Vui buồn bóng vàng Việt Nam 2014

Thứ Năm, 07/05/2015, 16:42
Chuyện đã xong, giải đã trao, ván đã đóng thuyền, nhưng không hiểu sao tôi cứ bị vương vấn bởi cái suy nghĩ dở hơi rằng, nếu quả bóng vàng Việt Nam (QBV) năm 2014 không được trao cho Phạm Thành Lương thì có thể cậu trẻ này sẽ nhẹ lòng hơn chăng?

Trong ngôi nhà kỷ lục

Trước Phạm Thành Lương, Lê Huỳnh Đức và Lê Công Vinh cũng từng ba lần đoạt danh hiệu Quả bóng vàng nhưng xem ra chỉ có trường hợp đoạt giải của Lê Huỳnh Đức là thật sự ấn tượng. Năm 1995, Đức đoạt giải Quả bóng vàng lần đầu khi cùng ĐTVN tạo nên cả một cơn chấn động tại SEA Games 18. 

Cựu tuyển thủ Lê Huỳnh Đức.

Năm 1997, Đức lại cùng ĐTVN giành Huy chương đồng SEA Games 19. Và năm 2002 thì một Huỳnh Đức ở tuổi “băm” vẫn  kết hợp nhuần nhuyễn với các cầu thủ đàn em để tạo nên một kỳ Tiger Cup rừng rực lửa. Trong cả 3 năm đoạt QBV đó, Lê Huỳnh Đức cũng thi đấu rất xuất sắc trong màu áo CLB Công an TP HCM.

Nhiều người nhận định, trong ngôi nhà kỷ lục của bóng đá Việt Nam tính đến lúc này, xét về mặt thành tích đơn thuần thì Lê Huỳnh Đức, Lê Công Vinh, Phạm Thành Lương là ngang nhau, nhưng về bản chất thì Huỳnh Đức vẫn xứng đáng... một mình một chiếu.

Nhiều người tham dự lễ trao giải kể rằng phát biểu với báo giới Thành Lương cho biết: “Năm nay, Văn Quyết xứng đáng hơn em”, và nghe Lương nói thế thì ai cũng gật gù. Những ai biết cái chất hiền hiền, quê quê của Lương đều tin chắc rằng đấy là một câu nói thật, chứ không phải câu nói “diễn”. Trước đó, khi giải thưởng còn đang trong giai đoạn “nhận phiếu”, ngồi tâm sự với mấy đàn anh báo giới, Lương cũng nói rất thật: “Năm nay đừng bỏ cho em nhé”.

Tại sao lại có cái điều tréo ngoe này nhỉ? Tại vì thằng bé gốc Hà Tây không quen với việc xuất hiện trước đám đông trong một đêm tôn vinh đầy ánh sáng? Hay tại vì tự Lương cũng thấy giải thưởng năm nay không thật xứng với mình? Nhìn lại 3 lần Lương đoạt QBV dễ thấy nó tạo cho Lương cái cảm giác phân vân, lưỡng lự nhiều hơn là cảm giác vui mừng như lẽ tất yếu phải có ở những người nhận giải.

Năm 2009, năm đầu tiên nhận QBV cũng là năm mà Thành Lương và các đồng đội của ĐT U.23 Việt Nam đã trải qua một kỳ SEA Games đáng quên trên đất Lào. Kỳ SEA Games mà chúng ta đi một mạch tới trận chung kết, và khi gặp U.23 Malaysia ở trận chung kết ấy (đội bóng đã thua chúng ta 1-3 ở vòng bảng) thì cả Đông Nam Á đã chờ sẵn Việt Nam đăng quang.

Thế mà một bàn đá phản lưới nhà của trung vệ Mai Xuân Hợp và một pha vuột bóng khó tin của thủ thành Bùi Tấn Trường đã khiến mọi thứ đổi thay tất cả. Sân vận động quốc gia Lào hôm đó, Phạm Thành Lương khóc nấc lên như một đứa trẻ. Khóc vì không hiểu sao đội nhà lại thua. Nhận danh hiệu QBV trong một năm như vậy, Lương khó mà vui được.

Năm 2011, năm thứ hai nhận danh hiệu này thì Lương cũng trải qua một kỳ SEA Games ác mộng dưới trào Flako Goetz. Tệ hơn cả 2009, 2011 thế hệ Phạm Thành Lương rời SEA Games sau một trận tranh đồng thua nhục Myanmar 5 bàn trắng. Lần này thì không ai khóc, vì tất cả đều biết trước cái kết cục tất, lẽ, dĩ, ngẫu của một đội bóng được dẫn dắt bởi một ông thầy cứng nhắc, cho dù đấy là người được chủ tịch đương nhiệm VFF Nguyễn Trọng Hỷ quảng bá là “thầy ngoại tốt nhất Việt Nam từ trước tới nay”.

Có thể nói sóng ngầm trong lòng ĐT đã giết chết ĐT ngay từ khi chưa bước chân lên đường. Và nhận QBV trong một năm như vậy, có lẽ cảm xúc của Lương cũng giống hệt như cảm xúc hồi năm 2009.

Thành Lương (thứ hai, bìa trái) và các tuyển thủ Việt Nam với nỗi buồn AFF Cup 2014.

Bây giờ là danh hiệu cho năm 2014, năm mà cùng với CLB Hà Nội T&T, Phạm Thành Lương giành ngôi á quân V.League, và cùng với ĐTVN, Lương lọt vào bán kết AFF Suzuki Cup. Nhìn về mặt thành tích thì đấy đều là những kết quả coi được, nhưng nếu nhìn sâu bản chất, đặc biệt là bản chất của một ĐTQG “vỡ” đến 4 bàn ngay ở sân Mỹ Đình thì chắc chắn không coi được tí nào.

Người ta càng nhớ cảm giác lâng lâng của thầy trò ĐTVN sau trận bán kết lượt đi thắng Malaysia 2-1 trên sân khách bao nhiêu thì càng cay đắng bấy nhiêu với trận lượt về thua 1-4 trước 4 vạn khán giả nhà. Trận thua mà nhiều người cùng đặt ra câu hỏi: “Có gì không?”, còn chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng thì không ngại cho biết “sẽ mời cơ quan chức năng vào cuộc”.

Từ 2009, 2011 đến 2014 dễ có cảm giác là cứ những năm thất bại, sự nghi kỵ lên cao và không thể “bói” được bất cứ cầu thủ nào xứng đáng để tôn vinh là lập tức người ta lại nhớ đến Phạm Thành Lương. Nhớ đến Lương vì đơn giản “nó là một phương án an toàn”. Thế mới có nhà báo nhận xét rất chính xác rằng: 3 lần Phạm Thành Lương nhận QBV không hẳn là 3 lần Lương được tôn vinh (dù về hình thức thì đúng như vậy), mà là 3 lần “giải pháp an toàn” được chọn, để sau này không ai việt vị. Và lịch sử cũng không việt vị.

Mà đúng là chọn Lương an toàn thật, vì từ cấp độ CLB đến cấp độ ĐT U.23 QG rồi ĐTQG, xưa nay người ta có thể nghi ngờ bất cứ cầu thủ nào (kể cả người có gương mặt hiền lành và một tính cách trong sáng như trường hợp của Huỳnh Quốc Anh ở SEA Games 23), chứ tuyệt đối không nghi ngờ Phạm Thành Lương. Sống ở phố đã lâu, mặc đồ đẹp, lái xe đẹp đã nhiều, và cách ăn nói, ứng xử cũng có ít nhiều khác biệt so với trước nhưng về bản chất Lương vẫn là một Lương “quê” thứ thiệt.

Chất quê ấy thể hiện ở một thứ bóng đá lúc nào cũng hết mình, ở những câu nói thật thà đến phát sốc (có lần Lương chia sẻ trên một chương trình truyền hình trực tiếp: “Khi ở lớp năng khiếu đá bóng, tụi em cũng phải học văn hoá, nhưng toàn đi xin điểm”), và ở cái cách sẵn sàng lao ra giúp đỡ đồng bào gặp nạn (Lương là một trong hiếm hoi những cầu thủ Việt Nam đã chạy về phía khán đài, đưa những miếng bông băng cho những cổ động viên Việt Nam bị hành hung trong trận lượt đi AFF Suzuki Cup 2014 trên đất Malaysia).

Ở một làng bóng với quá nhiều những mưu ma chước quỷ, nơi mà người với người không ngừng phải coi chừng, đề phòng nhau thì những cầu thủ trong sáng như Lương kể ra cũng xứng đáng được tôn vinh. Nhưng khi sự trong sáng liên tục trở thành “cứu cánh” cho cả một giải thưởng trong một năm khủng hoảng thì có lẽ bản thân cái người trong sáng ấy cũng không tránh khỏi lăn tăn, suy nghĩ ít nhiều.

Bây giờ thì người ta sẽ mường tượng ra viễn cảnh, ở một thời điểm nào đó trong tương lai, bóng đá Việt Nam lại trải qua một năm khủng hoảng, nghi kỵ lẫn nhau thì có rất nhiều khả năng cái tên Phạm Thành Lương sẽ lại được đưa ra để tôn vinh, trao thưởng. Khi ấy Lương sẽ lại phải đứng trên bục cao, cố cười cười, nói nói, và trong những câu nói ấy chắc chắn sẽ lại có câu: “Năm nay giải này nên thuộc về...”, giống như câu: “Năm nay giải này nên thuộc về Văn Quyết” mà Lương vừa nói.

Chắc chắn đấy là một câu nói thật. Và vì nó thật nên cái người được tôn vinh kia cứ toát lên cảm giác tội tội thế nào. Với những người trong sáng, quê kiểng, tuyệt đối tránh xa kiểu văn hoá showbiz (dù nó là thứ văn hoá mà một bộ phận cầu thủ thích tập tành dấn thân) thì việc cứ bắt họ trở thành “cứu cánh” lại là điều khiến họ thấy khó chịu, bứt rứt trong lòng.

Chẳng nhẽ lại bảo: nếu có thể trở thành người đầu tiên trong lịch sử bóng đá Việt Nam đoạt giải QBV lần thứ 4 thì hy vọng là với Phạm Thành Lương, cái lần thứ 4 ấy sẽ diễn ra theo một kịch bản rất khác so với 3 lần trước.

Phan Đăng
.
.