Tại sao cần một cái nhìn đa tuyến?

Thứ Hai, 16/12/2019, 14:45
Một xã hội dân chủ là một xã hội mà con người có quyền bày tỏ ý kiến, trong đó có cả quyền phản đối, miễn là phản đối một cách có văn hóa và trên tinh thầnh xây dựng. Đọc kỹ bản kiến nghị của 11 trí thức phản đối việc đặt tên đường, chúng ta thấy xét ở góc độ văn phạm, nó là một bản kiến nghị có văn hóa...


11 trí thức Việt Nam phản đối việc thành phố Đà Nẵng dự định đặt tên đường Francisco De Pina và Alexandre De Rhodes - hai giáo sĩ có công trong việc latin hóa tiếng Việt và đặt nền móng cho sự hình thành của chữ Quốc ngữ, thứ chữ mà chúng ta đang sử dụng hiện nay. Và sự phản đối này là đề tài tranh cãi sôi nổi của rất nhiều trí thức Việt Nam trong suốt tháng qua. Chúng ta có thể thấy gì từ những tranh cãi này?

Một xã hội dân chủ là một xã hội mà con người có quyền bày tỏ ý kiến, trong đó có cả quyền phản đối, miễn là phản đối một cách có văn hóa và trên tinh thầnh xây dựng. Đọc kỹ bản kiến nghị của 11 trí thức phản đối việc đặt tên đường, chúng ta thấy xét ở góc độ văn phạm, nó là một bản kiến nghị có văn hóa. Thành thử, ngay cả khi không đồng tình với quan điểm của 11 trí thức này, chúng ta cũng nên tôn trọng và phản biện một cách có văn hóa, thay vì mỉa mai, chỉ trích cá nhân, thậm chí là lăng mạ cá nhân - điều mà chúng ta đã thấy ở một bộ phận dư luận nào đó.

Phản đối theo cách thóa mạ cá nhân cho thấy chúng ta có vẻ vẫn chưa sẵn sàng lắng nghe những luồng ý kiến/quan điểm khác mình. Mà nếu vẫn không tập dượt được trạng thái bình tĩnh lắng nghe và tôn trọng những luồng ý kiến/quan điểm khác mình thì chúng ta không thể kiến tạo được những ứng xử dân chủ, trong một xã hội văn minh như những gì chúng ta luôn mong muốn.

Bây giờ bàn đến câu hỏi quan trọng nhất: hai giáo sĩ người Bồ Đào Nha có công hay tội? Người thì bảo: "Có tội". Người thì bảo: "Có công". Sự khác biệt quan điểm một trời một vực này dễ khiến chúng ta liên tưởng đến sự khác biệt một trời một vực khác, trong một thời điểm mang tính bản lề khác của lịch sử: thời điểm thực dân Pháp chính thức tấn công.

Thời điểm ấy, đứng trước câu hỏi "đánh hay hòa?", phần lớn những trí thức tiền nhân của chúng ta đều hô "đánh", một phần nhỏ lại muốn "hòa". Sự khác biệt một trời một vực này đã dẫn đến nỗi đau thương khủng khiếp khi sau đó phái chủ hòa bị quy kết là "chủ hàng", là "bán nước" và đã bị nguyền rủa thậm tệ trong suốt một thời gian rất dài, cho đến trước khi có những cái nhìn đổi mới vào khoảng những năm 90 của thế kỷ 20.

Nhìn lại lịch sử phát triển trí thức Việt Nam sẽ thấy có rất nhiều thời điểm chúng ta bị phân rã theo kiểu một trời/một vực - một đúng/một sai - một thánh nhân/một tội đồ theo tư duy cơ học, đơn tuyến ấy. Và tất cả những lần ấy đều tạo ra những hậu quả cực kỳ bi thương.

Bây giờ, hãy bình tĩnh và sòng phẳng trả lời nhau: trong dòng lịch sử nhân loại nói chung, có những cái tốt tuyệt đối và có những cái xấu tuyệt đối hay không? Có những thánh nhân tuyệt đối và có những tội đồ tuyệt đối hay không?

Nếu câu trả lời là "có" thì số lượng những nhân vật "tuyệt đối" này có lẽ là cực kỳ ít ỏi, hiếm hoi. Bản thân một con người theo đúng những định dạng và quy chuẩn "người" vốn đã không tuyệt đối. Những con người trong trập trùng biến thiên của dòng lịch sử với vô số những va chạm, những góc nhìn, những hệ quy chiếu khác nhau càng không tuyệt đối. Thế nên những nhà nghiên cứu lịch sử Đông - Tây mới không ngừng nhắc nhở chúng ta phải đề phòng cái nhìn đơn tuyến/tuyệt đối/cơ học/một chiều trong lịch sử.

Thế kỷ 20, các nhà nghiên cứu lịch sử từng tranh cãi quyết liệt quanh một câu hỏi: Chủ nghĩa đế quốc là xâm lược hay khai hóa? Người bảo: xâm lược. Người bảo: khai hóa. Còn nói như Yoval Noah Harari - tác giả của cuốn Homo Sapiens mà rất nhiều độc giả Việt Nam ưa thích thì: "Bạn nghĩ rằng đế quốc xấu xa, kinh dị, gieo rắc bất công trên khắp thế giới? Bạn có thể dễ dàng viết hẳn một bộ bách khoa toàn thư về những tội ác của đế quốc.

Bạn muốn lập luận rằng trên thực tế chủ nghĩa đế quốc đã cải thiện điều kiện sinh sống của cư dân bị trị, với những loại thuốc mới, các điều kiện kinh tế và an ninh tốt hơn? Bạn cũng có thể viết hẳn một bộ bách khoa toàn thư khác về những thành tựu của đế quốc". Thế là thế quái nào?

À, như thế có nghĩa là Harari gợi ra một góc nhìn mới - một góc nhìn đa tuyến/một góc nhìn phức hợp về chủ nghĩa đề quốc: nó vừa là chủ nghĩa xâm lược nhưng cũng vừa là chủ nghĩa khai hóa.

Alexandre De Rhodes.
Francisco De Pina.

Câu chuyện sau đây sẽ giúp chúng ta hình dung dễ dàng hơn: Năm 1830, một sĩ quan người Anh tên là Henry Rawlinson được gửi đến Ba Tư và thế rồi chính Henry Rawlinson, bằng những nỗ lực phi thường của mình đã làm được một việc mà chính những người Ba Tư bản địa cũng không thể làm nổi trong hàng trăm, hàng ngàn năm: giải mã chữ Ba Tư cổ. Để rồi, nhờ chính nỗ lực của Henry Rawlinson, người Ba Tư mới có thể mở một cánh cửa vào quá khứ xa xưa, đối thoại với những tiền nhân của mình, từ những tuyên bố của những vị vua Assyria đến những lập luận của giới trí thức thành Babylon rực rỡ.

Một câu chuyện khác diễn ra vào năm 1783, khi thẩm phán người Anh William Jones được cử đến làm việc tại Ấn Độ - một thuộc địa của Anh khi đó. Kết quả là song song với công việc chính của mình, William Jones đã không ngừng nghiên cứu về ngôn ngữ Sanskrit của người Ấn Độ, tìm ra được nhiều giá trị mà chính người Ấn Độ cũng chưa thể tìm ra, từ đó đặt một trong những viên gạch đầu tiên cho ngành ngôn ngữ học so sánh trên phạm vi nhân loại.

Rõ ràng là, những người như Henry Rawlinson và William Jones - tức là những người chinh phục đến từ châu Âu đã hiểu rõ về ngôn ngữ cổ bản địa hơn chính những người bản địa. Thậm chí, nhờ chính những người chinh phục/xâm lược châu Âu này mà người bản địa sau đó mới có cơ hội khám phá những giá trị cổ điển của chính dân tộc mình, để từ đó hiểu đúng về chính ông cha mình. Vậy thì dưới góc nhìn của người bản địa, những Henry Rawlinson hay William Jones có công hay tội? Là kẻ thù hay là ân nhân? Đáng nguyền rủa hay ngợi ca? Hẳn bạn sẽ đồng tình nếu tôi bảo, trong tư cách của những "kẻ xâm lược", họ đáng nguyền rủa nhưng trong tư cách của một nhà khám phá, họ đáng ngợi ca.

Trở lại với câu chuyện của hai giáo sĩ Francisco De Pina và Alexandre De Rhodes trong mối quan hệ với dân tộc Việt Nam. Thứ chữ mà hai giáo sĩ này đặt nền móng (người thứ nhất) và củng cố phát triển (người thứ hai) quả nhiên là để phục vụ mục đích truyền đạo. Trong tư cách là hai giáo sĩ bảo vệ dòng đạo của mình, việc họ có những tuyên bố bị cho là "bất kính" với những tôn giáo bản địa cũng là điều có thể hiểu được và đấy là mặt thứ nhất của vấn đề.

Ở mặt thứ hai của vấn đề lại phải thấy nhờ thứ chữ "truyền giáo" ấy mà chúng ta đã gần với văn minh phương Tây hơn. Thế mới có chuyện thoạt đầu các nhà Nho Việt Nam tuyệt đối tránh xa thứ chữ ấy - chữ của kẻ thù - chữ của người ngoại đạo nhưng sau khi nhận ra vai trò quan trọng của nó trong việc kiến tạo những thứ giá trị văn minh mới cho một đất nước bị lạc hậu quá xa so với thời đại của mình thì chính những nhà Nho vốn có tiếng là bảo thủ lại chủ động học thứ chữ ấy và phổ biến thứ chữ ấy cho đông đảo thanh niên yêu nước.

Cuối cùng, thứ chữ mà chính chúng ta đang ngồi để viết cho nhau đọc ngày hôm nay, thứ chữ mà chính chúng ta đang dùng để tranh cãi/phản biện nhau trên không gian mạng ngày hôm nay cũng là thứ chữ được phát triển trên nền thứ chữ mà hai nhà truyền giáo người Bồ mang đến. Do vậy, không thể một chiều/đơn tuyền khẳng định rằng hai giáo sĩ này là HOÀN TOÀN CÓ CÔNG hay HOÀN TOÀN CÓ TỘI.

Lịch sử thường không có người hoàn toàn tốt và hoàn toàn xấu. Lịch sử thường chỉ có những người tốt nhiều hơn người khác hoặc xấu ít hơn người khác mà thôi. Do vậy, thước đo cuối cùng của lịch sử luôn nằm ở những phần trăm giá trị mà những con người "tốt hơn" hoặc "ít xấu hơn" đã để lại cho một cộng đồng, một dân tộc, một quốc gia.

Nhìn nhận như vậy sẽ thấy nếu chúng ta cứ quy kết hai giáo sĩ - những người sinh thành và củng cố ra thứ chữ viết mà toàn bộ quốc gia hiện nay đang sử dụng là những người "hoàn toàn xấu"/"hoàn toàn đáng lên án"/"hoàn toàn đáng nguyền rủa" thì e là không công bằng.

Sự không công bằng đó không chỉ có lỗi với tiền nhân mà còn thể hiện một kiểu tư duy đơn tuyến trong những nhìn nhận về lịch sử. Kiểu tư duy đơn tuyến ấy từng khiến giới trí thức dân tộc bị chia rẽ, tạo ra những hậu quả tàn khốc trong rất nhiều thời điểm khác nhau trong quá trình dựng nước. Do vậy, một mặt chúng ta vẫn cần tôn trọng những quan điểm khác biệt nhưng một mặt cần hưởng ứng việc tạo dựng những kiểu tư duy đa tuyến, nhiều chiều trong nhìn nhận và xây dựng các giá trị lịch sử.

Chỉ có như vậy, giới trí thức dân tộc mới có thể  quy tụ được nội lực dân tộc, để hy vọng một ngày dân tộc cất cánh bay lên.

Phan Mỹ Chí
.
.