Chúng mình mãi đợi nhau

Thứ Bảy, 06/02/2016, 15:33
Bằng vỏ bọc một gia đình tư sản, có người mẹ kết thân với nhiều tướng lĩnh chính quyền Sài Gòn, cha là chủ một hiệu thuốc Đông y nổi tiếng mang tên Nhạn Trắng, ông Trịnh Hoài Châu (Út Mười Một) trở thành một chiến sĩ tình báo, hoạt động trong Phủ Thủ tướng. 


Từ một cậu tú, vào trường đào tạo sĩ quan, có được một lý lịch sạch sẽ nằm gọn trong ngăn bảo mật Phòng thông tin Hoa Kỳ là một quá trình cài, cắm người của tổ chức tình báo cách mạng vào hang ổ kẻ thù rất tinh vi, khôn khéo.

Tiếp xúc với Ngô Đình Nhu, Trung úy Trịnh Hoài Châu - phụ tá cho Thiếu tá Nguyễn Hữu Hạnh đã đọc được ý nghĩ trong sâu thẳm của ông ta: “Phải thuyết phục nắm bắt tay này, không để tình báo Mỹ sử dụng gây áp lực với ta”. Và Trung úy Trịnh Hoài Châu cũng sớm phát hiện tâm tư sâu kín anh em nhà họ Ngô: “Dựa vào thế lực Mỹ nhưng không chịu làm tay sai ngoan ngoãn của Hoa Kỳ”.  

Tình thế buộc Trung úy Trịnh Hoài Châu “phản ánh trung thực các bước đi của người Mỹ đối với chính tình hình Việt Nam”. Nhưng mặt khác, những người biết ông lại hiểu khác. Trong cao điểm “Tập đoàn gia đình trị” thanh trừng quyết liệt những kẻ đối lập, chống đối, Trịnh Hoài Châu trở thành người “ngoài cuộc” nhờ vào cái “mác” nhân viên tình báo Mỹ, khiến Nhu dè dặt trong đối phó.

Với vị trí trong văn phòng Phủ Tổng thống, Trịnh Hoài Châu khôn khéo tiếp cận, làm thân nhiều tướng lĩnh. Nhờ vậy, ông khai thác được nhiều nguồn tin có giá trị. Đó cũng là những ngày hoạt động tình báo dường như quá sức chịu đựng của ông. 

Sau này, ông Trịnh Hoài Châu tâm sự: “Làm công tác nghiệp vụ trong lòng địch, dưới triều đại nhà Ngô, quả khó khăn gian khổ, phức tạp vô vàn. Ngay cả những tên tay sai cúc cung tận tụy, chỉ cần một câu nói vô ý, làm phật lòng một thành viên nhà Ngô, ngay kẻ đầy tớ trong nhà như mụ Luyến, cũng khó yên thân. Những Đỗ Mậu, Tôn Thất Trạch, Lâm Lễ Trinh, Trần Kim Tuyến, Mai Hữu Xuân đã trở thành những con tốt thí thân tội nghiệp. Nhưng nhất nhất theo lệnh của nhà Ngô chưa hẳn là liệu pháp an toàn”. Và ông tự dặn mình: “Trong hàng ngũ nội tuyến, để tồn tại, luôn phải đề cao cảnh giác, bình phong phải thật tốt”.

Ông bà Trịnh Hoài Châu - Đỗ Thị Nga hồi trẻ...

Trung úy Trịnh Hoài Châu cũng đã từng bị nghi ngờ là cộng sản, vì lối sống quá mực thước của một người đàn ông trong gia đình gia giáo. Việc một sĩ quan trẻ tuổi, đẹp trai lại không có bên mình những cô gái đẹp, không trăng hoa khiến nhiều tên “cú vọ” đặt nghi vấn.

Rất may, ông tìm ra được cách giải thích có vẻ rất chân thành, làm nhiều người cảm thông, khá hợp lẽ: “Tôi cũng muốn cưới vợ, ngặt nỗi bà già (mẹ anh) khó quá! Cô tôi chịu thì bà lại không ưng. Cô tôi ưng thì bà lại không chịu. Kiểu này, chắc là tôi “ở giá”, chờ cho đến khi bà già chết quá!”. Ông khéo léo chuyển qua đề tài mấy bà già khó tính khi chọn vợ cho con trai… 

Từ hôm đó, câu hỏi “Trung úy Châu chờ ai?”  được nhiều người chia sẻ. Chuyện ông chưa chịu có vợ không trở thành chuyện bất bình thường nữa. Trịnh Hoài Châu thở dài, giải thích thêm: “Nói thiệt, đàn ông nào không mê gái. Nhưng gia đình tôi không cho phép tôi lăng nhăng. Con cái lăng nhăng thì ra ngoài sống, không được sống chung với gia đình. Má tôi già rồi, tôi không muốn làm má buồn!”.

Nhưng không ai biết, trái tim ông đã thuộc về một người con gái mảnh mai, bé nhỏ. Đó là Đỗ Thị Nga - một nữ sinh, tham gia phong trào nội đô. Khi tổ chức bị vỡ, Nga vào chiến khu. Cũng từ đó, hai người bặt tin nhau. Họ cùng chung đường nhưng cuộc chiến đấu sinh tử buộc họ ở hai đầu “chiến tuyến”. Nhưng bức ảnh chân dung cô gái có làn tóc mây dài óng mượt đổ xuống bờ vai, đôi mắt to đen láy, khẽ liếc nghiêng, đôi môi thơ ngây hé mở luôn trong tâm tưởng của anh. 

Anh nhớ buổi chia tay, hai người chỉ nhìn nhau, không một lời hứa hẹn. Nhưng đôi mắt chứa đựng bao lời muốn nói của cô cứ theo suốt cuộc đời anh. Đôi mắt ấy giúp anh vững vàng, tỉnh táo trước bao cám dỗ, giúp anh nhận ra kẻ thù giấu mặt, hung hãn, tinh vi… 

Ông Trịnh Hoài Châu tâm sự về sự nghiệt ngã của nghiệp tình báo. Đó là những chiến sĩ thầm lặng, lấy chiến thắng dân tộc làm chiến công của chính mình. Ông đã trải qua những tình huống thắt tim, vượt qua nhà tù, vượt qua cái chết…

...và bây giờ. Ảnh: T.H.

Mỗi ngày trôi đi với người tình báo là quà tặng của Thượng đế. Bởi như ông bày tỏ: “Mỗi sáng thức dậy, bước xuống giường, chân chạm đất, tôi mới nhận ra mình đã may mắn còn được sống. Không kìm nén được xúc cảm, ông đã viết nên những câu thơ về cuộc đời mình:

“Trên mặt đất mọc trăm nghìn chiếc lá
Ai tìm chi một chiếc rụng trong yên
Ta một bóng nhòa trong muôn vạn bóng
Mất không vang như lá chết im lìm”.

Cũng từ trong hang ổ tình báo Mỹ, ông sớm biết kế hoạch “thay ngựa giữa dòng” của người Mỹ. Khi chính quyền Diệm đổ, ông Châu cung cấp cho cách mạng nhiều tin tức có giá trị về nội các chính quyền mới, những mâu thuẫn phe phái, những nỗ lực mới của Mỹ. 

Nhưng với sự nhạy bén và tầm nhìn chiến lược, ông Châu đánh giá kế hoạch bình định của Mỹ rất lợi hại, trong khi thời gian được cắm vào Phủ Tổng thống, tổ chức cách mạng và cả bản thân ông chỉ chú trọng những tin tức xoay quanh nội các địch. Ông soát lại các tư liệu báo cáo quá trình thực hiện kế hoạch bình định. Một nhận thức mới vỡ òa trong đầu người chiến sĩ tình báo:

“Thì ra đây là sách lược dồn dân lập ấp, cách ly dân với chính quyền Cách mạng địa phương, thực hiện vườn hoang nhà trống, không cho Việt cộng bám trụ. Nhưng sau các thất bại mà Dương Văn Minh đã đề cập, chính quyền Nguyễn Khánh và Hoa Thịnh Đốn thỏa thuận sẽ tăng cường đưa quân Mỹ vào, tiến hành “tìm diệt” chủ lực Việt cộng. Quân Cộng hòa yểm trợ lực lượng bình định, ổn định địa phương, giành dân lấn đất. Như vậy, địch rõ ràng tiến hành chiến tranh đánh ta trên hai mặt trận”. Trịnh Hoài Châu thầm trách mình: “Một cán bộ điệp báo, có khả năng nắm bắt nhiều tin tức có giá trị, vậy mà mình mơ hồ không biết, quả là tình báo tồi”.

Ông đọc lại tài liệu bình định của Thompson - tác giả “chống chiến tranh du kích Mã Lai”, với lý luận học thuyết “Tát cạn nước để bắt cá”, nhằm đánh vào những người nuôi dưỡng, quan hệ, bảo vệ và giúp đỡ lực lượng du kích, cơ sở cách mạng, tách “cá” ra khỏi “nước” để tìm diệt, phá thế “lấy nông thôn bao vây thành thị”… 

Càng đọc, càng nghiền ngẫm, Trịnh Hoài Châu càng quan ngại. Và ông tự vấn: “Vậy địch tiến hành kế hoạch bình định đến đâu? Trong thời gian “đảo chánh - chỉnh lý”, quân giải phóng đã đẩy mạnh cao trào phá kềm kẹp địch, bóc dỡ hàng hoạt ấp chiến lược. Phải chăng “ở  trên” đã rõ ý đồ thâm độc của địch, hay ta chỉ nhằm đối phó theo yêu cầu bức xúc của quần chúng nông thôn trong các nhà tù trá hình, theo tình thế? Dù thế nào cũng phải làm sáng tỏ vấn đề mình chịu trách nhiệm “đã bỏ quên”. 

Và đúng như ông dự đoán, Thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ xí phần “quản lý chương trình bình định”. Nguyễn Văn Thiệu nhanh chân hình thành “Hội đồng bình định và phát triển”. Trong Phủ Tổng thống, Trịnh Hoài Châu được chọn làm chuyên viên phụ trách soạn thảo “Kế hoạch bình định cấp tốc”. 

Sau Mậu Thân, ông Trịnh Hoài Châu tìm cách chuyển tài liệu tuyệt mật “Kế hoạch bình định của chính quyền Sài Gòn” về chiến khu. Rất tiếc, người nữ giao liên bị bắt, đã khai ra ông. Nguyễn Cao Kỳ trước đó rất tin tưởng Trịnh Hoài Châu đã gầm lên: “Tên cộng sản ấy sẽ bị đưa ra pháp trường cát, không cần xét xử”. 

Với “tội trạng” ấy, khi sa vào tay kẻ thù, Trịnh Hoài Châu đã phải trải qua những trận đòn tra tấn khốc liệt. Từ chiến khu, trong cơ quan dân y, bà Đỗ Thị Nga bàng hoàng khi nghe tin người yêu bị chính quyền Sài Gòn đưa ra “pháp trường cát” thủ tiêu. Nhưng bà kiên quyết không tin là ông đã chết, dù từ ngày chia tay, bà với ông đã trải qua 12 năm dài đằng đẵng chưa được gặp nhau, cũng không biết tin nhau. 

Bà kể: “Khi nghe Nguyễn Cao Kỳ tuyên bố như vậy, trên báo chí, tôi vẫn không tin. Tôi không muốn tin anh Châu đã chết. Tôi cho đó là tin đồn. Thời thiếu nữ, tôi có nhiều người đeo đuổi. Tôi được khuyên cuộc đời còn dài ở phía trước, tôi còn rất trẻ, không thể sống với một niềm hy vọng mơ hồ. Người ta nói anh Châu đã chết, nhưng tôi không tin. Tôi nói với người ta: “Chỉ khi nào tận mắt nhìn thấy anh ấy chết, tôi mới tin. Trong tận đáy lòng, tôi không muốn tin anh chết!”.

Sau Hiệp định Paris, ông Trịnh Hoài Châu được trao trả. Ông được đưa về chiến khu ở Củ Chi. Thấy ông chưa lấy vợ, nhiều đồng đội mai mối. Ông kể: “Đó là những phụ nữ đẹp, tài giỏi. Tôi rất trân trọng nhưng trong sâu thẳm, tôi nghĩ Nga vẫn còn sống, đang rất gần tôi. Vì lẽ đó, tôi vẫn không đi đến hôn nhân với ai, dù thật lòng lúc đó, tôi cũng rất khao khát có được một mái ấm gia đình…”.

Bất ngờ, họ gặp nhau ở chiến khu. Cả hai không tin vào mắt mình, cả hai đều còn sống… Đó là giây phút không bao giờ quên trong cuộc đời ông Trịnh Hoài Châu và bà Đỗ Thị Nga. Hai 12 năm họ đã chờ đợi nhau, vượt qua nhà tù, cái chết, tình yêu của hai người không một lời hứa hẹn mà bền chặt theo tháng năm, cả những ngày khó khăn thời bao cấp. Ông là người chồng thầm lặng, tạo điều kiện cho vợ học y khoa, trở thành bác sĩ giỏi. Trong ngôi nhà nhỏ xinh của ông bà, tôi có cảm giác hơi ấm hạnh phúc của hai người lan tỏa trong từng cen-ti-mét. 

Bà Đỗ Thị Nga hiện nay là Phó chủ tịch Quỹ Bảo trợ bệnh nhân nghèo. Ông bà có hai người con gái đã tốt nghiệp thạc sĩ, thành đạt. Dẫu di chứng những vết thương trong tù vẫn thường xuyên thức dậy, hành hạ làm ông Trịnh Hoài Châu đau đớn, dẫu đời hoạt động tình báo chấp nhận bao hy sinh, thầm lặng nhưng ông sống thanh thản, bình dị, như những chiếc lá xanh. Hạnh phúc của đôi vợ chồng cựu tình báo đẹp như chính tình yêu bền chặt của họ…

Trầm Hương
.
.