Hành trình về hướng đại dương

Chủ Nhật, 08/12/2019, 10:19
Rùa con, bằng đặc tính vốn có của mình, thực hiện “cuộc đua tốc độ” về hướng biển. Trong thoáng chốc, chúng đã hòa mình vào đại dương, để lại trên nền cát trắng Cù Lao Chàm (Hội An, Quảng Nam) hàng ngàn vết chân chằng chịt.

Hành trình bắt đầu cuộc đời của chúng, ánh lên trong những đôi mắt long lanh niềm hy vọng của những người làm công tác bảo tồn, dân địa phương và cả du khách.

Trong suốt 3 năm qua, mỗi năm 2 lần, những người trong Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù lao Chàm miệt mài đến Vườn Quốc gia Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) để chuyển vị  trứng rùa biển về chỗ ấp nở tại Bãi Bấc của Cù Lao Chàm.

Sau khi chui lên khỏi tổ, rùa con nằm im cảm nhận môi trường xung quanh và ghi nhớ để khi trưởng thành trở về sinh đẻ.

Theo dấu chân rùa ở Côn Đảo

Rời đảo lớn, ca nô đưa chúng tôi đến Trạm Kiểm lâm Bảy Cạnh - một trong những trạm lớn nhất của Vườn Quốc gia Côn Đảo về bảo tồn rùa biển và gần như toàn bộ trứng rùa biển chuyển vị về Cù Lao Chàm cũng đều lấy từ nơi này. 

Kể từ lúc đồng hồ điểm trưa, chúng tôi không được phép xuất hiện ở bãi biển. “Vì kể từ lúc này, rùa mẹ bắt đầu thám thính tình hình để khuya lên bờ đẻ” - kiểm lâm viên Lê Đức Du giải thích. Và khi mặt trời tắt hẳn, trong trạm chỉ được thắp ánh sáng vừa đủ, âm thanh cũng vậy. “Rùa mẹ rất nhạy cảm với những thứ này. Chúng khiến rùa mẹ sợ và không lên đẻ” - anh Du lại giải thích.

Đêm ấy có trăng, không sáng lắm nhưng đủ để những kiểm lâm viên dọc theo bãi biển để truy dấu chân rùa mà không cần phải dùng đèn pin. Trên nền cát trắng, theo nhịp lên xuống của thủy triều, dấu chân của người và rùa biển xuất hiện rồi biến mất sau vài tiếng đồng hồ. Đó không phải là kết thúc mà chỉ đơn giản là sự lặp lại của một hành trình miệt mài, với bao la yêu thương dành cho rùa biển.

Tôi theo chân kiểm lâm viên Nguyễn Duy Thành, rất nhẹ nhàng, cả nhịp bước chân và thanh âm của những lời chúng tôi hỏi han nhau. Thành nhắc lại điều anh Du nói với tôi ban chiều: rùa mẹ rất “ngại” ánh sáng và sự ồn ào nên chiếc đèn pin anh cầm trên tay rất ít khi được bật, tất nhiên là phần nào nhờ ánh sáng mà trăng khuya đang tỏ. 

Được một đoạn, anh quay sang nói nhỏ: “Có rùa mẹ lên bờ làm tổ đẻ”. Rồi anh chỉ tay về phía trước. Tôi nhìn theo, dấu vết ấy mất hút ở gần một bụi cây. Anh Thành nhẹ nhàng tiến về phía ấy, tôi im lặng theo sau nhưng chưa đến nơi thì anh ra dấu bảo tôi trở ngược xuống mép biển, cả hai đi tiếp về phía trước.

Bấm thẻ theo dõi đối với rùa mẹ lên đẻ lần đầu.

“Rùa mẹ đang trong quá trình làm tổ, không nên làm kinh động” - anh Thành giải thích. “Thế khoảng bao lâu nữa thì rùa đẻ trứng?” - tôi thắc mắc. “Hơi lâu đấy” - anh đáp, rồi nghĩ cần phải giải thích cho tôi hiểu thêm: “Không phải rùa lên đào tổ là đẻ liền đâu mà phải mất vài chục phút, thậm chí là không đẻ mà chỉ thăm dò để đêm sau lên đẻ. Nếu mọi việc suôn sẻ, nghĩa là từ lúc rùa mẹ lên bờ đến khi đẻ xong, thường là kéo dài khoảng 3 tiếng đồng hồ”. 

Anh em ở đây có người tài đến mức, chỉ cần nghe tiếng phát ra trong lúc rùa dùng vây gạt cát là biết rùa đang trong quá trình đào tổ hay đã đẻ xong và lấp tổ lại. Còn cách đơn giản khác dành cho những người chưa có hoặc ít kinh nghiệm: nếu rùa dùng vây trước để gạt cát là rùa đã đẻ xong và đang lấp tổ cũng như xóa dấu vết, còn dùng vây sau, là rùa mẹ đang đào tổ để chuẩn bị đẻ.

Lang thang một hồi, chúng tôi phát hiện có hai rùa mẹ đang trong quá trình làm tổ. Chọn khoảnh cát cách xa hai nơi ấy, chúng tôi ngồi nói chuyện, như một phương thức giết dần thời gian để đợi đến lúc rùa đẻ. Lúc này thì tôi mới biết, té ra Thành không phải là... kiểm lâm viên của trạm Bảy Cạnh mà anh là nhân viên của Phòng Bảo tồn biển và đất ngập nước (thuộc Vườn Quốc gia Côn Đảo) ra tăng cường cùng với anh em ở Bảy Cạnh trong thời gian 1 tháng. Cái hôm chúng tôi gặp nhau, anh Thành chỉ mới ra Bảy Cạnh tăng cường được 5-6 ngày chi đó.

Chúng tôi cà kê với nhau, cứ độ nửa tiếng thì đi kiểm tra một lần và vài lần kiểm tra như thế thì rùa mới đẻ. Xác định vị trí rùa đẻ, anh Thành cắm một cây xuống gần đó với khoảng cách đã được ước lượng. 

“Trong lúc mình đi tuần tra tổ rùa khác, có thể con rùa này đã đẻ xong và theo đặc tính, rùa mẹ sẽ xóa dấu vết để tránh kẻ thù làm nguy hại đến trứng. Nên khi quay lại, nhìn nhánh cây vừa cắm xuống đó, mình sẽ đoán được vị trí rùa đẻ trứng mà không phải mất quá nhiều công sức để dò tìm” - anh Thành giải thích, rồi rút bộ đàm thông báo cho anh Du. 

Lúc này, anh Du cũng đang đi tuần ở một hướng khác. Vài phút sau thì anh Du đến, cầm một giỏ nhựa và đeo thêm túi vải nhỏ. Nhiều năm làm công tác đỡ đẻ cho rùa, ngón nghề của anh Du rất nhuần nhuyễn.

Anh Du và anh Thành (áo chấm) cẩn thận lấy trứng rùa từ bãi biển cho vào giỏ để đem về hồ ấp.

Trong lúc rùa đẻ, mọi người im lặng quan sát, anh Du cho biết đó là những lúc mình sẽ biết rùa mẹ đang gặp khó khăn gì và giúp đỡ rùa mẹ đẻ trứng an toàn. Một tổ như thế, rùa đẻ rất nhiều trứng, thường là một trăm mấy chục trứng. Lúc rặn đẻ, hơi thở của rùa mẹ phì phò đau đớn và một hơi... phì phò như thế, thông thường rùa mẹ đẻ 3 trứng. 

Đợi đến lúc rùa mẹ đẻ gần xong, từ trong túi xách, anh Du lấy thước ra, tiến hành đo bề ngang cùng chiều rộng của mai rùa, đồng thời kiểm tra hai vây trước của rùa mẹ xem có gắn thẻ theo dõi chưa, nếu chưa thì tiến hành gắn thẻ. 

“Những thông số này được ghi chép cẩn thận và báo cáo đều đặn về cơ quan, nhờ cơ sở dữ liệu này, sẽ biết được tình trạng rùa lên đẻ hằng năm. Đối với rùa đã được đeo thẻ, đồng nghĩa với việc trước đó rùa đã lên đây đẻ và nó cảm thấy an toàn đối với sự xuất hiện của chúng ta. Nhưng, với rùa chưa đeo thẻ, nghĩa là rùa lên đẻ lần đầu, nếu sơ ý, chúng ta có thể làm rùa sợ mà bỏ đi, không đẻ” - anh Du cho biết. Đêm hôm ấy, có đến 4 rùa mẹ lần đầu lên đẻ ở bãi biển Bảy Cạnh.

Đẻ xong, rùa mẹ lấp ổ lại, đồng thời dùng vây trước quạt đất để xóa dấu vết trong quá trình trở lại với biển. Quãng thời gian rùa lên bờ đẻ rồi trở lại biển là quãng thời gian mực thủy triều đang lớn. Đây cũng là cách mà lực lượng kiểm lâm nhìn biển để đi tuần tra rùa lên đẻ. 

Khi rùa mẹ rời tổ và nhằm hướng biển đi xuống, anh Du nhẹ nhàng bới từng lớp cát nơi tổ rùa vừa đẻ trứng, tầm 50-60cm thì chạm trứng. Rồi nhẹ nhàng đưa số trứng đó lên mặt đất, đếm số lượng kỹ lưỡng trước khi cho vào giỏ để mang về hồ ấp, “các hoạt động này phải hoàn thành trước 6 tiếng đồng hồ sau khi rùa mẹ đẻ số trứng này” - anh Du chia sẻ thêm.

Chăm trứng như chăm con

Tại hồ ấp, các kiểm lâm viên sẽ đào một hố nhỏ giống như rùa mẹ đào lúc đẻ ở bãi biển. Song, trong quá trình cho trứng xuống chôn ấp, số lượng trứng được đếm kỹ lưỡng thêm lần nữa nhằm đối chiếu với số lượng đếm được ban đầu ở dưới bãi. Nếu số lượng không khớp, phải đếm lại lần nữa để có con số chính xác sau cùng trước khi lưu vào sổ. Sai số được chấp nhận nhưng chỉ dao động từ 1-2 trứng. 

“Còn vượt quá định mức sai số ấy thì sao?” - tôi hỏi. Anh Du hài hước trả lời: “Thì... “dính” tờ giấy A4 chớ sao”.  Chúng tôi ngớ người, không hiểu. Anh Du giải thích: “Là làm bản kiểm điểm, giải trình ấy mà. Phải trình bày trên mặt giấy A4”. Bỏ mặc chúng tôi cười ngặt nghẽo, anh Du cẩn thận tiếp tục với công việc của mình.

Chôn trứng xong, anh cẩn thận cắm một thanh tre vát dẹt ngay tổ vừa lấp. Trên thanh tre có ghi đầy đủ các thông số về thứ tự tổ, ngày tháng, số lượng trứng mà rùa vừa đẻ. Mọi dữ liệu đều được ghi chép tỉ mỉ, lưu giữ cẩn thận để phục vụ công tác theo dõi, bảo tồn... 

Ông Nguyễn Đình Lý - Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Bảy Cạnh cho biết ngoài quy trình thông thường là đi tuần phát hiện rùa đẻ, đo đạc, bấm thẻ, lấy trứng đem lên hồ ấp thì thỉnh thoảng kiểm lâm viên phải đích thân đào tổ giúp rùa mẹ đẻ. “Đó là những trường hợp rùa mẹ bị khuyết tật vây sau, không thể tự đào hố đẻ được” - ông giải thích. 

Cũng theo ông Lý, ngoài được trang bị kỹ năng đỡ đẻ cho rùa, kiểm lâm viên còn có kỹ năng xử lý những tình huống rùa gặp nạn như mắc câu, quấn dây... Những khi ấy, rùa được chăm sóc khá đặc biệt, mà anh em ở đây hay đùa, là chăm rùa còn hơn cả chăm con của mình.

Vị trưởng trạm giải thích, ngoài đặc tính trứng rùa bị ngập nước sẽ hỏng, hay bị địch hại tấn công thì việc di chuyển từ dưới bãi lên hồ ấp còn tránh được tình trạng trộm trứng rùa. Đây chính là lý do vì sao công việc tuần tra luôn diễn ra thường xuyên và vô cùng cẩn thận. 

Trên thực tế, một vài năm trước đó, có xảy ra tình trạng trộm trứng rùa. Thủ phạm sau khi bị tuyên sơ thẩm phạt 7 năm tù giam, hiện đang phải đối mặt với án phạt nặng hơn. 

“Với hành lang pháp lý và sự nghiêm khắc như thế của luật, mới dẹp được tình trạng trộm trứng rùa, điều mà lực lượng kiểm lâm chúng tôi phải thường xuyên đau đầu đối mặt suốt nhiều năm dài trước đó” - ông Lý bày tỏ.

Từ cuộc chuyển vị tại chỗ

Khởi thủy, Trạm Kiểm lâm Ông Đụng không có chức năng bảo tồn rùa biển do khu vực này chưa phát hiện có rùa lên đẻ. Nhưng rồi cách đây hơn 10 năm, có rùa lên đẻ ở các bãi cát nhỏ, cách xa vị trí đặt trạm. Lực lượng kiểm lâm viên được bố trí ở đây vừa đủ để làm công việc bảo vệ rừng, biển chứ không có... dự bị cho việc bảo vệ rùa. 

“Nhưng rùa lên đẻ, không thể bỏ mặc vì trứng sẽ bị xâm hại bất cứ lúc nào” - ông Ái kể. Thế là trạm phải cắt cử kiểm lâm viên thay phiên nhau canh giữ trứng rùa.

Thả rùa con về với biển tại Bãi Bấc - Cù Lao Chàm.

Một tổ, hai tổ, ba tổ còn ráng được chứ sau này khi rùa đẻ nhiều hơn thì mối lo được hình thành. Bởi nếu theo rùa thì rừng bị uy hiếp cả về lâm tặc lẫn... hỏa tặc. 

Trên cương vị Giám đốc Vườn Quốc gia Côn Đảo, ông Ái được thông báo điều này. Sau những suy nghĩ, trăn trở, ông bàn với cộng sự của mình là chuyển trứng rùa đẻ ở những nơi xa đó về ngay trạm để tiện bề quản lý, bảo vệ. 

“Về nguyên tắc, việc chuyển trứng rùa được khuyến khích là thực hiện dưới 6 tiếng đồng hồ kể từ lúc rùa mẹ đẻ xong, bởi lúc ấy mạch phôi chưa hình thành. Sau 6 tiếng, mạch phôi sẽ hình thành, sự chuyển động sẽ làm đứt các mạch này và hỏng trứng” - ông Ái giải thích. 

Tuy nhiên, trước khó khăn về nhân lực và yêu cầu cấp bách cho công tác phòng, chống cháy rừng trong mùa khô, ông Ái yêu cầu lực lượng kiểm lâm Ông Đụng di chuyển toàn bộ các tổ trứng ở các bãi cát xa về tiếp tục ấp nở tại phía trước trạm bảo vệ. 

Kết quả sau đó được anh em ở trạm báo cáo: có những tổ trứng sau khi di chuyển về ấp khoảng 12 đến 20 ngày thì trứng nở với tỷ lệ khá cao, một số tổ thì thời gian ấp ở trạm dài hơn và tỉ lệ nở không cao.

Đúng là trong cái khó ló cái khôn, từ kết quả chuyển vị tại Ông Đụng trước đó đã được chia sẻ, áp dụng hiệu quả cho các trạm bảo vệ khác. 

Chưa có một báo cáo đánh giá cụ thể, cho đến năm 2015, ông Ái chủ trương cho 5 trạm bảo tồn khác nhau tại Côn Đảo đồng loạt thử nghiệm chuyển vị trứng rùa biển ở các cấp độ tuổi khác nhau: 10, 20, 30, 40 ngày tuổi đã được ấp trong tự nhiên.

 Kết quả tổng kết của nghiên cứu thử nghiệm này cho thấy các tổ trứng đã có số ngày ấp trong tự nhiên trước đó càng lớn thì có tỉ lệ nở càng cao. 

“Đây là một phát hiện mới trong bảo tồn rùa biển và có thể gọi là bảo tồn chuyển vị tại chỗ” - ông Ái tâm sự như vậy.

Đến cuộc chuyển vị lịch sử

Nhóm chuyển vị trứng rùa của Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm do Phó Giám đốc Nguyễn Văn Vũ phụ trách đến Côn Đảo sau vài ngày khi tôi và ông Lê Xuân Ái đặt chân đến đây. Số lượng trứng, như đã được trao đổi từ trước, sẽ là 250 quả, lấy từ một số tổ đã ấp tại hồ ấp Bảy Cạnh được từ 40 ngày tuổi. 

Tuy nhiên, sẽ không lấy hết toàn tổ mà chỉ lấy một số, thông thường là 50% số trứng, 50% số trứng còn lại sẽ giữ nguyên để sau này đối chiếu so với tỷ lệ nở tại Cù Lao Chàm. Đó cũng là cách kiểm chứng xem những thông số về điều kiện môi trường ấp như nhiệt độ, độ ẩm... có ảnh hưởng như thế nào đối với việc ấp nở trứng rùa.

Dựng chòi canh giữ hồ ấp trứng rùa tại Bãi Bấc - Cù Lao Chàm.

Sau khi thống nhất những điều trên, hai bên vào hồ ấp để tiến hành đào - lấy trứng. Trước đó, anh em bên nhận đã mang sẵn một lượng đất cát phù hợp. Trong lúc kiểm lâm viên Du đào lấy trứng thì anh Vũ cẩn thận đếm kỹ số lượng cũng như ghi chép những số liệu liên quan. 

Xong, một lớp cát được cho vào đáy thùng xốp trước khi cho lớp trứng đầu tiên vào. Cứ xong một lớp trứng thì phủ lớp cát với lượng thích hợp trước khi cho lớp trứng tiếp theo vào. Công việc này phải đảm bảo sao cho số trứng trong thùng xốp được “bao bọc” bởi cát. 

“Việc này ngoài cố định, giảm thiểu tác động đến trứng còn giúp quá trình ấp trứng vẫn tiếp tục diễn ra trong quá trình đưa trứng từ Côn Đảo. Nắp đậy thùng xốp phải đục mấy lỗ đểá có sự trao đổi không khí giữa trứng rùa với bên ngoài, nếu không sẽ hỏng trứng” - anh Vũ cho hay.

Xong đâu đấy, anh Vũ cẩn thận ghi chép, đánh số thứ tự vào mỗi thùng trứng. Hai thùng mang số thứ tự 1 và 2 sẽ được vận chuyển theo đường hàng không với sự theo dõi của cố vấn Lê Xuân Ái, còn hai thùng mang số thứ tự 3 và 4 sẽ được vận chuyển bằng đường bộ và được theo dõi bởi chính anh Vũ - người kỹ sư chủ nhiệm đề tài. 

Sau cùng, là dán biên bản thể hiện nội dung trao tặng - nhận trứng giữa Vườn Quốc gia Côn Đảo và Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm. Anh em nói vui, đó chính là lá bùa để được phép mang trứng rùa khỏi Côn Đảo.

Sáng hôm sau, chúng tôi rời hòn Bảy Cạnh để trở về đảo Lớn trước khi giã từ Côn Đảo về đất liền. Trên chiếc tàu cỡ nhỏ từ Bảy Cạnh về đảo Lớn, nhiều lúc sóng lắc lư, anh em chuyển vị không khỏi hồi hộp vì sợ trứng bị tác động mạnh. Quá trình vận chuyển, căng nhất là lúc đi bằng máy bay. 

“Mình trình giấy tờ, rồi nói anh em an ninh chịu khó kiểm tra bằng tay, chứ trứng mà đưa qua máy quét an ninh thì chỉ còn nước là... chiên ăn” - ông Lê Xuân Ái hài hước. May mắn, “yêu cầu” này được an ninh sân bay vui lòng chấp nhận. 

Tôi theo nhóm vận chuyển bằng đường bộ, gồm anh Vũ và hai cộng sự của anh. Trên ghế nằm của mình, nhóm kỹ sư dành phần êm nhất để đặt thùng xốp chứa trứng rùa. Cũng may, chuyến xe chúng tôi đi là loại mới, ghế nằm tương đối rộng nên các anh cũng còn được thoải mái co duỗi chân cho đỡ mỏi.

Trên chuyến xe ấy, các anh không quên kiểm tra tình trạng thùng xốp. Tôi thỉnh thoảng bắt gặp ánh mắt chứa đựng nhiều ưu tư của kỹ sư Vũ. Có lẽ anh đang nghĩ về công việc của mình, về “vận mệnh” số trứng rùa này hoặc thậm chí là có cả lo lắng rằng số trứng này có nở với tỷ lệ cao như năm rồi hay không? 

“Năm ngoái mình cũng vận chuyển bằng đường bộ. Song, khi về, không được hưởng cảm giác cùng anh em thả rùa con tại Bãi Bấc vì chỉ vài ngày sau khi chuyển vị trứng về, mình phải qua Nhật học theo lịch trước đó” - kỹ sư Vũ nhớ lại. 

Những ngày ở Nhật, thông qua Facebook, Vũ cập nhật tình hình ấp trứng ở Cù Lao Chàm, rồi sướng rơn người khi được anh em thông báo có dấu hiệu của rùa nở: đất trụt!

Gần đầu giờ trưa hôm sau thì về tới thị xã Điện Bàn (Quảng Nam). Tại đây, xe khách thả chúng tôi xuống ngã ba thị trấn Vĩnh Điện. Đến đầu giờ chiều thì tàu của Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đưa chúng tôi cùng số trứng này ra Cù Lao Chàm. Đến Bãi Bấc đã thấy một căn chòi được dựng lên cạnh hồ ấp. Trong hồ ấp, thấy dấu tích vừa chôn ấp của số trứng được vận chuyển bằng đường hàng không về trước đó. 

Kỹ sư Vũ tiếp tục công việc của mình là đào hố và lấy trứng từ thùng xốp để chôn ấp. Tất cả công việc này được thực hiện hết sức tỉ mẩn. Xong, kéo lưới bảo vệ lại và... hồi hộp theo dõi.

Ở những lần chuyển vị trước, một kết luận nhỏ cho thấy trứng ấp tại Cù Lao Chàm nhanh nở hơn so với ở Côn Đảo từ 2-3 ngày do có nền nhiệt độ cao hơn. Đây không phải lần đầu canh ấp trứng rùa nhưng anh Ngô Văn Hải - nhân viên Phòng Tuần tra kiểm soát (Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm) không khỏi hồi hộp vì công việc vẫn còn... khá mới mẻ so với mình cũng như những anh em khác. 

“Hồi năm ngoái, đêm trăng, nằm ở chòi canh, mình nghe tiếng sột soạt, đi kiểm tra thì thấy rùa nở, chui lên khỏi tổ. Cầm điện thoại gọi thông báo mà cảm giác sướng rơn, lần đầu tiên mình mới được thấy rùa con thế này” - anh Hải nhớ lại. Việc canh giữ hồ ấp trứng rùa diễn ra 24/24, bao gồm lực lượng của Phòng Tuần tra kiểm soát và tình nguyện viên chia ca nhau.

Trưa của khoảng hơn 1 tuần sau, kỹ sư Vũ thông tin: đất đã trụt! Có nghĩa là dấu hiệu rùa nở. Những ngày đó, anh thường xuyên có mặt ở đây để theo dõi. Sáng sớm hôm sau, tôi nhận được tin nhắn của kỹ sư Vũ và ông Lê Xuân Ái: rùa đã nở, dự kiến 7 giờ sáng mai sẽ thả”.

Vĩ thanh

Theo đuổi cả một hành trình dài từ Côn Đảo về nên vừa nghe tin này, tôi tức tốc ra Cù Lao Chàm. Buổi sáng ngồi uống cà phê chỗ âu thuyền, nghe nói chuyện rùa, ông chủ quán Trần Quốc Ngà “xin” góp chuyện. 

“Hồi xưa ở đây rùa nhiều, hầu khắp các bãi, dân mình cứ tha hồ mà lấy trứng về ăn nhưng không bắt rùa để lấy thịt. Khoảng 30 năm trở lại đây, rùa vắng dần vắng dần rồi hầu như không còn lên các bãi ở Cù Lao Chàm đẻ nữa” - ông Ngà kể. 

“Ở mình đang bảo tồn rùa, chú có biết không?” - tôi hỏi. Ông Ngà đáp ngay: “Biết chớ, anh em bảo tồn đi tuyên truyền miết mà. Bây giờ hiểu nhiều rồi, mong mấy ảnh làm sao cho sau này rùa nó lên đẻ là ngon!”.

Sáng hôm sau, Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm tổ chức thả rùa trong sự háo hức lan tỏa đến người dân và cả những em nhỏ ở Cù Lao Chàm. “Mới chỉ có 115 trứng rùa nở, mình thả trước, số còn lại khi nào nở thì thả sau. Và lúc ấy, mình mới biết được là có bao nhiêu trứng nở thành công trong tổng số 250 trứng được chuyển vị lần này” - kỹ sư Vũ vui mừng chia sẻ. 

Còn ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP Hội An, cũng trong niềm vui sướng, tin rằng những hành động hôm nay sẽ tạo tiền đề cho Cù Lao Chàm trở thành nơi trở về, sinh sôi, nảy nở của rùa sau này. Bởi rùa có một đặc tính là khi trưởng thành, chúng sẽ quay trở lại nơi mình đã ra đi sau khi được ấp nở. Hành trình của người và rùa là một hành trình rất dài hơi và nó đòi hỏi sự mải miết trong cái gọi là hành trình cho tương lai!

Lê Xuân Thọ
.
.