh thương nhớ bao năm. 

Anh tuyên bố một câu làm mọi người sửng sốt bất ngờ: “Nếu Lệ Ngân đã mất thật, thì dù có đào xới cả khu rừng miền Tây Quảng Trị  này, tôi cũng làm để tìm cho được hài cốt của cô ấy!”. 

May mắn thay cho anh Hồng Tư, anh hỏi dò nhiều người và cuối cùng, chị Lộc, nguyên Phó Bí thư Huyện ủy Hướng Hóa, cùng dự Lễ cầu siêu, biết chị Ngân. Và hai cựu chiến binh, hai thương binh, hai người có mối tình đầu tiên đã gặp nhau nức nở ở Huế như trên đã kể.

Mối tình đầu 47 năm sau mới gặp lại. Anh 75 tuổi, chị 74 tuổi, ai cũng đã thành ông, thành bà, nhưng tình yêu đầu sống lại nồng nàn theo cách riêng của nó, rất đẹp và rất cảm động. 

Anh làm thơ tặng chị, chị làm thơ tặng anh, chị viết hồi ức kể lại những năm tháng xa nhau, những ngày ở trong nhà lao giặc. Và hai người Hồng Tư – Lệ Ngân đã đứng tên đồng tác giả, in chung tập thơ văn Tình quê và tình đời (*). Vâng, đó là một mối tình chung thủy vẹn tròn mà chỉ có những cựu chiến binh Việt Nam mới có! 

Huế, tháng 5-2016

(*): Tình quê và Tình đời, Hồng Tư và Lệ Ngân, NXB Thuận Hóa, 2016.

Khôi Minh
.
.