Tôi mơ tất cả trẻ nhỏ đều được đến trường

Thứ Năm, 27/11/2014, 13:53
Đầu tháng 10 năm nay tôi có may mắn được nhà giáo Đặng Tự Ân tặng cuốn sách về giáo dục của anh được xuất bản cuối năm 2013, nhằm thực hiện Dự án Mô hình trường tiểu học mới tại Việt Nam - một mô hình đang được Ngân hàng thế giới tài trợ để góp phần vào công cuộc Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam. 
Anh Đặng Tự Ân vốn là chuyên gia trưởng của Dự án, có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục tiểu học. Đúng như lời nhận định của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển, mô hình VNEN (tên viết tắt của dự án) đã “Tạo cơ hội cho chúng ta áp dụng những mong muốn, những ý tưởng đặt ra trước đây mà không có điều kiện thực hiện được”...

Tôi không có điều kiện để giới thiệu về mô hình này một cách cụ thể theo như cuốn sách của anh Đặng Tự Ân: Mô hình trường học mới tại Việt Nam - Hỏi đáp, nhưng tôi muốn nhấn mạnh đến triết lý được Tiến sĩ Svhas Parandekar nêu lên trong lời giới thiệu đầu sách: “Mỗi đứa trẻ đều có thể học, và phải học, mọi đứa trẻ đều đặc biệt và loài người chúng ta được sinh ra để học hỏi, để làm cho mọi thứ có ý nghĩa”. Thực hiện được triết lý này là thành công của dự án, là mong mỏi của mỗi một gia đình Việt Nam, để  tất cả trẻ nhỏ Việt Nam được hưởng một nền giáo dục từ con người và vì con người, một nền giáo dục khoa học, dân tộc và nhân văn.

Cuốn sách của nhà giáo Đặng Tự Ân đã gợi mở cho tôi những suy nghĩ  về giáo dục ở bậc tiểu học. Ở bài viết này tôi muốn bàn đôi điều về thực trạng giáo dục ở Việt Nam hiện nay, đặc biệt là những khiếm khuyết, những trở ngại trong giáo dục tiểu học.

Trước hết xin nói đến tư duy về phát triển giáo dục ở bậc tiểu học. Có 2 đối tượng cần được xem xét về tư duy về giáo dục nói chung và tư duy về giáo dục ở bậc tiểu học nói riêng

Đối tượng thứ nhất là những người có vị trí đang làm giáo dục tiểu học (đó là cán bộ được nhà nước giao cho quản lý trường tiểu học; đó là những người bỏ tiền để kinh doanh trong giáo dục). Ở hai vị trí trên hiện đang có những khuynh hướng tư duy sau: Những lãnh đạo của trường tiểu học công lập thường quan niệm rằng nhà nước đã giao cho mình quản lý nhà trường là mình có toàn quyền nhận hay không nhận học sinh với các lý do như trẻ đó còn khiếm khuyết không hòa nhập, phải đi học ở các trường chuyên biệt... Còn những vị đầu tư cho các trường ngoài công lập thì có tư tưởng cần phải thu hút nhiều học sinh để tăng thu cho nhà trường, coi doanh thu là trên hết.

Với những quan điểm tư duy về giáo dục như trên, tất dẫn đến tình trạng những trẻ em chưa được bình thường như những trẻ khác sẽ không có điều kiện để được hòa nhập với các bạn cùng trang lứa. Thực tế tôi đã chứng kiến vị hiệu trưởng một trường tiểu học tư thục không nhận học sinh có biểu hiện tăng động chỉ vì sợ các phụ huynh khác kiện cáo nhà trường, kiện cáo ban giám hiệu. Trước đây khi chưa về nghỉ hưu, tôi cũng đã nhận được một số thư của các vị phụ huynh phàn nàn về bệnh thành tích trong giáo dục. Có trường, hiệu trưởng đã chỉ đạo cho giáo viên bắt các học sinh yếu kém phải nghỉ học ở nhà để đoàn kiểm tra đến dự giờ không phát hiện được học sinh yếu kém, trường sẽ được khen vì có nhiều học sinh giỏi. Dường như tâm lý quyền lực đã làm cho một số hiệu trưởng thấy mình là nhất, là số một, đặt quyền lực của mình trên cả sứ mệnh trường học là phục vụ cộng đồng, cho mọi trẻ  em đều có quyền được đến trường. Cần phải thay đổi tư duy: Dù có kinh doanh ở lĩnh vực giáo dục vẫn phải đặt việc phục vụ cộng đồng lên trên hết. Nếu phục vụ tốt vẫn có doanh thu chính đáng và xứng đáng.

Đối tượng thứ hai cần xem xét để có sự tư vấn về tư duy giáo dục là cha mẹ học sinh. Ngày nay, do điều kiện kinh tế khá hơn trước đây, nhiều gia đình quan tâm tới sự học của con ngay từ nhỏ. Cuộc chạy đua vào trường điểm, vào lớp chọn dường như là một phong trào, để rồi nhà nhà cho con học thêm; dẫn đến nhiều hậu quả mà nhiều nhà khoa học, nhiều người quan tâm đến thế hệ trẻ đã cảnh báo như: trẻ nhỏ mất đi sự thơ ngây, niềm vui khi tiếp xúc với các trò chơi dân dã, thiếu các kỹ năng sống của một đứa trẻ cần có trong cộng đồng... Dành một thời gian nhất định cho trẻ được nghỉ ngơi, được vui chơi đang vấp phải trở ngại do chính người lớn chúng ta tạo nên.

Tôi muốn bàn thêm đến tình cảm và trách nhiệm của các thầy cô giáo. Ở bậc tiểu học các thầy cô giáo cần phải là những người mẹ, người cha. Nhiều năm qua do xã hội ngày càng quan tâm đến giáo dục mà thầy cô giáo cũng được quan tâm. Hiện tượng giáo viên phạt học sinh một cách thô bạo chỉ là cá biệt. Hàng chục vạn các thầy cô giáo, đặc biệt là ở bậc tiểu học xứng đáng là mẹ hiền; những tấm gương cắm bản của các cô giáo vùng cao, những tấm gương của những cụ ông, cụ bà ở các lớp học tình thương mà các phương tiện thông tin đại chúng tuyên dương có sức lan tỏa trong xã hội để chúng ta tin vào tương lai của nền giáo dục Việt Nam.

Ở đây tôi muốn nhấn mạnh tới khía cạnh về cái tâm và sự độc lập của các thầy cô giáo. Có nhiều cô giáo thương yêu học sinh, hết lòng vì học sinh, muốn nhận học sinh yếu kém về lớp mình để mình dạy bảo, nhưng hiệu trưởng không nhận vì muốn trường mình không có học sinh yếu kém, nên chỉ biết nói những lời thông cảm với phụ huynh vì hiệu trưởng mới có quyền được nhận học sinh.... Bệnh thành tích dường như nay vẫn còn ở nhiều trường học, có chăng có sự biến tướng ở mặt này hay mặt khác; người trong ngành giáo dục thấy đấy nhưng vì nhiều lý do tế nhị mà họ chấp nhận hoặc hùa theo... Do vậy cần phát huy tính dân chủ trong trường học. Tập trung quyền cho hiệu trưởng nhưng cũng cần phải xây dựng môi trường dân chủ để các thành viên trong nhà trường phát huy được sự độc lập và sáng tạo của mình.

Ở cuối bài viết này tôi muốn nói thêm về sự đổi mới trong cách đánh giá đối với học sinh ở bậc tiểu học. Bắt đầu từ năm học 2014 - 2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định thay đổi cách kiểm tra, đánh giá học sinh, trong đó đáng chú ý là thay đổi cách đánh giá chủ yếu bằng điểm số chuyển sang cách đánh giá qua nhận xét; kết hợp đánh giá của giáo viên với tự đánh giá của học sinh và đánh giá của phụ huynh học sinh. Quan điểm thay đổi cách đánh giá là không tạo ra sức ép tâm lý cho học sinh, nhằm tạo cho học sinh có tâm thế tự tin, vươn lên với động cơ học tập đúng đắn hơn, phù hợp hơn...

Tóm lại, tôi muốn nhắc lại triết lý: “Mỗi đứa trẻ đều có thể học và phải học, mọi đứa trẻ đều đặc biệt và loài người chúng ta được sinh ra để học hỏi, để làm cho mọi thứ có ý nghĩa”, để mọi người, nhất là người lớn chúng ta thực hiện tốt hơn triết lý nhân văn cao cả nói trên.

Xin được kết lại bài viết này bằng một bài thơ:

Tôi mơ tất cả trẻ nhỏ đều được đến trường

Tôi mơ

Tất cả trẻ nhỏ đều được đến trường

Dù trẻ đó thế nào đi nữa

Cũng đã là một con người

Dù trẻ đó thế nào đi nữa

Cũng có quyền được học tập vui chơi

*

*    *

Tôi mơ

Tất cả trẻ nhỏ đều được đến trường

Được sống trong vòng tay yêu thương

Của thầy cô và bạn bè cùng trang lứa

Được người lớn chúng ta thực hiện lời hứa:

- Mỗi ngày đến trường là một ngày vui.

*

*    *

Tôi mơ như vậy

Bởi đã biết sự thiệt thòi của bao trẻ nhỏ:

Trẻ nhỏ không được đến trường

Vì mẹ cha nghèo khó

Trẻ nhỏ không được đến trường

Vì trường chỉ sợ những phụ huynh nhiều tiền kiện cáo.

Trẻ nhỏ không được đến trường

Vì trường cần được khen đã có nhiều trò giỏi.

*

*     *

Trẻ nhỏ không được đến trường

Đều do người lớn chúng ta...

Hà Nội, Thu 2014

Trần Bá Giao
.
.