Vu lan còn mẹ

Thứ Sáu, 22/08/2008, 11:00
Mùa Vu lan này, các anh chị em tôi may mắn và hạnh phúc khi một lần nữa như bao mùa Vu lan khác, chúng tôi kiêu hãnh cài lên ngực mình bông hồng đỏ thắm để đi lễ chùa. Cái hạnh phúc đó thiêng liêng và quý giá đến nhường nào. Cuộc đời của mẹ tôi là cả một câu chuyện dài...

Khi tôi còn là một đứa trẻ, nỗi ám ảnh sợ hãi nhất của tôi là lỡ mẹ chết. Tôi sợ mất mẹ, sợ mẹ bỗng dưng chết và tôi mồ côi mẹ lê la liếm lá đầu đường như câu ca mẹ vẫn đọc cho tôi nghe, khiến cho tôi thót tim vì lo.

Mẹ sinh tôi năm bà 46 tuổi, nghĩa là tôi lớn lên một chút thì mẹ đã già lắm rồi, tóc mẹ bạc trắng và hai hàm răng của mẹ rụng chỉ còn lơ thơ mấy chiếc (mẹ tôi bị bệnh rụng răng rất sớm, thiếu can xi, thiếu sắt, ngoài 50 tuổi, răng mẹ đã rụng gần hết). Tôi là đứa con út ít không may mắn được hình dung cha mẹ của mình hồi trẻ.

Ngày ấy, trong vô vàn những suy nghĩ viển vông của một đứa trẻ, tôi luôn ngồi một xó nhà và tưởng tượng, nếu mẹ chết chắc chắn tôi cũng sẽ chết. Khi mọi người đóng nắp quan tài lại, tôi sẽ nhảy vào sau cùng. Tôi sẽ van nài, thậm chí là gào thét, kiên quyết xin mọi người hãy cho tôi được chết cùng mẹ. Trong tiềm thức của tôi lúc đó, tôi không thể sống mà không có mẹ. Ý nghĩ đó làm cho nước mắt của tôi trào ra giàn giụa, làm cho tôi quặn đau mỗi khi nghĩ đến.

Mẹ tôi là một người phụ nữ điển hình của những người phụ nữ Việt Nam, thất học, lam lũ, chịu muôn vàn cay cực khổ ải để bươn chải nuôi đàn con nên người. Đã có nhiều thầy cô giáo nơi mẹ tôi làm việc xưa và bạn bè của anh chị em tôi hỏi rằng tại sao tôi không viết về mẹ, không bắt đầu những bức chân dung đầy số phận từ cuộc đời của mẹ mình.

Mùa Vu lan này, các anh chị em tôi may mắn và hạnh phúc khi một lần nữa như bao mùa Vu lan khác, chúng tôi kiêu hãnh cài lên ngực mình bông hồng đỏ thắm để đi lễ chùa. Cái hạnh phúc đó thiêng liêng và quý giá đến nhường nào. Cuộc đời của mẹ tôi là cả một câu chuyện dài.

Số phận đã trở nên không bình an khi bà ngoại vừa sinh mẹ tôi và cậu Thủy được vài năm, thì ông ngoại tôi sau khi thua bạc bán hết hơn ba chục mẫu ruộng và mấy chục con trâu bò, một đêm ông nói với bà ngoại rằng ông mua tơ lụa sang Lào buôn bán ít năm rồi về chuộc lại ruộng nương vườn tược trâu bò đã gán nợ. Ông để lại bà ngoại non dại 19 tuổi, chới với hai con thơ, ông bỏ đi biệt xứ tận 15 năm.

Mười lăm năm ấy, mẹ tôi không thể nào quên được hình ảnh, cụ ngoại tôi ở Thạch Trung, hàng tuần lại sai người giúp việc đi bộ hơn chục cây số đội một thúng đầy trong đó đủ gạo, nếp, thịt cá về Cẩm Vịnh làng tôi và trao cho bà ngoại để bà nuôi mẹ tôi với cậu Thủy.

Bà ngoại tôi xinh đẹp có tiếng. Ông bỏ đi biệt xứ 15 năm không một tin tức, bà cam phận nuôi hai con, và từ chối mọi đám dạm hỏi để chờ ông ngoại. Bà nói, đến chết bà vẫn chờ ông về. Mười lăm năm, bà chờ ông với một tình yêu và niềm tin có lúc vô vọng. Thế rồi ông ngoại đột ngột trở về thật. Bà cười trong nước mắt. Ông ngoại về, bà sinh thêm cho ông cậu Xiêm, cậu Tư và dì Tam, cậu Thủy đi bộ đội đánh Pháp rồi hy sinh, cậu Xiêm ốm rồi mất khi còn nhỏ. Nhà chỉ còn lại mẹ, cậu Tư và dì Tam.

Ngoài 50 tuổi hai mắt bà ngoại bị mù, bà sống những năm tháng cuối đời trong mù lòa, rất khổ. Mẹ nói bà mù sớm do mắt bà khóc nhiều quá trong 15 năm ông biệt xứ. Ông ngoại trở về năm mẹ tôi tròn 17 tuổi. Cũng là năm mẹ đi lấy chồng theo sự xếp đặt của gia đình.

Cha tôi con trưởng của cụ giáo Lê Văn Mân. Ông nội tôi là cụ đồ nho khá nổi tiếng ở huyện Cẩm Xuyên. Ông tham gia Đảng Cộng sản năm 1930-1931 và có tên trong lịch sử Đảng bộ huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh. Bà nội tôi là người phụ nữ tháo vát, gia đình ông bà nội tôi hồi cải cách bị quy là địa chủ, sau sửa sai được minh oan và trả lại toàn bộ gia sản ruộng vườn. Mẹ về làm dâu mới chỉ học đến lớp 3, không biết làm bất kỳ việc gì ngoài việc thêu thùa nội trợ. Cha nối nghiệp ông nội làm nghề dạy học, mẹ về làm dâu mới bắt đầu học việc đồng áng như một người nông dân thực thụ.

Thương mẹ, cha xin cho mẹ đi làm cán bộ cấp dưỡng ở trong trường học. Cuộc sống của cha và mẹ trải dài trong những năm tháng chiến tranh bom đạn và sơ tán và xa nhau biền biệt. Mẹ lấy chồng năm 17 tuổi, 10 năm liền mẹ không hề có dấu hiệu sinh nở và làm mẹ. Cha là con trai cả, bà nội mấy lần khuyên cha lấy thêm vợ lẽ. Mẹ thương cha, mặc cảm thân phận không sinh nở được, mẹ bỏ về nhà ngoại để cho cha đi lấy vợ. Cha kiên quyết không chịu, sướng khổ gì đều do số trời, cha quyết không bỏ mẹ.

Sau 10 năm, mặc người đời dè bỉu thị phi, cuối cùng mẹ cũng là một người đàn bà bình thường biết sinh nở như những người đàn bà khác. 27 tuổi, mẹ có thai rồi sinh anh Lộc. Vừa sinh ra được mấy ngày, anh Lộc mất. Mẹ lại có thai, lại sinh chị Đỏ, lại được mấy ngày, chị mất. Mẹ khóc hết nước mắt, đau khổ mỏi mòn. 

Trong 3 năm liền, năm nào mẹ cũng mang nặng đẻ đau vật vã 9 tháng mười ngày sinh nở 3 lần, cả ba đều không nuôi được. Cả mấy anh chị em tôi bây giờ đều không hình dung được vì sao, mẹ có thể chịu đựng và vượt qua nổi những bất hạnh của thời khắc ấy.

Ông bà nội ngoại gần như tuyệt vọng, chỉ có mẹ là không tuyệt vọng. Mẹ tiếp tục có thai, và đến năm 30 tuổi, mẹ mới sinh con trai đầu lòng là anh Ninh. Từ đó trở đi, cứ cách 3 năm một mẹ đẻ một lèo 5 con, hai trai ba gái. Tôi là con út của mẹ. 5 anh chị em tôi lớn lên trong thời bao cấp, cha đi dạy học xa, mẹ làm nghề nấu ăn ở trong Trường cấp 3 Cẩm Bình, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh.

Cuộc sống thời bao cấp đói khổ vô cùng, bữa cơm của chúng tôi bao giờ cũng vơi đi và mẹ hầu như không có khẩu phần ăn vì mỗi lần chia cơm cho các thầy cô giáo trong trường, mẹ thương các thầy đói, phần cơm đầy lên nên chia đến cuối thiếu cơm, mẹ lại phải chạy về nhà xúc cơm nhà ra để chia cho các thầy.

Bao nhiêu lần chứng kiến mẹ chỉ vét miếng cháy ăn đỡ đói lòng. Mà thật ra, có mấy khi cả nhà được ăn cơm, toàn ăn khoai, ăn hạt bo bo trừ bữa. Thương mẹ không còn răng, ăn bo bo thật khổ. Ám ảnh bởi hàm răng rụng sớm của mẹ, nghĩ đến mẹ, chúng tôi lại ứa nước mắt. Bây giờ có thức ăn ngon, có cơm trắng, thì mẹ cũng có thưởng thức trọn vẹn được đâu. Răng mẹ rụng lâu quá, khi có tiền để đi làm răng cho mẹ thì hàm đã lão hóa, không còn làm được nữa.

Ngay từ đầu, mẹ đã nung nấu một quyết tâm nuôi 5 anh chị em tôi ăn học bằng được. Mẹ nói, chỉ có học mới thoát nghèo, thoát khổ được. Nhìn ra trước mắt sau lưng quê mình chỉ có gió lào, cát trắng, đất cày lên sỏi đá, nếu không học, không thể ngẩng đầu lên được.

Vậy là cả 5 anh chị em thi nhau học, vừa làm tất cả đủ mọi nghề như làm ruộng, trồng rau, nuôi lợn, cuộn thuốc lá, cuộn hương, làm pháo để bán lấy tiền ăn học. Mẹ là người thất học nhưng nói chữ rất giỏi. Mẹ ngâm thơ lẩy Kiều và thuộc cả một kho tàng những câu thành ngữ, tục ngữ. Trường hợp nào, muốn dạy dỗ con vấn đề gì mẹ đều vận thơ, tục ngữ, thành ngữ vào cho chúng tôi thấm thía hết nhẽ điều mẹ nói.

Tôi thuộc các làn điệu hát ru cổ, thuộc thành ngữ, tục ngữ xứ Nghệ cũng bắt đầu từ mẹ. Và hình như cuộc đời của mẹ, tâm hồn của mẹ đã neo vào tôi từ ngày thơ bé một mối giao cảm mơ hồ để sau này tôi là đứa con duy nhất lạc loài trong gia đình và dòng họ, trở thành một người viết văn.

Cuối cùng vào những năm 70-80, 5 đứa con của mẹ lần lượt vào được đại học cả 5, gia đình tôi có tiếng về sự học ở làng Cẩm Bình, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh. Hồi đó, cả làng, cả xã, mới có một vài người đỗ đại học. Đỗ đại học là một sự kiện lớn, là ước mơ của hàng bao nhiêu học sinh nghèo. Và để nuôi được 5 con lần lượt vào đại học, gánh nặng cơm áo oằn lên lưng mẹ.

Mẹ nghỉ hưu, vẫn trụ lại ở làng Cẩm Bình để kiếm tiền nuôi các con học xa. Năm tháng vừa qua bao cấp, chưa ai mở quán hàng nước bánh kẹo rượu thuốc thì mẹ đã thức thời mở quán. Cái quán nước là cứu cánh cho 5 đứa con đang đi học xa ở Hà Nội của mẹ.

Thật ra, mẹ quá thông minh, có đầu óc kinh doanh. Mẹ dựng lều ở chợ Đình, trong khu mồ mả chưa cất hết, một mình mẹ trụ lại đó để buôn bán. Người đàn bà đơn thân và già nua, ở xứ khác đến đây, một mình chống chọi với người đời, nhẫn nại còng lưng bám víu vào mảnh đất Cẩm Bình mà nuôi con ăn học. Không thể kể hết những nỗi niềm cay cực, cơ hàn mà mẹ con chúng tôi đã trải qua những năm tháng ấy.

Ký ức về mẹ, mỗi lần nhớ tới lại ứa nước mắt. Tôi nhớ năm bao cấp, mẹ là thành phần thấp nhất cơ quan chờ mãi đến bao nhiêu đợt phân phối cho các thầy cô giáo xong, mẹ mới được đến lượt xét mua hàng. Năm đó mẹ được phân phối một tấm lụa hồng. Tấm lụa đẹp như chỉ có trong cổ tích. Mẹ cất kỹ dưới đáy rương, một năm đến Tết, mẹ giở rương ra một lần và cho chúng tôi sờ vào tấm lụa hồng ấy một tý, để cảm nhận.

Mẹ nói, để dành cho chị cả đi lấy chồng. Nhưng rồi không đứa con nào của mẹ chịu nhận tấm lụa, bắt mẹ đi may áo bằng được. Mẹ nắc nỏm tấm lụa đẹp quá, may thì tiếc, cả đời mặc áo gụ vá vai rồi, mẹ sợ nhất khi chết không có tấm áo đẹp mà mặc, thôi để khi chết, liệm cho mẹ bằng tấm lụa này.

Sau khi chúng tôi tốt nghiệp đại học ra trường và đi làm, việc đầu tiên là mẹ dành hết toàn bộ tiền còn lại mua một cặp ván để nhờ người đóng một đôi hòm gỗ cho cả cha và mẹ khi nhắm mắt xuôi tay. Hồi đó, mua được một cặp ván gỗ để làm hậu sự cho mình là một việc không đơn giản. Mẹ thở phào nói với mấy anh em tôi. Bây giờ các con nên người rồi, mẹ và cha có cỗ hậu sự và tấm lụa hồng, có chết mẹ cũng an lòng.

Chao ôi, một tấm lụa thời bao cấp mẹ cất giữ đến mức mỗi một lần lấy ra vạt lụa thêm một lần bị nấm mốc, hoen ố. Mẹ tiếc xót đứt cả ruột nhưng vẫn không dám may, để lỡ sau này chết không có tiền mua được một tấm áo liệm tử tế. Cho đến khi, các con của mẹ đã đi làm, đã có thể mua tặng mẹ được chiếc quần láng, áo phin thì tấm lụa hồng của mẹ cũng đã hoen ố gần hết.

Lúc này mẹ mới gọi chị Hường về chở mẹ ra thị xã may áo. Lúc giở tấm lụa ra để đi may, những vạt ố, lụa đã bị mủn, rách lả tả. Mẹ ôm tấm lụa vào ngực, nước mắt rơm rớm. Khi chúng tôi có đủ tiền để mua áo lụa, áo gấm và quần lụa cho mẹ thì lưng mẹ đã còng gập sát đất. Khoác bao nhiêu áo lụa áo gấm lên người, mẹ cũng chẳng còn đứng thẳng lưng lên được nữa để xem trong gương chiếc áo lụa đẹp đến thế nào.

Năm nay cả cha mẹ đều đã 83 tuổi, mùa Vu lan này, các con vất vả của mẹ mới có thể dành dụm tiền xây nên một nếp nhà khang trang khép kín cho cha mẹ ở. Dẫu biết là đã quá muộn mằn, nhưng chúng tôi không thể làm sớm hơn được vì mẹ nhất quyết không chịu. Mẹ đã quen nằm giường tre, ở trên nền nhà đất, quen ăn cà, ăn mắm kho thật mặn và quen đi vệ sinh cách xa một quãng vườn nên thấy các con gom góp một đống tiền để xây một cái nhà cho cha mẹ lúc gần nhắm mắt xuôi tay, mẹ tiếc của.

Mẹ nói các con đều ở xa, không ai về quê nên xây nhà làm gì cho tốn kém. Nhưng mẹ ơi, mùa Vu lan năm nay, chúng con hạnh phúc hơn bao giờ hết vì chúng con đã kịp tri ân được với cha mẹ, dẫu chỉ là một chút nhỏ của lòng hiếu thảo. Con đã định viết về mẹ rất nhiều lần để mẹ hiểu chúng con yêu cha mẹ và tự hào về cha mẹ đến nhường nào trước khi chưa quá muộn. 

Vậy mà đến bây giờ, con mới có thể cầm bút viết được có bấy nhiêu thôi. Một mùa Vu lan nữa tới rồi, con hạnh phúc và nguyện cầu mãi mãi được cài hoa đỏ mỗi khi lên lễ chùa cầu phúc cho cha mẹ kính yêu.

Như Bình
.
.