Tanzania những lát cắt trên hòn ngọc Châu Phi

Kỳ 1: Đắm say và sợ hãi… ở “Hawaii của Phi châu”

Thứ Ba, 19/04/2016, 09:43
Chúng tôi đặt chân đến Zanzibar, hòn đảo được vinh danh với nhiều cái tên mỹ miều như “Hawaii của Phi châu”, “Thiên đường biển”, “Điểm phải đến của tuần trăng mật”… trong một thời điểm không mấy thích hợp, khi bộ ngoại giao của nhiều quốc gia đưa ra khuyến cáo: không nên du lịch trong thời điểm bầu cử Tổng thống Tanzania.

Nhưng cũng chính vì thế, chúng tôi đã được sống trong một bầu không khí kỳ lạ, khó có thể quên trong đời: lúc thì tĩnh lặng và yên ả như thiên đường, lúc thì rộn rã, điên cuồng đến mức nguy hiểm… khi màn đêm buông xuống. Bầu không khí kỳ lạ xen lẫn hiểm nguy này, cứ mỗi 5 năm, mới lại diễn ra một lần.

1. Chuyến tàu tốc hành từ thủ phủ tài chính Dar es Salam mới chớm bước vào địa phận vùng biển của khu bán tự trị Zanzibar, toàn bộ cảnh quan vùng biển đã đột ngột thay đổi. Những cơn sóng ngang dữ dằn và vùng biển đen thẫm đã hoàn toàn lùi lại phía sau, nhường chỗ cho một vùng biển êm ả xanh ngăn ngắt một màu lục bảo. 

Từ trên boong thượng hạng của con tàu tốc hành nhập khẩu, mà độ sang trọng và cầu kỳ còn vượt xa những chuyến tàu tốc hành của châu  Âu, du khách có thể bao trọn tầm mắt hình ảnh những bãi cát trắng mịn, tô điểm cho những căn nhà cao tầng kiến trúc kiểu thuộc địa Bồ Đào Nha, Anh quốc pha lẫn Hồi giáo, nổi bật lên lấp lóa trong ánh nắng sớm.

“Hawaii của Phi châu” đón khách du lịch trong một không khí khá căng thẳng và nghiêm ngặt về an ninh. Những người lính được vũ trang đến tận răng, mặt lạnh lùng, cẩn trọng đưa ánh mắt lục soát những dấu hiệu khả nghi. Tất cả hành khách đều phải xếp hàng lần lượt qua cửa kiểm soát, hành lý bị kiểm tra cẩn thận bằng tay, đóng dấu nhập cảnh, rồi mới được chính thức đặt chân vào địa phận Zanzibar.

Seif Haroud, phụ trách một công ty du lịch kiêm làm đại lý cho hãng thuê xe tự lái nổi tiếng Hertz trên đảo Zanzibar, ra sức trấn an khách, rằng không sao cả, rằng khách du lịch phương Tây vẫn đổ về Zanzibar trong thời điểm nhạy cảm này để hưởng mức giá du lịch ưu đãi. 

“Cứ đi thoải mái, chỗ nào cũng được, miễn sao về trước buổi tối. Và đặc biệt, tuyệt đối đừng có thể hiện quan điểm về chính trị trước các đám đông ủng hộ tại các điểm bầu cử. Chỉ cần nhỡ mồm nhầm lẫn giữa CCM (đảng Cách mạng Tanzania) và  đảng CUF (đảng Mặt trận Thống nhất Nhân dân, đảng đối lập chính tại Zanzibar), là cái xe này nát tan khi đi qua đám đông đấy”, Seif Haroud dặn dò cẩn thận rồi trao cho phóng viên Chuyên đề An ninh thế giới Giữa tháng - Cuối tháng chiếc chìa khóa xe.

Lời dặn dò của Seif Haroud là không thừa. Zanzibar luôn là một “điểm nóng” mỗi mùa bầu cử. Với đặc thù là một khu bán tự trị, quần đảo gồm 2 hòn đảo lớn này có tính độc lập tương đối với chính quyền trung ương. 

Rừng tràm, rừng đước nguyên sinh bao phủ gần như toàn bộ bán đảo Uzi.

Tổng thống của Zanzibar là nguyên thủ về các vấn đề nội bộ của quần đảo, đồng thời kiêm nhiệm chức danh Phó Tổng thống Cộng hòa Thống nhất Tanzania. Zanzibar cũng có viện dân biểu riêng để làm luật cho quần đảo. Vì vậy, các thế lực chính trị nước ngoài vẫn cố gắng gây ảnh hưởng tại vùng đất đa số là người Hồi giáo này. 

Bản thân chính quyền của quần đảo đã có lịch sử thường phủ nhận kết quả bầu cử của chính quyền trung ương, và thường yêu cầu tuyên bố vô hiệu để bỏ phiếu lại. Sự căng thẳng về chính trị trên dẫn đến hậu quả là những vụ bạo động thường xuyên nổ ra, gây thiệt hại đến tính mạng người dân, thậm chí cả khách du lịch.

Khác hẳn với việc chạy xe tại thành phố Dar es Salam, nơi vẫn được khách du lịch mệnh danh là có món “đặc sản tắc đường”, lái xe tại Zanzibar thực sự là một sự thư giãn. Sự nghiêm cẩn trong lối sống và luật lệ của đa số dân Hồi giáo, cộng thêm bề dày văn minh giao thông của một thời gian dài làm thuộc địa của Anh, cộng thêm mật độ dân cư chưa dày đặc... đã khiến cho việc điều khiển chiếc xe trong đường phố lẫn ngoại ô thật dễ dàng.

Nếu như lái xe ở Dar es Salam khiến người ta dễ hình dung đến Hà Nội hay Sài Gòn, ở Arusha như ở Buôn Ma Thuột... thì lái xe ở Zanzibar có cảm giác như đang ở một tỉnh miền Trung như Bình Định hay Phú Yên. Những rặng dừa soi bóng ven biển, những làng chài thanh bình trong tán cây, những rừng đước, rừng tràm mênh mông trải dài ven đường... khiến du khách luôn lạc vào một màu xanh bát ngát.

Quyết định tận hưởng cảm giác đi sâu vào khu rừng ngập mặn nguyên sinh, chúng tôi đánh liều đưa chiếc Suzuki 7 chỗ cũ kỹ vượt qua khu Unguja, xuyên qua con đường độc đạo được đắp vội bằng đá cục, xuyên qua khu rừng đước... để tiến vào bán đảo Uzi.

Uzi trước đây là một hòn đảo biệt lập. Công trình đường đá hộc xuyên rừng đước đã nối dân cư Uzi với đất liền. Nhưng đi trên con đường này cũng là một sự khổ ải, vì đường xóc lên tận cổ. Không những vậy, chỉ cần gặp một chiếc xe ngược chiều, 1 trong 2 xe phải lùi lại cả cây số mới gặp được khu tránh xe. 

Nhưng sự khổ ải cũng được đền đáp xứng đáng. Chưa bao giờ trong đời, chúng tôi được hưởng cảm giác sát ngay bên cạnh mình là rừng đước, rừng tràm nguyên sinh mặc sức sinh sôi, phô bày những bộ rễ gân guốc, bện thành những mạng nhện chằng chịt.

Con đường độc đạo xuyên qua rừng tràm vaoào đảo Uzi.

Và ngay dưới những bộ rễ đó, là cả một hệ sinh thái sờ sờ hiện ra trước mắt. Những con cua bể, những con tôm nước mặn, rồi cá… mặc sức lượn lờ. Đã từng đi sâu vào U Minh, đi ra Năm Căn, vòng sang mạn giáp đất Kiên Giang… nhưng quả thực khó có thể chứng kiến được điều tương tự, dù những bóng tràm, bóng đước vẫn còn đó. Những hình ảnh của một miền Tây giàu có trù phú ở Việt Nam, chắc chỉ còn mãi trong những trang sách tuổi thơ xa xưa.

2. Niềm hạnh phúc hòa mình vào thiên nhiên ngắn chẳng tày gang. Những tiếng còi xe, tiếng loa, tiếng nhạc, tiếng người hò hét… náo động cả khu rừng ngập mặn đột nhiên vang lên. Một đoàn xe tải 3,5 tấn hoán cải thành xe khách dài dằng dặc hơn chục chiếc, trên xe chật kín người, hò reo tiến vào kín cả con đường độc đạo chỉ vừa một làn xe.

Điều lo lắng mà chúng tôi cố gắng tránh không gặp phải, rốt cuộc vẫn phải đối diện: một đoàn cổ động viên của đảng CCM tiến vào làng Uzi, và chúng tôi phải tìm cách tránh đường. Những chiếc xe phủ kín người, ngồi chen chúc, thậm chí ngồi kín cả trên nóc cabin, ngồi kín cả trên nóc khoang chở người. Cả một đống người phát ra tiếng động cơ rầm rĩ ấy tiến sát chiếc xe của chúng tôi. 

Chiếc xe Suzuki cà tàng của chúng tôi phải nép sát tận lề đường, rồi leo cả lên rễ cây, mới có đủ khoảng trống tương tối cho xe ngược đường vượt qua. Trên xe tải, hàng trăm người đàn ông đang hừng hực phấn khích, ngó đăm đăm vào 2 cô gái ngồi trên xe đối diện. Cảm giác bất an dấy lên, chỉ cần một sự hiểu nhầm, không biết điều gì sẽ xảy ra, trong cơn phấn khích của đám đông.

Nhưng khi chiếc xe cuối cùng của đoàn xe vượt qua, tôi mới thấu hiểu cảm giác còn lớn hơn cả sự sợ hãi, đó là tuyệt vọng. Toàn bộ 2 bánh xe bên trái đã bị mắc kẹt trong hệ thống rễ cây chằng chịt, không thể giãy ra nổi. Đạp côn, ép số khét lẹt, chiếc xe vùng lên một chút rồi cắm thẳng 1 bánh xuống vũng bùn, chết cứng. Không còn cách nào khác, phóng viên buộc phải lao ra đuổi theo đoàn xe ủng hộ biểu tình.

Và lúc này, tôi mới thấy những kiến thức về hệ thống chính trị của Tanzania, tưởng chừng như vô bổ mà tôi cố gắng nhét vào đầu như một thứ trang sức, nay đã trở thành điều cứu mệnh. Tôi cố gắng hét thật to “Viva Magufuli” (Magufuli thời điểm đó là ứng cử viên hàng đầu cho cuộc đua vào ghế tổng thống, và chiến thắng, hiện là tổng thống đương nhiệm của Tanzania).

Thủ phủ của quần đảo Zanzibar.

Tiếng hét “Viva Magufuli”, “Viva CCM” và những ký hiệu đặc trưng của những người ủng hộ CCM bằng tay của chúng tôi đã có hiệu quả. Chiếc xe cuối cùng của đoàn diễu hành dừng lại. Người phụ xe nhảy xuống hỏi có chuyện gì, rồi tiến đến chiếc xe bị sa lầy xem xét. 

Dăm phút sau, ông quay lại xe mình, vẫy tay nói bằng thổ ngữ. Ngay lập tức, hơn chục thanh niên trai tráng, từ bên trong đám đông cả người già, phụ nữ, lẫn trẻ em nhảy xuống xe.

Hơn chục người xúm vào đẩy mọi kiểu, nhưng chiếc xe nhất định không chịu thoát khỏi vũng lầy. Người đàn ông ngồi ghế phụ xe, áng chừng như lãnh đạo, bốc máy điện thoại. Từ chiếc xe phía trên, hơn chục thanh niên trai tráng lại lừng lững đi bộ xuống hỗ trợ. Hết hơn chục phút đẩy đủ kiểu, chiếc Suzuki vẫn nằm ì ra. Những người đẩy xe đã lấm bê bết bùn bắn lên từ bánh, mà chiếc xe vẫn không xê dịch.

Quyết định cuối cùng được đưa ra. Toàn bộ những người tham gia xúm vào nhấc bổng chiếc xe lên cao, rồi đặt bịch xuống đường. Sau khi hoàn thành công việc, nhận lời cảm ơn nồng nhiệt của các nạn nhân bất đắc dĩ, những thanh niên hồ hởi quay lại xe. Nhiều người trong số họ không nói được tiếng Anh, vẫn nghĩ chúng tôi là người Trung Quốc, tỏ ý thân thiện bằng cách kêu “Kungfu, Kungfu”, tay chân vụng về múa một thế võ, mắt nháy nháy cười thân thiện. Chúng tôi gào lên: “No. No. Viet Nam. Viet Nam. Halotel. Halotel”. Những khuôn mặt đang ngỡ ngàng bỗng cười rạng rỡ, chỉ tay về phía biển nói to: “Dar es Salam. Television”.

Chúng tôi hiểu, họ đang nói về chương trình truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Tanzania về đại dự án công nghệ trị giá 1 tỷ USD của Công ty Halotel, cái tên danh giá ở Tanzania khi gắn với hai chữ Việt Nam.

(Xin xem tiếp kỳ cuối trên ANTG Cuối tháng 4,
Số phát hành ngày 25-4-2016)


Việt Đông
.
.