Cần liều vaccine đủ mạnh để ngừa… “virus tham nhũng”

Kỳ 1: Tháng “nóng” nhất (!)

Chủ Nhật, 04/07/2021, 08:00
Thời gian qua, nhất là sau chủ trương xử lý “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không bị sức ép, tác động bởi bất kỳ cá nhân nào” của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, kèm theo sự vào cuộc, thể hiện quyết tâm rất cao của cả hệ thống chính trị, hàng loạt vụ tiêu cực được phơi bày, không ít cán bộ phải trả giá đắt.

Có thể thấy, chưa khi nào tần suất xử lý sai phạm liên quan đến tài sản công, đặc biệt là đất đai, lại liên tiếp đến như thế. Rất đồng thuận, phấn khởi dõi theo sự quyết liệt ấy, người dân cả nước mong mỏi pháp luật nói chung tiếp tục được vận dụng một cách thật sự nghiêm túc, không ngừng bổ sung, hoàn thiện, kịp thời bịt kín những “lỗ hổng”, tạo ra được những hành lang pháp lý để “virus tham nhũng” không còn nơi ký sinh…

 “Chết” vì… đất

Tháng 6, dù một số nơi đã bắt đầu mùa mưa nhưng trên bình diện cả nước, ấy vẫn là tháng oi bức, ngột ngạt nhất. Riêng năm nay, tháng 6 cũng là thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, phức tạp trở lại, gây hậu quả nặng nề nhất lịch sử. 

Càng “nóng” hơn khi cũng trong tháng qua, việc xử lý sai phạm liên quan đất đai cũng liên tục, trở thành tâm điểm chú ý của dư luận. “Nóng” nhất hiện nay vẫn là các sai phạm liên quan đến lĩnh vực này tại một số tỉnh, thành phía Nam. 

Ngày 23/6 vừa qua, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin, trong số 4 người nguyên là cán bộ vừa bị khởi tố, do liên quan vụ Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC, DN 100% vốn của Thành ủy) bán “đất công giá bèo”, tiếp tục có tên ông Tất Thành Cang.

Trước đó, ông Cang đã bị khởi tố do có bút phê “đồng ý” cho Sadeco (công ty con của IPC) chuyển nhượng cổ phần cho một cổ đông không qua thẩm định giá và đấu giá, làm Sadeco thiệt hại nặng nề (1.103 tỷ đồng), trong đó thiệt cho vốn của Thành ủy tại DN này trên 184 tỷ đồng.

Trước khi thành… bị can, cùng với nhiều khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng khác, ông Cang đã bị cách chức Ủy viên Trung ương Đảng khoá XII, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy nhiệm kỳ 2015 – 2020; bị khai trừ Đảng.

Chống tham nhũng là một trong những biện pháp để giữ vững sự ổn định, thúc đẩy phát triển. Thông qua xử lý sai phạm, Đảng, Nhà nước sẽ chấn chỉnh, uốn nắn những tồn tại, kịp loại ra khỏi hàng ngũ những cán bộ, “đầy tớ” không còn xứng đáng. Việc này được tiến hành thường xuyên, liên tục... Dễ thấy điều này gần đây nhất là việc xử lý sai phạm tại Bình Dương. 

Khi có thông tin về dấu hiệu vi phạm của đảng viên, Hội đồng bầu cử quốc gia đã ban hành ngay nghị quyết riêng, không công nhận tư cách ĐBQH của ông Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ dù ông Nam được cử tri tín nhiệm bầu với tỷ lệ 80,88%. Sự khẩn trương, nghiêm minh, quyết liệt không dừng lại ở đó.

Sau đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị, Ban Bí thư để xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng và các cá nhân có sai phạm; đồng thời đề xuất Ban Chấp hành Trung ương xem xét, kỷ luật ông Trần Văn Nam…

Cũng liên quan đến sai phạm tại Tổng Công ty 3/2 (DN thuộc Tỉnh ủy, vốn chi phối trên 60%) có phần trách nhiệm của Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, trong ngày cuối cùng của tháng 6, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam 6 bị can, gồm nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm; nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Văn Cành; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Trúc; Chánh Thanh tra tỉnh Trần Xuân Lâm; Chánh Văn phòng UBND tỉnh Võ Văn Lượng; Trưởng phòng Tài chính Đảng - Văn phòng Tỉnh ủy Ngô Dũng Phương. Các ông Liêm, Cành, Trúc và Lâm vừa bị Ban Bí thư cách tất cả các chức vụ trong Đảng. 

Như vậy, cùng với số người đã bị khởi tố trước đó, tổng số bị can của vụ án này đã lên đến con số 20, gồm 3 lãnh đạo Cục Thuế tỉnh Bình Dương, 7 cán bộ Tổng công ty 3/2, 2 lãnh đạo Công ty CP BĐS Âu Lạc và 2 lãnh đạo Công ty CP Tư vấn và Thẩm định giá Đông Nam.

Cũng trong tháng 6 vừa qua, hàng loạt trường hợp nguyên là Chủ tịch, phó Chủ tịch, Giám đốc Sở TN&MT của các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa bị khởi tố, bắt tạm giam cũng vì… đất. 

Đấy thật ra chỉ là những động thái tiếp theo sau các chỉ đạo, quyết định kỷ luật của cấp thẩm quyền đối với tổ chức, cá nhân sai phạm khi thực hiện các dự án đầu tư, gât thất thoát, lãng phí đất đai, tài sản và ngân sách nhà nước. 

Không ai có thể đứng trên, đứng ngoài pháp luật. Tuy nhiên, đúng như những gì mà người dân cả nước cảm nhận được, so với trước, tần suất có tăng lên, nhiều cán bộ chủ chốt. 

Tại TP Hồ Chí Minh, không chỉ với ông Tất Thành Cang, việc xử lý sai phạm các nguyên phó chủ tịch UBND thành phố (như các ông Nguyễn Hữu Tín, Nguyễn Thành Tài, Trần Vĩnh Tuyến) cùng rất nhiều cán bộ chủ chốt khác, từng trở thành tâm điểm chú ý của dư luận. Nhiều người trong số này đối mặt với tình trạng… án chồng án.

Hơn 6 năm qua, dự án Nha Trang Golden Gate vẫn ì ạch, hoạt động thi công phải tạm dừng.

“Đất vàng” đội nón ra đi

Ngày cuối tháng 6 vừa qua, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra các dự án BT sử dụng quỹ đất thanh toán tại khu vực sân bay Nha Trang. 

Nhìn vào nội dung kết luận này, dư luận nhận thấy UBND tỉnh Khánh Hoà có biểu hiện ưu ái đến bất thường với Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn khi giao DN này 3 dự án BT giao thông với tổng vốn 3.280 tỷ đồng, không qua đấu thầu. Trước đó, tỉnh đã giao cho DN này hơn 62ha đất tại khu vực sân bay Nha Trang, nằm trong diện tích đã được phê duyệt làm Khu trung tâm đô thị thương mại – dịch vụ - tài chính – du lịch Nha Trang. 

Việc giao đất trước sau đó mới ký hợp đồng BT được xem như hành vi “hợp thức hóa”. Thanh tra Chính phủ kết luận và kiến nghị, tỉnh Khánh Hoà phải nghiêm túc kiểm điểm, đề xuất hình thức xử lý nghiêm minh; chịu trách nhiệm thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả, sai phạm, thu các khoản chênh lệch để tránh gây hậu quả thất thoát tài nguyên đất đai, ngân sách nhà nước.

Thực tế trước ngày nhiều bị can từng là cán bộ lãnh đạo của tỉnh Khánh Hòa bị bắt, nhiều diện tích đất ở vị trí “đắc địa” cũng được “định đoạt” một cách bất thường, hỏi tên các dự án liên quan đến sai phạm của các vị này, người dân có thể đọc vanh vách, nhớ luôn cả diện tích. 

Đó là dự án phức hợp Nha Trang Gold Coast, 7.400m² tại 1 Trần Hưng Đạo (trụ sở Trường chính trị tỉnh Khánh Hòa cũ); dự án Golden Gate hơn 12.000m², trên đường Trần Phú, hướng ra Vịnh Nha Trang; dự án chung cư cao tầng Napoleon Castle 1, rộng hơn 2.900m2 trên đường Nguyễn Đình Chiểu;… 

Dễ hiểu là do trước đó, thông tin về các dự án này, nhất là sau khi Thanh tra Chính phủ có kết luận đã tràn ngập trên báo chí và mạng xã hội. Sai phạm phổ biến nhất là giao “đất vàng” không qua đấu giá, giao dự án không qua đấu thầu. Nhiều “đất vàng” rơi vào tay tư nhân qua việc liên danh, liên kết dễ như trở bàn tay.

Nếu có một loại nhiệt kế để đo… độ “nóng” liên quan đến việc xử lý các sai phạm về đất đai, có thể thấy, câu chuyện tại Bình Dương là đang “nóng” nhất. Bởi việc xử lý kỷ luật và cả việc truy cứu trách nhiệm hình sự trong vụ án liên quan đến 2 khu “đất vàng” 188ha xảy ra tại Tổng Công ty 3/2 vẫn đang tiếp diễn.

Cùng với các vụ án liên quan sai phạm đất đai tại TP Hồ Chí Minh và Khánh Hòa, vụ án tại Tổng Công ty 3/2 (Bình Dương) cũng thuộc diện theo dõi, chỉ đạo của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, không chỉ chịu trách nhiệm người đứng đầu về các vi phạm, khuyết điểm của BTV Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015 – 2020, Bí thư Tỉnh uỷ Bình Dương Trần Văn Nam đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, làm trái chủ trương của Tỉnh ủy và vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai, vốn, tài sản của Đảng, Nhà nước tại Tổng Công ty 3/2; buông lỏng lãnh đạo, thiếu kiểm tra, giám sát; chỉ đạo hợp thức hóa tài liệu để che giấu vi phạm; gây thất thoát lớn tài sản, ngân sách của Đảng, Nhà nước và nhiều cán bộ, đảng viên của tỉnh vi phạm kỷ luật Đảng, bị khởi tố hình sự…

Binh Huyền – Hữu Toàn
.
.