Sự thực dụng không hẳn là kẻ thù của nghệ thuật

Thứ Năm, 01/06/2023, 11:50

“Giương nắm đấm lên, hạ ngòi bút xuống”, “Hãy thử quay bộ phim từ một trang giấy trắng”, “Netflix và trả tiền tôi”,... đó là một vài dòng chữ xuất hiện trên bảng biển cuộc biểu tình lớn chưa từng có từ các nhà biên kịch của Hollywood trong những tuần vừa qua. Hóa ra, dù là những cây bút tại Hollywood, kinh đô phim ảnh trên toàn cầu, một nhà máy quy tụ những người viết hàng đầu, thì họ cũng không được trả công xứng đáng.

Chuyện ấy thực ra cũng chẳng có gì mới cả. Năm 1945, Raymond Chandler, cha đẻ của nhân vật thám tử lừng danh Philip Marlowe và cũng là một biên kịch hàng đầu của dòng phim noir (phim về hành động tội ác trong thế giới ngầm của Hollywood, đặc biệt nhấn mạnh những hành động có sự đan xen giữa các chuẩn mực đạo đức, những đam mê giới tính) tại Los Angeles thời kỳ đó, từng chua chát giãi bày về đời người viết ở xứ Hollywood diệu kỳ trong một tiểu luận của mình: “Nhà phê bình phim của một tờ tuần báo kém chói lòa về trí tuệ nọ, khi gần đây nhận định về một kịch bản phim, có nhấn mạnh rằng tác phẩm ấy cho thấy “một cây bút tầm thường được trả những 3.000 USD/ tuần có thể tẻ ngắt tới mức nào”. Tôi hy vọng rằng vị phê bình gia này không giật mình khi biết rằng 50% biên kịch ở Hollywood kiếm ít hơn 10.000 USD trong cả năm ngoái, và anh ta có thể đếm trên đầu ngón tay số lượng những người ổn định kiếm được khoản thu nhập xấp xỉ con số mà anh ta đã đề cập một cách khinh bỉ kia”. Tóm gọn lại lời của Chandler, ý ông là lương các biên kịch ở Hollywood vô cùng thấp.

Sự thực dụng không hẳn là kẻ thù của nghệ thuật -0
Cuộc biểu tình và đình công lớn đang diễn ra tại Hollywood làm nhiều dự án rơi vào tình thế khó khăn.

Cảnh sống tồi tàn của các nhà biên kịch thậm chí còn trở thành đối tượng chính những tác phẩm điện ảnh Hollywood vừa cà khịa, vừa xót xa. Ai mà quên được cảnh anh chàng Barton Fink đang gõ cành cạch trên máy đánh chữ thì bỗng quay ra và thấy đống giấy dán tường đã tróc ra và chảy nước. Bộ phim hài đen của anh em nhà Coen kể về một ngôi sao đang lên của Broadway đã lặn lội sang đầu bên kia của nước Mỹ để thử vận may tại một hãng phim lớn với lời hứa được trả 1.000 USD một tuần, để rồi khi anh ta tới được khách sạn nơi mình tá túc, anh ta sẽ nhận đó là một nơi mạt rệp, ẩm thấp, nóng nực, với rất nhiều muỗi, với những lớp giấy dán tường liên tục bong ra, những vết bẩn bị bôi vẽ khắp nơi, với một cái giường run bần bật khi anh ta đặt chiếc vali bé tẹo của mình xuống và với tiếng ồn ào của những người dân lao động khiến anh ta không tài nào tập trung làm việc. Đối lập với nơi anh sống là nơi ở người chủ lao động của anh, người chủ hãng phim, người sống trong một biệt thự xa hoa với vườn tiệc và hồ bơi riêng.

Thế nhưng, ít ra anh ta còn là biên kịch của Hollywood, và biên kịch của Hollywood dù bị trả thù lao thấp thì có lẽ vẫn hơn ối những cây bút khác trên khắp thế giới này, những người đang vật lộn kiếm từng đồng cho con chữ của mình. Tôi còn nhớ trong Barton Fink, khi một người ở phòng khách sạn kế bên hỏi Fink làm nghề gì và Fink trả lời anh là một người viết, vị hàng xóm kia lập tức bảo ngay, đó là “một cái nghề nhiêu khê”. Còn cụm từ nào xác đáng hơn để mô tả công việc viết lách, cái công việc mà nhuận bút cho cả một cuốn sách được bạn viết ra một vài năm có khi còn thấp hơn lương tháng của một sinh viên mới ra trường (lại còn thường xuyên bị trả trễ vài tháng đến một năm).

Có lẽ những người viết sẽ cảm thấy an ủi hơn một chút khi biết rằng ngay cả những tên tuổi bậc thầy cũng từng nếm cảnh nhận về đồng lương bèo bọt. Nếu Edgar Allan Poe chỉ kiếm được vỏn vẹn 9 USD (tính theo thời giá ngày nay là khoảng 350 USD) cho truyện thơ “Con quạ”, một tác phẩm mà sinh viên Anh ngữ ngày nay ai cũng thuộc làu, thì những người viết xoàng khác có thể trông đợi gì vào mảnh đất dữ dằn này? Là một trong những nhà văn đầu tiên của nước Mỹ quyết chí sống chỉ bằng nghề viết, Poe kiếm sống thế nào là thắc mắc của rất nhiều học giả và thậm chí có cả những nhà nghiên cứu đầy đam mê đã làm cả danh sách từng khoản mà vị văn hào này kiếm được trong những năm theo đuổi công việc viết chuyên nghiệp. Và sự thật là số tiền kiếm được từ thơ ca và truyện ngắn là không đủ ăn, buộc Poe thường xuyên phải nhận thêm hàng tá các công việc tay trái khác.

Sự thực dụng không hẳn là kẻ thù của nghệ thuật -0
“Barton Fink” là bộ phim hiếm hoi trong lịch sử cùng một lúc đoạt giải Cành Cọ Vàng, Đạo diễn xuất sắc và Nam diễn viên xuất sắc tại Liên hoan phim Cannes.

Người viết, nếu không được thừa kế một khoản kếch sù như Marcel Proust hay cày cuốc mọi “mặt trận” như Edgar Allan Poe thì sẽ rơi vào thảm cảnh đi xin tiền gia đình và bè bạn như Friedrich Nietzsche. Số lượng người làm giàu được từ viết lách quá ít ỏi so với những người phải cảm thán rằng: “Văn chương hạ giới rẻ như bèo/ Kiếm được đồng lãi thực rất khó/ Kiếm được thời ít tiêu thời nhiều/ Làm mãi quanh năm chẳng đủ tiêu”. (“Hầu Trời” – Tản Đà).

Mặc dù nói như Stephen King rằng “viết không phải vì để kiếm tiền” mà để “tỉnh thức, chữa lành,  vượt qua, hạnh phúc”, nhưng Stephen King đáng tiếc thay lại nằm trong danh sách những nhà văn được trả hậu hĩnh cho những gì mình viết, nên những điều ông nói về mối quan hệ giữa chữ nghĩa và tiền bạc không thực sự đáng tin lắm. Quan điểm coi viết lách không nên được coi như phương tiện kinh tế vì văn chương cao quý hơn thế thực ra chính là rào cản lớn nhất để những nhà văn đòi quyền lợi cho mình. Thế giới đặt kỳ vọng họ phải là những sinh vật vô nhiễm, không bị vấy bẩn bởi lòng tham hay đam mê kim tiền.

Ngụ ngôn đạo đức được đem ra rao giảng cho các nhà văn chính là câu chuyện về Choerilus, một thi sĩ thời Hy Lạp chuyên viết thơ vì tiền phục vụ cho Alexander Đại đế. Với mỗi tứ thơ hay, Choerilus sẽ được thưởng một đồng tiền vàng. Nhưng đổi lại, nếu nhỡ viết ra một áng thơ tồi, ông ta sẽ ăn một trận đòn. Cuối cùng, Choerilus dù đã kiếm được vô khối tiền từ Alexander Đại đế, cũng chịu kết cục bi thảm khi bị đánh chết vì một bài thơ không làm hài lòng bậc quân vương. Phải chăng như vậy là đáng đời cho một kẻ viết không vì tâm hồn thực sự nảy nở văn chương, mà vì động cơ vật chất tầm thường?

Bằng cách đặt người viết lên bàn thờ như những anh hùng liêm chính không màng đến tiền bạc, như dòng giống cuối cùng không bị hủy hoại bởi thói hám lợi và tính thực dụng, dần dần người ta hình thành nếp nghĩ cho rằng, được viết đã là diễm phúc của người viết, dù chẳng có phúc lợi nào đi kèm thì họ cũng vẫn viết mà thôi, đã vậy thì chỉ cần nuôi sống họ bằng một mức thù lao tối thiểu. Chính tình yêu với việc viết đã khiến người viết bị thế giới quanh họ lợi dụng không thương tiếc. Năm 2019, theo một nghiên cứu của Authors Guild, một tổ chức chuyên nghiệp dành cho những người viết sách, cho thấy viết lách không những không phải là một lựa chọn nghề nghiệp béo bở, mà thậm chí còn là một công việc không đủ sống. Hãy lấy ví dụ một đất nước có thu nhập bình quân vào khoảng hơn 30.000 bảng Anh như nước Anh, nhưng thu nhập trung bình một tác giả chuyên nghiệp, nếu chỉ viết, sẽ chỉ có vỏn vẹn 7.000 bảng.

Những người viết cũng không nhận được sự coi trọng dù ở khía cạnh tinh thần. Có một cảnh trong Barton Fink khi Fink lần đầu gặp ông chủ hãng phim mà anh sẽ viết thuê, ông ta tràng giang đại hải về việc ở doanh nghiệp của ông ta, các biên kịch chính là vua, và có lúc đúng là ông ta sẵn sàng quát nạt một nhân viên vì đã dám mở lời dạy dỗ Fink, thậm chí còn quỳ xuống hôn giày Fink để tỏ lòng xin lỗi, nhưng ngay khi Fink gửi cho ông ta tập kịch bản không đúng gu của mình, ông ta liền lật mặt nhanh hơn lật bánh tráng, đuổi Fink ra ngoài và cho biết có ối kẻ khác viết thay được cho anh ta. Sự thô lỗ và kẻ cả ấy của chủ hãng phim chẳng phải do các nhà làm phim tự bịa ra. Lật lại lịch sử, Irving Thalberg, một trong những nhà sản xuất có công gầy dựng nên huyền thoại Hollywood, từng phát biểu: “Tất cả những việc của một cây viết là gì? Là đặt từ này nối đuôi từ kia”. Họ coi người viết như một cái máy sắp chữ, bảo gì làm nấy, họ phải làm việc trong một căn phòng không điện thoại, không báo chí, bị cấm ăn bất cứ gì khác ngoài bánh kẹp cá ngừ và uống sữa, bị các ông chủ gọi là “những tên ngốc với chiếc máy đánh chữ”.

Nhưng những tên ngốc ấy giờ đây muốn buông máy. Họ hô hào: “Do the write thing” – chơi chữ hai từ “write” (viết) và right (đúng đắn) có cách phát âm gần giống, tạo nên một câu đa nghĩa: Hãy đi mà viết đi / Hãy làm những điều đúng đắn đi. Và họ chọn chính thời điểm mà ChatGPT rộ lên, khiến nhiều người nghi ngờ rằng liệu tương lai ta có cần những người viết, hay máy móc sẽ thay thế được họ. ChatGTP là một trong những cách mà các thế giới đem ra để đe dọa vị thế của người viết, rằng nếu họ không chịu chấp nhận mức lương chết đói thì họ sẽ bị thay thế ngay tức khắc. Vậy thì hãy loại bỏ họ đi, hãy thuê ChatGPT về và xem chúng có thể tạo ra được những kịch bản kiếm được bộn tiền cho chủ sản xuất như các biên kịch gia đã nai lưng ra làm. Bắt đầu từ Hollywood, đã đến lúc những người viết không muốn ngồi trên bàn thờ của đức hạnh, vờ như có thể sống tốt mà không cần tiền, sẵn sàng sáng tạo vì đam mê thuần tuý. 

Sự thực dụng và nghệ thuật - văn chương không đối lập. Nói cho cùng, trong tiếng Hy Lạp cổ, từ “smikrologia” vừa có nghĩa là tính toán chi li về tiền bạc, mà cũng có nghĩa là chăm chút cho ngôn ngữ câu từ.

Tiền bạc không phải kẻ thù của một trí tuệ vị nghệ thuật. Mà chính sự trả giá không xứng đáng mới là kẻ thù của nó. 

Hiền Trang
.
.