Phỏng vấn một thầy bói

Chủ Nhật, 17/04/2016, 10:38
Phóng viên (PV): Thưa thầy, việc bói toán suy cho đến cùng, dựa vào gì ạ?
Thầy bói: Nhiều thứ lắm. Nhưng quan trọng nhất có lẽ là tâm linh.


Phóng viên: Vậy cơ sở của tâm linh là đâu?

Thầy bói: Là coi như mọi thứ trên đời đều có linh hồn.

Phóng viên: Thưa thầy, vậy ngoài con người ra, chắc chả có gì mang linh hồn cả.

Thầy bói: Thú thực là trước đây tôi cũng nghĩ thế. Cho tới khi cách đây vài tuần, dự hội sách ở Sài Gòn.

Phóng viên: Xin thầy tha thứ. Nhưng hội sách và tâm linh liên quan gì với nhau ạ?

Thầy bói: Ai cũng tưởng vậy. Sự tưởng đó hoàn toàn có cơ sở khi khắp nơi trên thế giới báo mạng đang chiến thắng báo in, chiến thắng một cách áp đảo.

Phóng viên: Vâng ạ.

Thầy bói: Do đó, đã có rất nhiều người không phải là chuyên gia bói toán, tin rằng sách điện tử sẽ chiến thắng sách in cũng nhanh như thế.

Phóng viên: Ồ, hóa ra không đúng như vậy hay sao?

Thầy bói: Không. Ít nhất là ở Việt Nam. Mặc dù các nhà xuất bản cũng đã lo lắng, cũng đã thành lập bộ phận này, nhưng sách điện tử hầu như không bán được, và dụng cụ để đọc nó cũng thế, nhiều cửa hàng cũng đã chán kinh doanh.

Minh họa: Lê Tâm.

Phóng viên: Lạ nhỉ?

Thầy bói: Đầu tiên tôi cũng lấy làm lạ, vì không thể phủ nhận sách điện tử rất lợi cả lúc mua, lúc đọc lẫn lúc mang đi.

Phóng viên: Cũng như lúc lưu trữ. Một tấm bảng nhỏ xíu cũng có thể chứa một thư viện trong mình.

Thầy bói: Đúng vậy. Nhưng khi tới hội sách nhìn hàng ngàn người chen chúc nhau chọn sách, tôi mới hiểu hóa ra giấy có linh hồn.

Phóng viên: Dạ, xin thầy nói rõ hơn.

Thầy bói: Tôi quan sát thấy khách hàng cầm những cuốn sách trên tay, ngửi mùi thơm của nó, cảm giác về độ nặng nhẹ của nó, lật từng trang hay cắp nó vào nách, đội nó lên đầu. Tôi mới hiểu người ta không phải chỉ muốn đọc sách, mà còn muốn sách truyền cho một cảm xúc gì đó rất riêng. Những thứ ấy màn hình không cách gì làm ra nổi.

Phóng viên: Đúng vậy. Đặc biệt là những sách có chữ ký của tác giả, chỉ có thể được mua, được chen chúc nhau mới có mà thôi.

Thầy bói: Tôi chợt hiểu sách muôn đời khác với báo. Người đọc báo quan trọng cái tin, có thể không quan tâm chất liệu. Nhưng người đọc sách lại có một cảm nhận khác, họ đòi hỏi một cái gì đó tinh tế hơn nhiều. Vì vậy sách in thắng thế.

Phóng viên: Thưa thầy, khám phá của thầy nói lên gì ạ?

Thầy bói: Nói lên rằng hóa ra trong cuộc sống, tiện lợi đôi lúc không phải tất cả. Con người cần những điều khác nữa.

Phóng viên: Vâng.

Thầy bói: Nếu làm bất cứ đồ vật nào, chúng ta biết thổi tâm hồn cho nó, nó sẽ sống lâu lắm với thời gian.

Phóng viên: Thưa thầy kết luận này của thầy cũng không phải là mới.

Thầy bói: Tôi biết. Nhưng chúng ta vẫn quên. Chúng ta vẫn làm theo, vẫn chế tạo ra một số sản phẩm coi sự dễ mua là quan trọng nhất. Rất nhiều thứ hàng hóa bây giờ thuận với túi tiền khách hàng nhưng không đi cùng thẩm mỹ hay một cái gì đó bên trong của họ.

Phóng viên: Không thể số hóa mọi thứ trên đời, ý thầy nói vậy?

Thầy bói: Cũng đúng. Số hóa chỉ là một cách truyền tải nội dung chứ không bao giờ là chính nội dung. Chân lý đơn giản đó nhắc lại cũng không thừa. Đấy là tôi nói về quan hệ giữa người và sách, còn trong hội sách tôi thấy bao nhiêu nụ cười, bao nhiêu cái ôm, cái bắt tay chứng tỏ quan hệ giữa người với người. Nếu ta ngồi nhà, nạp tiền qua thẻ rồi nhận được sách điện tử truyền về, ta lấy đâu những cái ôm như thế?

Tóm lại, theo tôi, sự thất bại của sách điện tử là một tín hiệu tốt.

Phóng viên: Nhưng chắc gì điều đó sẽ lâu dài?

Thầy bói: Đúng. Chuyện đó còn tùy thuộc quan hệ với xung quanh của mỗi cá nhân.

Lê Thị Liên Hoan
.
.