Khi một bình bông cúng cũng ngã giá ngoài chợ

Thứ Tư, 30/12/2015, 09:22
Hồi đó cái chuyện đi “xin” diễn ra rất vui vẻ, thoải mái. Mọi người cứ sống chan hoà với nhau, có gì thì san sẻ cho nhau. Bây giờ thì cần cái gì cứ ra ngoài chợ. Một bình bông cúng cũng phải ngã giá ngoài chợ.

1. Tôi thường ngồi viết trong một tiệm cà phê, giữa những người khách lạ. Nơi tôi ngồi thường là một cái bàn kê sát cửa sổ, để khi ngẩng lên, ánh mắt có thể nhìn thấy con đường hay những tàn cây.

Phải lòng chi những ngọn cây
Rập rờn gió, rập rờn mây, rập rờn.

Đó là hai câu tôi tự “lập biên bản tâm trạng” mình trong một lần ngồi cà phê trên “con đường Duy Tân cây dài bóng mát”, khi ngước mắt lên tình cờ thấy những ngọn cây đang múa lượn. Và, giữa những lần các ngọn cây chạm vào nhau thì một khoảng trời xanh lộ ra với mây trắng xô dạt, bềnh bồng.

Thánh thần ơi, lúc ấy trái tim tôi như một quả chuông bất chợt rung lắc, ngân lên những thanh âm sóng sánh. Trái tim của một người phàm, một kẻ tầm thường, lúc này như “nối mạng” như “thông thiên” với trời xanh mây trắng. Cái khoảnh khắc sung sướng, cái cảm giác rợn ngợp khi tâm hồn ta giao thoa với thiên nhiên ấy thật đặc biệt khó tả.

Trong khi bị cái “rập rờn” của thiên nhiên chiếm lĩnh, đồng thời tôi nhận ra mình dường như đã đánh mất một thói quen. Đó là thói quen lang thang nhìn ngắm thiên nhiên. Nói đúng hơn thì càng ngày tôi càng ít có điều kiện để thực hiện những chuyến bộ hành vào thiên nhiên. Và, tôi chợt nhớ những vần thơ năm cũ.

Cần thiết phải khởi động
Gương mặt ngước sáng dưới bóng mờ hàng cây
Con đường hình vòng cung
Có thể nào vừa chạy vừa bay lên chấp chới…

Ngày xưa, tôi từng có rất nhiều những chuyến bộ hành đơn độc vào thiên nhiên. Mỗi khi gặp một cảnh sắc “rập rờn” là tôi lại muốn chạy thật nhanh, muốn được nhấc bổng lên trên… chín tầng trời (!)

2. Tôi xin được bắt đầu từ câu chuyện của mình như vậy, khi nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đề nghị “hãy viết một cái gì đó về những vẻ đẹp đã mất”.

Những vẻ đẹp đã mất. Đây dường như không phải là một đề mục mà là một lời thảng thốt. Đi cùng thời gian, đời người có những vẻ đẹp tự dưng biến mất. Khi những cái đẹp biến mất cũng là khi những cái xấu trỗi lên. Cho nên, viết về những vẻ đẹp đã mất, theo tôi không phải là để tiếc nhớ quá vãng, mà quan trọng hơn là để phục hồi những vùng sống đẹp. Khi chúng ta nhìn thấy được cái mình đã và đang mất, nghĩa là chúng ta còn chưa mất hẳn, ít ra là trong căn thể mình.

Về cơ bản, chúng ta tự đánh mất mình trước khi những mất mát xảy ra.

Chúng ta đánh mất những vẻ đẹp nhỏ bé để rồi nhận về những cái xấu xa khủng khiếp.

Tôi nhớ, hồi xưa ở nông thôn, khi bơm một chiếc xe đạp, người ta không bao giờ lấy tiền, dù chỉ là một cắc. Ở mỗi tiệm sửa xe đều có một cái ống bơm dựng đó. Những người đi đường, nếu chẳng may xẹp lốp, cứ tạt vào lấy ống bơm “tự xử”. Nếu như đó là những cô cậu học trò nhỏ bé; nếu như đó là những cụ già mắt mờ tay run; nếu như đó là một phụ nữ “liễu yếu đào tơ” thì người thợ sửa xe sẵn sàng bơm giùm. Đương nhiên là hoàn toàn miễn phí.

Hồi xưa, như tôi nhớ, cũng không có cái chữ (hay khái niệm) “miễn phí” (free) Chuyện bơm xe không lấy tiền, bơm giùm, là đương nhiên, lẽ thường tình. Còn nếu nói “miễn phí” nghĩa là “có phí” đấy nhưng ở đây được “miễn” (!) Khi đó, tính chất của sự việc đã khác. Và, nếu tôi nhớ không nhầm thì những thùng trà đá miễn phí ở Sài Gòn, ban đầu cũng không có hai chữ “miễn phí”. Họ cứ đặt một thùng trà đá ở đó, ai khát thì cứ tạt vào rót uống.

Cũng giống như ngày xưa ở nông thôn, những căn nhà nằm ngoài đường cái quan thường đặt một cái ảng nước dành cho những khách bộ hành. Trên cái ảng nước trong lành ấy, lúc nào cũng có một cái nắp đậy, một cái gáo dừa vắt ngang. Ai khát nước cứ tạt vào… “kéo gáo” vô tư, chẳng cần xin, cũng chẳng cần hỏi.

Thế rồi chẳng biết tự bao giờ, bơm một cái bánh xe đạp, con người ta cũng thu tiền. Nếu như ai đó tự bơm thì cũng phải trả tiền. Cái này gọi là tiền “hao mòn tài sản”.

Thế rồi, chẳng biết tự bao giờ những cái ảng nước ngọt lành bên đường bỗng dưng biến mất, thay vào đó những hàng quán mọc lên. Uống một ly nước, chén trà cũng phải móc bóp ra trả tiền. Sự xoa dịu cơn khát phải tỷ lệ thuận với số tiền bỏ ra. Thật ra thì số tiền bỏ ra để bơm bánh xe, hay uống một ly nước, cũng chẳng đáng là bao. Nhưng tôi vẫn cho đó là sự mất mát.

Từ chuyện bơm cái bánh xe để lấy tiền, nhưng tiền ít ỏi quá, nhiều người trong lúc bơm đã bày trò làm hư “con ruồi” để thay mới lấy tiền. Và, sau đó là một “chuỗi tiến hóa”, như giả vờ đâm thủng lốp để vá, rải đinh để làm “nát bét” cái ruột v.v… Còn những hàng nước dọc đường thì vô cùng mất vệ sinh, đặc biệt là chuyên bán “cà phê hóa chất chợ Kim Biên” để thu lời cho bộn.

3. Hồi nhỏ, mỗi lần nấu canh chua cá lóc, má tôi thường sai tôi đi xin khế. Tôi rất thích món canh chua nên vui vẻ chạy ù đi mỗi khi má sai. Nhưng, thích món canh chua là một chuyện, thích trèo cây là một chuyện khác nữa.

Xin khế, nghĩa là vào trong xóm, xin người ta được trèo lên cây để hái khế.

“Đó, khế đầy cây đó, cứ trèo mà hái chớ xin xỏ cái chi hè”- thường thì ông hàng xóm vừa khoát tay vừa nói như vậy.

Nhưng cũng có khi ông hàng xóm không có ở nhà. Nhà cửa vắng tanh vì ai nấy đều ra đồng. Những lúc đó mình có thể tót lên cây, tha hồ bứt phá. Nhưng má đã dặn là không được. Má đã dặn là phải có lời xin người lớn. Nếu nhà đó vắng thì phải qua nhà khác. Có khi gặp một người khó tính, họ không cho hái. Không cho hái, không phải vì tiếc trái khế mà sợ té. Thế là họ lấy cây ra khèo dùm, vừa khèo vừa càm ràm. Có khế mang về cho má nấu canh chua, nhưng mà lòng không vui mấy. Không vui không phải vì bị càm ràm mà bởi không được trèo cây.

Tôi còn nhớ ở nông thôn ngày ấy (những năm 80), trái khế, trái chanh, nắm lá xông, bó bông trang (dùng để cúng)… người ta không bao giờ bán. Ai cần cứ đến nhà người nào có mà xin rồi mang về. Quả thật, cái sự xin - cho, cái chữ “xin” nghe cũng thật không hay, thật bất tiện. Chẳng hay ho gì khi phải xin. Khi xin, lỡ người ta không cho thì sao? Nhưng, ấy là phân tích theo cái suy nghĩ và tâm trạng của người bây giờ, chứ hồi đó cái chuyện đi “xin” này diễn ra rất vui vẻ, thoải mái. Mọi người cứ sống chan hoà với nhau, có gì thì san sẻ cho nhau.

Bây giờ thì cần cái gì cứ ra ngoài chợ. Một bình bông cúng cũng phải ngã giá ngoài chợ.

Nông thôn bây giờ không còn hình ảnh những đứa trẻ chạy đi xin khế, xin chanh. Những đứa trẻ mới học mẫu giáo đã biết đếm và xài tiền. Những đứa trẻ không còn ngồi vắt vẻo trên ngọn cây ngắm trời mây, nghe chim hót. Cho nên câu chuyện Nam tước trên cây của Italo Calvino, với bọn trẻ là một câu chuyện nhuốm màu… thần thoại.

Nhớ, hồi đó, mỗi khi nhà nấu món gì ngon, má tôi thường dành riêng ra để mang biếu những người hàng xóm. Có khi vì món ngon mà mình phải ăn nhín lại để cho những người hàng xóm cũng được ăn cùng. Cái này gọi là ăn lấy thảo. Ăn cho vui xóm vui làng. Và, những người khác cũng vậy, khi nhà có buồng chuối, quả trứng gà, lít mật ong rừng, hủ nắm ngon… cũng thường mang biếu “ăn lấy thảo”. Ai cũng muốn cho đi để mang về niềm vui, dù ai cũng túng nghèo.

Cuộc sống đương nhiên phải đổi thay, phải tiến bộ. Cái gọi là cơ chế thị trường thật ra rất khoa học, hợp lý. Nhưng tôi nghĩ, không phải mọi thứ đều quy về tiền, bán mua, đổi chác. Bây giờ ngay cả tình yêu cũng không được miễn phí thì mọi sự còn thê thảm biết nhường nào.

4. Thế rồi, cuộc sống đã dần mất đi những điều gì? Như tôi thấy. Vắng đi hình ảnh một con người đi vào thiên nhiên. Vắng đi những nụ cười hồn nhiên trên gương mặt rạng rỡ. Vắng đi những điều tử tế nhỏ bé, giản dị.

Tôi đang viết một truyện dài về ảo thuật, và tôi nhận thấy một điều thú vị như vầy: Cái độc đáo của ảo thuật là làm cho một vật nào đó biến mất. Nhưng biến mất rồi hiện ra. Người ta ngạc nhiên khi một vật biến mất. Nhưng người ta hạnh phúc khi vật biến mất đó chợt hiện ra. Cái tài tình của ảo thuật là vậy. Tất nhiên ảo thuật không phải là phép thuật. Và, ảo thuật cũng không hệt như đời sống.

Nhưng, khi viết về những vẻ đẹp đã mất, cũng là một cách để chúng hiện ra nơi đây, trên trang báo này. Hiện ra và trở về trong căn thể mỗi người.

Cà phê Chiêu - Sài Gòn 12-2015 

Trần Nhữ Thụy
.
.