Mẹ hôm nay mới thanh thản dường này

Thứ Tư, 06/12/2017, 07:43
Một giấc ngủ ngon. Một giấc ngủ sâu. Một giấc ngủ không còn vướng bận, lo toan gì nữa. Mọi việc đã xong. Mẹ thanh thản về trời. 

Sáng nay, thả bộ trên con đường Triệu Nữ Vương (Đà Nẵng), đi về nhà. “Về nhà? Tôi lại về quê/ Quê nhà muôn thuở là quê của nhà/ Bỗng nghe tiếng khóc oa oa/ Tôi lọt lòng mẹ bước ra cõi người”.

Tự dưng lại nhớ đến câu văn của Thanh Tịnh: “Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học”.

Một câu văn giản dị, quay trở về trí nhớ nhưng lần này, đem lại một cảm giác khác hẳn. Cũng về nhà nhưng hụt hẫng. Bùi ngùi. Nhìn xuống hai bàn tay, có cảm giác như ngọn gió yêu thương của ngày tháng xa xăm ấy đang thoáng qua. Vậy, cớ sao ngậm ngùi? Vậy, cớ sao lạc lõng? Vậy, cớ sao rưng rưng? Tưởng chừng như có tiếng nói dịu dàng nào đó vừa loáng thoáng đâu đây…

Ở Sài Gòn bình thường mọi ngày, chiếc điện thoại bao giờ cũng đem vào tận phòng ngủ. Nhưng rồi, đêm trước mẹ mất, y lại cố tình không đem theo. Không phải quên. Chủ động để lại phòng làm việc. Đêm ấy, chuyện gì đã xảy ra? Từ lúc 5 giờ sáng đã có nhiều cuộc điện thoại của cô em dâu út, gọi từ Đà Nẵng. Y hoàn toàn không hay biết. Vẫn ngủ say. Vẫn bình thản ngủ ngon như mọi ngày.

Suốt ruột quá, ông y mới qua tận nhà gọi cửa. Vẫn không nghe. Vẫn ngủ ngon. Thế là anh y bèn lấy chìa khóa mở cửa. Lúc ấy, ngay ô cửa để thò tay vào ổ khóa bên trong, có một con bướm bà đã đậu tự bao giờ rồi. Tại sao khoảnh khoắc thiêng liêng của lúc mẹ mất, y lại không hay biết gì cả?

Có phải vì chỉ luôn nghĩ rằng: “Hình bóng cũ vẫn còn nguyên vẹn mới/ Con vẫn thấy ngoài trời xanh nắng tới/ Tiếng chim reo trong trẻo của mỗi ngày/ Vẫn có mẹ ra vào/ Vẫn bếp lửa, vẫn cửa nhà, vẫn mỗi ngày đi chợ/ Vẫn từng ngày con gọi mẹ/ Tiếng gọi âm vang đã máu thịt hình hài?”. Phải chăng sự linh cảm ấy đã hữu hình thành cánh bướm đậu ngay ô cửa mở khóa vào nhà?

Thế thì, tại sao trước đó y lại không hay biết?

Rồi, sáng ngày cuối cùng tiễn mẹ vào nghĩa trang Hòa Sơn, lúc dừng lại làm lễ Tế đầu trung, anh em y thắp nén nhang. Khói nghi ngút bay. Nghi lễ chính thức bắt đầu. Lúc ấy, đột nhiên, lại thấy một con chuồn chuồn bay là đà ngay trước mắt, buột miệng kêu lên: “Mẹ đã về”. Cánh chuồn chuồn bay theo nhang khói ấy như chào lấy mọi người lúc mãi mãi đi xa. Chào một lần cuối cùng. Chập chờn bay. Lưu luyến. Rồi mất hút.

Từ cõi nào mẹ đã về? Từ cõi nào cái bóng của mình đã về? Mẹ đi đâu mà về? Chẳng đi đâu cả. Chẳng người mẹ nào đi xa cả, vẫn ở nhà đón đợi con đang mải mê rong chơi trên đường xa vạn dặm. Thức từng đêm ngóng. Đợi từng ngày chờ.

Ngóng đợi con quay trở về chỉ vì bà mẹ nào cũng nghĩ, dù thế nào, con của mình vẫn trẻ người non dạ: “Trên đường đi, ta đã gặp hoa tươi/ Gặp tiếng cười, gặp niềm vui hạnh phúc/ Là lúc ấy mỗi ngày mẹ bạc tóc/ Âu lo nhìn theo mỗi bước ta đi/ Ta lớn lên xa vòng tay của mẹ nhu mì/ Ta xa những ngày mẹ một mình tựa cửa/ Ta đâu biết trong từng hơi mẹ thở/ Vẫn trái tim độ lượng gọi ta về/ Vẫn ân cần giọng nói/ Gọi tên ta ngay cả lúc ngủ mê/ Vẫn từng đêm chờ đợi/ đợi ta về...”. Lúc ta về, mẹ đã đi. Mẹ đi đến cõi nào?

Lúc bất ngờ nhìn thấy cánh chuồn chuồn, y lại nhớ đến những gì đã suy ngẫm: “Hỡi ôi! Con người ta khi sinh ra đời, dù đi khắp bốn phương trời, giang hồ khắp cõi thì bao giờ trong lòng cũng ấp ủ một nỗi niềm là được gửi nhúm xương tàn ở quê nhà, nơi từng chôn nhau cắt rốn. 

Mà mấy ai được như thế? “Quê nhà xa lắc xa lơ đó/ Ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay” (Nguyễn Bính). Quê nhà? Nơi nào có mẹ cha ta, nơi ấy chính là quê nhà. Đứa trẻ sinh ở Việt Nam, sống lớn lên ở Mỹ cùng cha mẹ, hẳn sẽ nghĩ nơi ấy là quê nhà của mình.

Tình cảm ấy, tâm lý ấy đã phá vỡ cấu trúc về địa lý trong tâm thức con người. Ba y nằm lại Đà Nẵng, và bây giờ là mẹ, với y là quê nhà. Nghĩ cũng lạ, khi bước vào khu nghĩa trang là lúc ấy, y tin rằng, ai cũng nghĩ đến sự Hư không của đời mình. Có có không không. Như bỡn như đùa. Và sẽ nghĩ đến phận mình sao ngắn ngủi, nhỏ nhoi và chật hẹp đến thế. Chỉ vài ba thước đất là xong. Xong một kiếp người”.

Tại sao ngày đưa mẹ về với ba, về nơi chốn “chỉ vài ba thước đất”, y lại thấy cánh chuồn chuồn lẻ loi ấy?

Rồi, đêm đầu tiên trong chập chờn mộng mị của một giấc ngủ vĩnh viễn từ nay, không còn có mẹ, lúc nửa khuya đã nghe rõ mồn một bên tai, nghe rất rõ, từng câu, từng tiếng nói của mẹ: “Đừng nói cho thằng Q biết là mẹ đã mất”.

Nghe rất rõ. Mất chứ không phải chết. Nghe rất rõ âm sắc thổ ngữ của tiếng nói bà mẹ dân dã, quê mùa đất Quảng. Nghe như mọi ngày quanh quẩn chân mẹ đã từng nghe. Vẫn giọng nói ấy. Vẫn gương mặt ấy. Giật mình tỉnh giấc. Đêm vẫn tối đen. Căn phòng im lặng. Không một ai khác, ngoài chính y đang trơ trọi, cô độc. Do y không ngủ nhà, vì vậy, mẹ đã không nhìn thấy nên mới dặn dò cả nhà câu nói ấy chăng? Đó là câu nói cuối cùng của người mẹ, y đã nghe lúc nửa đêm về sáng.

Câu nói ấy có ý nghĩa gì?

Tiếng nói ấy, vọng về từ tiềm thức? Từ một cõi tâm linh nào? Nghe từ nơi xa lạ, chứ không phải từ căn nhà mà y đã miêu tả trong bài thơ tặng Tẹo - em trai út: “Ngôi nhà của tuổi ấu thơ/ Tôi về sung sướng lật tờ giấy thơm/ Thấy từ ký ức rạ rơm/ Những ngày đi học rập rờn nắng mưa/ Vòng tay ngoan ngoãn dạ thưa/ Vẫn còn ba mẹ đón đưa ân cần”.

Căn nhà ấy, trong những ngày tiễn mẹ, anh em ruột thịt từ Úc, từ Sài Gòn đã về tề tựu đông đủ. Căn nhà ấy, từ nơi xa các anh, các bạn đồng nghiệp như Tổng biên tập NXB Trẻ Nguyễn Minh Nhựt, nhà báo Dương Thành Truyền, Nguyễn Xuân Minh, Lưu Đình Triều, Đào Tuấn Anh; đồng đội cựu chiến binh như Trần Đào Hiền Nhân, Võ Đình Chiến, nhà biên kịch Đoàn Tuấn… cũng đã về đến.

Căn nhà ấy, dù thay đổi mới, xây dựng lại nhưng lúc về, bao giờ, y cũng nhìn thấy trên nền nhà còn hằn vết dấu chân của thuở mới vừa chập chững. Bao giờ cũng nghe từ trong mỗi bức tường nhà vọng về tiếng nói của tình thân máu mủ.

Căn nhà ấy, lúc sinh thời ba mẹ y dặn dò muốn “tạm nghỉ” trước lúc đi vào Hư Vô, về với cõi Phật. Với tâm nguyện này của bậc sinh thành, trong đạo làm con ai lại không hiểu rằng, dù không thể mãi mãi ở lại vui vầy, sum họp cùng cháu con nhưng dù ở một cõi nào, dù Âm - Dương cách trở thì tình phụ tử, tình mẫu tử vẫn mãi mãi nguyên vẹn. Không bao giờ có sự chia cách. Về trách nhiệm cháu con, ai lại không cùng một lòng một dạ vâng theo?

Ảnh: Đình Nguyễn.

Thế nhưng ngay trong đêm đầu tiên mẹ nằm ở nghĩa trang, y không lại ngủ nhà. Do đã bốn đêm ngủ dưới chân bàn thờ Phật, phía sau là linh cữu của mẹ, y muốn tìm một nơi xa lạ. Chỉ nằm một mình. Suy ngẫm một mình. Suy ngẫm giây phút còn nhìn thấy mẹ chỉ còn lại trong khoảnh khắc từng ngày, từng giờ chờ tiễn đưa mẹ. 

Và đau đớn nhất là biết rõ, rất rõ thời điểm của giây phút cuối cùng sẽ đến: “Tiếng kinh cầu dịu dàng hương sen/ Hoa huệ trắng của một đêm về sáng/ Ngoài trời mưa từng giọt, mẹ ơi/ Đã từ đây không gặp lại trong đời/ Giọng nói, tiếng cười, dáng người của mẹ/ Con ước gì quay về thơ bé/ Vẫn có mẹ dỗ dành/ Trên đường đi cho hết cuộc hành trình/ Lúc vấp ngã - ai người an ủi/ Lúc niềm vui - ai người san sẻ/ Mẹ đã ra ngoài bể dâu/ Ngàn sau mây trắng về đâu?”.

Câu hỏi ấy đã vang lên trong tâm tưởng. Trong bài thơ cuối cùng y còn nhìn thấy sự hiện hữu của mẹ ở cõi trần.

Từ nay và vĩnh viễn không bao giờ có được cảm giác của ngày còn mẹ. Không bao giờ. Mẹ đã mất. Đã trở về Đất. Đã trở về Hư Vô. Đã dịu vợi xa cách ngàn trùng. “Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp”.

Câu nói ấy, sống cho đến đến khoảnh khắc cuối cùng của một kiếp đời, với y, chỉ còn trong ký ức. Mẹ đã mất. Bấy giờ, như một lẽ tự nhiên đột ngột nhớ đến câu thơ của Berton Brech. Đoàn Tuấn đã kịp nhắc lại để y đọc trước huyệt mẹ: “Ra khỏi cuộc đời trở về với Đất/ Hoa mọc lên cánh bướm vờn bay/ Phải nặng nhọc bao nhiêu ngày tháng/ Mẹ hôm nay mới thanh thản dường này”.

Trong cuộc đời đã nhiều lần đọc thơ, nhưng ngày hôm qua mới là ngày tiếng thốt ra đau đớn đến tận cùng. Tê dại từng sợi máu. Nức nở từng gân máu. Một dòng máu của chính y đã mất. Đã ngưng chảy. Đã hóa thành Cát bụi trong một cõi Vô cùng. Câu thơ âm vang ấy, đã theo mẹ xuống tận huyệt sâu. 

Ngồi dưới chân mộ phần của mẹ, y đã nhìn thấy từng bông hoa úa theo như mưa. Như nắng. Như hạt thóc. Như hạt gạo. Như lòng biết ơn của một sự cưu mang chín tháng mười ngày. Lúc ấy, lại nhìn thấy từng hạt cát trắng xóa của bãi biển Mỹ Khê, Non Nước, Thanh Bình, Sơn Trà… ùa xuống theo. Dần dần, phủ đầy một màu cát trắng.

Màu trắng như hạt muối, như gừng cay muối mặn của một tấm lòng hướng thiện đã vì con, đã lo cho con suốt hành trình của 90 năm. Và bây giờ, đã hài lòng, đã mãn nguyện mới nhẹ nhàng xuôi tay khép mắt. Một giấc ngủ ngon. Một giấc ngủ sâu. Một giấc ngủ không còn vướng bận, lo toan gì nữa. Mọi việc đã xong. Mẹ thanh thản về trời. Nơi lưu dấu mẹ nằm nhẹ nhàng, siêu thoát tượng hình ơn nghĩa Quê hương đã chôn nhau cắt rốn. Đã tượng hình tiếng khóc oa oa từ ngày y lọt lòng mẹ.

Bây giờ, bất hạnh thay, lần này cắn răng lại vào môi. Cắn nữa đi, cố ghìm lại những giọt nước mắt bật ra như một lẽ tự nhiên. Đừng khóc. Đừng khóc. “Mẹ ơi”, tự dặn lòng đừng khóc. Đã lớn rồi. “Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học”.

Bài học khó khăn nhất của đời người vẫn là tiếp tục sống trong đường đi vạn nẻo, từ nay, không còn có mẹ. Rồi ai cũng học được. Nhưng có lẽ một bài học gian nan nhất vẫn là phải biết quên. Quên đi nỗi nhớ đã tượng hình sâu thẳm từ trong ký ức. 

Sự dai dẳng ấy, mới là nỗi đau khốc liệt và bền bỉ song hành cùng năm tháng. Mà cũng phải biết quên. Sự thương nhớ của chính mình sẽ khiến người đi mãi ngập ngừng, chần chừ, lưu luyến mãi, khó rời xa cõi tạm, khó có thể nhẹ nhàng về nơi vô cùng. 

Bài học ấy, bao giờ y mới có thể học xong? Lúc này, chỉ gọi thầm “Mẹ ơi” lại ứa nước mắt. Đó là lúc con người ta đã vĩnh viễn mất mẹ. Không bao giờ, không bao giờ còn được nhìn thấy cái bóng của chính mình một lần nào nữa. Dù chỉ một lần. Không bao giờ.

Bài học không ứa nước mắt lúc gọi thầm “Mẹ ơi”, dù khó, rất khó nhưng phải học cho bằng được. Hãy cứng rắn lên. Hãy đứng lên. Đi đi. Đừng có khóc.

(17-10-2017)

Lê Minh Quốc
.
.