Hè về thương nhớ những đầm sen

Thứ Ba, 23/08/2016, 15:20
Ngày ấy chưa xa. Vào những năm 80 của thế kỷ trước, vì yêu cái đẹp mà sau bao nhiêu thăng trầm của cuộc đời, lúc về già, Cha tôi đã chọn cách trồng sen để dưỡng tâm và cũng là để mưu sinh.

Cha đã thuê toàn bộ các hồ nước và những hố bom trong làng để trồng sen, thả cá, còn trên bờ trồng phi lao, bạch đàn.

Năm nào vào mùa sen, bận mấy tôi cũng phải đảo về nhà vài lần. Giữa tháng Sáu, nóng đổ lửa, xuống khỏi ôtô khách chật chội hơi người, bất chợt gặp làn gió thơm mát dịu dàng từ đầm sen của Cha thổi lại, khiến tâm hồn tôi bỗng nhiên trở nên thư thái lạ thường. Làng tôi được ướp trong hương sen ngan ngát quyện với mùi rơm rạ được nắng. Hai bên đường sen hồng rực rỡ. 

Giữa đám lá biếc ngời, Cha đang dầm mình dưới làn nước, đẩy chiếc thuyền nhỏ bằng đuya ra, trên chở đầy những đóa sen hàm tiếu và những đài sen chín tới. Chợt nhận ra cô con gái rượu, Người cất tiếng hỏi:

- Trâm đã về đấy ư con! Hai Cha con nhìn nhau vui sướng, nghẹn ngào…

Hy hữu tôi được Cha cho đi cùng. Như nàng thiếu nữ trong bài thơ Thái Liên khúc (Cô gái hái sen) của Tiên thi Lý Bạch, tôi vừa mê mải hái sen vừa tận hưởng niềm vui cổ tích trong hương sen quyến rũ, nồng nàn. Đến khi chuyển sen lên bờ, tôi mới nhận thấy gai của loài hoa đẹp đã để lại vô số vết cào chằng chịt trên khắp mình Cha.

Thường thì tôi ở nhà cùng mẹ và đám chị em gái, bó hoa, tách hạt sen để sớm mai kịp đi bán tại chợ Rồng (Nam Định). Đám trẻ nít thì thi nhau đi cắt lá sen để bán chợ nhà, lấy tiền bỏ lợn. Đứa bé hơn thì rủ nhau buộc chỉ vào đài sen, chơi trò cô tiên múa. 

Vào hôm sen rộ, ngoài anh em chúng tôi, hai cụ phải nhờ họ hàng tới giúp. Buổi tối, thế nào mẹ cũng nấu một nồi chè sen thật lớn để mọi người cùng ăn, vừa làm vừa chuyện trò vui vẻ. 

Cha tôi là cả một kho truyện. Từ: Tam quốc, Thủy hử, Tây du, Truyện Kiều, Nhị Độ Mai … đến chuyện đời thu thập được lúc rong ruổi đạp xích lô ở Hà Nội, khi đi làm thợ nhuộm khắp xứ Đông, ngày làm công nhân khai thác tại công trình thủy điện Thác Bà, những năm làm kế toán cho hợp tác xã nông nghiệp… Cha cứ nhẩn nha kể, thỉnh thoảng lại ngâm nga vài câu thơ mà Người tâm đắc.

Tính Cha tôi rất thảo. Ai gặp khó khăn, Cha đều sẵn sàng giúp đỡ. Hàng xóm đến mua thành phẩm từ sen, Cha không bao giờ lấy tiền. Trẻ con hái trộm hoa, đào trộm củ, câu cá trộm…, chúng tôi phàn nàn thì Cha bảo: Đừng, lộc bất tận hưởng mà con. 

Cuối năm tát đầm, thế nào Cha cũng dành một phần cho cánh người đi “hôi”. Có lẽ nhờ thế mà những đầm sen mênh mông của Cha hầu như không ai phá phách. Những con trắm, con trôi ngon nhất Cha mẹ mang nướng hoặc kho theo kiểu quấn trấu rồi tìm cách gửi lên Hà Nội cho lũ con xa nhà ăn dần…

Mỗi khi nhớ về song thân đã khuất, tôi lại không quên được mùi vị đặc biệt của từng miếng cá kho mang hương vị quê nhà, thấm đẫm tình yêu thương của Mẹ Cha.

Gần Cha tôi mới hiểu vì sao dân gian lại ví “Người ta là hoa đất”. Theo Cha, hoa có đủ mọi phẩm tính tốt của con người: sự kiên nhẫn, khiêm nhường, sức mạnh quyến rũ, vẻ thanh cao, một tấm lòng quảng đại bao dung… Đặc biệt là sen - một loài hoa sang quý nhưng lại rất phổ biến, gần gũi.

Do chưng cất được nguyên khí của đất trời mà sen đã dung nạp được cả vẻ đẹp giản dị hồn nhiên của dân gian và nét đài các kiêu sa của văn hóa bác học. Tích hợp tinh túy của muôn hoa, sen vừa tỏa hương thơm sâu lắng vừa mang sắc màu kín đáo, tạo nên cái duyên đằm thắm, mặn mà; toát lên vẻ đẹp hoàn hảo vừa mềm mại, dịu dàng lại vừa cứng cỏi đầy bản lĩnh. 

Hành trình gian nan từ bùn nhơ tăm tối, xuyên qua màn nước tinh khiết để thanh lọc chính mình, rồi vươn lên kiêu hãnh dưới ánh sáng mặt trời là chu trình giúp sen kết tinh hồn đất, hồn nước, hồn thiêng sông núi, rồi có được dáng vẻ tôn nghiêm và cốt cách cao khiết, “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”, khiến lũ bướm ong chẳng dám đến gần.

Như một tác phẩm tinh diệu của tạo hóa, là sứ giả của cái đẹp, búp sen thanh tao không chỉ trang trọng được đặt nơi tôn nghiêm: đình - chùa - miếu - phủ, trên bàn thờ gia tiên ngày lễ tết, mà còn thường xuyên có mặt để trang điểm cho những phòng khách của mỗi gia đình.

Có thể nói, không loài hoa nào lại dâng hiến cho đời nhiều ích dụng quý báu như sen. Sen được dùng làm nguyên liệu ẩm thực; làm dược liệu chữa bệnh và tăng cường sức khỏe; là hương liệu để làm đẹp; vật liệu để may áo, gói đồ; làm nhiên liệu để đun nấu… 

Hạt sen dùng nấu xôi, nấu chè, nấu cơm, làm mứt, làm bánh. Ngó sen làm nộm, nấu canh. Nhụy sen ướp chè. Lá sen, thân sen, tâm sen, củ sen… làm vị thuốc. Các món được chế biến từ sen đều thấm đẫm hương vị Việt: ngon, lành, bổ dưỡng, thanh quý và sang trọng. 

Những sợi tơ sen mong manh như sương như khói luôn vấn vít, díu dăng bền chắc, được người thợ khéo tay dệt thành những tấm vải huyền ảo may khăn, may áo, mặc mát mà lành. Thân sen, lá sen mang đun nấu, thơm mà không độc hại. Lá sen gói cốm, gói xôi… sẽ làm tăng thêm giá trị của từng sản vật. Giọt giọt sương đêm tinh khiết đọng giữa lá sen tựa hạt ngọc của trời, nếu dùng pha trà sẽ làm cho trà thêm thanh tao, độc đáo và có phần kỳ bí. 

Ngày hè nóng nực, đầm sen như chiếc điều hòa khổng lồ hạ nhiệt cả một vùng rộng lớn. Sen còn làm thanh sạch môi trường, nên nước ao sen bao giờ cũng lắng trong, đầy dưỡng khí.

Con gái thường dân nhờ được thỏa sức lội trong hồ sen mà có được vẻ đẹp khỏe mạnh, rắn chắc, gợi cảm, gợi tình. Mỹ nữ quý tộc thường ngâm mình trong bồn nước thả những cánh sen hồng mà làn da mịn màng, mềm mại…

Không gian hữu tình hồ sen - chất kích thích tố đã khai mở tâm hồn mộc mạc, cho chàng trai cô gái thôn quê thăng hoa thành thi sĩ, biết gửi “chiếc áo trên cành hoa sen” thương nhớ

Như một tín hiệu thẩm mỹ đặc biệt, sen thường xuyên hóa thân vào những tác phẩm nghệ thuật. Nhưng nếu văn hóa bác học nghiêng về nét kiêu sa, cao sang, thoát tục thì mỹ học dân gian lại chú trọng tới vẻ đời thường, giản dị và nhất là cái hữu ích của loài sen. Bởi với dân gian, cái đẹp bao giờ cũng nằm trong giản dị, là sự hài hòa giữa nội dung và hình thức, nhằm hướng tới cái có ích.

Mặt khác, là một quốc gia ở vào địa bàn cư trú rất thấp so với mực nước biển, nên ở Việt Nam đầm ao, sông rạch rất nhiều, nhất là Bình Lục quê tôi vốn là rốn nước của vùng chiêm trũng Hà Nam. 

Trong khi tất cả những loài cây cảnh như: mai, lan, hồng, cúc… đều sống trên cạn và phải chăm bón tưới tắm, bắt sâu, nhổ cỏ một cách kỳ công, riêng sen mọc dưới nước. 

Ảnh trong bài: Nguyễn Hoàng Lâm.

Với sức sống mãnh liệt của loài hoa dại, nó âm thầm, lặng lẽ chắt chiu mỡ màu để tự nuôi dưỡng mình và không ngừng dâng hiến. Trồng sen không vất vả, không phải tưới tắm, bón chăm. Mà chỉ cần trồng một lần là được thu hoạch lâu dài. Đầu mùa Xuân, cắm xuống lòng ao ít nhánh sen nhỏ; vừa sang Hè, sen đã ào ạt đội bùn, xuyên nước vươn lên. 

Hôm nào vừa lác đác mấy chiếc lá mỏng manh, vài bữa sau đã thấy lá sen lớp lớp, san sát, biếc xanh. Sen mang sự sống đến cho những hố bom quanh làng. Sen diệt sạch lũ cỏ năn, cỏ lác tren cánh đồng hoang hóa… 

Do biết cắm sâu vào lòng đất mẹ và biết neo vào cái mênh mông của nước để nổi nênh cùng nước, do biết nương tựa vào nhau nên những thân sen mảnh mai đã không bị đổ nát, ngược lại - luôn kiêu hãnh trước mưa sa, gió táp.

Hàm ngậm biết bao thông điệp nghệ thuật, sen thường xuyên xuất hiện trong thi ca và mặc nhiên được coi là nữ hoàng của mặt nước:

Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng

Sen hội tụ được nhiều phẩm chất quý báu của hồn thiêng đất nước nên trong tâm thức con người Việt Nam, hoa sen từ lâu đã trở thành biểu tượng cho những gì đẹp đẽ, tinh khiết, hoàn hảo, cao quý nhất. 

Vì thế, năm 2010, hoa sen được tôn vinh là Quốc hoa, chính thức được coi là biểu tượng cho vẻ đẹp, phẩm giá, cốt cách của con người Việt với số phiếu bình chọn rất cao. 

Đóa sen mở cánh được dùng làm biểu tượng của Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines); hình ảnh hoa sen, búp sen, lá sen xuất hiện nhiều trong các tác phẩm điêu khắc, đắp chạm đình chùa, đền và cả kiến trúc hiện đại; cũng như là hình hiệu của nhiều sản phẩm, hình tượng biểu tượng nền tảng của nhiều tác phẩm sân khấu, chương trình biểu diễn.

Vậy mà, nhiều đầm sen hiện đang có nguy cơ biến mất. Ở quê tôi, người ta đã san lấp những hồ sen để làm khu công nghiệp. Chỗ nào còn thì dân hùa nhau lấn chiếm xây nhà. Những con đường lắm cát dễ đi cũng đã được/bị bê tông hóa. 

Cảnh làng quê rợp mát bóng tre thanh bình trong ngan ngát hương sen lẽ nào sẽ chỉ còn lại trong hoài niệm? Bất chợt tôi thảng thốt nhớ đến cái giật mình của cụ Tú năm xưa.

Trần Thị Trâm
.
.