Khơi thông những dòng chảy

Thứ Bảy, 28/08/2021, 08:51

Những thay đổi trong chính sách của Mỹ liên quan đến dự án Dòng chảy phương Bắc đang phản ánh sự thay đổi trong mối quan tâm của họ đối với các đồng minh của mình.

Một dòng chảy gập ghềnh

Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream) là dự án khí đốt lớn được ký giữa Nga và Đức khởi động từ năm 2005. Theo đó, một liên doanh giữa các công ty năng lượng của hai nước sẽ xây dựng hệ thống đường ống dẫn khí trên biển Baltic nối từ Nga tới Đức dài hơn 1.000km, để vận chuyển khí đốt trực tiếp sang Tây Âu.

Giai đoạn 1 của dự án (Nord Stream 1) đã được hoàn thành nhanh chóng từ năm 2011, chuyên chở lượng khí thiên nhiên có công suất lên tới 27,5 tỷ mét khối/năm. Hiệu quả của Nord Stream 1 đã thúc đẩy Nord Stream 2 được ký kết ngay sau đó với đường ống thứ hai, nhằm mục đích nâng gấp đôi công suất, mà theo kế hoạch ban đầu có thể đưa vào hoạt động từ năm 2012. Tuy nhiên, từ đó tới nay, Nord Stream 2 đã bị trì hoãn nhiều lần do vấp phải sự phản đối bên ngoài.

Khơi thông những dòng chảy -0

 Thượng đỉnh Mỹ - Đức tháng 7-2021 đã khơi thông lại mối quan hệ giữa hai bên.

Dòng chảy phương Bắc là một dự án kinh tế có nhiều lợi ích khi nó đem nguồn năng lượng giá rẻ dồi dào từ Nga tới Đức, để từ đó phân phối đi khắp khu vực Trung và Tây Âu. Quãng đường hơn 1.000km của Dòng chảy phương Bắc là con đường ngắn nhất kết nối giữa Nga với Đức. Đặc biệt, vì đi vòng lên phía Bắc qua biển Baltic, Dòng chảy phương Bắc tránh được khu vực bất ổn ở Ukraine.

Trong thời gian qua, khi căng thẳng Nga - Ukraine lên cao, lượng khí đốt tới châu Âu qua ngả này đã giảm đáng kể mà đỉnh điểm là cuộc khủng hoảng khí đốt mùa đông năm 2014 làm châu Âu chìm trong giá rét. Chính vì thế, ngay từ đầu, cả Nga và Đức đều rất mong muốn hoàn thành dự án này. Đối với Nga, đây là nguồn lợi xuất khẩu lớn. Trong khi đó, Đức và các nước EU cũng cần khí đốt của Nga để đảm bảo an ninh năng lượng.

Song, một trong những quốc gia phản đối mạnh mẽ nhất dự án Nord Stream 2 lại là Mỹ - đồng minh lớn nhất của Đức với những lý do "lo ngại an ninh" mà họ đưa ra. Theo quan điểm của Mỹ, việc gia tăng kết nối năng lượng trực tiếp giữa Đức và Nga sẽ đẩy Đức nói riêng và EU nói chung xích về Nga, khiến cho những quyết định chính trị của Đức và EU đối với Nga không còn cứng rắn nữa. Thái độ phản đối dự án Dòng chảy phương Bắc đã được kéo dài trong nhiều năm, xuyên suốt qua các thời kỳ lãnh đạo của các cựu Tổng thống Mỹ như Bush, Obama đến thời ông Donald Trump. Chính ông Biden, trong những phát biểu trước đây cũng cho thấy ông không ủng hộ dự án này.

Để ngăn chặn dự án, chính quyền Mỹ đã áp dụng những biện pháp trừng phạt lên phía các công ty Nga tham gia vào dự án. Điều đó đã khiến cho Nord Stream 2 bị ngưng trệ nhiều năm qua. Tuy vậy, những lệnh trừng phạt này không chỉ bị Nga mà còn bị Đức phản đối gay gắt vì nó làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Đây là một trong những khúc mắc chính trị dai dẳng nhất giữa Mỹ và Đức từ trước tới nay.

Mục tiêu của người Đức

Nord Stream 2 có thể chỉ là một dự án kinh tế. Nhưng, mức độ "nhạy cảm" của nó với an ninh chính trị của châu Âu là khó có thể phủ nhận. Trước đây, 80% khí đốt của Nga muốn xuất khẩu sang EU phải đi qua Ukraine. Sau khi có Nord Stream 1, con số này giảm xuống còn 40%. Điều đó vô tình làm giảm giá trị của Ukraine trên bản đồ địa chính trị. Thêm vào đó, Nord Stream 2, nếu được thông qua, sẽ làm cho EU ngày càng phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga, một điều rất không tốt cho chính EU. Bất chấp những lo ngại đó, người Đức vẫn kiên trì theo đuổi dự án này. Họ có những bài toán riêng cần phải giải quyết.

Khơi thông những dòng chảy -0

 Nord Stream 2 được dự đoán sẽ đem lại nhiều lợi ích cho Nga và Đức.

Là nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đồng thời là nhà nhập khẩu năng lượng lớn nhất, Đức hiểu rõ giá trị từ nguồn khí đốt của Nga đối với mình. Mặc dù đã cố gắng đa dạng nhà cung cấp năng lượng tới từ các nguồn khác nhau nhưng không một nơi nào có thể cung cấp cho nước Đức nguồn năng lượng khổng lồ với giá rẻ và ổn định như Nga. Việc châu Âu phụ thuộc vào năng lượng của Nga cũng là không thể tránh khỏi, bất chấp những bất đồng giữa hai bên.

Kể từ lần đầu tiên có một quốc gia phương Tây nhập khẩu khí đốt từ Liên Xô vào năm 1968 tới nay, EU ngày càng nhập khẩu nhiều năng lượng này của Nga. Ước tính, 70% lượng khí đốt của EU là phải nhập khẩu trong đó có đến gần 40% nhập từ Nga. Con số này vẫn gia tăng không ngừng khi những mỏ khí ở biển Bắc của Na Uy ngày càng trở nên cạn kiệt trong khi những nguồn khí hóa lỏng từ Mỹ hay các quốc gia Trung Đông quá xa xôi và đắt đỏ.

Nhiều nước EU, đặc biệt là những nước gần Nga nhất, gần như hoàn toàn phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Chính vì thế, dự án Dòng chảy phương Bắc ngày càng chứng tỏ giá trị của nó theo thời gian và buộc người Đức, ở vị trí đầu tàu của EU, không thể từ bỏ. Đây là một tính toán thực tế dựa trên lợi ích của chính nước Đức. Trong những ngày qua, ngay khi có những thông tin dự án Nord Stream 2 được thông qua và sẽ sớm được hoàn thiện trong tháng 8 này, giá khí đốt tại châu Âu đã giảm đi phân nửa. Một thông tin tốt lành, khi mùa đông sắp tới.

Ở Đức, người theo đuổi dự án này nhiệt thành nhất là bà Angela Merkel, vị thủ tướng trong suốt 16 năm qua vốn được biết tới như một con người vô cùng kiên định. Bà tin rằng dự án này sẽ tạo thêm mối kết nối giữa Nga với châu Âu, từ đó có thể giảm bớt những bất đồng giữa hai bên. Chính vì thế, dù vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ một số đồng minh NATO, bà vẫn luôn bảo vệ nó. Bà Merkel coi dự án này là một thỏa thuận kinh tế đơn thuần và không cần tranh cãi về nó.

Sự thay đổi của nước Mỹ

Thỏa thuận về việc dỡ bỏ những lệnh cấm với các công ty và cá nhân của Nga tham gia vào Nord Stream 2 - mới được công bố ngay trong cuộc gặp giữa ông Biden và bà Merkel hôm 15-7 vừa rồi - có thể coi là một điều khá bất ngờ. Cho đến lúc này ở lưỡng viện Quốc hội Mỹ, ý kiến phản đối Nord Stream 2 vẫn còn rất mạnh mẽ. Dù những lệnh cấm áp dụng lên các công ty tham gia xây dựng đường ống này được ký bởi cựu Tổng thống Donald Trump nhưng nó cũng đồng thời là chính sách được đảng Dân chủ của ông Biden ủng hộ.

Hồi tháng 5-2021, khi ông Biden tạm dừng những lệnh trừng phạt, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã liên tục phải ra điều trần trước Quốc hội Mỹ về vấn đề này. Khi đó, để trả lời cho những câu hỏi của các nghị sĩ, ông Blinken đã nói rằng ông muốn "tăng cường hợp tác với Đức để tìm ra cách giải quyết vấn đề". Đây là một thái độ mềm mỏng hiếm thấy đến từ phía người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ, khi nói đến một vấn đề mang tính "an ninh quốc gia".

Cách tiếp cận của chính quyền ông Biden với Đức, đồng minh lớn nhất đại diện cho EU của mình là hoàn toàn khác biệt người tiền nhiệm Donald Trump. Chính quyền Mỹ đã “xuống nước” ở một vấn đề cốt lõi. Dĩ nhiên, để đổi lại, nước Đức sẽ phải thực hiện một số cam kết khác. Nhưng, ít nhất, ở cách tiếp cận vấn đề, chính quyền Mỹ đã không còn đặt mình ở vị thế "bề trên" để cấm đoán hay áp dụng những biện pháp trừng phạt đơn phương.

Sự thay đổi căn bản trong cách tiếp cận vấn đề của chính quyền Mỹ lúc này sẽ đem đến nhiều thiện cảm hơn từ nước Đức cũng như các đồng minh khác, nhất là khi hướng đến mục tiêu kết nối lại với những đồng minh truyền thống. Như vậy, có thể nói, không chỉ khơi thông lại Dòng chảy phương Bắc, chính quyền ở Washington cũng đang muốn khơi thông bế tắc trong mối quan hệ với các đồng minh truyền thống của mình.

Một chiến lược quan trọng để sắp xếp lại những quân cờ cho bàn cờ lớn trên phạm vi toàn cầu.

Tử Uyên
.
.