Tết - nếp nghĩ theo ký ức trôi

Tết cũ

Thứ Bảy, 13/02/2016, 02:56
Tôi sinh ra và lớn lên ở góc phố cũ Hàng Bông, Hà Nội, tuổi thơ thời bần hàn bao cấp lẫn lộn trong tiếng leng keng bến tàu điện Phùng Hưng trước cửa nhà. Tết cũng vậy thôi, cái không gian ấy chả mấy biến chuyển bởi ám ảnh cái nghèo. 

Khu phố lụp xụp ấy sẽ vắng lặng hơn dưới hàng cây bàng cao lớn trơ khấc cành từ khoảng ngày 27 tháng Chạp. Thưa thớt tiếng tàu điện, lẻ loi tiếng í ới bởi hình như những mẹ, những chị nông dân lam lũ cũng đã về quê, họ gác lại mưu sinh ngày cùng tháng tận cuối năm, không còn phải tất bật gồng gánh những mớ rau, con gà chông chênh trên những chuyến tàu điện tỏa đi khắp nội thành nữa.

Mẹ tôi về nhà trên chiếc xe đạp cũ như mọi ngày, mẹ vui hơn bởi trên ghi-đông treo lủng lẳng túi quà tết của cơ quan. Trong đó có vô vàn giấc mơ năm cũ của trẻ nhỏ, là hộp bìa xanh đỏ chia ngăn đựng mấy loại mứt Tết ngọt đường, có mứt dừa trắng cắt lát mỏng dính quăn queo, có mứt bí ngọt lịm mát lành sau mỗi nhát cắn… Và hơn cả, có bánh pháo Trúc Bạch cuộn tròn như con rắn nhũ bạc óng ánh, phía trong lòng nó ôm chặt vài quả pháo đùng to như ngón cái. 

Năm nào cũng vậy, tôi luôn xí phần mà giấu biến bánh pháo Tết huỳnh quang vào gầm giường, nơi cất giấu mọi điều bí mật của đứa trẻ hiếu động. Còn mẹ, mẹ vo tròn chiếc săm xe đạp là phần thưởng cán bộ giỏi, bọc mấy lớp giấy báo giấu vội sau chiếc tủ mục nát. Nhà tôi cheo leo khuất nẻo trên tầng 2 tập thể cũ, xung quanh đều là thân thích nhưng việc mất trộm nhìn thấy im lặng hoặc biết chỉ để hiểu vẫn diễn ra mọi thời điểm, dù đó có thể là miếng xà-bông mậu dịch đang dùng dở.

Người ta bảo rằng khi chủ nghĩa vật chất lên ngôi, con người sẽ ích kỷ hơn, nhỏ nhen hơn, có lẽ không phải vậy. Ngay cả khi bần hàn nhất thì phần con người hẹp hòi luôn hiện hữu như bản chất cuộc sống.

Tôi nhớ chiều 30 Tết năm 1984, lần đầu tiên tôi thấy mẹ khóc, trên tay mẹ là đĩa thịt gà dính đầy vỏ pháo. Ngày 28 Tết năm ấy, bà ngoại tuốt dưới Hải Dương gửi anh họ lặn lội gần 80km bằng xe đạp đi mất cả ngày đường xách lên cho gia đình con gà và ít trứng. Mẹ còn cẩn thận úp nó dưới cái sọt cũ rách với bát rau vụn, cơm nguội trộn nước lã. Có lẽ gã hàng xóm đợi lúc con gà luộc vội được bày biện chuẩn bị mâm cơm cúng cuối năm mới mang bánh pháo ra đốt bên cạnh mẹ tôi. Cho đến giờ, sau gần 40 năm tôi vẫn nhìn gã thanh niên nhiều hiềm tị ấy giờ đã là một ông già với ánh mắt vô cùng thiếu thiện cảm.

Minh họa: Hữu Khoa.

Tết bây giờ no ấm, chỉ có lòng người là thưa, lại là một cảm nhận rất chủ quan. Tết giờ như lúc thanh khoản các món nợ tiền tài, ân nghĩa và họ thực dụng từng cái bắt tay lẫn nụ cười giả lả. Những lời chúc tụng sáo rỗng giống nhau chằn chặn làm lòng người thêm hoang mang. 

Bởi vì sao, hay vì có những người ăn mày dĩ vãng giống như tôi. Này thì ê hề thịt mỡ, bánh chưng, không phải mua đậu, đong gạo, nắn nót gói từng chiếc như thổi hồn vào đó. Ngoài chợ có cả mà, họ mua sỉ hình thức sung túc, nhan nhản đứa trẻ nhoay nhoáy bóc phong bao lì xì cười cợt chê ít khen nhiều, chỉ có người lớn bỗng khoảnh khắc ấy nhìn nhau nở nụ cười ngượng nghịu.

Khi đã đi qua gần nửa cuộc đời, bỗng tôi đặt dấu hỏi rằng không biết ai phát minh ra Tết nhưng có lẽ chắc chắn rằng đó phải là một người phụ nữ có chồng.

Tết là mốc giao thời vô cùng quan trọng để các chị em có thể nhắn nhủ người đàn ông của mình liều liệu mà chuẩn bị hiện thức hóa vô số lời hứa “Sang năm anh sẽ…”. Chắc cũng có nhiều anh em cùng hoàn cảnh giống tôi, ngóng Tết trong một tâm trạng vô cùng khó miêu tả.

“Lời hứa mà không lo gìn giữ
Thì vẫn là lời hứa mà thôi
Lời hứa dù hay ơi là hay
Một con vẹt cũng nói được ngay”.

(Phép lạ hàng ngày - Lê Tâm)

Về cơ bản Tết là vui, 3 ngày ấy giống như chiếc phanh rà cho thời gian chậm lại mà hồi ức. Đó là cảm xúc Tết của người lớn. Bỗng loay hoay nhớ năm mới thời tuổi thơ, căn phòng chật chội bỗng sáng rực bởi trên bàn góc nhà, mẹ sẽ luôn cắm một lọ hoa lẫn lộn đủ loại thược dược, đồng tiền, violet…

Những loại hoa này bây giờ hình như chả mấy ai cắm nữa. Bữa cơm thì hiển nhiên ngon hơn cả năm rồi, no căng bụng và loay hoay bắc ghế trèo lên bàn thờ xin các cụ que hương để đi đốt pháo. Đám trẻ con hàng xóm quanh năm hậm họe chành chọe bỗng mấy ngày này thấy nhau lại mủm mỉm cười rất lịch lãm…

Còn bao thứ chuyện không thể quên của những ngày Tết cũ, ngồi nhớ lại bỗng ầng ậng nước mắt thấy như khi đang lên 8. Có lẽ cũng phải tính làm gì đó cho đứa con giai đầu lòng có được một ký ức Tết long lanh như bố.

Tết rồi, một câu cửa miệng nhàm chán, công nợ, ân nghĩa chất vời vợi, chỉ có giản dị như chị em thường lo lắng tính toán ăn uống từ Giao thừa đến Mùng 3 như thế nào không béo.

Vấn đề thật sự của béo phì là nó xảy ra từ Mùng 3 đến giao thừa, cũng giống như tất thảy vậy, hiện lên một nỗi sợ hãi Tết không mang tên.

Hoàng Minh Trí
.
.