Du lịch thời “tiền” smartphone

Thứ Ba, 09/06/2020, 11:44
Tôi cảm thấy may mắn vì tôi đã có cơ hội đi du lịch và thực hiện những hành trình tốt đẹp nhất trong đời mình vào thời điểm hơn mười năm trước, tức là trước thời bùng nổ của điện thoại smartphone nói chung và của các mạng xã hội nói riêng. Bởi smartphone và mạng Internet đã thay đổi đáng kể phong cách và bản chất du lịch của chúng ta.

Khi bước vào độ tuổi ba mươi, tôi cũng bước vào giai đoạn ổn định ''an cư lập nghiệp'' nên tôi không còn có nhu cầu, khao khát xách ba lô lên đường và chinh phục những miền xa như trước. 

Mà ngẫm lại, tôi cảm thấy may mắn vì tôi đã có cơ hội đi du lịch và thực hiện những hành trình tốt đẹp nhất trong đời mình vào thời điểm hơn mười năm trước, tức là trước thời bùng nổ của điện thoại smartphone nói chung và của các mạng xã hội nói riêng. Bởi smartphone và mạng Internet đã thay đổi đáng kể phong cách và bản chất du lịch của chúng ta.

Hồi tôi đi học đại học, các công ty công nghệ khổng lồ mà bằng tiếng Anh gọi là Big Five hay GAFAM (Google, Apple, Facebook, Amazon và Microsoft) chưa phát triển đến mức có ảnh hưởng lớn tới mỗi khía cạnh cuộc sống của ta như chúng làm bây giờ.

Thời đó, tôi đã đến một số vùng đất xa xôi như Trung Đông, Ấn Độ, Trung Á hay châu Phi mà chẳng mang theo trong túi điện thoại smartphone. Ví dụ, tôi đã không có khả năng tìm trên bản đồ Google quán ăn hay điểm tham quan gần nhất hay hỏi Google về thời tiết hôm nay, hay cách di chuyển qua thành phố.

Thay vào đó, tôi luôn mang theo cuốn sách hướng dẫn 'Lonely Planet' được giới du khách bụi thời đó coi như nguồn thông tin đầy đủ và đáng tin cậy nhất. Mỗi lần ngồi trên ghế xe khách hay máy bay, tôi sốt ruột lật những trang của nó và đọc ngấu nghiến về văn hóa, lịch sử của đất nước mình sắp đến, đọc những thông tin hữu dụng về các danh lam thắng cảnh, chỗ ăn-ở-nghỉ hay đọc những lời khuyên cho du khách về cách tiết kiệm tiền hay cách tránh bị chặt chém. Nếu bị lạc đường thì tôi đành hỏi đường hay sử dụng bản đồ giấy trên tay thay vì dựa vào phần mềm của smartphone.

Trước khi lên đường, tôi dành nhiều thời giờ háo hức tìm hiểu và nghiên cứu về điểm đến. Tôi luôn đi du lịch một mình theo phong cách tự túc nên tôi có tự do quyết định mình sẽ đi đâu, xem gì và ở bao lâu. Thị hiếu của tôi vốn là những đất nước xa vời và hoang sơ chưa được giới du lịch chú ý đến như Georgia, Armenia, Iran, Syria, Uzbekistan, Kyrgyzstan, Niger, Ethiopia...

Tôi thấy cực kỳ hiếu kỳ muốn biết cuộc sống của người dân diễn ra thế nào trong các nước mà đại đa số chúng ta chẳng hề biết gì hay thậm chí chưa nghe tên nước bao giờ. Thời đó, các quốc gia này càng bí ẩn bởi số lượng du khách quốc tế đến đó tuyệt đối ít, cơ sở hạ tầng kém phát triển cộng với thông tin và dịch vụ rất ít ỏi nên để thực hiện hành trình tôi phải bỏ ra nhiều thời giờ công sức để thu thập thông tin và chuẩn bị lên đường.

Hồi đó tôi là sinh viên nên tôi phải tiết kiệm đến cả một năm để có một kinh phí du lịch vẫn được cho là rất khiêm tốn (khoảng mười đô la một ngày). Tôi tham gia những diễn đàn trực tuyến và kết nối với những người có đam mê xê dịch để chia sẻ kinh nghiệm, bí quyết và cảm hứng.

Đa phần du khách bụi (hay được gọi là Tây ba lô) mà tôi găp vào thời đó có tinh thần cởi mở cộng đồng, sẵn sàng giúp đỡ nhau và kết bạn với nhau trên con đường xa xôi. Nói chung, đối với tôi của thời điểm đó, đi du lịch bụi là một thứ liều lĩnh mạo hiểm đòi hỏi nhiều nỗ lực và một tinh thần tự do, tháo vát, kiên nhẫn. Nó là một thành tích cao đẹp không chút dễ đạt.

Tuy nhiên, smartphone và mạng Internet đã thay đổi cách ta đi du lịch. Nhờ sự phát triển của mạng, chúng ta có thể tiếp cận thông tin một cách dễ dàng và thuận lợi nhất. Ví dụ Google Map không chỉ hiển thị bản đồ của bất cứ nơi nào trên hành tinh mà còn cung cấp những thông tin hữu ích như tình trạng tắc đường, lịch chạy của các phương tiện công cộng hay hình ảnh, review của các địa điểm quan trọng (nhà hàng, bảo tàng, phế tích hay bãi biển).

Quả thật, điện thoại smartphone đã mang đến những thay đổi mang tính đột phá vào trải nghiệm hàng ngày của người đi du lịch với vô vàn tính năng thuận tiện. Chúng ta không còn cần hỏi người qua đường nhà ga nằm ở đâu, xách sách hướng dẫn cồng kềnh trong túi hay mất công gia nhập những diễn đàn trực tuyến để hỏi về thủ tục xin visa nhập cảnh của nước nọ hay lịch chạy tàu của thành phố kia. Tất cả trở nên dễ làm và trong tầm tay của chúng ta, ta chỉ cần có chút tiền, chút thời gian và, tất nhiên, có một chiếc smartphone để lên đường.

Bên cạnh đó, công nghệ và smartphone đã có tác động lớn tới thói quen chụp ảnh của người đi du lịch.

Tôi nhớ, trong thời tiền smartphone, chụp ảnh đòi hỏi đôi chút nỗ lực: chúng ta phải mang theo một chiếc máy ảnh kềnh càng, nhớ sạc pin, kiểm tra thẻ trí nhớ. Để chụp ảnh đẹp, ta phải có sự hiểu biết cơ bản về nhiếp ảnh và cách sử dụng máy ảnh và phải có chút kiến thức về phần mềm chỉnh sửa như Photoshop. Chụp một bức ảnh đẹp không hề dễ dàng nên nó được coi là một thành tích.

Nhưng trong thời đại smartphone, hình ảnh đẹp trở nên phổ biến đến nỗi nó không còn được xem là một điều đặc biệt đòi hỏi kỹ năng lớn lao. Trong mấy nháy mắt, người nào cũng có thể chụp một bức ảnh, chỉnh sửa nó bằng phần mềm có sẵn và chia sẻ nó với công chúng.

Nếu ban đầu chúng ta chụp ảnh để ghi lại những khoảnh khắc đặc biệt và giữ lại kỷ niệm đáng nhớ thì với sự lên ngôi của mạng xã hội, động lực chụp ảnh cũng đã thay đổi theo. Bây giờ chúng ta cố gắng chụp ảnh đẹp để đánh bóng thương hiệu cá nhân và phô trương chuyến đi như một ''chiến lợi phẩm'' nhằm thu hút sự chú ý, sự khen ngợi và cả sự ghen tị của thiên hạ như thể cái đống lượt like, comment ấy có khả năng xác nhận giá trị cá nhân của chính ta.

Không chỉ vậy, nhiều khi ta cảm thấy mình bắt buộc phải chụp thật nhiều ảnh như một ''bằng chứng'' rằng mình đã đến nơi đó. Khi một thói quen trở thành xu thế thì chúng ta cũng chạy theo số đông vì sợ bị bỏ lỡ. Thời trước, khi tôi trở về quê sau một chuyến đi lâu dài, tôi tập hợp các bạn bè để kể về chuyến đi còn họ lắng nghe và hình dung trong đầu các cảnh tuyệt đẹp mà tôi đã tận mắt thấy. Bây giờ, tôi không cần làm thế bởi, trước khi tôi kịp gặp họ, họ đã xem hết ảnh du lịch của tôi trên mạng xã hội rồi.

Sự ám ảnh mới đã tạo nên phong trào chụp ảnh ''check in''. Từ ''check in'' trong tiếng Anh có nghĩa là ''thông báo hay ghi lại rằng mình đến nơi''. Về cơ bản, nhiệm vụ của một số người đi du lịch là đến một địa điểm nổi tiếng hay phong cảnh đẹp, chọn góc độ phù hợp rồi tạo dáng chụp nhiều kiểu.

Sau đó, người đó sẽ dành nhiều thời gian để chỉnh sửa các ảnh, áp dụng nhiều filter, làm cho bức ảnh đẹp một cách thái quá xa thực tế. Cuối cùng, người đó sẽ tung hình ảnh lên khắp mạng xã hội để các bạn bè và người quen khâm phục ''sản phẩm” của mình.

Quả thật, xu thế mọi nơi mọi lúc chụp ảnh ''check in'' đang thay đổi bản chất và ý nghĩa du lịch. Nó đang làm mất đi cảm giác trải nghiệm mà chuyến đi vốn mang cho ta và đang giết tính hiếu kỳ và khả năng cảm nhận của ta. Chúng ta dần mất khả năng sống tại hiện tại và tận hưởng những khoảnh khắc và thay vào đó, ta ngày càng có khuynh hướng sống cuộc đời mình bằng ống kính của máy ảnh.

Bức ảnh tiêu biểu cho xu hướng này được chụp vào năm 2015 và cho thấy một đám đông chứng kiến một sự kiện quan trọng, ai cũng cầm một chiếc điện thoại, giơ tay cao để chụp ảnh, và ai cũng xem nhìn sự kiện qua màn hình của điện thoại. Nhưng trong đám đông đó, chúng ta thấy một bà già không cầm thiết bị điện tử nào mà chỉ nhìn ngắm phía trước, mỉm cười và tận hưởng thời khắc một cách trực tiếp, sung sướng nhất.

Vậy, tôi mong chúng ta sẽ cố gắng làm giống như bà kia và tiếp nhận cái đẹp của thế giới bằng chính các giác quan của mình. Khi đứng trước một phong cảnh tuyệt đẹp, chúng ta hãy dừng một vài phút để cảm nhận nó và lắng nghe những cảm xúc đang trào dâng trong trái tim thay vì vội rút điện thoại ra và chụp ảnh như zombie vô hồn.

Đi du lịch vốn là một trải nghiệm chứ không phải là sản phẩm hay kết quả, nó giống như một món ăn đặc biệt mà người ăn càng chậm rãi, hương vị của nó càng ngon. Tôi nghĩ rằng trước hết, công nghệ và smartphone vẫn chỉ là công cụ, còn mục đích thực thụ của du lịch là trải nghiệm thế giới bao la một cách trọn vẹn sâu sắc nhất. Và để làm thế, ta chỉ cần phải có tinh thần cởi mở, mở mắt ra và cảm nhận.

Nhà văn Marko Nikolic (Nguyên tác tiếng Việt)
.
.