Những câu chuyện trên facebook

Thứ Năm, 30/06/2016, 15:51
Có rất nhiều câu chuyện được chia sẻ (share) trên facebook hàng ngày, có rất nhiều câu chuyện được post trên facebook hằng ngày. Và không hiếm chuyện được post, được chia sẻ khiến người tiếp cận thông tin giật mình hoảng hốt.

1. Sẽ thật lẩm cẩm nếu lạm bàn về câu chuyện phải chơi Facebook như thế nào, phải post hay chia sẻ nội dung trên Facebook ra sao. Bởi những điều này đã có luật định, thêm nữa đám đông vẫn thường có thói quen Facebook là cá nhân và muốn viết gì thì viết, muốn post gì thì post.

Hôm qua, tôi có xem một clip trên Facebook, đoạn clip ấy ghi lại cảnh tra tấn. Xem hết clip thì có thể hiểu là mấy ông anh cưu mang một ông em. Ông em trong lúc cao độ của lòng tham, đã ăn cắp chiếc túi xách có vài trăm triệu cùng nhẫn, điện thoại của mấy ông anh.

Mấy ông bằng cách nào đó bắt được ông em, vậy là lôi về nhà đánh. Ông em bị bắt quỳ trên nền nhà, một ông anh đạp trước ngực, một ông anh đạp sau lưng. Một ông anh khác thì sử dụng điện thoại để quay clip và post Facebook. Ông anh quay clip thi thoảng còn chỉ đạo cho hai ông đang đánh phải ném tiền, ném điện thoại ra sàn cho thêm phần chân thực hình ảnh.

Cũng trong hôm qua, đoạn clip về một "hiệp sĩ đường phố" - danh xưng thời thượng, liên tục lên gối, đấm vào mặt, bụng của một thanh niên. Vừa đánh hẳn nhiên vừa chửi, chửi thì dĩ nhiên là văng tục. Kết thúc bằng câu: "Tao giao mày cho công an".

Cậu thanh niên bị "hiệp sĩ" đánh có vẻ là một tay lừa đảo, cậu bảnh tỏn nhìn rất thư sinh, đeo túi xách da. Đại ý cậu chat Zalo hay Facebook gì đó tán tỉnh một cô gái, cô gái này tin tưởng nên giao điện thoại cho cậu trong lần hẹn hò. Có được điện thoại, cậu chuồn mất. Cô gái này hận, lập nickname khác rồi cò cưa với cậu. Lần này, cô gái đóng vai thợ săn còn cậu trở thành con mồi bất đắc dĩ. Cuối cùng, cô có được cái hẹn với cậu.

Khi đến gặp mặt, cô nhờ anh "hiệp sĩ đường phố" theo cùng. Kết quả, cậu thanh niên bị "hiệp sĩ" túm tại trận. "Hiệp sĩ" đánh liên tiếp, đánh theo lối tra khảo, "Mày có lấy điện thoại không?". Cậu thanh niên chối, càng chối càng đánh. Đánh một hồi, cậu thanh niên thừa nhận có lấy điện thoại, thừa nhận xong lại bị đánh thêm lần nữa để truy ra, "Điện thoại bán ở đâu?".

Trước nữa, diễn đàn Otofun trên Facebook thường xuyên có những post ghi cảnh phá xe ô tô của người khác, khi những người này vô tình (hay hữu ý) đậu xe chắn trước cửa hàng, cổng nhà của một ai đó.

Vụ việc gần nhất được diễn đàn này phản ánh vào ngày 20-6, chiếc ô tô Ecosport đỗ chắn 2/3 cổng sắt, một người phụ nữ dùng bình xịt sơn màu xanh viết chữ ngoằn ngoèo lên thân xe. Trên nắp ca-pô là dòng chữ: "Đỗ gì ngu thế". Hình ảnh được người dân chụp lại trong khu dân cư ở Nguyễn Trãi (Hà Nội).

Đây chỉ là những câu chuyện vẫn thường xuất hiện trên mạng xã hội Facebook kiểu như đánh ghen, đánh kẻ trộm chó, học sinh đánh nhau… Xét về luật, thì đó đều là những hành vi bị xử lý.

Như câu chuyện đánh ghen vừa diễn ra tại Hà Nội, theo miêu tả thì: "Khoảng 14g20 ngày 15-6, tại đoạn đường Trần Phú, Hà Đông, khu vực phía trước siêu thị BigC Hà Đông, tình hình giao thông bị tắc nghẽn, nguyên nhân vì người dân hiếu kỳ đứng lại xem 4 người phụ nữ hung hăng tát, đánh, xé quần áo của 1 cô gái trẻ. Cô gái này yếu ớt chống đỡ, khóc và tìm cách giữ chặt phía trước để không cho chiếc áo đã bị rách phần lưng tuột mất". 

Sau khi vụ việc xảy ra, hai đối tượng trong vụ đánh ghen đã bị triệu tập để lấy lời khai.

Những câu chuyện trên Facebook mà tôi vừa kể đều nguy hại nhưng câu chuyện nào cũng mang tính tranh luận. Nghĩa là có người phản ứng, có người ủng hộ.

Chuyện mấy ông anh tra tấn ông em được hào hứng đón nhận bên cạnh một vài phản đối hiếm hoi. Người thì bảo đừng tốt với kẻ khác quá kẻo nó làm phản, người khác lại bảo loại ăn cháo đá bát như thế bị đánh là quá đúng rồi. Có người còn bảo phải đánh mạnh hơn.

Chuyện "hiệp sĩ" tra khảo cậu thanh niên có dấu hiệu lừa đảo, người bảo đánh là quá chính xác, phải đánh vào đầu cho cậu thanh niên tỉnh ra, đừng giao cho Cơ quan công an vì hướng xử lý sẽ chẳng đâu đến đâu.

Vụ đánh ghen trước cổng BigC Hà Đông (Ảnh cắt từ clip).

Chuyện xịt sơn lên xe ô tô Ecosport, người bảo hành xử như thế này là còn nhẹ, đáng lý phải đập vỡ kính, tặng một cục đá to lên nắp ca-pô. Họ còn bảo, ở Tây thì thể nào cũng bị đâm xịt bánh xe. Kèm theo những gợi ý xử lý theo hướng nặng hơn là những bình luận chửi bới bằng đủ thứ ngôn từ vỉa hè xó chợ.

Ngoài những câu chuyện này, Facebook còn chứng kiến cảnh những hot boy xăm trổ, những thánh chửi líu lo văng đủ thứ tục tĩu vào mặt người xem, rồi cảnh mài đao thách đấu, một tay cầm dao thọc tiết lợn, một tay cầm điện thoại quay để đưa ra lời tuyên bố, cảnh hai tay cầm thanh kiếm Nhật còn miệng thì "Tao cùng anh em tao sẽ chém chết mày".

2. Dưới đây là những điển hình về câu chuyện trên Facebook hóa thảm kịch của đời sống hiện thực.

Câu chuyện thứ nhất:

"Do mâu thuẫn giữa em gái và bạn gái trên mạng xã hội nên Trịnh Công Đạt (21 tuổi, ngụ Gò Vấp) hẹn Thiện ra ngoài nói chuyện để giải quyết mâu thuẫn. Sợ bị nhóm Đạt đánh nên Thiện gọi cho Nam "mini" nhờ kiếm thêm người để đối phó với nhóm của Đạt. Nam "mini" hỏi mượn mã tấu của Long. Long trả lời chỉ có hai con dao chặt dưa, Nam "mini" sai Thiện đến gặp Long để lấy hàng. Về phía mình, Long lấy thêm một con dao tự chế rồi cùng Nam "mini", Thiện, Minh và 4 đối tượng khác ra công viên làng hoa Gò Vấp để gặp nhóm Đạt.

Đến điểm hẹn không thấy nhóm Đạt, nhóm Nam "mini" thấy Võ Gia Phong đang đứng nói chuyện với một số người bạn ở đây nên chạy đến nhìn mặt xem có phải thuộc băng nhóm của Đạt không. Thấy Phong nhìn nhóm mình chằm chằm, nghĩ Phong nhìn đểu, một thanh niên trong băng của Nam "mini" chạy đến đánh Phong. Trong lúc đánh, cố tình làm rơi mã tấu để uy hiếp. 

Bực tức vì vô cớ bị đánh, Phong tìm bằng được nhóm bạn trong đó có Bùi Hoàng Thiện Phương,  Nguyễn Văn Phong (18 tuổi) và hai thanh niên khác kể lại sự tình. Vì quen biết với Đạt nên Phong gọi điện cho Đạt để thông báo tin tức, Đạt trả lời cũng đang đi tìm nhóm của Thiện và Nam "mini" để giải quyết mâu thuẫn. Nhóm của Phong "phối hợp" với nhóm của Đạt đi ra công viên làng hoa Gò Vấp tìm nhóm của Nam "mini". Tuy nhiên, đến nơi nhóm của Đạt không thấy nhóm Nam "mini" đâu nên cả nhóm lên xe lưu thông trên đường Phạm Văn Chiêu để về nhà. Trước lúc về đến nhà thì xe hết xăng, nhóm của Đạt và Phong ghé đổ xăng thì bất ngờ chạm mặt nhóm của Nam "mini". Vừa gặp, Nam "mini" nhào đến vung mã tấu chém ngay lập tức. Phương bị chém đứt lìa bàn tay và tử vong tại bệnh viện". (Tư liệu trích trong bài Bi kịch trống choai).

Câu chuyện thứ 2:

"Lê Thị Kim Yến và Nguyễn Thị Yến Nhi là bạn thân, chẳng biết thân đến đâu nhưng hai cô gái này viết Facebook ám chỉ nhau (hoặc có thể là họ tự nghĩ người này ám chỉ để nhục mạ người kia và ngược lại). Yến kể lại mâu thuẫn này cho Đỗ Tấn Khải nghe kèm theo thông báo, "Em hẹn con Nhi để ba mặt một lời rồi".

Chiều, Khải chở Đặng Ngọc Minh cùng Yến và nhóm bạn của Yến đến điểm hẹn trước đó với Nhi trên đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh. Đến nơi, nhóm của Yến đã thấy nhóm của Nhi đứng chờ sẵn. Khải với Minh dừng xe cách đó một đoạn, kiếm quán nước ngồi đợi, Yến và nhóm bạn đến chỗ Nhi nói chuyện.

Khi Yến đang nói chuyện thì bị một thành viên trong nhóm của Nhi xông vào đánh, sau đó 2 bên xông vào đánh nhau. Hết trận đánh nhau hiệp 1 vì có ai “phá bĩnh” hét lên "Có công an", Yến tìm đến quán nước kể toàn bộ câu chuyện cho Minh và Khải nghe. Nghe dứt câu, Minh sai Khải đi mua dao để chuẩn bị cho một cuộc quyết chiến mới.

Tối đó, dọ được tin nhóm của Nhi đang ở quán cà phê tại quận Phú Nhuận, nhóm của Yến sang tìm. Vừa chạm mặt là Yến và Nhi xông vào tẩn nhau. Minh khi ấy trên tay lăm lăm dao, một người bạn của Nhi là Tống Nhật Huy kêu Minh cất dao đi thì bất ngờ bị Minh đâm. Tống Nhật Huy tử vong tại chỗ".

Đấy là chuyện được báo giới phản ánh, còn những chuyện chỉ cộng đồng người sử dụng Facebook biết với nhau thì nhiều lắm. Thậm chí, chuyện mâu thuẫn Facebook cầm dao đến nhà để giải quyết mà kết quả là kẻ tử vong, người đi tù là chuyện không hiếm.

Chiếc ôtô EcoSport bị xịt sơn lên thân xe vì đỗ chắn cổng nhà của người dân. Ảnh: Otofun

3. Sự tương tác nhanh của Fcebook rất dễ khiến người ta lao vào cơn ngáo Facebook, lại rất dễ gây ức chế bởi những thông tin mà họ đang cho là nhắm vào họ, miệt thị họ. Quay clip đánh người, quay clip đánh ghen, quay clip đánh nhau cũng là một dạng ngáo Facebook. Cãi nhau, hẹn giải quyết ân oán trên Facebook cũng là một dạng ngáo Facebook.

Bởi ngáo Facebook nên họ luôn muốn hành động của họ được nhiều người biết đến, bất chấp hành động đó có phạm luật hay không.

Mà nhìn vào những tranh luận trên Facebook cũng hiểu là thái độ thượng tôn pháp luật và niềm tin vào các cơ quan chức năng đang ở nơi đâu? Tất nhiên, trên Facebook vẫn có nhiều thông tin hay, nhưng cũng tất nhiên, ranh giới giữa hành vi vi phạm pháp luật và hành vi được cho phép thực hiện vô cùng mong manh trên chốn ấy.

Hoàng Minh
.
.