Câu chuyện thứ 49:

Chuyện của nghệ sĩ Hữu Nghĩa

Thứ Hai, 24/11/2014, 16:16
Người ta nói bước vào cái tuổi ngũ thập đã có thể an nhiên làm những gì mình thích. Tôi không biết người khác thế nào. Còn tôi, từ những ngày còn trẻ, luôn thích sự thanh thản. Không phải tôi lánh nặng tìm nhẹ. Chỉ là, tôi muốn chọn những gì phù hợp với bản thân, với nguyên tắc của mình.

1. Tôi thường tự hào khoe với bạn bè, tôi có hai bà mẹ. Đó có lẽ là điều may mắn nhất cuộc đời tôi. Mẹ có bầu tôi đúng dịp tết dương lịch. Giáp tết, mẹ với một người bạn rủ nhau đi chợ xuân cho đỡ buồn. Đường đông, mẹ tôi sơ ý té, động thai phải chở vô viện cấp cứu. Tôi là con đầu lòng, lại sinh non, chỉ 7 tháng 10 ngày, phải ấp trong lồng kính, hai bên nội ngoại cuống quýt, khóc ngất lên ngất xuống, sợ không giữ được tôi. Còn mẹ tôi thì nằm dính giường do sau sinh hai chân gần như không nhấc lên được. Trời khiến tôi dễ ăn dễ ngủ, coi sinh thiếu tháng mà khỏe. Đâu chừng một tuần, tôi xuất viện. Dì Mười thay mẹ chăm tôi đến tháng thứ 2, mẹ mới bình phục hẳn. Dì bồng tôi đang ngủ ngon lành trao lại cho mẹ. Tới lúc thức, không nghe hơi dì, tôi khóc toáng lên, ba mẹ bày đủ cách dỗ vẫn không nín. Sực nhớ, ba đón dì qua nhà xem tôi thế nào. Dì vừa nhón tay ẵm, tôi nín khe, toe toét cười. Vậy là dì bồng tôi về nuôi luôn. Tôi cũng tưởng dì là mẹ ruột của mình. Sau này, cả nhà xúm vô giải thích tôi mới chịu về ở với ba mẹ. Mà, tuần nào không được gặp dì là tôi nhớ chịu không nổi, lại khóc lu loa lên.

Chuyện như mới hôm qua tôi còn ngồi gọn trong lòng hai mẹ bên sạp vải, ríu rít. Giờ thì hai mẹ da bạc tóc mồi, bàn tay run run. Tóc tôi cũng đã chớm bạc. Ngày trôi như nắng kéo qua thềm. Người ta nói bước vào cái tuổi ngũ thập đã có thể an nhiên làm những gì mình thích. Tôi không biết người khác thế nào. Còn tôi, từ những ngày còn trẻ, luôn thích sự thanh thản. Không phải tôi lánh nặng tìm nhẹ. Chỉ là, tôi muốn chọn những gì phù hợp với bản thân, với nguyên tắc của mình. Như cái ngày tôi xin chú Minh Trị về lại đoàn Bông Hồng theo thỏa thuận ban đầu, chú đề nghị tăng lương để giữ tôi lại. Tôi đã thanh thản khước từ. Bởi, tôi quyết định đi không phải vì danh tiếng của Bông Hồng, lương bổng cũng chả nhiều nhặn gì. Đơn giản vì đó là dự định ngay từ đầu của tôi khi từ Minh Hải về lại Sài Gòn. Mải miết chạy theo đám đông để làm gì? Trong khi có quá nhiều việc cần phải làm. Tôi tin cuộc sống là một sự cân bằng. Khi đám đông dồn đẩy, phần trống còn lại sẽ khiếm khuyết. Nếu không có người làm, một lúc nào đó, mọi thứ sẽ nghiêng. Mình chấp nhận làm người lấp chỗ trống, không phải vì mình dở, mình thiếu khả năng. Mà vì, có những chuyện người khác làm được nhưng mình “tuyệt đối không làm được”. Bài học ấu thơ ăn vẹn nguyên trong trí óc tôi.

Thời đó, ba mẹ tôi tối mặt tối mũi với công việc. Để rèn con, ba mẹ gởi tôi vô trường dòng học chữ và học lễ giáo với các sơ. Nhà tôi theo đạo Phật nhưng ba mẹ vô cùng cởi mở chuyện tôn giáo. Giáng sinh, ba tôi cũng trang trí cây thông, chở mấy anh em tôi đi nhà thờ cầu nguyện bình an. Có lẽ vậy nên mấy đứa tôi lúc nào cũng cởi mở với đời sống xung quanh. Sáng nào đi học, mẹ cũng làm sẵn cho tôi ổ bánh mì ở nhà. Tôi vốn mê cây cối nên hết ngày này qua ngày khác, cứ mê tơi dòm lên mấy tán cây xanh tít tắp trồng quanh nhà thờ. Vừa dịu dàng vừa bí ẩn, cao siêu đến lạ lùng. Trong đầu tôi luôn ẩn chứa câu hỏi, có gì sau tán lá dày mượt kia? Tôi mải mê đến mức quên ăn, ổ bánh mì của buổi sáng để dành lại tới giờ trưa.

Một bữa, tôi lơ đễnh ngắm cây, cầm ổ bánh mì chưa kịp cắn miếng nào thì vụt cái, ổ bánh mì theo cái bóng áo trắng mất hút. Không hiểu sao lúc đó tôi không khóc. Trong đầu chợt nảy sinh ý nghĩ: “Người ta cướp của mình được thì mình cướp lại của người khác được”. Tôi mon men xuống căn-tin trường, nhìn tới nhìn lui tính đường đi nước bước. Thấy một cậu bạn vừa đón chiếc bánh mì từ người bán, tôi lao ra và vụt chạy như lúc nãy một bạn đã làm với tôi. Lúc nghĩ là sắp thoát được dượt đuổi của bạn thì tôi va ngay vào chân sơ. Chiều đó, sơ bắt tôi quỳ xưng tội suốt buổi trước Chúa. Nghĩ về lời sơ dạy: “Đâu thể vì bạn giựt bánh mì của mình mà mình cũng có thể làm điều tương tự với người khác”.

2. Ngày ấy ở trường, tôi là gương mặt khá năng nổ trong các hoạt động văn nghệ. Nhưng nghề diễn là cái gì đó xa lạ và cao vời lắm, tôi không có nghĩ tới. Gia đình có truyền thống làm nghề điện nên tôi tính thi vô ngành kỹ thuật điện nối nghiệp nhà. Hôm tôi làm hồ sơ, thầy hiệu trưởng có hỏi thăm rồi động viên thi vô Trường Nghệ thuật sân khấu 2. “Thầy thấy em rất có khả năng. Thầy tin sau này em sẽ trở thành một diễn viên giỏi”. Xuôi xuôi theo lời thầy, tôi thi thử, ai ngờ đậu thiệt. Một hôm đi học trễ, tôi bị cô chủ nhiệm nhắc nhở: “Em phải học hành nề nếp sao cho xứng với truyền thống của gia đình, nghen Nghĩa”. Tôi chưng hửng, gãi gãi đầu không dám nói gì, chỉ dạ dạ rồi im re về chỗ ngồi, lòng thắc mắc quá đỗi. Rồi tới mấy bạn, mấy anh chị lớp trên cũng hay nhắc tôi phải nghiêm túc học hành. Tới nước này, tôi đánh bạo hỏi, mới vỡ lẽ là mọi người nhầm tôi với cô bạn cùng lớp là cháu nội của của một vị lãnh đạo ngành sân khấu. Tại cái tên của tôi khớp rơ dữ quá trong khi tên bạn kia không có ăn nhập gì hết trơn! Nhưng không vì vậy mà mọi người bớt yêu thương tôi. Trái lại, có cái gì hay hay cũng để dành, cũng chỉ cho thằng Nghĩa. Tại cái tính nó sống rất được.

Năm nào cũng vậy, độ hè và tết là tôi lại khoác ba lô, theo đoàn kịch xung kích của trường lên biên giới Tây Nam hoặc xuống vùng kinh tế mới diễn phục vụ bà con và các chiến sĩ. Hồi đó đi xa cực vô cùng mà nghĩa tình thắm đượm. Ở phố quen, toàn thấy khỉ trong sở thú. Lần đầu tiên nghe vượn hót, thấy vượn chuyền cành sát bên, tôi ngó không chớp mắt. Khuya đó tôi lăn qua lăn lại mãi không ngủ được, than với Hữu Châu: “Sao kỳ vậy ta, tao dễ ngủ lắm mà”. Hữu Châu nhắc chuyện ban chiều, mới hay do mải mê ngắm vượn hót chim ca, tôi nốc hết ly café các anh mời hồi nào không hay. Cà phê Đăk-nông thơm lừng, đắng nồng làm người ta say mất ngủ. Đó là ly cà phê đầu tiên tôi uống trọn vẹn trong đời. Tôi vẫn không thể nào quên đòn bánh tét gói bằng bắp giã thay nếp ông chủ tịch xã cắt củm để dành cho anh em chống đói vì quá ngán đậu phộng luộc. Món bánh tét mà có lẽ, không bao giờ tôi được có cơ hội ăn lại lần thứ 2. Nhắc chuyện xưa, thấy vị đắng vẫn thoảng nơi đầu lưỡi, cái dẻo quẹo của bắp quết thiệt chặt tay còn dính ngập chân răng…

3. Ra trường, tôi về diễn tăng cường cho đoàn Minh Hải gần hai năm. (trước đây, Cà Mau – Bạc Liêu gộp chung thành tỉnh Minh Hải-NV). Có đi mới thấm câu “Muỗi kêu như sáo thổi/ Đỉa lờ như bánh canh”. Vất vả và thiếu thốn đủ thứ, vậy mà trở về Sài Gòn, lâu lâu nhớ cồn cào trong ruột. Nhớ những buổi tối World Cup, tôi lang thang khắp xóm kiếm tivi xin coi ké. Nhớ những bữa chèo xuồng vô Năm Căn diễn cho bà con xem. Muỗi quá trời mà bà con ngồi coi đen nghẹt. Rồi quan, rồi quân chịu không nổi cầm quạt, quạt phành phạch luôn. Nhớ những tháng ngày nước nổi, ghe xuống dập dìu bến sông. Đước mọc ngược kiên cường giữ đất như bà con nơi Đất Mũi. Cà Mau, nhắm mắt lại đã nghe vị nước mặn thấm trong từng thớ thịt…

Hữu Nghĩa trong kịch “Tiếng chim rừng”.

Trở lại Sài Gòn, tôi làm tấu hài, kịch dài và cả đi phim. Đầu năm 1990 thì được khán giả biết mặt nhớ tên. Kỷ niệm vui và ngồ ngộ nhiều không sao kể xiết. Cứ lật tới đâu là bùi ngùi tới đó. Vui nhất là chuyện khán giả nhầm Hoàng Mập là tôi. Cho tôi là Hữu Nghĩa giả. Nhất định đợi Hoàng Mập cho hình Hữu Nghĩa mới chịu! Vai Mười vọng cổ trong một vở kịch chương trình Trong nhà ngoài phố, khán giả thương, thấy là gọi Mười vọng cổ hoài luôn. Cũng có khi khán giả thương quá, cố tình gọi nhầm sang tên danh nhân Bùi Hữu Nghĩa khiến tôi choáng váng. Tình cảm khán giả nồng hậu, ân cần vậy đó. Nghề cho tôi nhiều quá. Nhờ nghề tôi được đi dọc dải đất này. Thấy đâu đâu cũng là ánh mắt hấp háy, đong đầy yêu thương giữa muôn vàn khốn khó. Tôi càng tự nhủ phải sống và làm nghề thật chỉnh chu.

4. Kể vầy coi bộ đời Hữu Nghĩa trơn tru, bằng phẳng quá ha! Nhiều người bảo thấy Hữu Nghĩa lúc nào cũng tươi rói, hình như hổng biết buồn ta ơi! Ai trót sinh ra trong cuộc đời này chẳng đôi lần buồn không màng cất tiếng, sầu muốn uống một trận quên trời quên đất. Có những nỗi buồn chuẩn bị trước còn không vượt qua được. Huống chi những động vọng bất ngờ ập xuống… Ba tôi đột ngột ra đi sau một vụ tai nạn xe. Mẹ khóc, hai em khóc, cả gia đình nước mắt lưng tròng. Vậy mà mắt tôi ráo hoảnh. Nếu lúc đó tôi khóc nữa chắc mẹ tôi sẽ gục mất. Tôi cần mạnh mẽ, trở thành điểm tựa cho mẹ và hai em. Tự dưng tôi thấy mình lớn hẳn lên. Đi đứng, nói năng, giao tế cẩn trọng và chững chạc hơn. Năm đó, tôi còn đang học lớp 9. Hóa ra việc đối diện với những mất mát không gì bù đắp nổi đã dạy cho tôi sức chịu đựng. Để sau này va vấp thất bại trong công việc, rạn nứt chuyện bạn bè, vụn vỡ yêu thương, lòng tôi bớt dậy sóng. Níu bình yên còn sót lại mà lướt qua như một kẻ đã được tiêm những liều kháng thể độc nhất.

Nhiều đêm nghe mẹ nén tiếng nấc, thương quá mà không biết phải làm sao. Nhà quạnh quẽ vô cùng. Nhất là dịp lễ, tết. Má bần thần hết đi ra lại đi vào. Ngày ba còn sống, thể nào Giáng sinh tôi cũng được ba cho cùng trang trí cây thông Noel. Ký ức tôi lấp lánh ruy băng, lung linh trái châu to tròn cả nắm tay. Mỗi độ Tết về, ba đảo chợ thiệt sớm chọn cây mai tươi nhất, đẹp nhất đặt trước cửa nhà. Ba đi rồi, tôi cũng bắt chước ba trang trí cây Noel, chọn mai khi tết về. Có lẽ vì tôi thương má. Và cũng có lẽ, tôi muốn ba vẫn hiện hữu trong đời sống của mấy má con tôi. Có câu, mọi thứ đến và đi trong cuộc đời này nghĩ nặng là nặng, nhẹ là nhẹ. Có những chuyện như gió thoảng mặt hồ. Như cơn mưa bóng mây. Duy thời gian là hiện hữu. Trên gương mặt, trên mái tóc, trên khóe môi. Và ký ức thì mãi tươi xanh…

Hoàng Linh Lan
.
.