Bức thư của một người con trong mùa Vu lan không mong đợi

Thứ Hai, 26/08/2019, 17:23
Tháng 7 mùa Vu lan. Khi nhà nhà, người người tưởng nhớ ông bà cha mẹ, báo hiếu với tổ tiên, thì con lại không mong mùa Vu lan đến.

Khi con viết những dòng chữ này thì mẹ đã ra đi được gần 10 năm rồi. Mẹ ra đi sau một cơn bạo bệnh kéo dài hơn một năm. Và chiều hôm ấy, khi buổi chiều cuối cùng con ngồi bên giường mẹ, con vẫn còn có mẹ thì mẹ đã chẳng thể biết được gì, cảm nhận được gì nữa rồi. 

Những hơi thở yếu dần, nhịp mạch chậm dần và mẹ ra đi vào buổi chiều tối ngày thứ 6 năm ấy. Một chiều cuối tuần tháng mười. Nắng cũng khô và trời chiều cũng buồn như mấy hôm nay.

Chắc mẹ vẫn luôn thương con cháu như lúc sống, nên mới chọn ra đi vào ngày ấy, Và con cái có 2 ngày nghỉ trọn vẹn mà không phải bất an vì công việc nhà nước.

Mẹ ra đi. Chúng con thẫn thờ mặc dù biết trước cái kết cục không thay đổi được từ ngày đầu tiên mẹ bệnh.  Còn nhớ sau ca phẫu thuật, đi tìm bác sĩ để hỏi thăm và khi biết được bệnh tình của mẹ, con đã biết thế nào là trái tim bị bóp nghẹt.  

Rồi cứ thế, mấy ngày sau, hai chị em đi khắp lang thang Hà Nội hỏi thầy, hỏi thuốc, tìm mọi cách để giữ mẹ. Ngày ấy, internet cũng đã phát triển. Con cứ nhớ tối tối, khi xong việc nhà con lại lang thang trên mạng, gặp bài báo nào, tài liệu nào nói về bệnh tình của mẹ là nhấp chuột vào xem. Tìm tòi và hy vọng.

Nhưng tất cả cũng chỉ được 1 năm sau, thì cái ngày không bao giờ con mong ấy vẫn diễn ra.

Khi mẹ nằm xuống rồi, mấy bố con bắt đầu rối lên việc lo hậu sự cho mẹ. Là con út, được ở gần bố mẹ nhiều, con vẫn luôn nhớ mỗi lần nhà có việc gì dù to nhỏ là bố mẹ lại bàn nhau thật kỹ, bao giờ cũng thật thấu đáo và ý kiến của mẹ bao giờ cũng sáng suốt, luôn được bố tôn trọn bởi vì mẹ là con dâu trưởng trong nhà, dưới bố cũng không có anh chị em; ông nội cũng là trưởng, mẹ lại lấy bố là con một nên tất cả việc nhà dù to hay nhỏ mẹ luôn là người đứng ra lo liệu. Vì thế mẹ được bố, ông bà nội tin tưởng; các ông chú, bà cô của bố tin tưởng và quý mến, tin cậy.

Ảnh: L.G.

Là con út, gần mẹ nhiều, được ngủ với mẹ nhiều, nên cũng chứng kiến mọi việc mẹ làm, mọi công việc mẹ lo cho "nhà bố". 

Còn nhớ những năm khi còn thơ bé, bố thì đi công tác xa, ở nhà chỉ có mẹ lo liệu mọi việc, chỉ có mẹ là lao động chính trong nhà nên mẹ phải lo toan mọi việc, cùng với đó là nuôi 5 chị em khôn lớn, học hành nên người trong điều kiện vô vàn khó khăn, thiếu thốn, chỉ với nghề làm nông nghiệp.

Ngày ấy khi còn làm việc theo hợp tác xã, ngoài việc một mình cứ phải cấy mảnh ruộng to, từ sáng đến trưa còng lưng mỏi gối mới được nửa thửa ruộng, trong khi đó nhà người ta đông, con gái đến tuổi lớn là nghỉ học ở nhà giúp bố mẹ việc làm nông, nên có 3, 4 người cấy, chỉ ào cái là xong mảnh ruộng.

Còn mẹ phải cấy một mình vì các con mẹ cho đi học hết. Ngoài ra mẹ còn phải lo việc nhờ người cày ruộng. Nhà không có đàn ông, nên đến vụ gieo cấy, không có người cày bừa, mẹ cứ phải đi nhờ vả. 

Có hôm mẹ nhờ được người cày thì lại không mượn được trâu, và ngược lại. Sự bất lực khiến nhiều lúc mẹ trào nước mắt. Có khi ở những khu đồng người ta đã cấy lúa lên xanh thì ruộng nhà mình mới cấy, mẹ hay gọi vui là đi cấy "vá đồng".

Chính vì khi có người thì không có trâu cày, mượn được trâu thì không có người nên nhiều lúc mẹ một mình cứ phải cầm cái cuốc đi san ruộng cho phẳng rồi tự cấy. 

Ruộng nhà người khác cày bừa bằng trâu, cày sâu, đất nhuyễn, mặt ruộng phẳng như mặt gương nên cấy nhanh, còn ruộng của mẹ, chỉ được san bằng cuốc, vừa cấy vừa lấy tay xoa thêm cho phẳng, ruộng thì chỗ lồi chỗ lõm nên dí được cây lúa xuống ruộng xong thì đau hết tay.

Ngoài những ruộng san phẳng bằng tay để cấy, nhà mình còn có những khu ruộng đồng sâu, đất bùn  phải lội đến bẹn. Đất xấu năng suất lúa cũng chẳng được bao nhiêu, nhưng vì kế sinh nhai nên mẹ vẫn không bỏ. Khu đồng ấy vừa sâu vừa xa, đất lại thụp. 

Mùa gặt đúng vào mùa mưa nên mẹ phải cho xếp lúa vào quang gánh tre thả trên nước để kéo. Kéo lên được đến bờ, mẹ  lại gánh bộ từ đồng về đến nhà. Nhiều khi về nhà gặp trời mưa, lúa ướt sẵn lại không phơi được nên nảy hết thành mầm.

Vậy mà cứ một mình mẹ, mẹ làm xong hết ruột lúa này đến ruộng lúa khác, các con chỉ phụ mẹ những buổi không phải đến trường.

Bố sau khi ra quân công tác trong ngành ngân hàng ở huyện. Nhưng sức khỏe không cho phép bố công tác. Bố bị nhiễm bệnh hen khi còn ở trong chiến trường. Vậy là hơn 40 tuổi, bố về mất sức. Hưởng lương cũng chỉ theo chế độ mất sức nên bố cũng chẳng giúp mẹ được bao nhiêu.

Bố không có nhà, mẹ lo rất nhiều việc và việc nào cũng đâu vào đấy. Từ đám tang ông bà nội, đám tang ông bà ngoại của bố rồi lo việc học hành, nuôi nấng các con nên người; tiếp đó là ông bà nội của con, bố mẹ chồng của mẹ, mà ông nội mới mất 2005, đến 2007 mới sang cát cho ông.

Con cũng được nghe nhiều câu chuyện mẹ kể, từ ngày mẹ còn đi thiếu nhi, được sinh hoạt hè với các ông các bà ngày xưa bằng tuổi mẹ  Khi kể những chuyện này mẹ luôn dùng từ "vui lắm"; rồi chuyện tình yêu của bố với mẹ, một chuyện tình mà mẹ luôn tự hào.

Bố và mẹ là cặp đôi đẹp nhất trong làng. Đó là lời khen của những người trong làng dành cho bố và mẹ. Ngày ấy, khi mẹ và bố còn ở tuổi 18, đôi mươi, hai bên gia đình đã để ý cho nhau, và cũng như vậy, bố mẹ cũng để ý đến nhau. Bởi đơn giản, bố là thanh niên đẹp giai nhất làng, còn mẹ cũng được khen là xinh gái nhất làng.

Nhà hai bên ở hai con ngõ gần như đối diện nhau, chỉ chếch nhau một chút ở ngay trước sân đình. Cùng xóm nên bố và mẹ sinh hoạt chung trong một đội thiếu nhi, cùng đi hát, đi múa, đi sinh hoạt đội cùng nhau.

Vậy là bố mẹ biết nhau từ ngày ấy. Lớn lên, gia đình hai bên cũng biết và vun vénå. Sau này mẹ luôn kể chuyện, lúc bố và mẹ chưa cưới nhau, nhưng trong một lần vì cả hai nhà đều có cùng một ngày giỗ thì hai nhà đã thịt chung một con lợn để cùng làm giỗ. Mẹ vẫn luôn tự hào về bố.

Ngoài trắng trẻo, thanh mảnh, đẹp giai, bố tôi còn là một người rất giỏi giang.

Ngày bé con vẫn nhớ, 5 anh chị em khi ấy cứ mở cái hộp nhựa của bố ra lục lọi đồ đạc, tìm tòi tư liệu và nhật ký của bố. Cứ đọc những dòng nhật ký của bố trong chiến trường là mấy anh chị em lại khóc. Những bài thơ bố chép trong Nhật ký cũng thuộc làu làu. 

Chả hiểu sao ngày ấy đọc bài thơ Núi đôi của nhà thơ Vũ Cao bố chép trong nhật ký ấy, con cứ liên hệ đến bố mẹ, vì thấy nhân vật anh - em trong bài giống với bố mẹ quá: "Bảy năm về trước em mười bảy/ Anh mới đôi mươi trẻ nhất làng/ Xuân Dục, Đoài Đông hai cánh lúa/ Bữa thì em tới bữa anh sang... Rồi: "Anh đi bộ đội sao trên mũ/ Mãi mãi là sao sáng dẫn đường/ Em vẫn là hoa trên đỉnh núi/ Bốn mùa thơm mãi cánh hoa thơm".

Cưới xong, bố tuy là con một nhưng trước yêu cầu đất nước đang đứng trước cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ, trước lệnh tổng động viên, bố vẫn xung phong tự nguyện lên đường đi chiến đấu, để lại mẹ ở lại một mình lo việc gia đình, gồm cả ông bà hai bên nội ngoại và những đứa con thơ. 

Cuộc sống vô vàn khó khăn, thiếu thốn. Một mình mẹ phải nuôi con nhỏ, rồi lo cả ma chay cho ông bà ngoại của bố. Một mình mẹ phải lo tứ bề nhưng mẹ vẫn luôn lạc quan, tiếng cười đã thành thương hiệu của mẹ vẫn giòn tan, vượt qua mọi vất vả. 

Con vẫn nhớ mẹ đi làm đồng, mặc cái áo gụ màu nâu sẫm, cổ cài khuy bấm, lưng áo ướt đẫm cả mồ hôi, nhưng mặt mẹ luôn đỏ au. Bỏ chiếc khăn trùm đầu ra, mẹ cầm cái nón quạt, ánh mắt ánh lên không một chút nào mệt nhọc.

***

 Sau này khi các con đã lớn, trưởng thành, được nhàn nhã một chút, mẹ vẫn bảo lúc con bé, được ôm con vào lòng là lúc thích nhất.

Giờ mẹ nằm đấy rồi, mẹ ra đi, bố không còn ai để bàn bạc.

Mẹ đã ra đi. Bố phải ở một mình và 5 đứa con mất mẹ. Dù đã lớn và có gia đình, nhưng chúng con vẫn như trẻ mồ côi.

Mẹ ra đi, bố là người sốc nhất.

Còn nhớ ngày đầu tiên mẹ bị bệnh, bố là người lúc nào cũng túc trực bên mẹ 24/24. Lấy lý do các con phải đi làm, đi học, bố không muốn cho ai trông nom mẹ, bố luôn nhận phần trách nhiệm trông mẹ khi mẹ điều trị và túc trực, xoa bóp cho mẹ những lúc mẹ đau. Bố luôn nói, mẹ đã hy sinh vì bố, vì gia đình bố quá nhiều nên bố muốn bù đắp cho mẹ.

Mẹ mất đi, bố chuyển sang hẳn bên phòng của mẹ.

 Con như mất đi một phần cuộc sống.

Trước giờ có chuyện gì con cũng nghĩ đến mẹ đầu tiên để kể chuyện, để chia sẻ. Tất nhiên chỉ muốn nói với mẹ niềm vui.

Giờ mất mẹ rồi, mọi niềm vui cũng trở nên không trọn vẹn.

Mùa Vu lan lại đến. Khi thấy  mọi người đăng những bức ảnh được quấn quýt bên mẹ, được thấy mẹ mạnh khỏe, hạnh phúc, con lại thấy cô đơn. Mẹ đã ở nơi xa lắm rồi, ước nguyện gần mẹ không thực hiện được nữa.

Giờ nhớ mẹ, thương bố, chỉ còn được ngắm tấm ảnh đen trắng chụp bố khoác vai mẹ, mẹ quàng chiếc khăn vuông chéo màu thâm đất hờ trên vai, tấm ảnh chụp ngày bố mẹ mới cưới ánh mắt rạng ngời hạnh phúc giờ được lồng trong khung kính vẫn treo ở đầu giường của bố.

Vu lan người ta cài bông hồng đỏ, con chỉ được cài một bông hồng trắng.

Vậy nên con mới nói, không mong mùa Vu lan đến. Nỗi nhớ mẹ, ơn mẹ, con luôn để trong tâm mình!

Ngô Chuyên
.
.