Ngọn đồi hoa bay

Thứ Năm, 21/04/2022, 15:52

Tôi vốn thích ăn rau xào. Không chỉ là bữa cơm mới cần có đĩa rau xào mà nhiều khi buồn miệng, ngồi lai rai một mình một hai ly bia sau một ngày làm việc cũng chỉ cần một đĩa rau xào là đủ. Nhẩn nha, đơn giản nhưng đủ vị.

Vả lại, rau giàu vitamine và đa dạng, mỗi loại rau đều có cái ngon riêng. Rau xào, chỉ cần với tỏi cũng đủ, chẳng cần phải thêm thắt gì. Nó mộc mạc và thanh đạm. Nó gần gũi và dễ chế biến. Mà có khi cũng chẳng phải mình tôi, đa số khách đi nhậu kiểu gì cũng gọi một món xào, là rau.

Chiều nay, gia đình bạn từ Đà Lạt mới về, gửi sang cho ít rau xanh. Thói quen rồi, kể từ khi nhà anh mua được miếng đất nhỏ chân đèo, dựng một cái nhà vườn ở đó. Gia đình anh ở TP Hồ Chí Minh nhưng bên đằng vợ thì lại sống ở Đà Lạt.

12278735_538417732977922_7179536845027111275_n.jpg -0

Ông nhạc có tay chăm cây nên vào tay ông, cái nhà vườn kia thành ra hiệu quả. Dăm bữa nửa tháng, hoặc gia đình anh lên chơi, hoặc ông ngoại sắp nhỏ gửi xe đò nhanh xuống, nhà tôi lại luôn có quà là rau củ. Lần này có thêm một thứ rất lạ, mà anh có nhắn tin kèm, “gửi chú ít rau Bồ Công Anh”.

Vợ tôi nhìn mớ rau, rồi nhìn tôi, hỏi “Cái này làm gì ngon anh nhỉ?”. Trần đời tôi đã bao giờ ăn rau Bồ Công Anh đâu mà biết. Nhưng tôi cứ phán đại “Em xào tỏi thử xem nào”. Nói là làm, chỉ một loáng sau, tôi đã có đĩa Bồ Công Anh xào nghi ngút khói. Mở lon bia, ngồi ngay balcony hóng gió ăn thử. Chao ôi là ngon.

Rau Bồ Công Anh nó có cái nhân nhẩn đắng, hao hao kiểu đắng của rau cải, nhưng nó không có cái hăng, cái cay như cải. Cái đắng ấy cũng dìu dịu, có vị ngọt hậu sau. Ăn miếng Bồ Công Anh xào, tôi hình dung ra ngay cái này nấu canh kiểu gì cũng ngon lắm. Lạ thật, một cái thứ ngon như vậy mà bây giờ mình mới biết. Đúng là xung quanh ta có nhiều thứ mà nếu không nhờ kinh nghiệm của người khác, ta sẽ không biết là nó ngon như đặc sản. Chẳng hạn như trái sake. Cái thứ trái nhìn vô dụng như quả mít non bị hỏng ấy hoá ra ngâm nước muối chiên lên ngon còn chán vạn hơn khoai tây chiên. Bồ Công Anh này cũng vậy. Cứ nghĩ nó chỉ là một thứ hoa dại ven đồi, ấy vậy mà lại là một thứ rau bén mồi kinh khủng. Kiểu này chắc phải o-đờ (order) ông anh mình gửi Bồ Công Anh đều đều.

hodandelion-garlic1.jpg -0

Sực nhớ, trong một bài hát mới sáng tác, anh tôi có gửi gắm tình cảm vào loài hoa này. Bài ấy anh lấy tên “Ngọn đồi hoa bay”, và đưa cho Mỹ Tâm trình diễn. Anh kể “con gái anh nó thích hoa Bồ Công Anh lắm. Nó mê mẩn luôn. Mỗi lần về Đà Lạt chơi, nó cứ thổi cái hoa ấy bay mãi không chán. Về Sài Gòn, vẽ hoa nó cũng vẽ hoa Bồ Công Anh. Thế nên anh viết bài này là lấy cảm hứng chính từ nó”. Nhớ tới là kiếm lại ngay. Tính tôi hay sốt sồn sột lên như vậy. Với tay, lấy cái loa bluetooth nho nhỏ, mở youtube kiếm tìm, và rồi giai điệu vang lên.

Ngày quen nhau, em thường mơ

Mơ về nơi, xa thật xa

Có những ngọn đồi, hoa bay, sương giăng

Chốn yên bình, chỉ có ta thôi

Rồi yêu nhau, em và anh

Vẫn còn mơ, mơ về nơi

Xa lánh cõi người, yêu nhau, bên nhau

Ngắm những chiều mây trôi…

Chìm trong cảm xúc của giai điệu ấy, tự dưng tôi hỏi chính mình “Đã bao lâu rồi mình không đi đâu xa? Đã để đâu rồi giấc mơ rong ruổi trên những chặng đường?”. Lòng bỗng thấy chùng lại. Chợt nghĩ về một ngày từng rất buồn, tôi đã viết vài dòng nhiều trăn trở. “Tuổi này rồi, tự dưng lại mơ được mọi người quên mình đi, rồi mình lên xe, đi đâu cũng được, mệt thì nằm trên một tảng đá nào đó, đầu gối lên tay, nhìn lên bầu trời, không có sao cũng bận lòng gì nào. Nếu mình trẻ lại. Chỉ mười, hai mươi năm thôi, mình sẽ sống khác. Mình không khởi đầu, không bao giờ mình phải đi tìm kết cục. Mình đã khởi đầu rồi, mình phải tìm kết cục. Đời không như chuyến xe ước vọng, đã đi là không cần kết cục nào. Nếu tôi ở đó, ngày đó, bạn có ở đó, ngày đó???”.

la-bo-cong-anh.jpg -0

Đó là những dòng tôi dành cho tôi, và tôi hỏi một người. Ngập ngừng và mập mờ, tôi sợ sẽ phải khởi đầu một cái gì đó, vì khi đã khởi đầu, có nghĩa là chuỗi mới sẽ bắt đầu mà chắc chắn, sẽ đến ngày kết cục. Mà mình vốn không thể đổ lỗi cho ai một khi mình đã quyết định. Kết cục thế nào, ai dám chắc, nên ta lo sợ vô ngần. Chỉ có những chuyến đi tự tại và thảnh thơi, đúng như ước mơ tuổi trẻ là sẽ không cần kết cục dù chuyến đi nào cũng có đích đến của nó. Bởi cái đi ấy không chỉ là đi trên một hành trình, mà là đi trong đời sống của mình, thưởng ngoạn đời sống của mình, như Sal trong “Trên đường” của Jack Kerouac vậy. Và chính tôi cũng từng tự hứa với mình, sẽ lên đường rong ruổi. Thậm chí còn mua cả một chiếc motor phân khối lớn cho dự định ấy. Thế mà bao năm vẫn không thành.

Đổ lỗi cho cái gì thì rất dễ. Vòng xoay cuộc đời, với công việc, gia đình, con cái khiến mình sợ không dám bứt ra khỏi cái sinh hoạt lối mòn mỗi ngày. Mình sợ dứt ra một đôi tuần, người bạn đời sẽ phải gánh trách nhiệm thay cả phần mình trong những ngày đó, nên mình ngại ngại ở vào tư thế của kẻ vô trách nhiệm. Nếu đi công tác lại là một nhẽ. Đằng này, lại là đi chơi.

Nhưng nhìn sang những bạn bè tôi, ở tuổi tôi, cũng vợ con đuề huề, sao họ vẫn có thể đi được nhỉ? Như Trần Trung Lĩnh, họa sĩ. Nó vẫn rong ruổi trên chiếc Vespa với nhóm psychostram13 của mình. Đi lên các buôn làng vùng sâu vùng xa, tặng sách vở, áo ấm cho trẻ con. Thiện nguyện, nhưng cũng là cuộc chơi thôi. Sao nó làm được? Không thể nói vợ nó cảm thông nhiều hơn vợ mình. Chỉ có thể nói nó dũng cảm hơn mình, dám bứt ra khỏi cái ám ảnh thường nhật mà đi. Và tôi thì vẫn mơ, mơ một chuyến đi từ Nam ra Bắc, lên tận rẻo cao, đặt chân tới những vùng miền mà tôi chưa đến. Và chiếc xe tôi trang bị vẫn nằm đó. Con ngựa sắt già 900 phân khối chỉ ngày hai cữ chở trẻ con đi học, về nhà.

Cái ước mơ trên đường ấy nó khác gì một cánh Bồ Công Anh đâu. Cứ bay đi, bay đi không cần đích đến. Cái cảm thức của một-lơ-lửng-vô-định trong không trung là cảm thức phiêu lưu đầy trai trẻ. Trai trẻ của tôi đâu rồi? Không thể đổ lỗi tuổi mình đã già mà chỉ có thể đổ lỗi cho tâm hồn mình dường như đã cỗi đi thì đúng hơn.

Trên đường, có bao nhiêu cách để người ta kiếm tìm một hành trình. Giàu có thì rủ nhau đi siêu xe thành từng đoàn caravan như những thiếu gia lừng lẫy. Hoặc đi phượt theo từng đội với những chiếc xe phân khối lớn gần bạc tỷ một chiếc. Trung trung thì chạy những chiếc xe tốt hơn, kha khá tiền.

Nghèo nghèo thì tính toán căn cơ lại, đi xe nào cũng được, phân khối không quan trọng. Thậm chí, đã có những đàn anh tôi, U60 rồi, vẫn tổ chức cả đoàn đạp xe đạp đi từ TP. Hồ Chí  Minh lên tận Đà Lạt. Phương tiện và giá trị tài chính của mỗi con người không quyết định được tinh thần chuyến đi.

Cái ý niệm Bồ Công Anh trẻ trung mới là tinh thần lớn lao nhất của những hành trình ấy. Sal của Jack Kerouac cũng đâu có tiền. Che Guevara bắt đầu chuyến đi thay đổi cả cuộc đời mình cũng đâu có tiền. Thứ họ có là trái tim, một trái tim tôi từng có mà hình như tôi đã bỏ quên đâu đó, một góc nào đó, bụi phủ mờ.

Tự nhiên, thấy rau Bồ Công Anh trở nên đắng hơn vô cùng. Tôi không dám ngoái lại nhìn phía sau lưng mình, nơi những đứa con đang ngồi chơi bên cạnh mẹ nó. Tôi sợ mình phải đối diện nỗi ái ngại chính mình đeo mang mà không dám nói ra rằng “Em, mai lo cho con một tháng nhé, anh đi”. Tôi không đủ dũng khí. Tôi không còn dám liều lĩnh vượt thoát chính mình.

Tôi đã để mất chính tôi, như 16 năm trước, khi nửa đêm, đang ngồi uống bia trong quán bar, tôi nhủ với người anh đồng nghiệp là phóng viên ảnh Quang Minh của Thông tấn xã rằng “Em nhớ cô gái ấy quá. Mà cô ấy đang ở Mũi Né. Mốt cô ấy về là bay đi Anh du học luôn rồi” để rồi lập tức hai anh em leo lên xe chở nhau xuyên đêm về Mũi Né để gặp người con gái ấy chỉ một chốc thôi rồi trở lại thành phố làm việc như những ngày bình thường khác. Tôi để tuột tay tuổi trẻ mất rồi, tuột tay mà không hề ráng níu nó lại để thực hiện lời hứa những cung đường.

Nếu bạn còn có thể, hãy là Bồ Công Anh. Ngày mai, nếu tôi có thể, nhất định tôi phải là Bồ Công Anh.

Hà Quang Minh
.
.