''Công cuộc củi lửa'' và những vấn đề thời sự

Bài 5: Hiểu đúng trước những quan điểm sai lối, ngược dòng

Thứ Hai, 25/07/2022, 08:34

Khi Đảng ta đẩy mạnh “công cuộc củi lửa” thì các thế lực thù địch, chống đối cũng gia tăng hoạt động, mở các chiến dịch tuyên truyền nhằm làm “nhiễu sóng”, đánh lạc hướng để dư luận quốc tế hiểu sai lệch. Các luận điệu này được thêm thắt, tô vẽ, lặp đi lặp lại nhiều lần khiến những người thiếu thông tin, thiếu hiểu biết dễ bị sa vào “ma trận”, có cách nhìn không đúng về công cuộc chống tham nhũng ở Việt Nam. Thậm chí, các đối tượng “bẻ lái” từ hiệu quả tích cực thành những gam màu xám xịt.

Luận điệu chống phá của các thế lực thù địch, phần tử xấu xoáy vào những vấn đề sau:

Thứ nhất, các đối tượng quy kết nguyên nhân dẫn tới tham nhũng ở Việt Nam phức tạp là do chế độ một đảng, hướng lái thành “tham nhũng là bản chất của cộng sản”, đảng cộng sản cầm quyền, lãnh đạo thì “đẻ ra tham nhũng” nên không thể chống! Từ đó, các đối tượng tuyên truyền nhằm “dụ” người đọc rằng, muốn chống tham nhũng thì phải xóa bỏ chế độ một đảng; cổ súy người dân chống tham nhũng bằng tư tưởng đa nguyên, đa đảng. Trên các trang mạng của tổ chức khủng bố, phản động Việt Tân, Hội anh em dân chủ, các đài, báo như BBC, RFA, VOA... đăng bài viết của những người tự xưng “nhà cải cách” phê phán đảng cộng sản, chế độ XHCN rồi mặc nhiên quy kết “chừng nào còn độc đảng, còn “theo định hướng XHCN” thì tham nhũng còn tràn lan”. 

Đây là luận điệu xuyên tạc hòng phủ nhận bản chất, quyết tâm chính trị của Đảng ta. Thực chất, tham nhũng là một vấn đề nan giải, một căn bệnh nhức nhối ở các quốc gia với chế độ xã hội khác nhau. Ngay tại các nước phát triển, có đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập thì tham nhũng cũng là vấn nạn và nhiều vụ tham nhũng xảy ra ở những người có quyền hành cao cấp của đất nước đó, điển hình là tại Mỹ, nơi không ít người vẫn bày tỏ ngưỡng mộ về “thiên đường tự do”. Watergate - vụ bê bối về quyền lực chính trị để trục lợi từ 1972-1974, trước nguy cơ bị Quốc hội phế truất về cáo buộc tham nhũng, Tổng thống Mỹ Richard Nixon buộc phải từ chức. Cựu Thống đốc bang Illinois George Ryan khi 73 tuổi cũng bị án tù 6 năm vì cáo buộc tham nhũng liên quan huy động tiền hối lộ cho cuộc vận động tranh cử. Ở một số nước, có không ít nguyên thủ quốc gia khi thôi giữ chức đã bị truy cứu về tội tham nhũng như Pháp, Thái Lan, Hàn Quốc, Malaysia... Theo đánh giá của Tổ chức minh bạch quốc tế (TI), nhiều nước theo thể chế đa đảng, không do đảng cộng sản cầm quyền như Colombia, Brazil, Malaysia, Thái Lan, Indonesia... cũng bị xếp vào nhóm nước “tham nhũng nghiêm trọng”.

Bài 5: Hiểu đúng trước những quan điểm sai lối, ngược dòng -0
Phiên tòa xét xử cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Đức Vinh liên quan các sai phạm về đất đai.

Đương nhiên, viện dẫn như vậy không có nghĩa là chúng ta hiểu trong điều kiện một đảng cầm quyền thì chống tham nhũng tốt hơn đa đảng. Một đảng hay nhiều đảng, nếu không tự tu dưỡng, luyện rèn, không tăng cường kiểm tra, giám sát, không đấu tranh kiên quyết với thói hư, tật xấu, với chủ nghĩa cá nhân thì nguy cơ dẫn tới cán bộ, đảng viên tha hóa, tham ô, nhũng nhiễu là khó lường. Do vậy, quá trình xây dựng, phát triển, Đảng ta thấy rõ những khiếm khuyết, những hạn chế, tồn tại để làm trong sạch nội bộ, để Đảng vững mạnh, thấy rõ tham nhũng là quốc nạn, nếu không được ngăn chặn sẽ ảnh hưởng tới sự tồn vong của chế độ. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở đảng viên phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân; cán bộ, đảng viên không được biến thành “quan cách mạng”. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 Khóa XI, Khóa XII và mới đây, việc Hội nghị Trung ương 4 Khóa XIII ban hành Kết luận về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ là vấn đề cấp bách thể hiện rõ tinh thần đó.

Như vậy, chống tham nhũng, tiêu cực không phụ thuộc vào thể chế chính trị đa nguyên, đa đảng hay không mà quan trọng là bản chất của đảng đó, chính bản chất này quyết định đến quan điểm, thái độ đối với tham nhũng, tiêu cực ra sao. Đảng Cộng sản Việt Nam với bản chất không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của nhân dân thì hiển nhiên, Đảng coi trọng chống tham nhũng, suy thoái để “cơ thể khỏe”, thực hiện cho được những nội dung mà cương lĩnh, điều lệ đề ra. Những hành động quyết liệt và hiệu quả trong 10 năm qua là minh chứng sống động cho thấy, trong điều kiện một đảng cầm quyền, chúng ta hoàn toàn có thể phòng, chống tham nhũng, tiêu cực gắn với việc phát triển kinh tế, xã hội chứ không phải đa nguyên, đa đảng mới đem lại hiệu quả.

Thứ hai, luận điệu của các tổ chức, cá nhân chống phá rêu rao rằng, chống tham nhũng chỉ là ngụy tạo, việc “trảm” người này, người kia là chỉ dấu cho thấy nội bộ Đảng đang lục đục, đang có sự đấu đá, chia phe cánh “thanh trừng, triệt hạ” lẫn nhau. Một số trang web bên ngoài đưa ra các bài viết xuyên tạc, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, dùng những từ ngữ mang tính quy kết, miệt thị, hướng lái dư luận có cách nhìn sai trái, tiêu cực về chế độ, về Đảng, Nhà nước ta. Đây là kiểu chống phá trơ trẽn “lưỡi không xương” bởi trước đây, khi những vụ việc tham nhũng, tiêu cực lớn chưa được xử lý hoặc xử chưa nghiêm thì số này rêu rao “đảng chỉ tắm từ cổ”, trừ ra “vùng cấm”, phê phán việc bao che, dung túng cho tham nhũng. Nay, khi chúng ta xử lý nghiêm minh, rốt ráo thì cũng chính những tổ chức, cá nhân đó lại “bẻ lái”, vu cáo nội bộ “đấu đá, triệt hạ”.

Thứ ba, với công cuộc “nhóm củi, đốt lò”, đã xuất hiện luồng ý kiến cho rằng, xử lý mạnh tay thì hết cán bộ, lấy ai làm việc, đồng thời cảnh báo “nhóm lò mạnh” sẽ gây bất ổn xã hội(!?). Từ đó, những ý kiến này đề nghị nên dừng lại công cuộc “nhóm củi, đốt lò”, dành thời gian để phát triển kinh tế, xã hội; cổ súy quan điểm không xử hình sự mà chỉ cần xử lý hành chính, nhẹ hơn thì nhắc nhở, răn đe là đủ...

Những quan điểm nói trên là sai lệch, các thế lực thù địch, phần tử xấu cũng lợi dụng điều này để thổi phồng nhằm hướng lái dư luận hiểu sai vấn đề. Mục đích, ý nghĩa của phòng, chống tham nhũng, suy thoái, tiêu cực đã được xác định rõ trong nhiều văn bản của Đảng, Nhà nước, trong đó Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII chỉ rõ, nếu không ngăn chặn hiệu quả sẽ làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, là một nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ. Thực tiễn cho thấy, công tác phát hiện và xử lý tham nhũng đã được chỉ đạo và thực hiện một cách bài bản, đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả, tạo bước đột phá với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Điều căn bản là “xử một số người để cứu muôn người”, từ việc xử nghiêm có ý nghĩa cảnh tỉnh, răn đe sâu sắc. “Không phải như một số ý kiến cho rằng, nếu quá tập trung vào chống tham nhũng sẽ làm nhụt chí, chùn bước những người dám nghĩ, dám làm, làm chậm sự phát triển đất nước mà hoàn toàn ngược lại, chính nhờ làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại, đặc biệt là góp phần lấy lại và củng cố niềm tin của Nhân dân” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại Hội nghị tổng kết 10 năm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Thứ tư, từ việc đặt vấn đề “vì sao bắt nhiều, xử nhiều mà tham nhũng vẫn phức tạp”, có ý kiến “khuyên” nên phó mặc vì “bắt sâu này lại có sâu khác”. Cách đặt vấn đề như vậy thể hiện tư tưởng tiêu cực, buông xuôi mà không nắm được bản chất và ý nghĩa việc nghiêm trị gắn với cảnh tỉnh. Cần hiểu vấn đề tham nhũng, tiêu cực ở nước ta gắn với sự hình thành, phát triển kinh tế, văn hóa qua các triều đại phong kiến, chế độ thực dân cho đến ngày nay. Vấn nạn tham nhũng, tiêu cực đã hình thành từ lâu đời qua các triều đại phong kiến với những biểu hiện được dân gian đúc kết như: “Một người làm quan, cả họ được nhờ”, “con vua thì lại làm vua”, “nén bạc đâm toạc tờ giấy”, “cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan”... Việc ngăn ngừa, chống tham nhũng đã đặt ra từ lâu đời với những quy định khác nhau.

Chúng ta xây dựng, cải tạo xã hội khi văn hóa, lối sống của con người vẫn mang những tập tục xa xưa, trong đó có những thói hư, tật xấu, thói tham lam, danh lợi, cá nhân chủ nghĩa... Chủ tịch Hồ Chí Minh thấy rõ những nguy cơ này nên ngay từ thời kỳ kháng chiến, kiến quốc, Người đã thường xuyên giáo huấn, giáo dục đạo đức cho cán bộ, đảng viên và coi trọng pháp trị. Sau khi bác đơn ân giảm tử hình với Trần Dụ Châu, trong tài liệu có những dòng chữ Bác Hồ (biên bản họp Hội đồng Chính phủ tháng 11-1950) nói về vụ Trần Dụ Châu rằng: “Chúng ta sinh ra trong một xã hội phong kiến và thực dân, một xã hội ham danh ham lợi. Danh lợi dễ làm hư người. Danh lợi là tập quán. Bây giờ chúng ta dùng cán bộ để cải tạo xã hội mà không có chính sách, biện pháp cải tạo cán bộ, đấy là khuyết điểm”. Như vậy, Bác đã chỉ rõ danh lợi “làm hư người” nhưng lại là vấn đề có tính tập quán từ lâu đời. Cải sửa tập quán xấu đó là cả vấn đề hết sức khó khăn, phức tạp đòi hỏi sự kiên nhẫn, kiên trì và việc Đảng ta ban hành, quyết liệt thực hiện các nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng là sự khẳng định quyết tâm cải tạo xã hội theo tư tưởng của Người.

Đăng Trường
.
.