Khi đã quyết, đừng quay đầu nhìn lại!

Thứ Năm, 20/01/2022, 20:54

"Alea iacta est!". Đứng trước Quân đoàn 13 (Legio XIII) đang lục tục vượt dòng Rubicon, xuôi về thành La Mã ở phía Nam, Julius Ceasar lẩm bẩm. Đó là ngày 10-1 năm 49 trước Công nguyên (TCN).

Và Caesar - khi ấy mới chỉ là một trong Tam đầu chế - không còn lựa chọn nào khác. Hay nói đúng hơn, không để cho mình còn được sở hữu lựa chọn nào khác. Nhưng, chính là vì như thế, ông mới trở thành vị độc tài duy nhất của La Mã.

Tiến thoái lưỡng nan

"Alea iacta est!" nghĩa là "Con xúc xắc đã được ném!". Hoặc đơn giản hơn: "Đã quyết thì không hối hận". Câu nói này của Caesar được sử gia cổ đại Plutarch ghi lại. Tính xác thực của nó, chỉ mình Plutarch mới có thể xác nhận. Tuy vậy, quyết định và hành động của Caesar thì đã thực sự trở thành sự kiện lịch sử.

Phải nhấn mạnh rằng đây là một quyết định hoàn toàn không dễ dàng. Vào thời điểm đó, uy danh cũng như thực tài "điều binh khiển tướng" của Caesar không thể so sánh với địch thủ đang tìm mọi cách hất ông khỏi vũ đài quyền lực: Pompey.

Pompey, hay đúng hơn: Magnus Pompey (Pompey Vĩ đại) là ai? Là một danh tướng bách thắng của nền Cộng hòa La Mã, cũng là một chính trị gia đầy quyền lực, với nền tảng là cả quân đội, sự giàu có lẫn các mối quan hệ mật thiết trong giới tinh hoa thượng lưu La Mã.

the_triumph_of_pompey.jpg -0
Pompey trên đỉnh cao quyền lực.

"Xuất đầu lộ diện" năm 19 tuổi, Pompey thừa hưởng từ cha mình - Gnaeus Pompeius Strabo, một "chấp chính quan" (chức vụ cực cao) tàn nhẫn và xảo quyệt - cả gia sản khổng lồ lẫn lòng trung thành của các quân đoàn trực thuộc. Đến năm 83 TCN, Pompey "lập danh" khi mang 3 quân đoàn của mình phục vụ Sulla - một tướng quý tộc quân phiệt - trong cuộc nội chiến chống lại phe "bình dân" do Marius lãnh đạo. Sulla đặt bàn tay che chở lên sự nghiệp chính trị của Pompey, thông qua việc chấp thuận gả con gái mình cho vị tướng trẻ ấy.

Kể từ đó, Pompey bước vào giai đoạn "xuân phong đắc ý". Ông chứng tỏ rằng mình là người xuất sắc nhất trong số các tướng lĩnh dưới trướng Sulla, bằng hàng loạt chiến công quan trọng. Mà ở La Mã thời đó, như các tác giả cuốn “Văn minh Phương Tây” nhận xét: Bí quyết thành công trên chính trường là phải lập được thật nhiều chiến công trước đã.

Pompey có tiền, có quan hệ, có quân đội riêng thiện chiến. Quân đội ấy bình định Bắc Phi, để chủ nhân của mình nhận danh hiệu "Afrikanus" - "Người chinh phục châu Phi". Mà ở đây, "châu Phi" cũng gợi đến Carthage - thị quốc đối địch bên kia Địa Trung Hải từng bao lần khiến La Mã khốn đốn, nhất là thời danh tướng Hannibal mang voi chiến vượt biển, vượt dãy Alpes vào tập kích đất Ý.

Quân đội Pompey tái chiếm đảo Sicilia năm 82 TCN, từ tay phe Marius, bảo đảm cả nguồn cung lương thực lẫn an ninh cho La Mã. Quân đội ấy chiếm đóng và đô hộ xứ Numidia ở Bắc Phi. Năm 71 TCN, quân đội ấy và vị tướng ấy chinh phục toàn bộ xứ Hispania (bán đảo Iberia, gồm Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha hiện nay). Ngay sau đó, quân đội ấy và vị tướng ấy lập tức quay trở lại bán đảo Italia, truy kích tàn quân khởi nghĩa Spartacus, chia xẻ và thậm chí là cướp công Crassus - một tướng giàu có, người thực sự đã cầm chân, chống đỡ và đàn áp thành công cuộc khởi nghĩa long trời lở đất đó.

Nhờ đó, bất chấp những rào cản truyền thống, chưa đầy 40 tuổi, cũng chưa được bầu vào Viện Nguyên lão, Pompey đã ngồi trên ghế Chấp chính quan La Mã. Crassus phải chấp nhận làm phụ tá cho ông ta. Caesar được ông ta lựa chọn như phần chân vạc còn thiếu, để lập nên "Tam đầu chế" (khoảng năm 62 TCN). Tuy vậy, ai cũng hiểu, Pompey muốn độc chiếm quyền lực, và gần như đã độc chiếm được quyền lực trong thực tế.

Vậy mà, ngày mùa xuân năm 49 TCN ấy, Caesar phải lựa chọn: Chỉ bằng một Quân đoàn số 13 của mình, chống lại sức áp chế khủng khiếp từ Pompey.

Kiêu giả tất bại

Cơ hội duy nhất mà Caesar không muốn bỏ lỡ, cũng không thể bỏ lỡ, chỉ đơn giản là: Pompey đã trở nên quá kiêu ngạo.

Thời điểm ấy, Crassus đã chết khá lâu (năm 53 TCN). "Tam đầu chế" chỉ còn hai người, xem như đã cáo chung, và như một lẽ tất yếu, Julius Caesar trở thành "cái gai trong mắt" Pompey. Sự căm ghét này đã có nguồn gốc sâu xa từ trước, bởi cô của Caesar chính là vợ thủ lĩnh phe "bình dân" Marius. Tuy nhiên, một thời gian dài, vấn đề này tạm được quên đi, khi Caesar nhẫn nhịn "đứng dưới" Pompey.

Song, càng lúc, Caesar càng bộc lộ rõ hơn sự sắc sảo của mình, để trở thành đối thủ cạnh tranh quyền lực trực tiếp. Quân công tất yếu sẽ dẫn đến vị thế và sự thăng tiến trên chính trường La Mã, mà Caesar cũng không thiếu quân công. Ông bình định xứ Gaul (Pháp và Bỉ ngày nay), rồi vượt qua eo biển Manche sang tận đất Anh, thiết lập quyền thống trị của La Mã. Casear còn viết một tập ký luận chiến trường nhằm khuếch trương danh tiếng và công trạng của mình, đồng thời cũng thể hiện được rằng mình là một nhà cai trị tài năng, ở những vùng đất mà ông chiếm được.

Nhưng có lẽ, bất chấp tất cả những điều đó, từ Pompey đến Caesar chỉ có sự xem thường. Bằng ảnh hưởng của mình, Pompey thúc ép Viện Nguyên lão đòi hỏi Caesar những điều kiện ngặt nghèo: Nhiệm kỳ Tổng trấn xứ Gaul của Caesar đã kết thúc, và ông phải trở về. Song, muốn đặt chân trở lại La Mã, phải giải thể quân đội, và không được vượt qua sông Rubicon (con sông ở đồng bằng Bắc Ý, ngăn chia ranh giới tự nhiên giữa xứ Gaul và La Mã).

Nhưng vấn đề là, dường như Pompey tin rằng Caesar sẽ ngoan ngoãn "bó tay chịu trói, xếp giáp quy hàng", và vì thế, Pompey không những không có "phương án B" nào, mà còn giữ nguyên tình trạng "để ngỏ La Mã". Ở đây, vị tướng bách thắng năm xưa đã đánh giá không đúng về tham vọng cũng như thực lực của đối thủ. Ông cũng không định lượng được cả cách phản ứng của Viện Nguyên lão.

julius-caesa-1024x795.jpg -0
Caesar vượt sông Rubicon.

Từ cuối đời cả hai danh tướng nhìn lại, Viện Nguyên lão chẳng ưa cả Caesar lẫn Pompey. Tuy vậy, họ sẵn sàng thỏa hiệp với người này để ngăn cản tính chất độc tài của người kia. Nhờ thế, khi quân đoàn số 13 của Caesar về tới La Mã, không có nỗ lực kháng cự nào đáng kể xuất hiện. Giới quý tộc người trở cờ, người bỏ chạy theo Pompey đến bờ biển Adriatic, rồi vượt biển trốn sang Hy Lạp.

Thừa thắng, Caesar tiếp tục truy kích Pompey. Có nguồn sử liệu ghi lại rằng Caesar muốn khôi phục liên minh, nhưng Pompey từ chối. Điều này đáng tin hay không, có lẽ cũng chẳng quan trọng, bởi chỉ đến mùa hạ năm 48 TCN, mặt đối mặt, Caesar đã đánh tan nát toàn quân Pompey ở trận Pharsalus.

Tuy nhiên, đó là một câu chuyện khác. Cả chuỗi diễn tiến "Binh bại như núi đổ", thực ra, đã bắt đầu ngay từ thời điểm Julius Caesar xua quân vượt qua sông Rubicon. 

"To cross/pass Rubicon", trong văn hóa phương Tây, đã trở thành một thành ngữ mang ý "Đâm lao thì phải theo lao", hay "Đã lỡ, phải liều". Quả vậy, nếu chấp nhận mệnh lệnh của Viện Nguyên lão do Pompey thúc đẩy và trở về La Mã một mình không có quân đội đi kèm, Caesar hoàn toàn có thể trở thành nạn nhân của một vụ ám sát, hoặc nhẹ hơn là đánh mất toàn bộ quyền lực. Và đó là điều con người đầy tham vọng ấy không thể chấp nhận. Trong thời khắc sinh tử, Caesar đã lựa chọn đúng điều cần phải lựa chọn.

"Sau khi đem quân qua sông Rubicon, Julius Caesar phát động một cuộc nội chiến toàn diện với những người chống lại mình ở Viện Nguyên lão - những người xem ông là "kẻ thù của nhân dân". Caesar chiếm ưu thế một cách khá dễ dàng, có lẽ một nguyên nhân bởi vì do thông tin tình báo yếu kém, đối phương không biết rằng trong tay ông chỉ có quân đoàn số 13. Còn lại, các cánh quân chủ lực khác dưới quyền Caesar vẫn trấn giữ quanh biên giới xứ Gaul.

Thêm vào đó, việc động binh vào thời điểm đầu năm, khi ấy, là một điều hiếm có tiền lệ. Nó khiến các công dân quý tộc La Mã đang tập trung hội hè bị bất ngờ, và không kịp trở tay.

Thiên Phong
.
.