Nhân chuyện "Chị ong nâu"

Thứ Ba, 10/08/2021, 09:22

Phiên bản chị ong nâu nhạc chế "sốt sình sịch" trên mạng gây nhiều tranh cãi. Có phụ huynh cấm con cái nghe. Có phụ huynh khác cùng con cái nghe và cười phá lên. Lại có phụ huynh cùng con cái chế một phiên bản mới và hát thả ga trên Youtube.

Người lo cho thẩm mỹ xuống cấp, người lo sứt mẻ nguyên tác. Vậy ta nhìn rộng ra xem nhạc chế có phải điều gì quá mới và đáng sợ không. Phải thừa nhận, nhạc chế nói chung không xin phép tác giả, nhất là những sản phẩm thương mại đã vi phạm bản quyền, là sai không biện minh được. Tuy nhiên, nếu không xuất bản chính thống, không vụ lợi thì khó ai quản lý nổi. Với các bậc cao niên thì chắc hẳn thấy nhiều bản nhạc chế tân nhạc nổi tiếng hàng chục thập niên, từ nửa đầu thế kỷ 20 tới nay.

Nhìn bao dung thì có thể coi đó là một dòng chảy dân gian, không chính thống, đem sự hài hước trào lộng, giảm mệt nhọc, căng thẳng. Dân ca như “Lý Cây Đa”, chèo, cải lương, nhạc trẻ và cả những bài như “Tiểu đoàn 307”, “Hà Nội niềm tin và hy vọng”, “Múc nước giếng khơi”… từng được chế  lời mới chẳng liên quan gì đến nguyên tác, chỉ người nghe là không nhịn được cười.

Thời kháng chiến, bao cấp gian khó thì nhạc chế cũng khiến người ta cười mà tạm quên cơn đói. Có thể cảm nhận tâm thế tiền bối qua bài hát chuyện 5 người của nhạc sĩ Trần Tiến "Chiến tranh thì liên miên liên miên/ Họ không cười thì chết mất".

Đến thời mở cửa, chương trình "Gặp nhau cuối năm" đã tiếp nối mạch hài này và có lẽ là chương trình nhiều nhạc chế nhất.  "Triệu đóa hồng" (Alla Pugacheva), "Baby One More Time" (Britney Spears), "Money Money Money", "I Have a Dream" (ABBA), "Un-Break My Heart" (Toni Braxton), "Gangnam Style" (Psy) và nhiều ca khúc nổi tiếng Việt Nam đều có thể đem ra xào nấu.

Trong số đó, "Gặp nhau cuối năm" đã xin phép nhạc sĩ Phạm Tuyên được chế bài "Từ một ngã tư đường phố". Sau khi nghe thử lời mới, nhạc sĩ Phạm Tuyên đồng ý bởi sự tích cực. Cũng có những bản chế do chính tác giả viết lời mới cho một ca khúc cũ. Bài "Ghen" của Khắc Hưng đã được chính anh lên đời thành "Ghen Cô Vy" lan tỏa toàn quốc và tạo sóng trên cả truyền hình quốc tế tinh thần chống dịch COVID-19.

Bản gốc: "Bởi vì anh ghen, ghen, ghen, ghen mà/ Vì anh đang yêu thôi, thôi, thôi mà/ Là anh đang ghen, ghen, ghen, ghen mà/ Bởi vì anh đã quá yêu em, quá yêu em" và phiên bản "Ghen Cô Vy 2.0": "Cùng rửa tay xoa, xoa, xoa, xoa đều/ Đừng cho tay lên mắt, mũi, miệng/ Và hạn chế đi ra nơi đông người/ Đẩy lùi virus Corona, Corona". Tương tự, ca khúc "Việt Nam ơi" của Minh Beta cũng được chính tác giả soạn lời mới với tiêu đề "Việt Nam ơi đánh bay COVID".

Có những lo lắng phiên bản chế sẽ loạn chuẩn và mất đi nguyên tác. Điều này rất khó xảy ra, bởi thường người ta chỉ chế những tác phẩm vô cùng nổi tiếng. Không ai mất công chế các tác phẩm vô danh.

Đừng quên, dân ca giàu có nội dung bởi đó là những giai điệu được chế lời mới nhiều nhất. Dân ca châu Âu thường viết theo thể một đoạn, không có phát triển, cao trào chỉ lặp đi lặp lại một đoạn dễ nhớ. Vì thế một đoạn giai điệu có thể có hàng chục, hàng trăm lời khác nhau tùy theo sở thích người hát.

Bài dân ca Anh "Scarborough Fair" từ thời Trung cổ với rất nhiều lời khác nhau đã nổi tiếng toàn cầu qua sự thể hiện của Paul Simon và Garfunkel. Hai nhạc sĩ biết một phiên bản qua nhạc sĩ Anh quốc Martin Carthy từ 1966. Còn thực sự lời gốc thời trung cổ thì không ai truy vết nổi. Bài này được Phạm Duy đặt lời mới thành "Giàn thiên lý đã xa". Lời so với bản Anh quốc thì bắn ca nông không tới.

Có những hạt sạn khi nhạc chế dùng phổ biến trong quảng cáo. Gia đình nhạc sĩ Hoàng Hiệp rất bức xúc khi quảng cáo chế lời bài "Nhớ về Hà Nội" thành "Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ phở Hà Nội/ Sợi gạo mềm dai/ Ngọt thanh nước cốt/ Trọn vẹn vị ngon của người Hà thành".

Đáng phiền lòng là trào lưu mạo danh nhạc dịch để tự ý đặt lời mới cho ca khúc nổi tiếng thế giới. Thí dụ ca khúc rất nổi tiếng từ thập niên 1980 bị chế thành bài "Say tình" với lời ca nhếch nhác và tất nhiên không liên quan gì đến nguyên tác: "Rót mãi những chén chua cay này/ Lêu bêu như gã du ca buồn/ Lang thang bước với nỗi đau/ Với trái tim ta tật nguyền…".

Bản gốc của “Toto Cutugno” xuất hiện lần đầu tiên tại liên hoan Sanremo 1983 và nhanh chóng lan tỏa toàn cầu với nhan đề "Italiano" (người Ý) với ca từ đầy tự hào về đất nước Italia cổ kính và kiêu hãnh: "Chào Italia, với món spaghetti chín tới/ và tổng thống là người du kích năm xưa, tay phải khư khư chiếc radio xe hơi/ và trên cửa sổ một con chim bạch yến… Hãy cho tôi hát với cây đàn/ Bởi vì tôi tự hào là một người đàn ông Italia thực thụ". Lời ca của người ta đẹp đẽ biết bao nhiêu. Đằng này…

Có lẽ chỉ có dạng mạo danh nhạc dịch, mạo danh nghệ thuật mới thực sự làm méo thẩm mỹ nhanh nhất, phải không quý vị?

Lê Tâm
.
.