Chuyện một chuyến tàu

Thứ Ba, 04/09/2018, 08:25
Thiên hạ lại đang xôn xao chuyện bản quyền Asiad, chuyện phải xem sóng lậu, chuyện vì sao Đài truyền hình Việt Nam không mua bản quyền… Trước đó, thiên hạ lạm bàn chuyện đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông.


Ngô tôi già rồi, lẩn thẩn cổ hủ đã thành nếp, lúc nào không đi sau thiên hạ. Nên mạn phép nhắc về chuyến tàu Cát Linh - Hà Đông vậy.

1. Cát Linh - Hà Đông chậm tiến độ, Cát Linh - Hà Đông đội vốn, Cát Linh - Hà Đông vay nợ và trả cả gốc lẫn lãi mỗi năm mấy trăm tỷ, Cát Linh - Hà Đông vận tốc nhanh hơn xe buýt nhanh, Cát Linh - Hà Đông đạt 35km/h… 

Có rất nhiều thứ về đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông để đọc trên báo hàng ngày, thậm chí là những thông tin kiểu như tiếng Trung viết trước tiếng Việt. Rất ít có những thông tin tích cực, đa phần là những thông tin gây ức chế cảm xúc cho người tiếp nhận. 13km đường sắt trên cao, thật sự đã lấy quá nhiều thời gian cũng như năng lượng của nhân dân.

Khởi công từ tháng 10-2011, dự kiến hoàn thành vào tháng 6-2015. Nhưng rồi, dự án Cát Linh - Hà Đông cứ lùi mãi, lùi mãi cho đến ngày dự kiến tàu chạy mới là tháng 12-2018. Một dự án kéo dài đến 3 năm 6 tháng.

Kéo dài tiến độ thi công tất nhiên là phải đội vốn, Cát Linh - Hà Đông ban đầu có số vốn đầu tư hơn 552 triệu USD, thì nay đã thành 891,92 triệu USD, đội vốn gần 340 triệu USD. Đội vốn gần 2/3 tổng đầu tư ban đầu, tính ra mỗi km đường sắt trên cao này thi công hết hơn 68 triệu USD, tính ra tiền Việt là khoảng 1 nghìn 600 tỷ - một con số kinh hoàng.

Minh họa: Lê Phương.

Tất nhiên là để một đô thị phát triển, hạ tầng chính là nền tảng quan trọng nhất. Một thành phố không thể nào vươn vai về kinh tế xã hội lẫn chính trị nếu như cứ tắc đường, cứ khói bụi, cứ ngập lụt. Thế nên, thực hiện một quyết tâm để xem đó là điểm sáng trong cải tạo hạ tầng là rất đáng hoan nghênh, và đường sắt trên cao là một giải pháp khả dĩ trong bối cảnh này.

Ngô có người bạn đi đây đó nhiều, bảo với Ngô rằng bây giờ thế giới đang cải tạo lòng đất chứ không làm đường sắt trên cao nữa. Nếu chúng ta chưa đủ tiền để khai phá lòng đất thành cơ sở hạ tầng thì có thể tích lũy nhằm chờ thêm chứ không nên đổ tiền vào đường sắt trên cao.

Thật ra, câu chuyện cải tạo lòng đất thành hạ tầng, người Singapore đã làm rất lâu rồi. Mười mấy năm trước, Ngô đã mắt chữ U miệng chữ O khi chứng kiến sự sầm uất dưới lòng đất của họ. Nhưng, mỗi quốc gia có một khó khăn và thuận lợi riêng, chứ có ai lại không muốn đất nước mình phát triển thịnh vượng bao giờ.

Viết đến đây, Ngô tôi lại nhớ đến phản ứng của Đinh thượng thư khi ông còn đương nhiệm tư lệnh ngành Bộ Giao thông Vận tải. 

Thời điểm ấy, Đinh thượng thư có phê bình rất nặng nhà thầu Trung Quốc, "Tất cả các dự án giao thông tại Việt Nam mà Tổng Công ty Cầu đường Trung Quốc đã và đang thi công đều bị chậm tiến độ, vì vậy không thể chủ quan được. Lúc đầu họ làm rất nhanh, nhưng sau đó họ đưa ra nhiều lí do gây chậm tiến độ...". 

Đinh thượng thư còn nói thẳng, không chỉ có nhà thầu Trung Quốc, mà ngay cả nhà thầu Hàn Quốc cũng thực hiện những dự án bộc lộ yếu kém.

Trở lại với những chậm chạp của dự án đường sắt trên cao, nói như ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường thì đây là dự án đầu tiên nên "Việt Nam chưa có kinh nghiệm".

2. Cho dù có yêu, có ghét, có oán, có hận, có bức xúc, có phẫn nộ, có tâm tư, có phê bình, có phản biện, có phân tích, có dự báo, có khen thưởng, có kỷ luật… đại khái là cái gì cũng có đi chăng nữa thì cũng không thể phủ nhận một thực tế, chúng ta không có kinh nghiệm làm đường sắt trên cao. 

Rộng ra, chúng ta không có kinh nghiệm thực hiện một loại hình vận tải công cộng kiểu mới. Đương nhiên là mới với chúng ta thôi chứ thế giới thì họ làm những năm 60 của thế kỷ trước rồi thì phải.

Kinh nghiệm được mua bằng tiền là thứ kinh nghiệm rẻ nhất trên đời. Thực tế đã chứng minh, có những kinh nghiệm được mua bằng rất nhiều thứ đắt đỏ khác. Lắm khi kinh nghiệm chỉ là một quãng hồi ức tươi đẹp chứ không thể nào mà rút ra được.

Kiểu như thanh niên trai tráng hào hoa phong nhã lắm cô theo, đùng phát lấy vợ. Lấy vợ cái đi thưa về trình, mặc đồ là phẳng phiu cũng bị truy vấn, mặc đồ diện chút cũng bị hỏi han, ra đường trót xịt thêm ít nước hoa cũng bị nghi ngờ. 

Xưa thanh niên lấy đêm làm ngày lấy ngày làm chiêm bao sao cũng được, nay có vợ, về nhà trễ chút là phải nghĩ ra lý do, còn về trễ hơn nữa thì sinh mệnh hệt trứng treo đầu đẳng, gian nan không sao kể xiết. Mặc dù đã có kinh nghiệm vậy, nhưng vừa dứt cô này xong là vội vàng tính tập hai ngay.

Ngô có người anh em tốt, ly dị vợ đầu tắp lự tính chuyện mặc áo vest chụp ảnh cưới với cô khác. Bữa hỏi ý kiến Ngô, làm vậy có kỳ không. 

Ngô tình thiệt trả lời, kỳ thì không kỳ, dẫu rằng chỉ có thông minh ngang siêu nhân mới tự nguyện đi từ phân trại này sang phân trại khác trong lúc không làm gì vi phạm pháp luật. Người anh em tốt giận Ngô luôn, đi đâu cũng kể Ngô trông mặt hiền lành vậy mà không có tử tế. 

Không chỉ ảnh giận, mà cô vợ hai của ảnh còn giận Ngô hơn bao giờ hết. Thây kệ, anh em quý nhau thì nói thật thôi, mà có sự thật nào không mất lòng, mà có thuốc nào sắc bằng thang lại không đắng ngắt.

Ngô đùa chút cho vui thôi, đọc báo thấy có người này xin rút kinh nghiệm, người kia xin rút kinh nghiệm, có người chưa kịp xin rút kinh nghiệm thì thoắt ẩn thoắt hiện tay xách nách mang nền xi măng quần áo kẻ sọc kiêu hùng bước vào phòng mà nhẫn nại ngồi chăn kiến rồi. 

Đáng tiếc là số chưa kịp rút kinh nghiệm ít quá, nên số nằng nặc xin rút kinh nghiệm vẫn nhiều hơn, áp đảo toàn diện, toàn bộ, toàn cục.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cách đây đúng hai năm từng nhấn mạnh tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Khóa XIV) rằng, "Chúng ta thường có tình trạng làm xong rồi lại rút kinh nghiệm, nhưng sợi dây kinh nghiệm gì mà dài từ năm này tháng nọ, rút hoài không hết". 

Sợi dây kinh nghiệm rút hoài không hết là bởi chúng ta chưa có hình thức xử phạt tương thích. Nhiều lúc thấy kinh nghiệm cứ rút chơi khơi khơi kiểu rút ruột ngân sách vậy.

Trở lại đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, đồng ý là chúng ta chưa có kinh nghiệm mà lại gặp phải một dự án hoành tráng quy mô kiểu này thì vừa lúng túng vừa bị động là chuyện dễ hiểu. Tuy nhiên, nói gì thì nói chứ làm sao có cái kinh nghiệm mà rút hoài không hết thế này.

Mấy trăm triệu đô tiền vay nợ, vay nợ bao gồm cả lãi mà cả nợ và lãi là do ngân sách chi trả. Đó là chưa kể đến mấy chục tháng ròng rã nhân dân Thủ đô hy sinh đủ thứ để cho đường sắt trên cao thành hình. Mấy mươi tháng này quy ra tiền thì chắc là vô giá rồi, bởi nếu tiền mà mua được thời gian có lẽ mấy tỷ phú thế giới đã trường sinh bất tử.

Ngân sách trả nợ vay nước ngoài, đồng nghĩa với sự phân bổ ngân sách phải có điều chỉnh. Thay vì nếu thực hiện giám sát tốt, yêu cầu nhà thầu đảm bảo tiến độ nếu không sẽ bị chế tài… thì có lẽ mức đội vốn dự án Cát Linh - Hà Đông đã không lớn như vậy. 

Giáo dục, y tế, an sinh xã hội… đều phải bóp mồm bóp miệng vì chuyện đội vốn này của dự án Cát Linh - Hà Đông. Dĩ nhiên, không chỉ dự án Cát Linh - Hà Đông có đội vốn, quá nhiều công trình đầu tư công của nước mình đội vốn. 

Mà khi đội vốn như vậy, cha chung không ai khóc, cũng không ai kịp nhận ra rằng một công trình đội vốn nghĩa là một tương lai, một lĩnh vực khác bị ảnh hưởng.

Đại khái lấy ví dụ, như dự tính xây cái nhà hết một tỷ rồi sẽ mua sắm trang thiết bị máy lạnh, máy giặt, giường tủ hết hơn trăm triệu. Nay nhà đội vốn lên hai tỷ thì đừng nói không có máy lạnh máy giặt giường tủ, mà ngay cả tiền xây cũng không đủ, phải vác mặt đi vay. 

Vay xong è lưng ra trả nợ, nội chuyện loay hoay kiếm tiền trả nợ không đã đuối lắm rồi, lấy đâu ra tâm trí tính chuyện này chuyện khác.

3. Thế nên, nhất định phải có cuộc họp rút kinh nghiệm sau khi hoàn tất dự án Cát Linh - Hà Đông, phải làm rõ sự minh bạch vì sao đội vốn cao như vậy, vì sao chậm tiến độ lâu như vậy. 

Trách nhiệm của chủ đầu tư đến đâu, trách nhiệm của nhà thầu đến đâu? Mấy trăm triệu USD là đội vốn thiệt hay có khuất tất gì ở đây? Ai có công ai có lỗi trong việc đội vốn kéo dài dự án phải nhất định làm rõ.

Cuối cùng, phải tính làm sao để các dự án tương tự không được đội vốn nữa, không được chậm tiến độ nữa. Vấp đá tảng một lần thì có hai cách, hoặc tránh đi đường đó hoặc dẹp tảng đá sang một bên.

Chứ giờ lúa đã gặt về, gạo đã nấu thành cơm, trách cứ nhau được gì. Cốt yếu là đừng để vấp đá thêm lần nữa vậy.

Chứ nếu đơn thuần là rút kinh nghiệm chung chung thì có khi dự án sau lại xin rút kinh nghiệm tiếp.

Ngô Nguyệt Hữu
.
.