To mà nhỏ

Thứ Năm, 13/05/2021, 11:25
LTS: Dân gian có câu nói vui “Việt Nam tham to”. Cái tưởng như vui ấy hóa ra lại đang là một tập quán. Làm thứ to lớn không sai. Nhưng, làm thứ to lớn mà không tinh, lại xa gốc văn hóa thì nguy hiểm. ANTG xin giới thiệu ý kiến riêng của họa sĩ Lê Thiết Cương.

Có một câu hỏi được đặt ra rằng cứ nhất thiết phải là to cao, dày, nặng mới là tiêu chuẩn của đẹp hay không? Pho tượng đẹp nhất của đời Lý (còn lại đến hôm nay) cũng chỉ cao chưa tới 2 thước. Đó là pho tượng Phật ngồi thiền định bằng đá ở chùa Phật Tích (Tiên Sơn, Bắc Ninh). So với pho tượng Phật bà Quan Âm ở chùa Linh Ứng cao tới 67m (hoàn thành năm 2010) thì pho tượng ở Phật Tích quả là... tí hon. Hai pho tượng thị giả ở chùa Bút Tháp, những con rối nước, những con chó đá ở cổng làng, thậm chí những con tò he... nhỏ xinh mà vẫn tuyệt đẹp. Bệnh thích to, thích xây chùa to, làm tượng to đang ngày càng nặng, thành một loại dịch suốt từ Bắc đến Nam.

Pho tượng Phật ngồi thiền định bằng đá ở chùa Phật Tích (Tiên Sơn, Bắc Ninh).

Trả lời báo chí ngày 14-3-2017 về việc dỡ bỏ nhà thờ Trà Cổ cũ để xây mới, Chủ tịch UBND TP Móng Cái khi ấy nói rằng “Nhà thờ Trà Cổ không nằm trong danh mục di tích lịch sử văn hóa, không xếp hạng” nhưng chúng ta không thể phủ nhận rằng nhà thờ Trà Cổ là một công trình kiến trúc mà lịch sử để lại, không chỉ cho Quảng Ninh mà cho cả Việt Nam nói chung. Nó chứa đựng lịch sử, quá khứ và truyền thống cộng đồng ở mức độ bao quát chứ không hẳn chỉ của cộng đồng những người theo Công giáo hay những tôn giáo khác trên đất nước Việt Nam. Đã là di sản, trước tiên nó cần phải được tôn trọng và không thể ứng xử tùy tiện. Hoặc tương tự là dự án một thời về việc phá dỡ nhà thờ Bùi Chu để xây mới.

Một xã hội muốn phát triển thì các cộng đồng trong đó phải tôn trọng những giá trị chung có tính chất nền tảng. Những người theo tôn giáo, nguyên tắc này càng cần đề cao. Nếu không tôn giáo của họ sẽ dễ dàng cho phép mình đứng trên quyền lực, trở thành siêu quyền lực định đoạt mọi việc. Nếu tôn trọng nhà thờ Trà Cổ, nhà thờ Bùi Chu như một di sản, người ta sẽ không lấy lý do A, B, C nào đó để nghĩ tới chuyện phá bỏ nó, cho dù nó xuống cấp hay chật chội đi nữa.

Họa sĩ Lê Thiết Cương.

Nếu tôn trọng những giá trị lịch sử của nhà thờ Trà Cổ thì ngay cả việc xây một công trình mới (dù vẫn giữ công trình cũ) trong một tổng thể khu kiến trúc cũ cũng là điều rất đáng để trăn trở. Bởi lẽ người ta không thể tùy tiện phá vỡ cảnh quan chung, mà phải tuân thủ những giá trị chung, những luật lệ chung về di sản và xây dựng.

Bài học về việc phá dỡ, xây mới gần như hoàn thiện nhà Tổ cổ và gác Khánh cổ của chùa Trăm Gian năm 2012 (Chương Mỹ, Hà Nội) - một ngôi chùa được xếp hạng Di tích Quốc gia hơn 40 năm không phải là cũ. Bài học về công trình xây dựng trái phép Hương nghiêm Pháp đường (trong khu vực bảo vệ của di tích thắng cảnh xếp hạng cấp quốc gia Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội) đưa vào sử dụng năm 2013 không phải là cũ. Hoặc thời sự nhất là việc xây dựng một số công trình mới ở chùa Đậu, Thường Tín, Hà Nội.

Căn bệnh mê kỷ lục cao to bây giờ đầy rẫy ngoài xã hội. Nào là ly cà phê kỷ lục (3.600 lít) vượt cả ly cà phê bự nhất của Mỹ (chưa được 2.500 lít). Nào là chiếc bánh chưng khổng lồ nặng 4 tấn, bánh giầy nặng hơn 5 tạ v.v... Những người tổ chức làm các sản phẩm to thường ăn theo cái lý cung tiến, dâng hiến cho dịp quốc lễ này nọ nên cái “tình ngay” ấy rất dễ được nhiều người ủng hộ. Tất nhiên đó cũng chỉ là hội chứng kiểu “vô thức tập thể”.

Đó đang là biểu hiện thiếu tự tin của người Việt chăng? Cho dù nhỏ bé nhưng đứng trên một cái nền, cái phông văn hóa chắc chắn, dày dặn thì mình vẫn cao lớn. Ngược lại, nếu cái gốc rễ văn hóa yếu, mỏng, thấp thì dù có cao to lênh khênh đến mấy cũng vẫn thấp bé thôi.

Họa sĩ Lê Thiết Cương
.
.