Con là “đồ bỏ”

Thứ Sáu, 24/03/2023, 10:09

Cậu bé vừa thi trượt trường công trong kỳ thi vào lớp 10 và được bố mẹ “nhét” vào trường giáo dục thường xuyên để học nghề nói với tôi: “Con là đồ bỏ rồi!”. Và là đồ bỏ nên mọi thứ đối với cậu bé giờ là cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, cấm cãi, cấm ý kiến ý cò. Thi trượt thì đừng nói chuyện muốn mong.

Và tất nhiên, không chỉ Hà Nội, khắp mọi tỉnh thành, phụ huynh có con thi vào lớp 10 đều như đang ngồi trên đống lửa khi mà số chỉ tiêu trường công luôn ít hơn nhiều so với số học sinh thi vào 10. Nên câu chuyện là nếu không đỗ vào 10 công lập, đứa trẻ 15 tuổi kia, sẽ làm gì, học ở đâu, thậm chí, trở thành một đứa trẻ thế nào?

ảnh trang 28, vào học trường công lập là ước mơ của những người làm cha làm mẹ và các em học sinh.jpg -0
Vào học trường công lập là ước mơ của những người làm cha làm mẹ và các em học sinh

Có rất nhiều những lựa chọn khác nhau cho một đứa trẻ không đỗ trường công. Như vào các trường tư thục, dân lập với mức học phí đương nhiên cao hơn trường công. Hoặc chọn các trung tâm giáo dục thường xuyên, trường nghề. 15 tuổi, những đứa trẻ không được phép nghỉ học, vốn là vậy, trừ khi cha mẹ không đủ điều kiện hoặc không quan tâm đến con cái. Những đứa trẻ bước vào đời khi mới 15 tuổi đương nhiên là sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với những đứa trẻ sau 18 tuổi. Bởi những quy định về độ tuổi lao động là cản trở, những đứa trẻ dưới 18 tuổi luôn cần sự giám hộ cũng như những điều kiện. Nên hầu hết các bậc cha mẹ đều không muốn con nghỉ học đi làm. Tùy vào tình hình tài chính gia đình, họ đều muốn con đi học tiếp. Nhưng cũng từ đó, một ngã rẽ đã mở ra với những đứa trẻ ấy.

Cậu bé lớp 10 tôi vừa gặp trong cuộc trò chuyện với học sinh một trường giáo dục thường xuyên và dạy nghề ở Bắc Giang nói với tôi: “Con là đồ bỏ rồi”. Là thật thế vì cha mẹ cậu nói thế. Cậu là đồ bỏ vì cậu không đủ điểm vào lớp 10 trường công. Cậu là đồ bỏ nên cha mẹ “nhét” cậu vào trường giáo dục thường xuyên và dạy nghề để “đi học cho bớt lêu lổng”. Cậu chọn nghề kế toán không phải vì cậu thích nghề kế toán. Mà chỉ đơn giản nghề công nghệ thông tin không còn chỗ. Con trai ai lại đi học may, trang điểm. Nên chọn kế toán là trung tính nhất, không xấu hổ nhất. Cậu là đồ bỏ nên cậu không có quyền được đòi hỏi gì ở cha mẹ cũng như yêu cầu gì cả. Tương lai của cậu không phải là ra trường đi làm kế toán hay học liên thông lên cao đẳng tài chính hoặc xa hơn, có thể thi Đại học Tài chính như lộ trình nhà trường đưa ra. Vì cậu là đồ bỏ nên cha mẹ quyết định rồi, sẽ đi Hàn Quốc theo diện xuất khẩu lao động. Sang bên đó cố mà cày cuốc kiếm tiền về trả nợ khoản đầu tư ban đầu của cha mẹ. Tương lai của cậu giống như hàng trăm cô bé, cậu bé tôi đã phỏng vấn, trò chuyện khắp 11 ngôi trường ở Bắc Giang mà tôi đã đến nói chuyện về hướng nghiệp trong thời đại 4.0. Dường như đó là lựa chọn của rất nhiều phụ huynh trong việc lập thân, lập nghiệp mai này của con cái mình. Không nhiều đứa trẻ nghĩ đến việc thi đại học khi cha mẹ chúng có cả tá những ví dụ, dẫn chứng từ chính con cái của những người đi trước. Xuất khẩu lao động sẽ mang về tiền bạc đủ để xây nhà, cưới vợ, cưới chồng. Mà làm việc ở Việt Nam thì mãn đời đừng mong.

Nhưng vấn đề vẫn không phải là việc thi vào 10 trường công ngày một khó hơn gấp chục lần thi đại học. Hơn 70 trường đại học đang xét tuyển học bạ và cả chục ngôi trường đại học khác “đói” sinh viên. Cũng không phải câu chuyện về xuất khẩu lao động. Mà là chuyện một đứa trẻ bị coi là đồ bỏ cũng vì trượt vào 10 trường công, tương lai chỉ là đi xuất khẩu lao động. Và cả sự đánh giá của xã hội với những đứa trẻ phải rẽ ngang năm nó 15 tuổi.

untitled-1.jpg -0
Làm người thợ có tay nghề cao còn có ích hơn làm người thầy dở

Nhiều phụ huynh, trong đó từng có cả chính tôi, cũng từng nói với con mình trước kỳ thi vào 10: Nếu con không cố gắng, con sẽ phải (bị) học trường nghề. Tôi từng nghĩ mình nói vậy là để con mình nỗ lực trong việc thi cử. Mà không hề biết rằng nó trở thành nỗi ám ảnh trong con. Cái cảm giác trượt vào 10 trường công sẽ bị (phải) học trường nghề như một hình phạt. Là sự trừng phạt mới đúng. Nhưng nó chỉ là cảm xúc, còn thực tế, những đứa trẻ phải (bị) học trường nghề thì thế nào?

Chúng ta đều biết và thấy sự công bằng giáo dục trong việc học sinh trường nghề vẫn có thể thi kỳ thi tốt nghiệp THPT chung với cả nước. Thậm chí các em còn có thể liên thông lên cao đẳng, đại học với nhiều trường, trung tâm và có thể có việc làm ngay sau khi ra trường. Nhưng chỉ khi trò chuyện với chính các giáo viên, hiệu trưởng các trường nghề, tôi mới ngỡ ngàng khi mà việc học sinh trường nghề sử dụng chung bộ sách với học sinh trường công. Vẫn là 7 môn bắt buộc cho dẫu ngành nghề các em đang học có khi không cần sử dụng đến những kiến thức đó. Nhiều hiệu trưởng, giáo viên các trường nghề nói với tôi về ước ao một bộ sách riêng cho giáo dục thường xuyên mang tính giảm tải cho các em. Như trong các chương trình giáo dục nghề nghiệp ở Phần Lan - quốc gia đứng hàng đầu về giáo dục nghề nghiệp theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) thì ở đó họ yêu cầu chương trình đào tạo phải giúp học sinh có khả năng học tập suốt đời, có năng lực giải quyết vấn đề, hợp tác, đạo đức nghề nghiệp, có sức khỏe, an toàn và khả năng làm việc mà không tách thành các môn học văn hóa một cách riêng biệt độc lập. Hay như một số chương trình dành cho các trường trung học kỹ thuật và trung học nghề ở Mỹ, chuẩn đầu ra đều gắn với mỗi nhóm nghề thay vì chung với các trường, mọi nhóm nghề. Các giáo viên, hiệu trưởng các trường giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam đều mong đợi một chương trình tích hợp gắn với nghề hoặc nhóm nghề vì thế.

Một điều nữa khiến cho việc giáo dục nghề nghiệp trong các trường nghề, trường giáo dục thường xuyên trở nên khó khăn hơn, đó là việc các em lựa chọn nghề đầu năm vào 10 đồng nghĩa với việc “đóng đinh” các em trong nghề đó cho đến hết lớp 12. Không có sự lựa chọn và thậm chí, nếu lớp học nghề đó hết chỗ, các em buộc phải chọn nghề khác. Nhiều em theo học trường nghề vì năng lực tiếp thu hạn chế, giờ phải học giống như trường công, nội dung thiên về lý thuyết nhiều hơn khiến các em rơi vào tâm lý chán nản và bỏ học. Điều đó dễ thấy khi mà chính các giáo viên, hiệu trưởng các trường giáo dục thường xuyên luôn nói với tôi về sự vất vả của họ khi dạy những đứa trẻ này. Chúng học đối phó và luôn có tâm lý ngỗ ngược, đối đầu với giáo viên hoặc chán nản, buông xuôi.

Chúng ta nói về công bằng giáo dục nhưng rõ ràng và dễ thấy sự phân cấp trong định giá mỗi đứa trẻ dựa trên ngôi trường mà chúng đang học. Nó có thể bắt nguồn từ chính sự nản lòng của các phụ huynh đặt sĩ diện bản thân lên trên cả lòng yêu thương con cái. Nhưng nó cũng có thể bắt nguồn từ chính những đứa trẻ khi chúng phải đối diện với thất bại đầu đời: Trượt lớp 10 trường công. Hay như cách các nhà chính sách, quản lý giáo dục thì vẫn “công bằng giáo dục” một cách máy móc bằng một chương trình học chung. Tâm lý học chỉ để lấy tấm bằng cũng khiến việc học nghề chỉ là đối phó thay vì đào tạo ra những tay nghề. Và hơn cả, hình ảnh trường giáo dục thường xuyên trong mắt chính lũ trẻ và cha mẹ chúng đều giống như một sự trừng phạt một đứa trẻ chỉ vì nó đã thi trượt. Câu nói của cậu bé lớp 10 ám ảnh tôi không nguôi là vì thế! Con là “đồ bỏ”...

Hoàng Anh Tú
.
.