Chiếc chìa khóa vàng của mọi quốc gia

Thứ Tư, 21/10/2015, 06:38
Nhận được thư trao đổi của chị, tôi rất mừng. Nhưng bàn về văn hóa nghĩa là chúng ta đang tự làm khó mình, bởi đó là khái niệm rất rộng, đã có hàng trăm ngàn định nghĩa mà đâu đã dừng. Tôi đồng ý với chị rằng trong vô số định nghĩa ấy, định nghĩa của Tiến sĩ Federico Mayor – nguyên Tổng Thư kí UNESCO là đáng để tâm nhất. 

Nhà văn Đình Kính: Vốn là lính Hải quân, nên các sáng tác của ông thiên về biển. Hiện ông là Chủ tịch Hội Nhà văn Hải Phòng. Ông hai lần đoạt giải thưởng Hội Nhà văn với các tác phẩm: Sóng chìm, Huyền thoại tàu không số và nhiều giải thưởng văn chương khác. Ông là tác giả kịch bản phim truyền hình nhiều tập Chủ tịch tỉnh.

Ông quan niệm: “Văn hóa là một tổng thể sống động các hoạt động sáng tạo của con người trong quá khứ và trong hiện tại. Qua các thế kỷ, hoạt động sáng tạo ấy đã hình thành nên một hệ thống giá trị, các truyền thống và thị hiếu - những yếu tố xác định tính riêng của mỗi dân tộc”.

Song, dẫu định nghĩa thế nào, chung quy lại, tôi cho rằng văn hóa là gốc mọi sự và được hiển thị trên ba trục không gian: quan hệ giữa con người và con người; quan hệ giữa con người và thiên nhiên; và nhu cầu tâm linh.

Khi nói tới sự giàu, các cụ ta bao giờ cũng “đính kèm” chữ sang. Sang chính là văn hóa, là cái tâm, là sự lịch lãm, cùng hành vi ứng xử. Và sang là tri thức. Để giàu, rất khó, phải đổ trí lực, và mồ hôi. Nhưng phấn đấu để sang, khó hơn nhiều. Giàu thì được tôn trọng. Nhưng sang mới được kính nể. Quan niệm của ông bà ta xưa cũng như cách nhìn nhận của xã hội bao giờ cũng đặt sang song hành, thậm chí cao hơn giàu. Nghĩa là yếu tố văn hóa được xếp ở chiếu trên trong thang giá trị. Các cụ cũng dạy con cháu: Đói cho sạch, rách cho thơm. Mệnh đề trên cần hiểu theo nghĩa đen và nghĩa bóng.

Ở các nước tiên tiến, những người giàu thường rất được kính trọng, gặp họ, người dân cung cẩn ngả mũ chào. Họ ngả mũ không hẳn vì các vị đó nhiều tiền lắm của, mà họ ngả mũ bởi trước hết những người đó sang. Ở Việt Nam ta, những nhà tư sản như Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Sơn Hà cũng là những người sang, những nhân cách văn hóa. Giàu mà thiếu văn hóa, chỉ là trọc phú.

Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, là nền tảng đời sống tinh thần của một quốc gia. Lịch sử đã chứng minh rằng, một dân tộc muốn tồn tại và phát triển, phải dựa trên nền móng vững chắc của văn hóa. Lãnh thổ có thể mất, chính quyền cũng có thể mất, nhưng không mất văn hóa thì dân tộc còn. Văn hóa là chỗ tựa, là giá đỡ để tồn tại, ổn định và phát triển đất nước.

Ngày càng nhiều chuyện phi văn hóa ngang nhiên tồn tại. Tồn tại công khai, thậm chí núp dưới vỏ bọc văn hóa để đạt được mục đích. Bằng pháp thuật cao siêu và tinh vi, người ta có vô số hoá thân mang danh và không mang danh, đồng thời khôn khéo biến hoá thành nhiều dạng kiểu lúc vô hình, lúc hữu hình mà không hẳn họ không ý thức được rằng đang dẫm đạp lên văn hóa.

Thư chị có nói đến vấn đề, để cứu lấy văn hóa, cần nâng cao dân trí. Điều ấy đúng và quan trọng, nhưng tôi lại quan niệm rằng cần thiết hơn, cấp bách hơn là vấn đề “quan trí”, tức “cán bộ trí”, “lãnh đạo trí”. Nếu chúng ta thống nhất ở nghĩa nào đấy cán bộ quyết định tất cả, thì trí của họ là vấn đề sống còn của văn hóa.

Bây giờ đến nhà các quan chức, người ta đã không dùng đến phong bì nữa, phong bì đã không đủ khả năng chứa lễ vật “kính biếu”, “kính tặng”. Phong bì xưa rồi. Cổ phần, cổ phiếu, đất đai và những túi, những cặp giá trị gấp nhiều lần phong bì. Song khái niệm “văn hóa phong bì” vẫn tồn tại để chỉ hành vi hối lộ và ăn hối lộ. Việc này đầu tiên còn dấm dúi, ngượng ngập, kín đáo, bây giờ công khai, trở thành điều hiển nhiên mà người hối lộ và người nhận hối lộ đã chai lỳ, không coi là hiện tượng đáng xấu hổ, phi đạo lý nữa. 

Tôi đã chứng kiến cảnh, sau 5 giờ chiều, người ta rồng rắn xếp hàng trước phòng làm việc của những quan đầu tỉnh để “xin gặp” vài ba phút. Nội dung “xin gặp” là gì, cháu nhỏ học lớp bốn cũng hiểu. Người ta làm cái việc hổ thẹn ấy một cách “công khai minh bạch” mà người đưa cùng người nhận không có ý né tránh, bí mật. Họ trơ tráo và trơ trẽn một cách đáng sợ!

Không bàn đến chuyện “to tát” như tham nhũng, hối lộ; chạy chức chạy quyền; thải chất độc ra tàn phá các dòng sông, hủy hoại môi trường và vân vân, là hệ quả của thứ “văn hóa lùn”, chỉ nhìn những điều “nho nhỏ” diễn ra hàng giờ đã thấy văn hóa xập xệ tới mức nào. Một Thành Tuyên biến thành lò gạch ngay giữa thanh thiên bạch nhật; một bộ phim xây dựng để kỷ niệm nhiều năm truyền thống của một thành phố, không mang sắc thái Việt. 

Rồi ở thành phố nọ, người ta bỏ ra 120 ký mực làm hình cụ rùa (là biểu tượng tâm linh) để khoe, để đoạt “nhất” và để… chén trong một lễ hội được gọi là văn hóa… Rồi tung hô, khuyến khích sự man rợ ở lễ hội đâm trâu, lễ hội chọi trâu như một biểu hiện của tinh thần thượng võ… Lễ hội đâm trâu, lễ hội chọi trâu có thật sự là văn hóa, là biểu hiện của tinh thần thượng võ, những ai còn chút văn hóa chắc rõ?

Văn hóa (cultura) theo nghĩa gốc là sùng bái, là tôn vinh lối sống, phương thức sống. Truyên truyền và cổ vũ cho lễ hội đâm trâu, lễ hội chọi trâu và hô hào đọc những truyện đại loại như người nông dân đã lừa con hổ để hại nó (thực ra là hành động gian trá) và được ca ngợi đó là trí khôn, vậy chúng ta định giáo dục thế hệ kế tục phương thức sống nào?

Minh họa: Lê Phương.

 Tại sao những lễ hội dân gian như lễ hội nõ nường (còn gọi là nõn nường), lễ hội cầu ngư, lễ hội cầu mùa, lễ hội cồng chiêng... ý nhị, tinh tế, đầy nhân bản, giàu tình người, nhân ái thì ít được tôn vinh, ngày bị mai một dần, còn những lễ hội mang tính bạo lực thì được tuyên truyền, cổ vũ…?

Và vì mục đích lợi nhuận, người ta đã không ngần ngại cho dựng cáp treo ở Chùa Hương, ở Yên Tử, ở chùa Hương Tích (Hà Tĩnh)… Đưa công nghệ tiên tiến, hiện đại vào đất Phật để kinh doanh, đã phá vỡ không gian văn hóa đặc sắc cha ông dày công tạo dựng, làm mất cảnh quan, sự u tịch, tĩnh lặng, tôn nghiêm của chốn linh thiêng. Nhưng tệ hại hơn, nó làm biến dạng, làm sai lạc tâm thức văn hóa tâm linh.

Ngồi cáp treo, và có thể cưỡi trực thăng nữa để đến với Phật, liệu con người ngộ ra được điều gì hỡi những người chủ trương những việc làm trên?

Chị đã thăm chùa B. chưa? Truyền thống người Việt ta là không dựng các chùa mang tính phô trương. Chùa Một Cột có từ thời nhà Lý là một ví dụ. Nhỏ, nhưng độc đáo, là chốn tôn nghiêm, niềm tự hào của bao thế hệ, một danh thắng của thủ đô. Tâm lý của các phật tử chân chính xưa nay bao giờ cũng tìm đến những chùa nghèo để hành hương thắp hương bái Phật. Cốt ở sự thành tâm chứ không cần phải chọn chùa to, tượng lớn.

Chúng ta có cần phải ru ngủ mình để tự hào rằng, chùa có tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á, chùa có hành lang La Hán dài nhất châu Á?... Rất nhiều điều đáng làm hơn thế để mà tự hào!

Nhìn ngôi chùa cũ nhỏ nhắn thanh tao, tĩnh lặng, tôn nghiêm do một thiền sư góp công tạo dựng trên núi từ thời nhà Lý, đã được nhà nước công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia từ năm 1997 giờ bị khuất lấp ở phía sau trở nên trống lạnh, tiêu điều mà thấy xa xót buồn!

Đi bái Phật mà khi trở về thấy lòng bất an, tâm không tĩnh, vậy có nên không?

Những việc đại loại như vậy nhiều lắm lắm, diễn ra khắp nơi cùng chốn. Tôi đã nhiều lần chứng kiến ở nhiều cuộc lễ, sau phần giới thiệu và diễn văn khai mạc, các quan chức to, rất to, lần lượt nhổn đít bỏ về. Các quan nhỡ nhỡ thấy vậy cũng lục tục đứng lên… Phản cảm vô cùng!

Không phải chức tước, địa vị, càng không phải tiền bạc mà là hàm lượng văn hóa nơi mỗi cá thể mới hiển thị giá trị, chiều kích và vị thế của người đó trong xã hội. Ấy là tôi quan niệm thế.

Văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Việt ta căn bản lấy văn hóa làng xã làm nền tảng, nhưng văn hóa tạo ra giá trị và bản tính Việt ấy đang bị phá vỡ, biến dạng, bóp méo, mài nhẵn… Lối sống giản dị, thanh sạch, nền nếp, quy củ bao đời theo tinh thần lá lành đùm lá rách, tắt lửa tối đèn có nhau… đang nhòa mờ, nhường chỗ cho thứ văn hóa chụp giật, vô cảm, tôn vinh đồng tiền, quỵ lụy chức vị. Văn hóa xuống cấp là mảnh đất màu mỡ để các tệ nạn có đất sống, phát triển. 

Chỉ vì một sự hiềm khích nho nhỏ, chỉ vì một chút tài sản cỏn con, người ta đang tâm giết hại không chỉ một người, mà cướp đi sinh mạng nhiều người, thậm chí tàn sát cả gia đình. Nhức buốt là ở chỗ những điều ghê tởm ấy không còn là hiện tượng hy hữu. Vì vài ba thước đất mà anh em, bố con trở thành thù địch… Và kinh hoàng hơn, thúc nhối những ai có lương tri là con trai hiếp dâm cả người mẹ đã sinh thành ra mình...

Thứ mà ta vẫn gọi chưa hẳn đã đúng và đổ lỗi cho nó là mặt trái của cơ chế thị trường đang ào ạt tấn công vào văn hóa truyền thống Việt, đang chích ma túy vào văn hóa làng xã. Nông thôn và nông dân bao đời nay sống yên bình, êm ả trong văn hóa thuần khiết, nên khả năng đề kháng, chống đỡ trước sự xâm nhập văn hóa hổ lốn ấy rất yếu, lại được sự tha hóa của không ít người trong tầng lớp có chức có quyền làm đồng minh, nên sự quỵ ngã của văn hóa truyền thống tốt đẹp là khó tránh.

Tôi nhất trí với chị rằng chúng ta đang quá chú trọng đến phát triển kinh tế mà ít quan tâm đến vấn đề văn hóa và hình như cũng quên rằng mất văn hóa là mất tất cả. Vội vã phát triển kinh tế mà không đếm xỉa đến văn hóa là thứ phát triển nóng, là sự phát triển xổi. Những bài học đắt giá ở xứ ta, ở xứ người minh định điều ấy. Hàm lượng văn hóa trong ứng xử ở mỗi cá nhân là thước đo giá trị của năng lực, lòng yêu nước và tự tôn dân tộc. Vong bản, đánh mất mình thì làm gì có cái để hội nhập nhằm phát triển? Nước thịnh hay suy phụ thuộc vào bản lĩnh văn hóa của nước đó, dân tộc đó.

Bởi vậy văn hóa là chìa khóa vàng để phát triển bền vững. Không có văn hóa, không có phát triển bền vững!

 Kính thư! 

Đ.K.
.
.