Quan hệ Nga - Mỹ: Chưa dễ cải thiện

Thứ Tư, 07/07/2021, 09:54
Đó là nhận xét của giới quan sát đối với tình trạng của mối quan hệ Nga - Mỹ, bất chấp việc đã xuất hiện một số tín hiệu tích cực trong thời gian gần đây.

Trả lời phỏng vấn báo Rakyat Merdeka (Indonesia) ngay trước thềm chuyến thăm Jakarta, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh bất cứ ý đồ nào của Mỹ nhằm đối thoại với Nga "trên thế mạnh" sẽ thất bại và Moscow sẽ đáp trả cứng rắn đối với những hành động không thiện chí. Ông  nêu rõ: "Những ý đồ đối thoại với chúng tôi trên thế mạnh chắc chắn sẽ thất bại ngay từ đầu. Chúng tôi sẽ đáp trả một cách cứng rắn và kiên quyết đối với những hành động không thân thiện". 

Đánh giá về Hội nghị Thượng đỉnh giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden tại Geneva (Thụy Sĩ) mới đây, Ngoại trưởng Sergei Lavrov đánh giá sự kiện này diễn ra "thẳng thắn và hiệu quả", đồng thời cho biết phía Nga hài lòng về kết quả hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo, trong đó hai bên đã tỏ rõ lập trường và "thể hiện mong muốn hiểu nhau". Theo người đứng đầu ngành ngoại giao Nga, kết quả này, dù khiêm tốn, nhưng có thể được xem là một bước tiến hướng tới "khôi phục trạng thái bình thường" trong quan hệ giữa hai nước dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden. Ảnh: Reuters

Trước đó, trong cuộc phỏng vấn kênh truyền hình Channel One (Nga), người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov cáo buộc Mỹ đang cố gắng "kiềm chế" Nga khi đưa ra những đánh giá tiêu cực về mối quan hệ giữa Moscow với Washington: "Không có ai, ý tôi là phía Mỹ, từ bỏ kế hoạch kiềm chế Nga. Điều này không đem lại gì ngoài những kết quả tiêu cực". 

Người phát ngôn điện Kremlin cho biết, ông không kỳ vọng vào sự thay đổi ngay lập tức trong quan hệ giữa Nga và Mỹ sau Hội nghị Thượng đỉnh Geneva ngày 16/6. "Sẽ cần thêm thời gian để hai tổng thống đạt được sự hiểu biết lẫn nhau", ông nhận định. Quan chức Điện Kremlin cho biết, Tổng thống Vladimir  Putin "đã nhiều lần nhắc đến về việc sẵn sàng" nối lại quan hệ nhưng "phía đối phương sẵn sàng đến đâu thì còn phụ thuộc vào dự định chính trị của họ". Còn trong cuộc trả lời phỏng vấn với kênh Rossiya 24, người phát ngôn điện Kremlin cũng cho biết ông không kỳ vọng sẽ có sự tan băng nhanh chóng trong quan hệ Mỹ - Nga. "Trường hợp này giống như một căn bệnh bị phớt lờ, bạn bắt đầu điều trị và hiệu quả chỉ được thấy sau một thời gian. Chúng ta sẽ cần chờ đợi một vài tháng trước khi có bất kỳ xu hướng hòa hoãn nào mang tính xây dựng trong quan hệ song phương này". 

Những nhận định của ông Dmitry Peskov được đưa ra giữa bối cảnh các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn Sea Breeze của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và đồng minh trên Biển Đen tiếp tục khiến Moscow không hài lòng và Nga đang tiến hành thử nghiệm tính sẵn sàng của hệ thống phòng không ở Crimea, gần địa điểm diễn ra các cuộc tập trận của Mỹ và đồng minh.

Biển Đen từ lâu đã là một điểm nóng căng thẳng giữa Nga và phương Tây. Cuộc khủng hoảng Ukraine biến khu vực này gia tăng nguy cơ trở thành điểm bùng phát xung đột. Theo học giả cấp cao Mark Simakovsky tại Hội đồng Đại Tây Dương, Biển Đen là một trong những khu vực "tạo nên nguy cơ bùng nổ căng thẳng giữa Mỹ và Nga". 

Chuyên gia này cũng cho rằng hai bên đều "rất lo ngại và quan tâm" đến nguy cơ này nhưng cả hai đều từ chối "xuống thang" trước. Trong khi đó, một quan chức NATO khẳng định các quốc gia trong liên minh này sẽ không thay đổi các chiến dịch của mình bất chấp sự phản đối từ phía Nga. Tiến hành các chiến dịch ở Biển Đen là một cách để Mỹ và đồng minh gây sức ép với những tham vọng địa chính trị của Nga. Biển Đen là trung tâm trao đổi dầu và khí đốt của Nga, cũng như là tuyến đường chính cho các kế hoạch quân sự của Nga ở Địa Trung Hải, các vùng biển quanh châu Âu, châu Phi và các bờ biển Trung Đông. Diễn biến tình hình hiện nay hoàn toàn phụ thuộc vào Nga và phương Tây. Nhà quan sát Simakovsky đã gọi đây là "điệu nhảy quân sự, chính trị và ngoại giao điển hình" giữa Nga và Mỹ. Trong khi Tổng thống Vladimir Putin muốn ngăn chặn sự lấn tới của phương Tây và bảo vệ phạm vi ảnh hưởng của Nga thì Mỹ và các đồng minh NATO muốn thể hiện sự ủng hộ Ukraine và một Biển Đen tự do đi lại.

Cũng trong thời gian này, Nga thể hiện mối quan hệ ngày càng sâu sắc với Trung Quốc. Cuối tháng 6/2021, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov trở thành thành viên nội các thứ hai của Nga thăm Trung Quốc kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, sau khi Ngoại trưởng Sergei Lavrov có chuyến thăm tương tự hồi tháng 3. Tháng trước, Tổng thống Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tổ chức các cuộc trao đổi trực tuyến nhân kỷ niệm 20 năm Hiệp ước hợp tác thân thiện và láng giềng hữu nghị Nga - Trung. Một tuyên bố chung đã được đưa ra sau Hội nghị Thượng đỉnh này, trong đó hai bên khẳng định mối quan hệ song phương hiện nay đang "chín muồi, ổn định và vững chắc", đồng thời gọi nhau là "đối tác ưu tiên". 

Tuyên bố chung trên đề cập đến việc quan hệ đối tác chiến lược Trung - Nga là một hình thức mới của mối quan hệ liên quốc gia, chứ "không phải liên minh chính trị - quân sự", song thực tế ở một mức độ "cao hơn" so với liên minh truyền thống thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Tuyên bố này cũng khẳng định sẽ tăng cường hợp tác quân sự Nga - Trung qua việc "thúc đẩy số lượng và quy mô các nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu chung". Điều đáng chú ý là, hai bên đã dành gần 2 trang của tuyên bố chung cho vấn đề an ninh mạng. Moscow từ trước đã hợp tác chặt chẽ với Bắc Kinh về những vấn đề như Internet và quản trị dữ liệu nhưng sự hợp tác này có lẽ đã đạt đến một giai đoạn mới.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.