COVID-19 tạo khoảng lặng cải thiện cho Ngày Thơ Việt Nam

Thứ Hai, 01/03/2021, 12:08
Do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Ngày Thơ Việt Nam vào Rằm tháng Giêng năm nay không được tổ chức trên phạm vi toàn quốc. Đây là năm thứ hai, không gian thơ ở Văn Miếu và ở nhiều nơi khác không xuất hiện. Thế nhưng, ngẫm nghĩ cho thấu đáo, rõ ràng COVID-19 cũng tạo ra khoảng lặng cần thiết để cải thiện chất lượng Ngày Thơ Việt Nam.

Tết Canh Tý 2020, khi virus corona bắt đầu bước vào câu chuyện âu lo của người Việt, thì Ngày Thơ Việt Nam đã bị hủy bỏ. Trừ một vài tỉnh thực hiện Ngày Thơ Việt Nam gói gọn trong khán phòng nho nhỏ, thì hầu hết các địa phương có sự đầu tư tương đối cho Ngày Thơ Việt Nam đều tạm ngưng hoạt động dịp Nguyên Tiêu năm ngoái. Tại TP Hồ Chí Minh, khi Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh gặp mặt các Trung tâm văn hóa để thông báo không tổ chức Ngày Thơ Việt Nam thì những tràng vỗ tay đồng loạt vang lên. Sự phản ứng bất ngờ ấy nói lên điều gì? Không cần phân bua nữa, chính những nhân tố góp sức vào Ngày Thơ Việt Nam cũng thấy rằng sân chơi này đang ngày càng nhạt nhẽo và phải thay đổi.

Không ai phủ nhận giá trị của Ngày Thơ Việt Nam trong đời sống tinh thần thời hội nhập của người Việt. Tuy nhiên, nội dung và hình thức lặp đi lặp lại một cách nhàm chán của Ngày Thơ Việt Nam là yếu tố mà những người đăng cai nên đắn đo. Ngày Thơ Việt Nam không chỉ là nơi xuất đầu lộ diện của những nhà thơ, mà còn là điểm đến thú vị của người yêu thơ. Làm sao để lôi cuốn công chúng đến với Ngày Thơ Việt Nam mới là vấn đề đáng suy tư.

Ngày Thơ Việt Nam được khởi xướng từ Nguyên Tiêu 2003. Năm ấy, tại Văn Miếu, Phó Chủ tịch Quốc hội - Trương Quang Được đã đánh trống khai mạc, và lá cờ thơ được tung bay như một tín hiệu lạc quan của một dân tộc ưa chuộng thi ca. Tính toán chi li, Ngày Thơ Việt Nam đã được tổ chức 17 lần trên toàn quốc. Thế nhưng, trước khi có Ngày Thơ Việt Nam thì đã có hai địa phương đi trước về việc tôn vinh thơ. Thứ nhất, là đêm thơ truyền thống của tỉnh Phú Yên có từ năm 1980. Thứ hai, là ngày thơ truyền thống của tỉnh Quảng Ninh có từ năm 1987. Chính sự tưng bừng của Phú Yên và Quảng Ninh đã  tạo tiền đề cho Ngày Thơ Việt Nam.

Ngày thơ Việt Nam 2019. Ảnh: L.G.

Ngày Thơ Việt Nam ra đời, nâng ý nghĩa thi ca trong xã hội lên một tầm vóc mới. Và từ đó cũng đặt ra nhiều đòi hỏi hơn về quy mô cũng như trình độ tổ chức Ngày Thơ Việt Nam. Để Ngày Thơ Việt Nam thực sự là một lễ hội văn hóa, có hai tiêu chí phải được tính toán: địa điểm và phương pháp. Thủ đô Hà Nội có Văn Miếu là một địa điểm lý tưởng, đủ chỗ cho hàng ngàn người tham dự trong một không gian đậm phong vị lịch sử. Tỉnh Quảng Ninh có vách núi Truyền Đăng là nơi vua Lê Thánh Tông khắc bài thơ để được gọi Núi Bài Thơ, nhưng ngày thơ lại chẳng thể diễn ra thường xuyên ở nơi mây trời khoáng đãng, mà thu vào khán phòng Trung tâm văn hóa thành phố Hạ Long. Tỉnh Phú Yên có di tích Núi Nhạn là nơi tổ chức Ngày Thơ Việt Nam độc đáo, với tháp cổ ở giữa đô thị, thi ca được chắp cánh với cảm hứng dạt dào một bên sông trôi một bên biển sóng và một bên lung linh ánh điện phố phường. 

Nếu so với Hà Nội, Quảng Ninh và Phú Yên thì TP Hồ Chí Minh lại thua thiệt về địa điểm tổ chức. Suốt bao nhiêu năm qua, Ngày Thơ Việt Nam ở thành phố nhộn nhịp nhất phương Nam cứ liên tục thay đổi địa điểm mà vẫn chưa có chốn ưng ý. Dùng mấy chục mét vuông khoảng sân của trụ sở Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật TP Hồ Chí Minh để tổ chức thì người ngoài nhìn vào sẽ thấy không khác gì hội trại của học sinh phổ thông. Vì sao TP Hồ Chí Minh chưa đầu tư thỏa đáng cho Ngày Thơ Việt Nam xứng tầm với vị trí một trung tâm kinh tế - văn hóa của cả nước? Đó là câu hỏi day dứt của không ít người tâm huyết với hoạt động thi ca. Có phải TP Hồ Chí Minh không có địa điểm nào phù hợp không? Xin thưa, khuôn viên Bến Nhà Rồng, hoa viên Bách Tùng Diệp hoặc khu vực Bảo tàng Lịch sử nằm trong Thảo Cầm Viên đều là những địa điểm đáng được trưng dụng. 

Hàng năm, cứ đến Ngày Thơ Việt Nam thì mọi sự chú ý đều đổ dồn vào Văn Miếu. Đó là lẽ thường, vì hoạt động cốt lõi của Hội Nhà văn Việt Nam dành cho Ngày Thơ Việt Nam diễn ra ở đây. Hơn nữa, thủ đô luôn hội tụ nhiều tao nhân mặc khách. Tuy nhiên, Ngày Thơ Việt Nam ở Văn Miếu có đáp ứng được sự kỳ vọng của công chúng hay chưa? Quanh đi quẩn lại vẫn chỉ những chiêu trò cũ kỹ. Poster khổ lớn giới thiệu các nhà thơ, là một ý tưởng thú vị được nhà văn Phan Thị Vàng Anh thực hiện cho các cây bút trẻ cách đây 15 năm, vẫn liên tục được dùng cho những nhà thơ lão thành hoặc nhà thơ quá cố, như một cuộc triển lãm bất di bất dịch. Kế đến là màn thả bong bóng mang theo những câu thơ lên trời. Còn gì nữa, một sân khấu chính cho các nhà thơ nối nhau lên đọc thơ. Nói dở thì e rằng hơi cay nghiệt, nhưng nói hay thì e rằng hơi dễ dãi. Tính sáng tạo hầu như không tìm thấy ở mỗi Ngày Thơ Việt Nam tại Văn Miếu. Cho nên, nhà thơ và người yêu thơ đến đây chủ yếu để gặp gỡ nhau, để chụp hình lưu niệm tung lên Facebook, còn giá trị thi ca bỗng dưng đóng vai phụ bẽ bàng.

Một lực lượng sáng tạo thi ca hùng hậu mà không chung tay làm được Ngày Thơ Việt Nam đa thanh đa sắc mỗi năm, thì cũng đáng buồn.

Trong bối cảnh COVID-19 diễn biến phức tạp, không thể tổ chức Ngày Thơ Việt Nam năm Tân Sửu, thì cũng là khoảng lặng để cùng nhau cải thiện chất lượng Ngày Thơ Việt Nam.

Trước hết, cần xác định lại một lần nữa, Ngày Thơ Việt Nam phải mang tầm vóc một lễ hội văn hóa. Nghĩa là Ngày Thơ Việt Nam không nhằm để các nhà thơ khoe tài khoe cán, mà là dịp gắn kết công chúng với thi ca. Do đó, đừng bao giờ có ý nghĩ gom góp dăm bài thơ hay rồi ngâm vịnh mà thành Ngày Thơ. Công chúng đến Ngày Thơ Việt Nam không có mục đích tìm kiếm thiên lý mã, mà họ muốn ngắm con ngựa vằn. Nghĩa là Ngày Thơ Việt Nam phải cộng hưởng giá trị thi ca và giá trị trình diễn, hội đủ cả nét vằn và dáng ngựa. 

Một khi đã là lễ hội văn hóa thì phải có tổng đạo diễn, phải có một người vừa yêu thơ vừa am tường về sân khấu. Đừng nghĩ rằng, cứ đưa ra chủ đề chung chung như “Mùa xuân đất nước” hoặc “Sông núi trên vai” mà có được nét riêng cho mỗi Ngày Thơ. Vị tổng đạo diễn sẽ đưa ra ý tưởng xuyên suốt, từ chất liệu của các nhà thơ mà cung ứng và điều phối hoạt động cho cả không gian Ngày Thơ Việt Nam một cách khoa học và nghệ thuật. Tính độc đáo của từng Ngày Thơ Việt Nam sẽ thu hút đám đông và trực tiếp tôn vinh thi ca, không thể dựa vào sự tùy hứng của các nhà thơ và sự ồn ào của các câu lạc bộ thơ.

Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Ảnh: L.G.

Nói đi phải nói lại, muốn có lễ hội văn hóa thì câu hỏi đầu tiên vẫn là… tiền đâu? Kinh phí vài chục triệu đồng không thể kiến thiết một Ngày Thơ Việt Nam cho ra hồn ra vía. Tại sao có những lễ hội tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng, mà ngân sách không thể chi vài tỷ đồng cho Ngày Thơ Việt Nam? Tiền nào của nấy, không thể ép Hội Nhà văn Việt Nam hoặc Hội Văn học Nghệ thuật các địa phương tổ chức Ngày Thơ Việt Nam thật hoành tráng với khoản đầu tư rất khiêm tốn. Bối cảnh dàn dựng cũng cần tiền, mà thù lao cho người trình diễn cũng cần tiền. Nếu đã xem Ngày Thơ Việt Nam là một lễ hội văn hóa thì bài toán tài chính phải được giải quyết căn cơ và thấu đáo. Những cơ quan quản lý Nhà nước đã đến lúc phải có sự quan tâm đúng mức cho Ngày Thơ Việt Nam. Hãy dành một khoản ngân sách thỏa đáng cho Ngày Thơ Việt Nam ở Văn Miếu cũng như Ngày Thơ Việt Nam ở các tỉnh, như là một dự án bồi đắp tinh thần nhân văn cho người Việt Nam.

Góc độ khác, nếu không thể dùng ngân sách thì có thể kêu gọi xã hội hóa cho Ngày Thơ Việt Nam không? Hoàn toàn có thể. Nếu có ý tưởng và chiến lược bài bản cho Ngày Thơ Việt Nam, chắc chắn nhiều Mạnh Thường Quân sẽ không ngần ngại rút ví tài trợ.

Hiện nay, Hội Nhà văn Việt Nam đã có tân Chủ tịch là nhà thơ Nguyễn Quang Thiều vốn năng động và sáng tạo, cho nên công chúng có quyền hy vọng sau thời COVID-19 Ngày Thơ Việt Nam sẽ trở lại mới mẻ, trẻ trung hơn, bay bổng hơn. 

Lê Thiếu Nhơn
.
.