Chọn người thân, người tài, hay người có đức?

Thứ Bảy, 18/12/2021, 10:01

Thời nào cũng vậy, người tài luôn có vị trí quan trọng trong xã hội. Ngay ở các triều đại phong kiến nước ta, không phải lúc nào người thân vua chúa cũng được ưu tiên bổ nhiệm. Nhưng, nhiều lúc, tài và đức được chọn trên bàn cân.

“Nhất thân nhì thế” là câu thành ngữ quen thuộc. Từ thời xưa, sử sách ghi lại các vua Hùng đã bổ nhiệm con trai làm quan lang, cai quản một vùng đất. Các thời đại tự chủ từ Ngô vương, nhà Đinh, Tiền Lê cũng luôn tin tưởng vào những người họ hàng thân thích của nhà vua để giao những chức vụ quan trọng.

Chọn người thân, người tài, hay người có đức? -0
 Ảnh: S.t

Khi chế độ phong kiến tập quyền được xây dựng ở nước ta, chuyện bổ nhiệm người thân đã được đề cập đến. Như năm 1028, sau khi Vua Lý Thái Tổ qua đời, tháng 3, Lý Thái Tông lên nối ngôi, đến tháng 11, không rõ từ ý định của nhà vua hay theo lời của bề tôi mà vua phong cho cha của Mai hoàng hậu là Hựu làm An quốc thượng tướng, cha của Vương hoàng hậu là Đỗ làm Phụ quốc thượng tướng, cha của Đinh hoàng hậu là Ngô Thượng làm Khuông quốc thượng tướng. Bàn về việc phong chức này, sử thần thời Lê là Ngô Sĩ Liên đã bình luận rằng: “Thân thích của hoàng hậu được quý hiển, đời trước cũng đã có. Tuy vậy, lấy thích thuộc cũng phải lấy người có tài. Bọn Hựu quả là có tài chăng? Thì không cứ là cha của hoàng hậu là phải, trao tước phong là không phải. Hoặc, có người nói: Đây là ân sủng đặc biệt chỉ cho tước, chứ không cho quyền. Trả lời rằng: Tước cũng đã cao rồi, sao lại có danh hiệu an quốc, phụ quốc, khuông quốc thượng tướng quân mà lạm cho kẻ không có công lao!”.

Chọn người tài hay người thân?

Câu chuyện hiến tài nổi tiếng nhất thời Lý là chuyện Thái úy Tô Hiến Thành căn dặn Đỗ thái hậu về việc lựa chọn người thay thế mình. Năm 1175, Lý Cao Tông lên kế vị vua cha Lý Anh Tông lúc mới 3 tuổi, được Thái úy Tô Hiến Thành tuân theo di chiếu tiên đế làm phụ chính. Đến năm 1179, vua mới 7 tuổi mà Thái úy Tô Hiến Thành bệnh nặng không qua khỏi. Đỗ thái hậu lo lắng, đến tận nhà Thái úy thăm bệnh, thay mặt vua trẻ hỏi ông rằng: "Nếu có mệnh hệ nào thì ai là người có thể thay ông?".

Thái hậu nghĩ rằng Tô Hiến Thành sẽ tiến cử Tham tri chính sự Vũ Tán Đường, người ngày đêm hầu cận bên cạnh Thái úy lúc nằm bệnh. Tuy nhiên, Tô Hiến Thành khảng khái trả lời thái hậu rằng "Trần Trung Tá có thể thay được". Trần Trung Tá lúc đó làm Gián nghị đại phu, ông là người hết lòng vì công việc, thời gian bận rộn không lúc nào rỗi để tới thăm hỏi Thái úy được. Nghe câu này, Đỗ thái hậu ngạc nhiên hỏi: "Tán Đường hằng ngày hầu thuốc thang, sao không thấy ông nhắc đến?". Hiến Thành trả lời: "Vì bệ hạ hỏi người nào có thể thay thần nên thần nói đến Trung Tá, còn như hỏi người hầu dưỡng thì phi Tán Đường còn ai nữa?". Thái hậu khen là trung nhưng cuối cùng không dùng theo lời ấy.

Ngô Sĩ Liên khen Tô Hiến Thành rằng: “Hiến Thành đến lúc sắp chết còn vì nước tiến cử người hiền, không vì ơn riêng, thái hậu không dùng lời nói của Hiến Thành là việc không may cho nhà Lý vậy”. Triều đình thiếu người tài đức phụ chính, nhà Lý từ thời Lý Cao Tông bắt đầu suy yếu rồi cuối cùng dẫn đến mất ngôi.

Ở triều đại nối tiếp nhà Lý là nhà Trần, công lao gây dựng chủ yếu từ tay Trần Thủ Độ mà nên cả. Muốn báo đền công sức của ông, Vua Trần Thái Tông luôn có ý định cho anh ruột Trần Thủ Độ là Trần An Quốc làm tể tướng. Tuy nhiên, Trần Thủ Độ luôn từ chối, trả lời vua rằng: “An Quốc là anh tôi, nếu bệ hạ nhận thấy là người hiền tài thì tôi xin từ chức để nhường cho anh tôi, nếu bệ hạ nhận thấy không phải hiền tài thì không nên dùng, chứ nếu cả hai anh em đều làm tướng thì đối với thiên hạ còn ra thế nào?". Nghe lời nói thẳng thắn ấy, Vua Trần Thái Tông từ bỏ ý định của mình.

Tuy nhiên, không ít lần, vua chúa bổ nhiệm người thân vì có công phò giúp. Như khi Dương Nhật Lễ được đưa lên làm vua sau khi Trần Dụ Tông mất, ông ta muốn trở lại họ Dương, hãm hại các tôn thất họ Trần như cha con Thái tể Trần Nguyên Trác, Trần Nguyên Tiết. Thái sư Cung Định vương Trần Phủ được khuyên lánh đi mà mưu giành lại cơ đồ. Khi Trần Phủ còn chần chừ chưa đi, Chi hậu nội nhân phó chưởng là Nguyễn Nhiên khuyên rằng: "Người ta muốn hại ông, sao ông không xem thời cơ mà hành động trước?". Đến khi Trần Phủ dấy binh thành công, được lập làm vua, tức Trần Nghệ Tông, để đền ơn, đã lấy Nguyễn Nhiên làm hành khiển, sau lại thăng làm tả tham ty chính sự. Dù là chức hành khiển (tể tướng) nhưng Nguyễn Nhiên là người chữ nghĩa ít nên khi khai phê giấy tờ, đích thân nhà vua thường bảo vẽ các nét chữ đưa cho Nguyễn Nhiên xem. Đây cũng không phải là cách trả ơn phù hợp, khác xa với trường hợp Trần Thủ Độ, người tuy chữ nghĩa ít nhưng tài năng siêu việt, một tay gây dựng cơ đồ cho nhà Trần nhưng không mưu đồ lợi ích cho bản thân và gia đình. Sử sách cho thấy, sau này hậu duệ của Trần Thủ Độ cũng không ai giữ trọng trách ở triều đình.

Tìm người tài thế nào?

Khởi nghĩa Lam Sơn thành công, Vua Lê Thái Tổ lên ngôi, đền đáp cho các công thần xứng đáng. Tuy nhiên, đa phần công thần là các võ tướng, trong khi đất nước sau hơn 20 năm giặc Minh xâm lược vẫn còn chưa xuất lộ những người có tài kinh bang tế thế giúp triều đình trị nước, trị dân. Do đó, ngay năm Thuận Thiên thứ 2 (1429), Lê Thái Tổ đã ban chiếu tìm người tài giúp nước. Tờ chiếu đại lược nói: "Trẫm nghĩ: làm được thịnh trị cốt ở kiếm được người hiền; muốn được người hiền, phải do mọi người tiến cử. Vì thế, người cầm quyền trong thiên hạ tất phải cho việc này là cần kíp trước nhất. Trẫm nay phải gánh trọng trách, sớm hôm kính cẩn lo sợ như người đứng bên vực sâu! Đó chính vì cớ chưa tìm được người hiền tài để giúp việc trị nước. Vậy, ra lệnh cho các đại thần văn võ, các công hầu và các đại phu từ tam phẩm trở lên: ai nấy được đề cử một người. Còn ai hoặc có tài kinh tế mà phải chèn ép ở cấp dưới, hoặc là hào kiệt tài giỏi mà bị vùi dập ở nơi đồng nội thì cũng cho phép tự tiến cử lấy mình”.

Không chỉ yêu cầu các đại thần văn võ tiến cử nhân tài, Lê Thái Tổ còn khuyến khích người tài tự tiến mình để vua và triều đình được biết: “Xưa, Mao Toại xuất đầu lộ diện, tự tiến mình để theo giúp Bình Nguyên quân. Ninh Thích gõ sừng trâu, mượn bài hát để tỏ khí mà cảm được Tề Hoàn công phải trọng dụng. Như thế người xưa có từng câu nệ ở tiểu tiết đâu? Vậy các bậc hiền giả chớ ngại mang tiếng đem ngọc bán rao để trẫm khỏi phải than phiền về việc thiếu nhân tài!".

Đến thời Lê Thái Tông, ngay năm Thiệu Bình thứ nhất (1434), nhà vua cũng sắc sai trăm quan tiến cử người hiền. Nhà vua dụ rằng: "Các ngươi là quan liêu đã được trẫm tin dùng. Trước đây, vì lòng cầu hiền để lo trị nước, đã ra lệnh cho ai nấy được tiến cử một người; đến nay vẫn chưa thấy đáp ứng mệnh lệnh, là cớ làm sao?".

Cảm thấy vẫn chưa đủ nhân tài, Lê Thái Tông tiếp tục dụ rằng: "Những người được tiến cử mới đây đều là hạng tầm thường cả. Từ nay về sau, các người nên lưu tâm xem xét dò tìm. Hoặc giả còn có những người ẩn tích ở nơi đồng nội rừng rú nếu quả thực là bậc tài đức đều trội thì các ngươi nên cùng nhau đứng lên đề cử chung để làm thỏa ý thiết tha cầu hiền của trẫm".

Chọn tài hay chọn đức?

Bên cạnh việc tìm người tài, thời Lê đã hết sức chú trọng về đức độ của người được bổ làm quan. Ngay sau khi Lê Thái Tông lên ngôi, các quan ngự sử Nguyễn Thiên Tích và Bùi Cầm Hổ tâu rằng: "Tiên đế đã có chỉ dụ dặn không nên dùng bọn Hoành Bá nữa mặc dầu chúng có tài; thế mà nay lại cất dùng, đó là trái ý tiên đế". Nghe theo lời tâu này, nhà vua đã lệnh xóa tên Hoành Bá và bắt sung làm lính.

Vua Lê Thánh Tông là một vị vua anh minh, giúp nhà Lê đạt đến đỉnh cao của nền thịnh trị, cũng là nhờ biết cách dùng các bề tôi tài đức. Năm 1466, nhà vua bổ nhiệm Nguyễn Thiện, một người như vậy, làm thừa chính phó sứ ở Thanh Hóa. Nguyễn Thiện trước đó giữ chức Ngự sử, gặp việc trái phép đều nói một cách quả cảm nên nhà vua hạ sắc lệnh dụ bảo rằng: "Nhà ngươi làm bầy tôi, hết lòng thành lo việc nước, thường dâng lời nói phải, có lúc trẫm dùng uy quyền để trấn áp cũng chưa thấy nhà ngươi nao núng. Thật là đáng khen. Vậy đặc cách sai viên Ti lễ giám đem sắc dụ đến ban khen và thưởng cho lạng bạc". Khi Nguyễn Thiện được bổ ra giữ chức thừa chính, nhà vua lại dụ bảo rằng: "Trước kia nhà ngươi giữ nhiệm vụ can ngăn, những lời nghị luận thiết thực thẳng thắn; nay bổ ra ngoài để vỗ về yên ủi trăm họ, bảo vệ che chở cho dân một phương, nhà ngươi nên giữ phép công, lo việc dân, răn chừa lòng tức giận, bỏ hết lòng tham muốn, để khỏi hổ thẹn với chức trách mà trẫm đã ủy thác cho".

Thời Lê trung hưng, các chúa Trịnh cũng nhiều lần khuyến khích việc tiến cử người tài. Tham tụng Vũ Công Tể là người được sử sách viết rằng nhiều lần tiến cử người tài cho triều đình. “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” viết về ông: “Trịnh Doanh rất trọng ông, bèn cất nhắc lên làm quan ở chính phủ, giao phó cho giữ việc then chốt trong nước. Công Tể lại hay tiến cử người, dầu người có một tài nghệ, cũng khen ngợi cất nhắc không bao giờ bỏ sót. Vì thế, người ta cũng vui lòng làm việc”.

Chúa Trịnh Doanh năm 1763, đã ra lệnh cho các quan nhị phẩm trở lên đề cử 2 người, quan tam phẩm trở xuống đề cử 1 người, rồi kê đệ tên những người được đề cử để triều đình biết. Những người ấy phải là người có thể giữ được chức việc trong kinh, ngoài trấn và người có thể cai quản được binh lính.

Tuy nhiên, từ thời chúa Trịnh Sâm, người tài ngày một hiếm, trọng trách triều đình về hết tay những người thân thích của chúa, đất nước dần rơi vào loạn lạc rồi cơ đồ vua Lê, chúa Trịnh dẫn đến suy vong.

Lê Tiên Long
.
.