Danh dự quan nhân

Thứ Ba, 26/07/2016, 09:14
Hôm trưa vắng ngắt, Ngô nằm xem phim tài liệu về bậc tài hoa nước Việt: Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Có chi tiết này rất hay, ấy là năm 45 tuổi tiên sinh mới ra ứng thí, tiên sinh thi một lần đỗ đạt Trạng Nguyên, công danh lừng lẫy. Năm ấy, dưới thời Mạc Đăng Doanh.

Mạc Đăng Doanh băng hà, cũng là lúc tiên sinh về vui thú điền viên. Sở dĩ tiên sinh ra làm quan thời Mạc Đăng Doanh là bởi giữa vị vua họ Mạc này và tiên sinh có cùng quan điểm, "dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh". Nghĩa là, dân quý nhất sau mới đến tổ quốc và cuối cùng mới là quân quan.

Ngô hậu sinh thiển cận, mạn phép viết thêm về danh dự của quan nhân ngoại trừ quan điểm của Mạnh Tử mà tiên sinh Trạng Trình đã theo đuổi.

1. Dạo này, Ngô đọc nhiều tin trên báo quá đâm ra lẩn thẩn, toàn báo chính thống cả thôi. Có báo đưa tin chuẩn bị xét xử một ông ngân hàng, nhoằng cái chỉ hơn năm gây thiệt hại chín nghìn tỷ, có báo đưa tin nhà máy sản xuất giấy đầu tư ba nghìn tỷ đắp chiếu vì công nghệ không phù hợp…

Nhìn qua nghìn tỷ thất thoát, nhìn lại nghìn tỷ trùm mền, lại thấy ngân sách ngày càng thu không đủ chi, nợ công không ngừng tăng cao. Rồi thêm chuyện quy trình đề bạt, hết ông quan này từng sai phạm đến ông quan kia từng dính kỷ luật. Ấy vậy mà cuối cùng cũng đâu vào đấy, cuối cùng cũng chẳng ai bị truy cứu trách nhiệm gì. Cứ như cha chung lìa trần thì không ai khóc.

Hôm Ngô viết, Dân biết cả đấy, Ngô nghĩ đúng là dân biết cả đấy. Ngô tin là các quan nhân cũng hiểu chuyện này, nhưng hiểu lại không mạnh dạn để sửa thì cũng chẳng nên hiểu để làm gì. 'Càng nói càng thêm buồn mà thôi; dẫu vậy, lời thật tình ngay, thân chọn chữ làm nghiệp, mưu sinh bằng nghề cầm bút, dẫu thời này hay thời khác, dẫu thịnh hay suy gì Ngô vẫn luôn nghĩ mình phải có trách nhiệm lên tiếng. Bởi ngoài khả năng này, Ngô cũng thấp cổ bé miệng, giá áo túi cơm, biết làm gì khác đây.

Trước khi bàn đến chuyện danh dự quan nhân, Ngô lớn gan mạn phép xin được nhắc đến vài chuyện không vui liên quan đến chốn quan trường. Vì chuyện nghiêm túc, nên Ngô không sử dụng thủ pháp biền ngẫu thông thường.

Trong phiên họp Chính phủ vào đầu tháng Bảy này có nổi bật lên hai vấn đề rất đáng lưu tâm, điểm chung của hai vấn đề đều liên quan đến mẫu số chung "chuyện ở nhiệm kỳ trước".

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, "Yêu cầu rà soát xem có tiêu cực hay không trong quá trình thẩm định, phê duyệt dự án Formosa".

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa thừa nhận, "BOT có rất nhiều vấn đề cần rút kinh nghiệm và năm năm qua đầu tư giao thông đường bộ quá lớn trong khi đầu tư cho đường thủy nội địa rất thấp".

Minh họa: Lê Phương.

Cũng chung với mối thu vén nhiệm kỳ trước, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã yêu cầu Văn phòng Ban Cán sự phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ khẩn trương rà soát lại công tác cán bộ và quy trình nhân sự trong giai đoạn 2013-2015. Việc rà soát này bao gồm cả các trường hợp tiếp nhận người từ bên ngoài về và trường hợp được điều động từ Bộ về nắm giữ các vị trí trong Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc của các Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty thuộc Bộ.

Những ngày đầu tháng Bảy, Bộ Công an đã khởi tố ông Phan Hòa Bình, hiện đang là Phó ban Tổ chức Tỉnh ủy Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về hành vi "Cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng". 

Hành vi cố ý làm trái quy định này xảy ra khi ông Bình đảm nhiệm vị trí Chủ tịch thành phố Vũng Tàu. Bị khởi tố cùng hành vi với ông Bình là các ông Trương Văn Trí - nguyên Phó Chủ tịch TP Vũng Tàu, hiện đang là Chuyên viên Văn phòng UBND tỉnh, ông Nguyễn Thanh Sơn, nguyên Trưởng phòng Quản lý Đô thị thành phố Vũng Tàu, hiện đang là Chủ tịch UBND phường 9.

Đây là một vụ việc rất được quan tâm bởi hành vi được cho là phạm luật của các đối tượng đều diễn ra trong nhiệm kỳ công tác mà các đối tượng này đảm nhiệm. Và hiện tại, mặc dù không còn ở vị trí đó nhưng các đối tượng này vẫn bị khởi tố.

Vụ việc này khiến Ngô nhớ đến câu chuyện của ông Trần Văn Truyền - nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ.

Tháng 10 - 2011, ông Trần Văn Truyền nghỉ hưu theo chế độ. Ít lâu sau, báo giới phát hiện chỉ trong vòng 8 tháng đầu năm 2011, ông Trần Văn Truyền với tư cách Tổng Thanh tra Chính phủ đã ký đến 60 quyết định bổ nhiệm cán bộ cấp Vụ, Phòng tại cơ quan này. 

Tiến hành rà soát lại, Thanh tra Chính phủ có kết luận với đại ý cho rằng việc ký quyết định đề bạt của ông Trần Văn Truyền là vội vàng, bởi có những trường hợp được đề bạt có nhiều khuyết điểm trong công tác trước đó.

Từ câu chuyện đề bạt, báo giới phát hiện hàng loạt sai phạm khác của ông Truyền khi ông còn đương nhiệm.

Cuối năm 2014, Văn phòng Trung ương Đảng công bố Thông báo của Ban Bí thư về việc xem xét xử lý kỷ luật ông Trần Văn Truyền về thực hiện chế độ, chính sách nhà, đất ở và báo cáo của Ban cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ kết quả kiểm điểm ông Trần Văn Truyền về công tác cán bộ.  

Ông Trần Văn Truyền lúc này đã về hưu nhưng vẫn phải nhận hình thức kỷ luật từ Ban Bí thư vì vi phạm khuyết điểm trong việc thực hiện chế độ, chính sách nhà ở.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục thanh niên, thiếu nhi và nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến từng phát biểu, "Có những cán bộ vào lúc "bình minh nhiệm kỳ" thì hăng hái, nhưng chỉ thời gian ngắn giữa nhiệm kỳ đã thấy thái độ khác trong công việc và đến cuối nhiệm kỳ thì rõ ràng thái độ buông xuôi". Cũng chính vị này từng phản ứng về, "Giải pháp chặn đứng quan chức chạy đua nước rút thực hiện những chuyến tàu vét cuối cùng".

Trên thực tế, có rất ít quan chức phải chịu trách nhiệm khi đã luân chuyển khỏi chức vụ hay về hưu, chính từ đây "tư duy nhiệm kỳ" được mặc định như là một cơn cớ hợp lý để một bộ phận quan chức tung hoành khi đương nhiệm. Hiểu theo nghĩa nào đó thì hạ cánh an toàn không cần phải lo nghĩ.

Chính vì vậy, vụ việc khởi tố nguyên Chủ tịch Thành phố Vũng Tàu hay vụ truy cứu trách nhiệm nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ cho phép đưa ra nhìn nhận về một tín hiệu tiệm cận với "trách nhiệm nhiệm kỳ".

Lẽ đơn giản nhất, muốn chống lại tư duy nhiệm kỳ thì không còn cách nào khác là phải quyết tâm thực hiện bằng được trách nhiệm nhiệm kỳ một cách thẳng thắn, minh bạch. Bởi đã đến lúc, cần có cái roi dành riêng cho các lãnh đạo đang khư khư ôm nặng tư duy nhiệm ky,â bất chấp cái tư duy ấy cản trở sự phát triển xã hội ra sao.

2. Lấy cái trách nhiệm nhiệm kỳ để đối chọi với tư duy nhiệm kỳ, cũng là một kiểu lấy lại danh dự cho quan nhân.

Bấy lâu nay, theo quan sát của Ngô, những quan nhân kế nhiệm luôn loay hoay trước các vấn đề mà quan tiền nhiệm để lại. Họ cứ loay hoay không biết sao cho vẹn lý, vẹn tình. Họ cứ loay hoay không biết sao cho vuông tròn mọi nhẽ. Bởi dù gì cũng là tình đồng liêu, bởi dù sao cũng là quan anh quan bác, bởi sòng phẳng mà thừa nhận cũng là ông anh nâng đỡ ông em mới có ngày nay.

Chính vì loay hoay mãi trong mớ bòng bong này, mà nhiều quan chức kế nhiệm ban đầu thì rất hăng hái, sau ý chí cứ nhụt dần nhụt dần, dẫn đến buông xuôi phó mặc.

Ngô không tin bất cứ quan chức nào cũng khư khư quan điểm vinh thân phì gia; hẳn nhiên vẫn có một bộ phận quan chức tốt. Và để người tốt có thể phát huy khí chất của mình, thì phải chống đến cùng tư duy nhiệm kỳ này.

Chống tư duy nhiệm kỳ đau lắm, xét lại con đường hoạn lộ của các quan có tì vết cũng đau lắm. Không chỉ đau, mà đó là quãng đường hết sức cần sự dũng cảm, quyết tâm. Sự quyết tâm và dũng cảm của một chiến binh. Cho dù khó khăn mấy vẫn phải thực hiện, cho dù gian nan mấy vẫn phải bền chí.

Không tự nhiên mà có đường, đi mãi thì thành đường. Mà nếu không có những người tiên phong thì làm sao có những bước chân đầu tiên.

Danh dự của quan nhân, chính là danh dự được đặt trong tổng thể xã hội. Đó là danh dự của quan nhân coi sóc một quốc gia hùng cường, vững mạnh, trong sạch, liêm chính. Danh dự của quan nhân được đặt trong nụ cười viên mãn, niềm hạnh phúc tự hào của công dân quốc gia ấy.

Quan nhân không thể có danh dự khi mà công dân của quốc gia còn xem xuất khẩu lao động là cơ hội lớn để đổi đời, quan nhân lại càng không thể có danh dự khi mà công dân quốc gia ấy còn phải è lưng trả nợ công, còn phải chứng kiến nhiều hiu hắt trong hiện thực đời sống.

"Vật chết để da, người ta chết để tiếng", quan nhân nước mình có đầy đủ những tấm gương để nhìn vào, có đầy đủ thành hoàng điển tích khói hương kính cẩn để học tập, có đầy đủ tên đường nhớ ơn người vì xã tắc vì dân.

Vấn đề là quan nhân có muốn hay không? Có trọng danh dự hay không? Có vì mình vì người mà mạnh dạn tiến hành cuộc phẫu thuật cắt đi những tàn dư đang kìm hãm sự phát triển của đất nước, những thoái hóa đang hành thích niềm tin của nhân dân, những tồn tại đang ám sát tương lai của xã hội hay không? Bởi dẫu sao, sống thì chỉ một đời, nhưng danh thì lưu vạn kiếp.

Những lời Ngô cần nói thì Ngô đã nói hết rồi, chỉ thiết tha mong được lắng nghe. Quan trọng nhất, ngay từ bây giờ, phải cố gắng tiến hành bằng được "trách nhiệm nhiệm kỳ" thực hiện cho đến nơi đến chốn, xem đó là việc cần làm ngay và kiên quyết phải làm.

Ngô Nguyệt Hữu
.
.