Nên hiểu văn học chống tiêu cực như thế nào?

Thứ Năm, 01/06/2023, 08:37

Lâu nay, thỉnh thoảng trong các diễn ngôn hội nghị, hội thảo… này khác, vẫn thường nghe các lời kêu gọi văn học (nghệ thuật nói chung) góp phần chống tiêu cực, cái xấu, cái ác… nhằm làm lành mạnh hóa xã hội, hướng tới một xã hội nhân văn hơn, tốt đẹp hơn. Thoạt nghe cách nói này thấy có vẻ suôn sẻ, không có vấn đề gì. Nhưng nếu dừng lại suy nghĩ kỹ, thì ra vấn đề không đơn giản.

Cái từ “tiêu cực” và đi kèm với nó là “chống tiêu cực” tuy chẳng ai định nghĩa về nó, nhưng nó thường được dùng trong các diễn ngôn chính trị, diễn ngôn báo chí - truyền thông. Hễ nói đến tiêu cực là nói đến những hành vi xấu của con người có tác động đi ngược hoặc cản trở xu thế tiến bộ của xã hội và con người nói chung, gắn liền với tinh thần phản nhân văn, nhân tính.

Đã đành là vậy, nhưng trong tinh thần diễn ngôn cụ thể, gắn liền với thời tiết chính trị - xã hội - văn hóa, thì “tiêu cực” được hiểu là các vụ việc cụ thể vừa mới/đang diễn ra trong cuộc sống thường ngày. Thí dụ như hàng loạt các vụ việc tiêu cực trong thời gian gần đây làm chấn động dư luận xã hội, được coi là các đại án như vụ chuyến bay giải cứu người Việt Nam tại nước ngoài, vụ kit test Việt Á, vụ đưa và nhận hối lộ tại hàng loạt trung tâm đăng kiểm xe cơ giới…

a2.png -0
a1.jpg -0
“Chạy án”, phim truyền hình dài tập về đề tài chống tham nhũng được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Như Phong.

Ngoài ra, có thể kể đến rất nhiều chuyện trong đời sống như: bạo lực học đường, gây rối trật tự công cộng, tha hóa đạo lý, phá hủy môi trường; các vụ trọng án xảy ra trong gia đình ngoài xã hội… Phải nói rằng đứng trước các hiện tượng tiêu cực tràn lan như vừa nhắc sơ sơ như trên, báo chí đã thực hiện khá tốt chức năng chống tiêu cực, phanh phui tệ nạn, tội ác, thúc đẩy các cơ quan chức năng vào cuộc để chấn chỉnh, xử lý kịp thời.

Nhưng trước thực tế này, văn học đứng ở đâu và làm gì? Tôi cho rằng rất cần bình tĩnh để bàn về câu chuyện này. Trong tư cách là một công dân, các nhà văn cũng thường hay lên tiếng phản ứng trực tiếp về các vụ việc tiêu cực trên các trang mạng xã hội, trên các diễn đàn của các đài báo. Những tiếng nói đó, nếu có trách nhiệm và sâu sắc cũng có tác động rất tốt đến dư luận xã hội, góp phần cảnh tỉnh dư luận, tạo nên sự đồng thuận tác động tới chính sách quản lý xã hội.

Khi các nhà văn thực hiện tư cách công dân trực tiếp như vậy, thì chức năng xã hội của họ hầu như giống với công việc của các nhà báo. Nhà báo luôn được coi là tai, mắt của nhân dân, lương tri của xã hội. Xét theo nghĩa chống tiêu cực trực tiếp, thức tỉnh xã hội thì vai trò và công lao của các nhà báo là rất lớn.

Nhưng các nhà văn còn một tư cách nữa, tư cách nghệ sĩ. Danh phận và phẩm cách nghệ sĩ mới là điều kiện xác định sự tồn tại của mỗi nhà văn trong cuộc đời. Thế nên, cái tinh thần chống tiêu cực mà ta đang bàn đến, ở mỗi nhà văn tuy rất cần thiết nhưng phải được chuyển hóa: biến bức xúc xã hội thành bức xúc nghệ thuật. Mỗi nhà văn phải có được năng lực này. Cái bức xúc xã hội là kết quả của năng lực nhận thức. Thế nhưng, nếu anh bê nguyên xi cái bức xúc xã hội vào tác phẩm, khi đó tác phẩm chỉ còn là bài báo, không hơn. Và như thế, văn học đã rời bỏ thiên chức nghệ thuật của mình mà lại đi làm thay công việc của báo chí. Vả lại, anh không chuyên tâm làm báo chí, báo chí không phải là nghề chính của anh, nên anh tiến hành chống tiêu cực, bày tỏ cái bức xúc xã hội trực tiếp trên trang viết sẽ khó hiệu quả bằng các nhà báo chuyên nghiệp.

Cho nên, thử thách đối với mỗi văn nghệ sĩ chính là cái tài chuyển hóa, biến bức xúc xã hội thành bức xúc nghệ thuật; biến năng lực phân tích xã hội, thái độ xã hội thành năng lực nghệ thuật, tức là tài năng kiến tạo hình tượng nghệ thuật. Báo chí nói về vụ việc tiêu cực bằng ý kiến trực tiếp. Văn học cũng nói về chúng nhưng theo cách gián tiếp, bằng hình tượng nghệ thuật do nhà văn sáng tạo nên. Báo chí quan tâm hiện thực thứ nhất, hiện thực trực tiếp. Văn học kiến tạo nên một “hiện thực” thứ hai, hiện thực nghệ thuật, do sáng tạo và tưởng tượng mà thành.

Tuy nhiên, nếu trên thực tế có sự phân biệt dứt khoát, rõ ràng như vậy thì mọi việc lại quá đơn giản. Như chúng ta biết, trong thực tiễn sáng tạo, có những thể loại có tính nước đôi, “nhập nhằng” giữa văn học và báo chí, đó là thể ký hoặc văn học tư liệu chẳng hạn – những thể loại mà lâu nay được gọi là non-fiction (văn học phi hư cấu), bên cạnh fiction (văn học hư cấu). Văn học phi hư cấu cũng mang tính chất thông tấn, phản ánh trực diện các hiện trạng, vụ việc, vấn đề của đời sống vừa theo cách ghi chép, miêu tả, kể chuyện, vừa bộc lộ cái tôi cảm xúc, chính kiến, cá tính của người cầm bút. Khả năng cá tính hóa, đem lại cho tác phẩm một cái nhìn cái cảm riêng, ngôn ngữ và giọng điệu riêng của các tác phẩm, đó chính là điều kiện sống còn làm nên phẩm chất văn chương của văn học phi hư cấu. 

Thực tế cho thấy là, sự đan trộn giữa tính báo chí và tính văn chương trong tác phẩm văn học phi hư cấu là hết sức tinh tế, linh hoạt, không dễ định lượng. Mỗi tác phẩm, ở mỗi tác giả khác nhau, chỉ có thể nói là chúng nghiêng về phẩm tính văn chương hay báo chí nhiều hoặc ít mà thôi; và cho dù nhiều hay ít thì cuối cùng chúng vẫn là tác phẩm văn học phi hư cấu.

Như vậy, dễ nhận thấy ngay là văn học phi hư cấu sẽ có khả năng áp sát thực tại xã hội và đời sống hơn; theo đó khả năng chống tiêu cực sẽ trở nên dễ thấy hơn, dễ ứng dụng và hiệu quả hơn văn học hư cấu. Các tác phẩm phi hư cấu như một loạt phóng sự, ký sự thời đầu Đổi mới (1986) đã làm chấn động dư luận, tác động mạnh mẽ vào tiến trình đổi mới của đất nước. Có thể kể đến những tác giả/tác phẩm như: “Cái đêm hôm ấy... đêm gì?” (Phùng Gia Lộc), “Vua lốp” (Trần Huy Quang), “Thủ tục làm người còn sống” (Minh Chuyên), “Làng giáo có gì vui” (Hoàng Minh Tường), “Đêm trắng” (Hoàng Hữu Các)… Đó là một thứ văn học phi hư cấu dõng dạc lên tiếng điều trần xã hội, đồng hành với công cuộc Đổi mới, khai thông bế tắc, thúc đẩy tiến bộ.

Còn các tác phẩm hư cấu thì sao? Như đã nói ở trên, điều cốt tử các nhà văn của dòng văn học hư cấu là phải nói bằng hình tượng nghệ thuật. Nó không biểu tỏ thái độ, quan niệm về thực tại theo kiểu lên tiếng trực tiếp. Nó có thể cũng bắt đầu đi từ một vụ việc nào đó, nhưng qua đó, vượt lên trên tính cụ thể, trực tiếp để có tham vọng đặt ra các vấn đề rộng hơn, sâu xa và phổ quát hơn. Bảo là “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố chống tiêu cực, chống cái ác thì quá đúng; nhưng người đọc nhận ra điều đó bằng tất cả hoạt động đọc đầy cảm xúc của mình qua từng trang viết, từng hình ảnh, hành động, lời nói, ý nghĩ, tâm trạng… của các nhân vật, đặc biệt là nhân vật chị Dậu.

a3.jpg -0
Tiểu thuyết “Một ví dụ xoàng” của nhà văn Nguyễn Bình Phương.

Nhà văn Nguyễn Bình Phương ở tiểu thuyết mới đây (Một ví dụ xoàng) cũng không chống tiêu cực xã hội một cách trực tiếp, mà ông muốn đẩy ý nghĩa câu chuyện ở tầm xa hơn: Tại sao cái ác được sinh ra và lại có đất hoành hành mạnh mẽ và công khai đến vậy? Nhà văn đã có tham vọng cắt nghĩa nguyên nhân của cái ác nằm ở thiết chế xã hội và trong căn tính người của chính con người…

Có thể lấy rất nhiều ví dụ về văn/thơ mang tinh thần nhập thế, dấn thân, “chống tiêu cực” một cách xuất sắc như vậy. Điều tôi muốn nói rằng, trong tư cách là một nhà văn, rất nên phân biệt rõ đâu là sức mạnh và giới hạn của văn học hư cấu và văn học phi hư cấu để có ý thức chủ động sáng tạo, mới hy vọng tạo nên các tác phẩm có giá trị.

Nhớ lại những năm tháng cận kề Đổi mới, nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn nổi tiếng với một số tiểu thuyết mang tinh thần chống tiêu cực, kêu gọi đổi mới tư tưởng, đổi mới cách quản lý, cách làm ăn: “Đứng trước biển” (1982), “Cù lao Tràm” (1985)… Các tác phẩm đó đúng là mang tinh thần nhập cuộc mạnh mẽ, có giá trị thúc đẩy công cuộc đổi mới xã hội, có tính dự báo tốt. Tuy nhiên, xét về đường dài, chất lượng nghệ thuật của tác phẩm không thể nói là xuất sắc được, vẫn còn hơi hướng của ký (ghi chép), chưa đạt được tầm vóc khái quát sâu xa của nghệ thuật tiểu thuyết.

Nghệ sĩ - trí thức, nghĩa là cùng lúc thực hiện chức năng xã hội, dấn thân, phản biện đời sống và chức năng nghệ thuật, sáng tạo tác phẩm cho hay, hấp dẫn bạn đọc. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc thực hiện chức phận trí thức bằng nghệ thuật và đạt tới chất lượng nghệ thuật ở mức cao nhất có thể.

PGS. TS Văn Giá
.
.