Tùng Dương: Tìm thấy thế gian trong chính mình

Thứ Hai, 30/11/2020, 08:37
Mỗi lần xuất hiện là thêm một lần bùng nổ. Năng lượng của Tùng Dương chưa bao giờ vơi cạn với âm nhạc. Người nghệ sĩ tưởng như lúc nào cũng phiêu diêu, khoáng đạt, phá cách, ở ngoài những “niêm luật” thực ra lại là một người rất kỷ luật, chăm chỉ làm việc và liên tục đưa ra những dự án mới, ngay cả trong thời điểm khó khăn nhất.


Ở ngưỡng cửa tuổi 40, Tùng Dương đã có tới gần 20 năm hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp, với 7 album riêng và nhiều liveshow có sức nặng đủ để định vị tên tuổi hàng đầu của mình. Cùng với năm tháng, giọng hát có thể chín hơn, phong cách biểu diễn có thể hoàn thiện hơn, nhưng có lẽ quan trọng hơn cả phải là sự lớn lên, sự trưởng thành về tư duy âm nhạc của người nghệ sĩ.

Tùng Dương ở thời điểm hiện tại có tất cả những thứ đó, để có thể thỏa sức vẫy vùng trong âm nhạc với biên độ rộng lớn nhất có thể. “Human” - album vừa trình làng của Tùng Dương là một minh chứng sinh động cho điều này. Cùng với album mới sẽ là liveshow để dành tặng khán giả yêu âm nhạc vào cuối tháng 11 tới đây.

Với “Human” - Tùng Dương muốn kể chuyện về loài người. Thực ra trong nghệ thuật, viết gì, hát gì cũng là về con người, về đời sống này mà thôi. Cái đặc biệt ở đây, trong một album, là Tùng Dương kể chuyện loài người theo hành trình: “Từ khi sinh ra, rồi trải qua bao kiếp nạn trong đời, huy hoàng cũng có mà tận cùng khổ đau cũng nhiều, chứng kiến những xác thân mục rã trở về cát bụi và cả sự ra đời của kỷ nguyên máy móc đe dọa thống trị loài người, những ước mơ của con người chinh phục vũ trụ bao la, con người sống ra sao trong kỷ nguyên công nghệ… để rồi như một vòng tròn đời người, ta lại chờ ngày được tái sinh trong một hình hài mới”.

Tùng Dương và con trai.

Một trong những lý do để Tùng Dương suy ngẫm nhiều về con người và muốn thể hiện tinh thần đó trong sản phẩm mới lần này, chính là những biến cố mà nhân loại đã và đang phải trải qua trong năm 2020. “Bệnh dịch, thiên tai đã khiến con người trở nên bé nhỏ vô cùng. Tôi nghĩ nhiều về cái gọi là “tính người” - điều cuối cùng còn lại để chúng ta có thể cứu chuộc thế giới, cứu chuộc nhau, đoàn kết vượt qua những biến cố, để giữ cho thế giới này không mất đi. Và cái tên “Human” là để nói về thông điệp đó”.

Nghe “Human” bạn sẽ không khỏi kinh ngạc, day dứt và suy tư về thân phận con người. Bạn sẽ được đánh thức, với một nguồn năng lượng tích cực, để nghĩ nhiều hơn về chính mình, để chọn một cách sống mới, vượt qua những thách thức hay biến cố đang có nguy cơ khiến bạn trì trệ và kéo chìm bạn xuống.

Âm nhạc là tấm gương phản ánh toàn bộ đời sống một người nghệ sĩ, điều này không phải bàn cãi. Xuyên suốt các sản phẩm âm nhạc của Tùng Dương và đến “Human”, có thể cảm nhận một điều rất rõ ràng, Tùng Dương đã dùng âm nhạc như một tôn giáo để tu sửa mình, để mỗi bước đi trở nên an lạc hơn, thấm nhuần các giá trị cốt lõi trong văn hóa làm người, cũng như trở nên sâu sắc trong tư duy.

Với giọng hát trời cho, khả năng biến hóa vô cùng trong phong cách biểu diễn, Tùng Dương đã trở thành người mang sứ mệnh tạo ra các giá trị mới, khác biệt nhưng cũng đồng thời hướng người nghe quay về với những gì là căn cốt, nguyên bản của nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng, trong thời buổi nhìn đâu cũng là “fast food”.

Chúng ta thấy rất đông trong số những người làm nghệ thuật hôm nay đang cố đua chen thể hiện cái bên ngoài nhiều hơn là cái bên trong, chiều chuộng đôi mắt hơn là đôi tai hay trái tim của khán giả. Đời sống công nghệ đang có nguy cơ biến con người thành những cỗ máy, nếu mỗi người không tự biết dừng lại, nhìn sâu vào chính mình, đánh thức “tính người” để khơi gợi những nguồn cảm hứng sống mới.

Người làm nghệ thuật có thể xiêm áo lộng lẫy nhưng điều họ tìm kiếm tuyệt nhiên không phải vậy. Điều họ tìm kiếm phải là cái đáy của chính mình, là  bản thể của mình, để từ đó tìm thấy mọi người, tìm thấy thế gian trong chính mình. Vì vậy những người đi trên đường và không ngừng tìm kiếm cái bên trong để sửa mình, làm cho nghệ thuật mình cống hiến có được một chiều kích khác, một biên độ khác, một tiếng nói khác như Tùng Dương chính là một điềm lành, dành cho những khán giả muốn thực sự tiếp cận nghệ thuật theo nghĩa chân chính nhất.

Tất cả những chiêm nghiệm, ý tưởng, ngay cả giọng hát nội lực sẵn đấy của Tùng Dương sẽ không là gì cả, nếu thiếu đi những cộng sự ăn ý, thấm nhuần và chia sẻ. Điều may mắn của Tùng Dương trong dự án “Human” chính là có được những người hợp tác tốt. 12 ca khúc trong “Human” được viết bởi 2 nhạc sĩ tuổi đời còn rất trẻ: Sa Huỳnh và Bùi Caroon. Trong khi âm nhạc của Bùi Caroon có phần thô ráp, xù xì, góc cạnh, thì Sa Huỳnh lại âm tính, trừu tượng, giàu triết lý. Hai phong cách sáng tác của hai nhạc sĩ trẻ hàng đầu hiện nay vô hình trung lại giống chiếc áo trùng khít, phù hợp với Tùng Dương - một nghệ sĩ dữ dội mà thâm trầm, phá cách mà chín chắn.

Nghe “Human” để gặp Tùng Dương với sức nghĩ, sức cảm mạnh mẽ đã đành, nhưng khán giả còn thấy yêu hơn, tin hơn vào một thế hệ những người trẻ của âm nhạc. Những người không nhìn ra ngoài, mà sớm biết tìm kiếm con đường đi vào bên trong, con đường đến với Đạo. Họ biết đặt những câu hỏi lớn về đời sống và tìm kiếm câu trả lời thông qua tài năng, nghệ thuật cũng như kỹ thuật. Những ca khúc như “Mang thai”, “Mục rã”, “Người mù”, “Trí tuệ nhân tạo”, “Bão hòa”, “Mắt đêm”... là những ngạc nhiên thú vị.

Thật khó tin những ca khúc có sức nặng như vậy, về những đề tài xã hội đầy tính thời sự, đầy ám ảnh lại được viết bởi những người nghệ sĩ còn rất trẻ. Sự ăn ý của Tùng Dương cùng với những nhạc sĩ trẻ, và cả những nghệ sĩ phối khí, nhà sản xuất trẻ đã mang đến một “Human” đầy chất gây nghiện. Đây cũng là album cho thấy rõ ràng hơn tinh thần tiên phong của Tùng Dương, rằng không chỉ biết cúi đầu, tôn vinh những thế hệ nhạc sĩ tài năng đi trước như Nguyễn Cường, Phó Đức Phương, Trần Tiến, Dương Thụ... mà còn biết truyền cảm hứng cho những người trẻ thế hệ sau mình, kết nối với họ một cách vô cùng hiệu quả.

“Tôi chưa thể gọi là già nhưng cũng tự biết mình không còn trẻ. Và tôi luôn biết lắng nghe, đón nhận, cập nhật những cái mới trong âm nhạc, luôn mở lòng với những nghệ sĩ trẻ, cho họ cơ hội hợp tác với mình. Tôi cảm thấy hạnh phúc, thấy mình không cô đơn khi đi chung đường với nghệ sĩ trẻ” - Tùng Dương chia sẻ.

Cũng bởi ý thức về thời gian nên Tùng Dương của hiện tại dồi dào năng lượng mà không vội vàng. Vô cùng cẩn trọng, tỉ mỉ vì Dương rất sợ làm những gì “chưa tới”. Đối với Tùng Dương, mỗi sản phẩm âm nhạc đưa ra với công chúng phải mang được một triết lý mới, một thông điệp mới. Quái, nổi loạn, cá tính, phá cách... là những gì công chúng cảm nhận về Tùng Dương. Nhưng ở mỗi chặng đường đi, sự nổi loạn, sự quái của Tùng Dương mang một ý nghĩa khác. Với “Human” - một album rock, vẫn đấy một Tùng Dương “quái” vô cùng là quái, từ hình ảnh tới giọng hát. Nhưng cái quái đó sao mà dễ chịu, nó không làm người ta sốc, vì như đã nói, Tùng Dương không đưa câu chuyện tìm kiếm của mình ra bên ngoài.

Chọn thể loại progressive rock- một sự kết hợp uyển chuyển của rock kinh điển với nhạc cổ điển, Dương đã bày biện ra cho người nghe một không gian âm nhạc vô cùng rộng lớn. Người nghe ở nhiều lứa tuổi đều có thể nghe rock của Tùng Dương, bởi sự ấm áp, khỏe khoắn, nhiều năng lượng và tinh thần tích cực mà Dương mang đến. Dương nói: “Đối với tôi, nghệ thuật phải là ánh sáng. Nó nhất định phải truyền đi nguồn năng lượng để con người tin yêu cuộc sống hơn, thúc đẩy sự phát triển. Nghệ thuật không thể gieo rắc hiểm họa hay tiêu cực, hay đẩy con người vào sự loanh quanh, tăm tối, bế tắc. Người nghệ sĩ như chiếc cầu nối, là đường dẫn để nâng con người lên”.

Tùng Dương đọc nhiều về Phật giáo và chịu ảnh hưởng nhiều tinh thần Phật giáo trên con đường nghệ thuật. Dương tin vào sức mạnh của cái đẹp, cái thiện, cái từ bi và luôn đưa những triết lý này vào trong âm nhạc của mình. Dù hát tình ca hay hát rock, Dương vẫn chủ định đến thẳng với trái tim người nghe với những thông điệp rõ ràng, mạnh mẽ. Không theo trend cũng chẳng theo trào lưu vì với Tùng Dương, một nghệ sĩ đủ giỏi sẽ tự tạo ra con đường của riêng mình. Anh ta không cần phải chạy theo hay bắt chước bất kỳ ai cả.

Con đường của Tùng Dương đi, mãi mãi, là tìm Thiện căn trong âm nhạc, mang nó đến với con người, xoa dịu những tổn thương, những nỗi đau mà con người phải mang vác trên thế gian. Đây cũng là lý do mà ngay trong những ngày tháng dịch bệnh, ngỡ như cả thế giới đóng băng, Tùng Dương vẫn miệt mài làm việc để có những sản phẩm mới.

“Tôi muốn âm nhạc phải đến với mọi người đúng thời điểm. Ngay trong những khổ đau biến cố, bạn có thể chia sẻ với đồng loại thức ăn, nhu yếu phẩm. Nhưng với nghệ sĩ, còn gì đẹp hơn và cần thiết hơn, là cất tiếng nói của mình thông qua nghệ thuật để an ủi con người, mang cho họ nguồn năng lượng mới, cảm hứng mới, cùng với họ đi qua những thời khắc khó khăn, nhiều thử thách”.

Bình Nguyên Trang
.
.