Bàn về nguyên tắc rường cột của Đảng: Chống quan điểm sai trái (tiếp theo và hết)

Chủ Nhật, 10/10/2021, 21:25

Khi nguyên tắc tập trung dân chủ ở nhiều nơi bị buông lỏng, để xảy ra hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng thì các thế lực xấu vin cơ hội này tìm cách đả phá, kêu gọi Đảng từ bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ, cổ súy tư tưởng đa nguyên, đa đảng. Đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ tính đúng đắn và kiên định nguyên tắc tập trung dân chủ là yêu cầu, đòi hỏi khách quan.

Phủ nhận nguyên tắc tập trung dân chủ là một trong những chiêu bài nguy hiểm của các thế lực thù địch, phản động, các phần tử cơ hội và thủ đoạn này đang được gia tăng tuyên truyền chống phá trong thời gian qua, khi Đảng ta tiến hành kiểm tra, xử lý nhiều cá nhân, tổ chức đảng vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ. Có thể nhận diện các thủ đoạn xuyên tạc, chống phá sau đây:

Thứ nhất, luận điệu cho rằng tập trung và dân chủ là hai mặt đối lập, không thể kết hợp, do đó không có khái niệm nguyên tắc tập trung dân chủ, kêu gọi Đảng từ bỏ nguyên tắc này. Họ cho rằng, tập trung với dân chủ giống như lửa với nước, hai khái niệm “không thể dung hòa” và hướng lái rằng, các đảng Cộng sản ở Liên Xô, Đông Âu tan rã là do sai lầm từ việc áp dụng nguyên tắc tập trung dân chủ. Từ đó, các đối tượng “khuyên” Đảng Cộng sản Việt Nam rằng, để tránh giẫm phải lối sụp đổ thì “hãy từ bỏ tập trung dân chủ càng sớm càng tốt”.

Thoạt nghe, cảm tưởng như “lời khuyên thiện chí” muốn đóng góp cho Đảng, song thực chất, đây là kiểu chống phá ngụy trang dưới dạng “góp ý” khiến người thiếu hiểu biết có thể bị ru ngủ, cả tin. Tập trung và dân chủ là hai vấn đề có quan hệ biện chứng, là một nguyên tắc thống nhất, không tách rời, càng không thể đối lập giữa tập trung và dân chủ. Tập trung trên cơ sở dân chủ nhưng dân chủ phải có sự lãnh đạo để bảo đảm tập trung. Tập trung dân chủ là nguyên tắc rường cột, bảo đảm cho Đảng Cộng sản thống nhất về tư tưởng chính trị và tạo nên sức mạnh của tổ chức, xây dựng được đội ngũ đảng viên năng động, sáng tạo, có kỷ luật chặt chẽ, có sức chiến đấu cao. Tập trung dân chủ là nguyên tắc phân biệt đảng cách mạng của giai cấp công nhân với các đảng chính trị khác. Do đó, phủ nhận nguyên tắc tập trung dân chủ là phủ nhận bản chất và tổ chức, hoạt động của Đảng, là một luận điệu hết sức nguy hiểm cần phải nhận diện, đấu tranh.

Bàn về nguyên tắc rường cột của Đảng: Chống quan điểm sai trái (tiếp theo và hết) -0
Học viện An ninh nhân dân hội thảo khoa học đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch chống phá Đại hội XIII của Đảng.

Thứ hai, luận điệu cho rằng, tập trung dân chủ chỉ phù hợp khi đảng còn hoạt động bí mật hoặc trong điều kiện chiến tranh, nay thời bình vẫn “ôm” nguyên tắc đó là lỗi thời, dẫn tới trì trệ, tiêu cực. Trước Đại hội XIII của Đảng, trên diễn đàn hải ngoại, một số người nhân danh “nhân sĩ, trí thức” một mặt vẫn tỏ ra ca ngợi Đảng và Bác Hồ đã vận dụng tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, sáng suốt chèo lái con thuyền cách mạng. Mặt khác, họ “lộ đuôi” khi cho rằng, nay đất nước đổi mới, hội nhập sâu rộng thì tập trung dân chủ đã lỗi thời, lạc hậu; trong cơ chế thị trường, chính vì Đảng vẫn giữ tập trung dân chủ nên đây là nguyên nhân cốt lõi gây ra hàng loạt vụ cán bộ, đảng viên phạm pháp, khiến Đảng “tự bắn vào mình”. Với cách suy diễn như vậy, họ vờ tỏ ra “thiện chí” đòi hỏi Đảng phải từ bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ “cho phù hợp tình hình mới”. 

Đây là kiểu chống phá bao biện dưới dạng “lý lẽ khoa học”. Tập trung dân chủ thể hiện bản chất của Đảng thì không phân biệt giai đoạn chiến tranh hay hòa bình, đó là nguyên tắc xuyên suốt. Trải qua hơn 90 năm lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn kiên định tập trung dân chủ là nguyên tắc rường cột của Đảng, đồng thời nội dung của nguyên tắc này không ngừng được bổ sung, phát triển. Việc cho rằng tình trạng vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ khiến nhiều tổ chức, cá nhân bị xử lý “do nguyên tắc đã lỗi thời” là cách suy diễn sai trái, quy chụp. Thực chất, sai phạm do không chấp hành nghiêm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, do xa rời, buông lỏng nguyên tắc tập trung dân chủ chứ không phải do áp dụng nguyên tắc tập trung dân chủ, việc đánh lận vấn đề này là thủ đoạn rất xảo trá.

Thứ ba, các thế lực xấu quy kết tình trạng mất tập trung dân chủ là “lỗi từ gốc” do độc đảng, từ đó cổ súy tư tưởng đa nguyên, đa đảng. Đây là âm mưu có từ lâu, nằm trong chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phản động nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, xóa bỏ định hướng XHCN. Gần đây, các đối tượng lại gia tăng các bài viết tuyên truyền tư tưởng đa nguyên, đa đảng, cho rằng Việt Nam muốn dân chủ, tiến bộ thì “phải chấm dứt sự độc quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản”. 

Về vấn đề này, các nhà nghiên cứu đã chỉ rõ quan điểm: Dân chủ không phụ thuộc một hay nhiều đảng mà phụ thuộc vào bản chất của chính đảng cầm quyền. Ở một số quốc gia như Mỹ, mặc dù có nhiều đảng nhưng cũng chỉ có 2 đảng luân phiên cầm quyền là đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ. Những đảng này đại diện cho giai cấp tư sản thì tất yếu phải hướng đến phục vụ cho lợi ích của giai cấp tư sản. Thực tiễn cho thấy, nhiều nước đa đảng cũng mất dân chủ, vi phạm nghiêm trọng quyền con người. Trong điều kiện ở Việt Nam, một đảng lãnh đạo, đó là đảng của giai cấp công nhân, lấy lợi ích giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc làm mục tiêu xuyên suốt và luôn xây dựng, chỉnh đốn để đảng thực sự trong sạch, vững mạnh thì tính chất dân chủ, tiến bộ phụ thuộc vào bản chất, mục đích phục vụ chứ không phụ thuộc số lượng bao nhiêu đảng. Năm 2010, đồng chí Nguyễn Phú Trọng (khi đó là Chủ tịch Quốc hội) đã trả lời phỏng vấn báo chí quốc tế rằng: “Không phải có nhiều đảng thì dân chủ hơn, ít đảng thì ít dân chủ hơn, mỗi nước có hoàn cảnh, điều kiện lịch sử cụ thể khác nhau, điều quan trọng là xã hội có phát triển không, nhân dân có được hưởng cuộc sống ấm no, hạnh phúc không và đất nước có ổn định để ngày càng phát triển đi lên hay không? Đó là tiêu chí quan trọng nhất”.

Tính chất nguy hiểm của luận điệu “không thể có dân chủ trong chế độ một đảng duy nhất cầm quyền ở Việt Nam” còn thể hiện ở chỗ cổ súy cho sự ra đời và công khai, hợp pháp hóa các tổ chức chính trị đối lập nhằm xóa bỏ vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thực tiễn xảy ra ở Liên Xô và các nước Đông Âu trước đây cho thấy rõ âm mưu, ý đồ nguy hiểm này.

Thứ tư, luận điệu bôi đen hiện thực, xuyên tạc tập trung dân chủ “chỉ là khẩu hiệu mị dân”. Khi Đảng ta đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII, xử lý nghiêm nhiều cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng sai phạm với quan điểm “không có vùng cấm” thì các thế lực xấu lại lợi dụng vấn đề này để quy chụp, đánh đồng hiện tượng thành bản chất, cho rằng tham nhũng là “bản chất” của Đảng, đảng viên Cộng sản chỉ có độc đoán, chuyên quyền, vơ vét làm giàu, ức hiếp dân, vấn đề dân chủ “là thứ xa xỉ”. Luận điệu này đã đánh lận bản chất, bôi lem mục tiêu mà Đảng ta xác định rõ khi xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên sai phạm là “xử một người, cứu muôn người”, “chặt cành để cứu cây”, xử lý nghiêm để cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa chung. Điều này đã được Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII xác định rõ quan điểm “kết hợp giữa “xây” và “chống”; “xây” là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài; “chống” là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách”.

Thứ năm, lợi dụng vấn đề dân chủ để phê phán, chỉ trích Đảng, Nhà nước, cổ súy tư tưởng dân chủ theo phương Tây, tìm cách can thiệp vào nội bộ và kích động “cách mạng màu”. Từ việc xuyên tạc trong Đảng hiện không tồn tại dân chủ, chỉ có bè phái, độc quyền, tham nhũng, các đối tượng xấu rêu rao đã đến lúc phải hành động “trước khi quá muộn”. Họ lợi dụng tình hình biểu tình tại một số nước trên thế giới để viết bài tiêm nhiễm vào nhận thức của người dân về một “xu hướng xuống đường đòi dân chủ”, rêu rao muốn có dân chủ phải hành động, không thể ngồi nhà để đợi dân chủ. Cùng với đó, các đối tượng lợi dụng những vụ việc tiêu cực xảy ra trong nước để chụp mũ dân chủ, nhân quyền, kêu gọi các tổ chức quốc tế can thiệp, lên án Đảng, Nhà nước... Thủ đoạn này không mới nhưng luôn được làm nóng trước các sự kiện chính trị lớn hay khi Đảng ta xử lý nghiêm các vụ việc tham nhũng, tiêu cực liên quan cán bộ cấp cao, khi cơ quan chức năng xử lý đối tượng phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia.

5 luận điệu trên, có luận điệu tồn tại từ lâu, có luận điệu mới nảy sinh, được “vôi ve”, thêm thắt chất liệu để làm nóng và tạo điểm nhấn để thu hút sự chú ý của dư luận, tất cả đều lấy điểm tựa phê phán nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng. Trong môi trường mạng, các luận điệu này pha trộn đan xen dưới nhiều vỏ bọc, ngụy trang dưới dạng “góp ý”, “thư ngỏ”, đánh tráo lý luận khoa học và bôi lem thực tiễn. Do đó, khi bàn về nguyên tắc tập trung dân chủ, chúng ta cần nắm vững quan điểm nhìn thẳng sự thật, đánh giá đúng tồn tại, hạn chế, song phải thấy rõ vị trí, bản chất rường cột của nguyên tắc này trong tổ chức và hoạt động của Đảng, từ đó chống các quan điểm sai trái, thù địch, lợi dụng để xuyên tạc, chống phá.

Đăng Trường
.
.