Nhà chuyên môn biến mất

Thứ Ba, 09/05/2023, 14:13

Khi một bác sĩ chuyên môn giỏi được bổ nhiệm cương vị quản lý rồi vướng vòng lao lý khiến chúng ta phải suy nghĩ về cách dùng người. Như trên, chúng ta đã 2 lần mất đi nhà chuyên môn giỏi. Lần thứ nhất, khi bổ nhiệm một nhà chuyên môn giỏi vào vị trí quản lý thì chúng ta được một nhà quản lý tồi và biến mất một nhà chuyên môn giỏi.

Vào vòng lao lý là mất nốt nhà chuyên môn giỏi lần thứ 2. Nhận định trên không phải lúc nào cũng đúng. Nhà quản lý có buộc phải chuyên môn giỏi hay không là chủ đề không dễ phân giải. Chúng ta có hai tai thì cứ thẩm định bằng hai tai.

Lãnh đạo mà không giỏi chuyên môn thì làm sao cấp dưới phục tùng? Không có chuyên môn thì làm sao hiểu cặn kẽ vấn đề để ra quyết sách cho sát hợp? Không có chuyên môn thì làm sao “thực chiến” được? Ngay bây giờ, nếu có một bác sĩ giỏi nhiều chuyên môn chữa được từ ung thư đến ghẻ thì cũng là chuyện viễn tưởng.

Thí dụ nhỏ, nhạc trưởng nhiều khi điên đầu vì bị nhạc công chơi khăm. Cùng âm hình giai điệu nhưng mỗi nhạc công đều có lý sự cho cách chơi của mình. Vì thế có khi chơi vẫn đúng những nốt nhạc đó nhưng nhạc công chơi non, già một chút về lực, nghe rất chối tai, phá đám, mà nhạc trưởng non nghề là bị “bắt nạt” ngay. Có lần, một nhạc trưởng đến dàn dựng cho một ban nhạc pop thì các nhạc công phàn nàn rằng tổng phổ viết thế này bị chéo ngón không chơi được…

Biết thừa rằng mình bị nắn gân, vị nhạc trưởng bèn cầm từng nhạc cụ chơi mẫu cho xem. Anh ta chơi từ trống, guitar bass, piano, guitar solo như nước chảy hoa trôi khiến nhạc công đứng hình. Sau đấy nhạc trưởng vẫy một cái là tất cả chơi răm rắp. Vậy nhạc trưởng nào cũng buộc phải học tất cả nhạc cụ sao?

Không ít nhạc trưởng nhạc giao hưởng cũng bị dàn nhạc nắn gân phát điên. Muốn chỉ huy dàn nhạc hàng trăm nhạc công này thì nhạc trưởng phải học bao nhiêu nhạc cụ. Tính sơ ra, ông ấy phải học chơi bao nhiêu năm cho đủ cả 4 bộ bao gồm bộ gỗ (Clarinet, Oboe, flute, trombone), bộ đồng (kèn Horn, trumpet, trombone, tuba), bộ gõ (trống định âm timpani, chũm chọe cùng hàng chục nhạc cụ gõ khác) và bộ dây gồm các cây vĩ cầm như violin, viola, Cello, Contrabass). Nói chung thì có thách vàng thì các nhạc trưởng cũng chẳng thể nào kéo violin như Yehudi Menuhin huyền thoại. Việc của nhạc trưởng tạo sự đồng điệu tâm hồn của hàng trăm nhạc công, tương tác với con người nhiều hơn là kỹ thuật. Nhạc trưởng chỉ thành công nếu dàn nhạc của ông ấy không có những nhạc công vỗ ngực chuyên môn, lòe ngón nghề. Nhạc trưởng là sự pha trộn giữa chuyên môn và quản lý khá hài hòa ở quy mô nhỏ.

Ở những mô hình lớn như một ngành cũng có hàng ngàn chuyên môn thì tư lệnh ngành không có cách nào đủ tuổi thọ để học, cho dù ngài chăm tới đâu. Lãnh đạo Bộ Quốc phòng tốn bao nhiêu năm để học từ bắn súng lục, đấu võ, lái xe tăng, lái máy bay, lái tàu ngầm, phóng ngư lôi, tác chiến điện tử được?

Ngành có thể khác nhau nhưng điểm chung không thay đổi là tất cả các tư lệnh ngành đều không đủ tuổi thọ để học hết chuyên môn. Xưa nay, việc của người đứng đầu vẫn là tầm nhìn và dùng người.

Tư Mã Thiên kể về Hạng Vũ rằng lúc còn nhỏ, Vũ học chữ. Học chẳng nên, bỏ đi học kiếm thuật. Cũng chẳng nên. Chú của Vũ là Hạng Lương nổi giận. Vũ nói: Biết chữ chỉ để đủ viết tên họ mà thôi. Kiếm chỉ đánh lại một người, không bõ công học. Nên học cái đánh lại được vạn người!

Muốn đánh lại vạn người, viết tên mình vào sử sách thì phải biết thu phục nhân tâm, biết dùng người đúng chỗ chứ không sa vào những tầm chương trích cú hay đường đao mũi kiếm. Hán Cao Tổ là người cầm quân nhiều nhất không quá 10 vạn, nhưng lại thu hết thiên hạ về tay. Hàn Tín cho rằng Hán Cao Tổ toàn thắng vì tuy không giỏi cầm quân nhưng lại giỏi cầm tướng. Nói như ngôn ngữ ngày nay thì ông ấy rất giỏi làm công tác cán bộ. Không có thắng lợi nào không bắt đầu từ tổ chức. Tầm nhìn tốt, tổ chức tài thì nhân tài nô nức theo về không cản nổi.

Nhà chuyên môn quen tự hào chuyên môn, thường không hứng thú những gì ngoài chuyên môn nên khi phải nghe những điều đó, họ thấy tiếc thời gian. Nhà chuyên môn tôn thờ các chuẩn? Họ rất thích áp mô hình của một xứ sở nào đó với các chuẩn A, B, C, D… một là một, hai là hai… Những gì chệch ra khỏi “đường ray” đó thì không hài lòng. Với họ, khái niệm thích nghi dường như không thể tồn tại.

Thực ra quản lý cũng là chuyên môn nhưng là khoa học xã hội. Họ nhìn chung trước, riêng sau. Nhà quản lý thì không quan niệm đúng sai tuyệt đối, bởi họ luôn thích nghi. Cái sai hôm nay có thể là cái đúng ngày mai. Cái sai của người này lại đúng với người khác. Việc quản lý luôn tùy cơ ứng biến tùy người và thời điểm, vì đó là việc lay động nhân tâm. Nhà quản lý buộc phải có một bộ não mở, tìm hiểu bao quát các lĩnh vực, con người để nhìn bức tranh chung và biết tọa độ nào là nơi cần nhấn đậm để ra quyết định.

Các nhà quản lý hậu thế nếu thấy tầm mình chưa đủ tài, đủ khát khao cống hiến lớn, xin hãy làm một nhà chuyên môn giỏi thì bách tính biết ơn lắm lắm.

Tả Từ
.
.