Gió truyền thống & gió Tây phương

Thứ Tư, 22/07/2020, 13:28
Từ vài năm trở lại đây, mỗi khi nghe mệnh đề “Hòa nhập nhưng không hòa tan”, tôi luôn tự hỏi chính bản thân mình: Này tôi ơi, tôi thật sự có gì để “không hòa tan”? Tôi không dám nói đến câu chuyện xã hội, tôi chỉ đang nói đến câu chuyện của cá nhân tôi và bình tĩnh nhìn lại, tôi thấy có một nghịch lý phát triển rất lớn của mình.

Xem nào: Lớn lên là tôi đã bắt đầu mặc đồ Tây như bất cứ đứa trẻ nào khác (trang phục phương Tây tràn khắp thế giới mà), tôi nghe nhạc Tây, nghiện phim Tây, nghĩ và viết theo lối phương Tây. Ở nhà trường, trong địa hạt văn chương, suốt 3 năm phổ thông, tác giả mà tôi yêu nhất và thấy gần mình nhất lại là “ông Tây” Xuân Diệu. Tôi không thể hấp thụ nổi những bài thơ cổ nói riêng và văn học Trung Đại nói chung, vì thật sự, ở tuổi 16-17, tôi thấy nó không thuộc thế giới của mình.

Và thành thực nhớ lại mà xem, đó không chỉ là câu chuyện của riêng tôi, đó có thể còn là câu chuyện của chính bạn, khi bạn ở vào lứa tuổi của tôi. Như vậy, ở cái tuổi “vào đời” ấy, cảm giác như tôi gần phương Tây hơn phương Đông, dù là một thực thể phương Đông chính hiệu.

Mãi sau này, khi đi làm, va chạm rồi tôi mới thấy sự thiếu hụt phương Đông khủng khiếp trong mình. Và mãi đến lúc này, bên cạnh những Socrate, Platon, Aristotle - những tác giả mà triết luận của họ tôi có thể “nằm lòng” thì tôi mới bắt đầu có ý thức nghiên cứu Khổng - Mạnh - Lão - Trang... Cũng phải đến lúc này, tôi mới có ý thức khi vào một ngôi chùa, ngôi đền, ngôi đình thì nhất định phải hiểu được các triết lý truyền thống của những không gian này, nhất định phải đọc được các câu đối để hiểu được ngày xưa ông cha mình đã viết gì, đã nghĩ gì, đã mơ ước gì, đã gửi gắm điều gì cho hậu thế. Khổ nỗi, tôi không biết cả chữ Hán lẫn chữ Nôm nên luôn phải “nịnh” một tay cự phách trong lĩnh vực này.

Một trong những trống vắng lớn nhất của những thế hệ sinh sau năm 1945 phải chăng chính là việc không thể “đọc” được ông cha, từ đó gần như không thể “cảm” được và “hiểu” được ông cha? Bởi vì chúng ta dùng một thứ chữ viết khác, ít nhiều gắn liền với một kiểu tư duy khác so với thời ông cha. Sự thay đổi từ hệ chữ Hán tượng hình sang hệ chữ quốc ngữ hiện đại đã được các nhà nghiên cứu mổ xẻ ở nhiều góc độ, tôi tuyệt đối không dám lạm bàn. Ở đây chỉ dám nói đến một khía cạnh nhỏ, có thật, không thể chối cãi của sự chuyển đổi này: Đó là nó khiến chúng ta “xa” quá khứ hơn, “xa” ông cha mình hơn.

Nếu cứ “buông” mình trong cái “xa” ấy và nếu không có ý thức tìm lại ông cha, trở về với ông cha, cố gắng “đọc” - “cảm” - và ít nhiều “hiểu” ông cha thì thực sự những cái mà chúng ta có thể dùng để “không hòa tan” là vô cùng bé nhỏ. Và đấy là một nghịch lý trong tôi: Khi mới lớn tôi thấy quanh mình là một khí quyển phương “Tây”. Tôi gần phương Tây quá. Đến mãi sau này, khi phải quyết liệt xây dựng một ý thức “tìm về” và sử dụng cả những kỹ năng hữu hiệu để có thể “tìm về” thì tôi mới thấy trong mình còn có những cái để ít nhiều “không hòa tan” trong dòng thời đại đa phương, đa diện hôm nay.

Ở chỗ này đã và sẽ nảy sinh một vấn đề gây tranh cãi: Vậy thì khi cố gắng “tìm về” ông cha, chúng ta sẽ tìm về những giá trị tư tưởng chính yếu nào? Hàng ngàn năm phong kiến, nhiều xã hội Đông Á, trong đó có Việt Nam đề cao Nho giáo, tôn thờ Khổng Tử. Các triều đình phong kiến Đông Á thường sử dụng một công thức kinh điển để lãnh đạo và điều hành xã hội: “Ngoại Nho nội pháp”. Nhưng, điều này có đồng nghĩa với việc truyền thống của tất cả các nước Đông Á gắn chặt với Nho giáo kinh viện hay không?

Thực tế là theo nhiều nhà nghiên cứu Nho giáo kinh viện khởi sinh từ Trung Quốc và khi đi vào mỗi quốc gia Đông Á thì lại kết họp với những nét văn hóa bản địa vốn có của mỗi quốc gia, để tạo ra những ảnh hưởng khác nhau. Trong một lần đối thoại với ANTG GT - CT, giáo sư, tiến sĩ sử học Vũ Minh Giang từng nói đến điều này: trong các giá trị Khổng giáo thì ở Triều Tiên - Hàn Quốc người ta đề cao hàng đầu là chữ “dũng”, hiểu theo nghĩa dũng cảm, dũng khí.

Tại sao vậy? Tại người Hàn Quốc có một đặc điểm tính cách truyền thống là rất nóng tính nên khi chọn yếu tố “dũng” trong đạo Khổng làm đầu thì họ cũng đồng thời phát huy được tính trội, tính điển hình của mình. Và, nếu nhìn sang góc độ kinh tế chúng ta thấy chính nét tính cách này đã giúp họ tạo nên một đặc điểm kinh doanh nổi bật: đầu tư mạo hiểm. Trong rất nhiều trường hợp, chính sự táo bạo đã giúp họ thành công, tạo nên thương hiệu kinh doanh của người Hàn Quốc.

Điều này khác hẳn với người Nhật. Vẫn là Khổng giáo nhưng khi Khổng giáo vào Nhật thì yếu tố người Nhật đề cao hàng đầu lại là chữ “tín” (GS.TS Vũ Minh Giang: Không có quyền lực nào tuyệt đối, ANTG GT - CT, 10-11-2015). Với cách nhìn này, phải chăng Khổng Nho vào Việt Nam lại nhấn mạnh đến yếu tố lễ - nghĩa? Vậy thì cái tư tưởng Khổng - Nho với những yếu tố lễ nghĩa phù hợp với văn hóa bản địa Việt Nam đã được biểu hiện cụ thể như thế nào từ quá khứ đến hiện tại?

Nếu thực sự phát huy được yếu tố truyền thống này thì liệu chúng ta có phải liên tục rung những hồi chuông lớn về sự suy thoái đạo đức trong lòng xã hội hay không? Nếu phát huy được yếu tố truyền thống này thì hàng loạt vụ án đau lòng - hàng loạt những ứng xử đau lòng - hàng loạt biểu hiện tham ô, tham nhũng gây phẫn nộ dư luận có diễn ra hay không?

Trong một lần trao đổi với nhà nghiên cứu chính trị học Nguyễn Sĩ Dũng, tôi rất thấm thía khi nghe ông nhận định: “Sở dĩ đội ngũ hành chính công vụ ở Hàn Quốc, Nhật Bản làm việc tận tụy, liêm chính vì ở đó họ vẫn phát huy được những nét tích cực trong tinh thần Nho giáo”. Ở đây, xin nhấn mạnh, tôi chỉ nhắc đến Nho giáo như một cây cầu để tìm về những giá trị truyền thống của dân tộc, chứ không vội vàng đồng nhất cây cầu ấy với truyền thống và coi nó là một cái chuẩn duy nhất của truyền thống.

Định vị truyền thống là một câu chuyện tối quan trọng. Khơi gợi và lan tỏa những giá trị truyền thống vào đời sống hiện đại càng quan trọng. Biến những giá trị truyền thống thành tập quán văn hóa trong đời sống hiện đại còn quan trọng hơn nữa. Với chúng ta, quá trình quan trọng này đồng thời là một quá trình khó khăn, đòi hỏi một nhãn quan, một quyết tâm, một nghị lực lớn lao, bởi đã có những thời kỳ chúng ta bị “đứt đoạn” với truyền thống, thậm chí đã khước từ những giá trị văn hóa mà chúng ta tưởng là tiêu cực của truyền thống. Nỗ lực của chúng ta trong nhiều năm trở lại đây là dễ thấy nhưng có lẽ chúng ta còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Và, nỗ lực ấy không chỉ là câu chuyện riêng của những nhà quản lý, điều hành xã hội mà có lẽ còn phải là câu chuyện cụ thể, trực tiếp của mỗi bậc phụ huynh, mỗi gia đình.

Trong rất nhiều câu chuyện với những bạn bè trí thức của mình, tôi thấy rõ một xu hướng: cho con cái học tiếng Anh từ rất sớm, sau đó sẽ học trường quốc tế và sau đó sẽ du học. Tôi tự hỏi: những đứa trẻ lớn lên với một lộ trình “Tây hóa” từ trứng nước sau này có gì để “không hòa tan”? Một người bạn tôi phản biện: Thế giới phẳng rồi, thời đại của công dân toàn cầu rồi, tất cả là một, làm gì còn chuyện hòa nhập với hòa tan nữa! Tôi thì nghĩ: phẳng không có nghĩa cào bằng, công dân toàn cầu không có nghĩa là những công dân có thể thoải mái nói chuyện với nhau bằng một thứ ngôn ngữ toàn cầu và trở thành đứa con rơi của ngôn ngữ dân tộc. Nếu chúng ta quan niệm về “phẳng” và “công dân toàn cầu” theo cách đó, có thể sự mất mát của chúng ta sẽ là vô cùng khủng khiếp.

Trở lại với câu chuyện nghịch lý như đã trình bày về cá nhân mình. Bây giờ nhìn lại, tôi ao ước: Giá đổi ngược quá trình này được nhỉ? Tức là tôi sẽ thấm thía những giá trị truyền thống trước và đến khi nó lặn vào mình, trở thành một phần nội lực của mình thì mới mở cánh cửa trí óc và tâm hồn để tiếp nhận làn gió phương Tây? Bởi càng ngày tôi càng cảm giác mọi sự tiếp nhận thiếu nội lực đều dễ dẫn đến những dị dạng về tư duy.

Nhưng, với trường hợp của tôi, đấy chỉ là một ao ước không bao giờ thành sự thực. Tôi chỉ có thể cố gắng “sửa sai” bằng nhiều cách tốt nhất có thể mà thôi. Điều mà tôi mơ ước tiếp theo đó là chúng ta sẽ làm một cách nào đó để những đứa con của chúng ta lớn lên trong một hành trình thuận lý. Những đứa con của chúng ta thực sự sẽ lớn lên với những giá trị truyền thống, căn cốt của dân tộc, thực sự có được một nội lực đủ mạnh bên trong trước khi mở cánh cửa tư duy đón nhận những giá trị tích cực của triết học và văn hóa phương Tây?

Liệu chúng ta có thể làm được như thế chăng?

Vậy thì chúng ta sẽ làm bằng cách nào?

Làm được tới đâu?

Và bắt đầu từ đâu?

Tôi vẫn nghĩ: nó bắt đầu từ hành động thiết thực của những ông bố bà mẹ trong mỗi gia đình.

Phan Đăng
.
.