38 câu hỏi cho Chủ tịch Hội đồng cố vấn Tổng thống Mỹ

Thứ Ba, 14/08/2018, 20:30
Báo ANTG CT - GT là một trong hai tờ báo Việt Nam có cơ hội đối thoại riêng với Giáo sư Jason Furman trong dịp này, và hẳn nhiên, chúng tôi đã tận dụng triệt để gần 2 giờ đối thoại để lắng nghe giáo sư chia sẻ cùng lúc nhiều vấn đề khác nhau.


Giáo sư Jason Furman (Đại học Harvard) từng là Chủ tịch Hội đồng Cố vấn kinh tế của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, đồng thời là người chủ trì xây dựng Chiến lược kinh tế Trí tuệ nhân tạo cho Chính phủ Mỹ. 

Giáo sư có mặt tại Việt Nam vào cuối tháng 7 vừa qua để cùng Giám đốc Viện Nghiên cứu Michael Dukakis (Mỹ), nguyên Tổng Biên tập Báo Vietnamnet Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ chiến lược "Đột phá Kinh tế Trí tuệ nhân tạo cho Việt Nam" mà hai ông là đồng tác giả. 

Báo ANTG CT - GT là một trong hai tờ báo Việt Nam có cơ hội đối thoại riêng với giáo sư trong dịp này, và hẳn nhiên, chúng tôi đã tận dụng triệt để gần 2 giờ đối thoại để lắng nghe giáo sư chia sẻ cùng lúc nhiều vấn đề khác nhau, từ vấn đề "ruột" của ông là sự phát triển kinh tế trí tuệ nhân tạo đến những vấn đề rất nóng như những cuộc chiến tranh thương mại trên thế giới hiện nay.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc: Việt Nam phải làm gì?

1. Phóng viên: Thưa giáo sư Jasson Furman,  điều đầu tiên chúng tôi muốn hỏi ông là những cuộc chiến tranh thương mại trên thế giới có từ bao giờ?

- Giáo sư Jason Furman: Khi mà nước Mỹ có những chính sách và hành động tác động đến Trung Quốc thì đấy là lúc tôi cảm thấy khái niệm chiến tranh thương mại bắt đầu xuất hiện.

2. Chắc chắn độ sát thương là rất khủng khiếp?

- Trong các vấn đề tranh chấp thương mại, về mặt lý thuyết là luôn có người thắng người thua, nhưng qua kinh nghiệm và quan sát của tôi thì tất cả các nước trên thế giới đều sẽ bị ảnh hưởng một cách tiêu cực vì cuộc chiến này, và ở đó phần thắng thường rất ít, phần thua thì rất nhiều.

3. Ông có thể phân tích cụ thể một vài khía cạnh được không?

- Bản chất các cuộc chiến thương mại không giúp tăng hay giảm lợi nhuận quá nhiều, nhưng lại khiến giá trị của các sản phẩm cũng như giá trị của các nền kinh tế bị giảm đi cực lớn và nó tác động trực tiếp đến giá xuất - nhập khẩu. Khi có quá nhiều tranh chấp, xung đột, đầu ra sản phẩm mỗi thứ sẽ đội thêm, giá cả sẽ tăng thêm, người tiêu dùng vì thế sẽ rất thiệt thòi.

4. Những tác động tiêu cực là điều mà Tổng thống Donald Trump đương nhiên cũng đã tính đến. Vậy thì trong tính toán của ông ấy, người Mỹ rốt cuộc sẽ tìm được những khía cạnh tích cực nào?

- Nước Mỹ cho rằng Trung Quốc đã phá bỏ nhiều luật lệ về mặt thương mại quốc tế, xâm phạm vào quyền sở hữu trí tuệ, o ép các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Trung Quốc và bảo hộ các công ty nội địa rất cao. Điều đó buộc Mỹ phải hành động. Nhưng theo tôi, cuộc chiến này không giải quyết được gốc gác vấn đề.

5. Vậy thì đến một lúc nào đó, người Mỹ sẽ phải chủ động rời khỏi cuộc chiến?

- Đến một lúc nào đấy, khi cuộc chiến ảnh hưởng quá xấu đến thị trường chứng khoán Mỹ và các doanh nghiệp Mỹ, có thể nó sẽ tự động dừng lại. 

Hoặc đến khi nào Tổng thống Trump cảm thấy thỏa mãn với những chiến lược mà ông đưa ra. Nhưng với Tổng thống Trump, các chiến lược đàm phán đối thoại thường không thể đoán trước được. Đó là đặc điểm rất rõ của ông ấy.

6. Trung Quốc đang đối phó với cuộc chiến này bằng cách chủ động cho trượt giá đồng nhân dân tệ. Đó có phải là một quyết định khôn ngoan?

- Đó là bước đi không thể tránh khỏi. Mỹ có thể áp dụng hàng rào thuế quan thì Trung Quốc có thể hạ 1-2% giá trị của đồng nhân dân tệ. Tôi nghĩ khả năng phục hồi của Trung Quốc với các công ty nội địa sẽ dễ hơn so với các công ty của Mỹ, bởi các công ty Trung Quốc thường đi sau và đã rút được những bài học của các thị trường lớn. 

Ví dụ trong ngành công nghiệp nặng, ô tô của Mỹ có thể mất hàng trăm năm để nghiên cứu, sản xuất nhưng Trung Quốc thì có thể học ngay và áp dụng rất đơn giản.

7. Chúng ta sẽ không nói về Mỹ và Trung Quốc nữa, mà nói về Việt Nam. Ông thấy những nền kinh tế như Việt Nam chịu tác động như thế nào từ cuộc chiến này?

- Như tôi đã nói, về cơ bản, cuộc chiến này sẽ tác động tiêu cực đến tất cả các nền kinh tế. Vì thế chúng ta phải củng cố lại luật WTO, tuân thủ luật TPP, thành lập một nhóm các quốc gia có cùng quan điểm về mặt thương mại để hạn chế đến mức tối thiểu những tác động tiêu cực của nó.

Nếu như có một nhóm quốc gia tham gia các hoạt động thương mại quốc tế, cùng đảm bảo luật thì sự tham gia của những nền kinh tế như Việt Nam sẽ giúp các bạn trở thành một mắt xích trong một chuỗi trao đổi quốc tế đã được định hình hợp lý.

8. Để đối phó với những áp lực nhập khẩu vào Mỹ, có khi nào hàng Trung Quốc đi qua Việt Nam không? Có nghĩa là sẽ có những mặt hàng Trung Quốc 100%, nhưng lại có mác Việt Nam và nhờ cái ruột Trung Quốc - mác Việt Nam ấy mà chúng có thể “chui” vào thị trường Mỹ với một mức thuế rẻ hơn nhiều so với hàng Trung Quốc chính hiệu?

- Viễn cảnh ấy hoàn toàn có thể xảy ra nhưng tôi nghĩ Việt Nam không muốn bị nhìn nhận như một công cụ như vậy. Hiện nay người Mỹ khá cởi mở trong trao đổi thương mại với Việt Nam nhưng nếu các mặt hàng Trung Quốc xuất hiện quá nhiều ở Việt Nam, người Mỹ sẽ để mắt đến Việt Nam nhiều hơn. Vì vậy Việt Nam phải kiểm soát chặt chẽ điều này. 

Ngoài ra, có 3 thứ Việt Nam cần phải làm: Thứ nhất là tuân thủ các luật thương mại toàn cầu, thứ hai là tuân thủ luật TPP, và thứ ba là phải mở rộng trao đổi thương mại, kết giao với các nước thuộc TPP, đặc biệt là Nhật Bản và Australia. Xin hãy nhìn nhận rằng kinh tế Mỹ và nước Mỹ có vai trò rất quan trọng đối với kinh tế Việt Nam.

9. Năm 2017, Việt Nam thặng dư thương mại với Mỹ tới 32 tỷ USD, đấy có phải là điều gì đó trong mắt ông Donald Trump?

- Đương nhiên rồi, Tổng thống Mỹ không bao giờ thích quốc gia nào thặng dư như vậy cả.

10. Vậy có vì thế mà trong tương lai, hàng Việt Nam vào Mỹ cũng sẽ bị đánh thuế, ở một mức nào đó gần giống với hàng Trung Quốc không?

- Tôi nghĩ là không. Bởi Mỹ sẽ chỉ tập trung vào Trung Quốc và Đức mà thôi.

11. Chúng ta vừa phân tích bối cảnh Việt Nam trong quan hệ với Mỹ, tôi rất muốn tham khảo ý kiến của ông về Việt Nam trong mối quan hệ với Trung Quốc. Cụ thể là trong cuộc chiến tranh thương mại này, Trung Quốc có thể đổ hàng vào thị trường Việt Nam và làm hàng nội địa của Việt Nam khó tồn tại ngay trên thị trường của mình. 

Đã thế, trong khi đồng nhân dân tệ trượt giá so với đồng USD, thì đồng VND vẫn giữ ổn định với USD, như vậy hàng Trung Quốc ở thị trường Việt Nam vốn đã rẻ giờ càng rẻ hơn. Trong quan điểm của một nhà nghiên cứu kinh tế, ông có lời khuyên gì cho chúng tôi trong câu chuyện rất khó giải quyết này?

- Trung Quốc giảm giá đồng nhân dân tệ, đấy là một lợi thế cạnh tranh về giá tương đối tốt của Trung Quốc tại Việt Nam cũng như trên toàn thế giới. Tôi nghĩ rằng Việt Nam nên bắt đầu lo lắng dần là vừa.

12. Có nghĩa, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung càng leo thang, tình thế với chúng tôi càng nguy hiểm?

- Nếu tôi là người Việt Nam, tôi sẽ rất lo lắng về vấn đề này!

Trí tuệ nhân tạo: Có thể giúp con người giảm thiểu cái chết tiềm ẩn 

13. Bây giờ tôi muốn hỏi vấn đề thứ hai, đó là trí tuệ nhân tạo (AI). Từ khi nào ông thực sự quan tâm đến AI?

- Có một dấu mốc rất quan trọng vào năm 2015, khi Tổng thống Obama đề xuất tôi tham mưu xây dựng một chiến lược phát triển về AI.

14. Câu chuyện giữa ông và Tổng thống Obama diễn ra như thế nào?

- Tôi vẫn nhớ lần đầu tiên nói chuyện với ông Obama tại Văn phòng Tổng thống, cách đấy một vài phút ông Obama có gặp một vài ông chủ công nghệ như Mark Zuckerberg, Elon Musk... Và ông Obama có nói lại với tôi rằng, các ông chủ công nghệ đều rất hào hứng với AI. 

Nhưng tổng thống lại có phần lo lắng về những tác động mà AI có thể gây ra cho đời sống thuần tự nhiên của con người. Câu đầu tiên ông Obama nói với tôi là chúng ta bắt buộc phải nghiên cứu AI, không tránh được, nhưng quá trình nghiên cứu phát triển cũng phải đồng thời với việc tìm ra biện pháp ngăn chặn những tác động tiêu cực của nó.

15. Ông Obama có nói đến 2 khía cạnh là hào hứng và lo lắng. Còn với ông lúc đó, ông hào hứng hay lo lắng nhiều hơn?

- Nỗi lo lớn nhất của tôi là chúng ta không có đủ AI. (Cười...)

16. Tôi hơi bất ngờ về câu trả lời này.

- Ứng dụng của AI rất đa dạng trong cuộc sống, trải dài trên các lĩnh vực từ luật pháp, y tế, nông nghiệp, đến ngân hàng, năng lượng... Tức là ở mỗi ngành nghề phải nghĩ ra một AI riêng biệt, có tác động hiệu quả tới ngành mình. 

Bản thân việc ấy đã cực kỳ phức tạp và mất thời gian nhưng tôi còn hy vọng là AI có một não bộ tổng, có thể tự thích ứng cùng lúc với rất nhiều ngành nghề.

17. Ông có vẻ hào hứng với AI nhiều hơn là lo sợ nó?

- Tôi nghĩ phần lớn những nỗi lo mà mọi người thường nói về AI, ví dụ như nó sẽ lấy đi công việc này công việc kia đều không phải là nỗi lo của tôi. Điều tôi băn khoăn nhất là những ứng dụng của nó chiếm bao nhiêu % và phần không ứng dụng được chiếm bao nhiêu %. 

Ví dụ về tính ứng dụng thế này: ngân hàng có thể tự động tính phí khi chúng ta mượn tiền, tài xế không phải lái xe vì đã có xe tự lái, luật sư cũng không phải mất thời gian đọc văn bản và tìm hiểu các quy trình, vì đã có AI làm giúp. 

Tôi hy vọng AI sẽ giao tiếp với con người bằng cách nói chuyện chứ không phải bằng việc chúng ta gõ lên bàn phím nữa. Như thế, vai trò của nó trong xã hội loài người không phải là tước đoạt đi công việc mà là hoàn thiện công việc một cách tốt hơn.

18. Nhưng nếu có một bộ óc mờ ám nào đó cài vào AI những mật lệnh làm hại loài người thì sao?

- Con người tác động tiêu cực đến AI sẽ dễ hơn là AI tác động tiêu cực đến con người. Và bản thân con người nếu muốn làm việc xấu thì cũng không cần phải dùng đến AI. Thả một quả bom vào một thành phố đâu cần AI phải không?

19. Một con người có thể làm hại một con người, một quả bom có thể hại một thành phố - giả dụ thế, nhưng một người máy với những mật lệnh mờ ám có thể dễ dàng làm hại nhiều con người, nhiều thành phố chỉ trong tích tắc.

- Chúng ta có thể phòng tránh điều này bằng cách đưa ra một đạo luật hay một bộ luật, ví dụ chính sách quốc phòng Mỹ có luật không được tạo ra robot mang tính sát thương cao.

20. Nhưng làm sao bắt quân đội của tất cả các nước khác cũng phải có những đạo luật như thế?

- Việc chúng ta đưa ra các thảo luận về AI cũng giống như lịch sử của loài người thảo luận về các vấn đề khác. Mỗi nước sẽ có một chính sách riêng và chúng ta sẽ phải mất nhiều năm để ngồi với nhau và tìm ra tiếng nói thống nhất, vì sự phát triển của loài người tiến bộ. Thế hệ này không làm được hoặc chưa làm được thì thế hệ sau phải làm được. Đấy luôn là tiến trình không thể tránh khỏi của loài người.

21. Trong dự đoán của ông, con người và robot có thể sống hài hòa với nhau chứ?

- Việc đó là hết sức bình thường. Bởi vì trên AI luôn có công tắc On và Off. Dùng nó như thế nào là quyền của chúng ta mà. Chúng ta muốn chơi với nó thì bật lên, không muốn thì tắt nó đi. Và từ bây giờ cho đến 50, 100 năm nữa, vấn đề mà con người cần quan tâm mật thiết vẫn là quyền nhân đạo, chứ không phải là tác động tiêu cực của AI lên đời sống con người.

Giáo sư Jason Furman, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Tổng thống Mỹ trả lời phỏng vấn phóng viên Chuyên đề ANTG GT-CT (ngoài cùng bên phải). Ảnh: Dương Đình Trường

22. Quyền nhân đạo, ý ông là sao?

- AI có thể giúp con người giảm thiểu những cái chết tiềm ẩn, sẽ giúp chúng ta giải quyết được một phần vấn đề thay đổi thời tiết, hiệu ứng nhà kính.

23. Và như thế, AI sẽ giúp giá trị nhân đạo của cuộc sống tăng thêm?

- (Gật đầu...) AI sẽ dần khiến cho một vài công việc nhàm chán, lặp đi lặp lại hằng ngày biến mất và nhường chỗ cho những công việc có tính cá nhân và tính sáng tạo cao hơn. 

Với nghề báo của bạn chẳng hạn, công việc thống kê, thu thập tin tức của nhà báo, AI có thể thực hiện. Nhưng AI lại không cướp đi nghề báo vì để thực hiện cuộc phỏng vấn thú vị như lúc này thì AI không làm được. Ở Mỹ, báo chí đã được áp dụng AI rồi đấy. 

24. Bây giờ tôi muốn hỏi ông không phải với tư cách một nhà nghiên cứu mà trong tư cách một người đàn ông. Ông biết cô người máy Sofia - người máy đầu tiên được cấp quyền công dân rồi chứ ạ? Nói thật với ông, đấy là cô gái xấu nhất trên thế giới mà tôi từng nhìn thấy. Đương nhiên là xấu hơn vợ tôi rồi. Trong một tương lai xa xôi nào đó, liệu những người đàn ông như chúng ta có thể yêu một cô gái như thế hay không nhỉ?

- (Cười lớn...) Không! Không thể yêu một người cứng như thế được!

25. Vậy có cơ chế nào để con người và robot chung sống với nhau?

- Câu hỏi này nên hỏi nước Nhật vì đấy là nước có dân số già, và người dân có vẻ ít bày tỏ cảm xúc, nếu không muốn nói là còn có nhiều biểu hiện sống khá máy móc. Vì thế việc robot có thể dễ dàng chung sống với con người trong một xã hội như ở Nhật là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

26. Còn với xã hội Việt Nam thì sao?

- Việt Nam, như tôi biết, là một nước giàu tính sáng tạo. Do vậy khi Việt Nam tham gia nghiên cứu phát triển AI, Việt Nam có thể có một bước đại nhảy vọt trong khu vực Đông Nam Á.

27. Ông có gợi ý gì cho Việt Nam?

- Tôi nghĩ xu hướng nghiên cứu, phát triển AI thường gắn với các công ty tư nhân. Các công ty này sẽ nghiên cứu trước và sẽ thử ứng dụng vào việc kinh doanh của mình. Chính phủ Việt Nam nên có một đạo luật hay chính sách nào đó về vấn đề này. 

Ngoài ra, tôi nghĩ Chính phủ Việt Nam cũng nên có một tổ nghiên cứu về AI, đặt riêng họ ra và trả lương cho họ để họ có thể làm việc hiệu quả nhất. 

28. Chúng ta đã phân tích rất nhiều khía cạnh về AI, tôi muốn hỏi trong suốt quá trình ông làm cố vấn cho Tổng thống Obama, ông thấy  Tổng thống đã có những chính sách hay ý tưởng cụ thể gì về vấn đề này?

- Ông Obama là người rất nhiệt tình và quyết liệt với các vấn đề về trí tuệ nhân tạo. Với các vấn đề mà ông đã tìm hiểu rồi, ông thường trực tiếp tham gia và chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ. 

Ví dụ ông Obama đã nghiên cứu về tính thiên vị của AI, để xem khi đứng trước những đối tượng khác nhau liệu nó có đưa ra những quyết định khác nhau không? Khi chúng ta áp dụng AI trong việc cho vay tiền trong ngân hàng chẳng hạn, thì cần phải dạy nó thực hiện khoảng 50.000 thói quen, động tác và những quyết định của con người.

Nhưng khi dạy 50.000 thói quen ấy rồi và cho nó làm thử thì nó lại từ chối mọi đề xuất của những người Mỹ da màu. Tại sao thế? Tại vì những cái gì con người dạy AI thực ra được đúc kết từ văn hóa vốn được định hình từ rất lâu trước đó của con người. Đấy chính là một ví dụ về sự thiên vị của AI.

29. Tổng thống Obama và hội đồng cố vấn đã tìm cách giải quyết sự thiên vị mà AI bị lây từ con người như thế nào?

- Tổng thống Obama phát hiện ra một đặc điểm, khi các công ty tư nhân ứng dụng AI và gặp một lỗi thì họ chỉ nghĩ đơn giản đấy là một lỗi thôi, một lỗi cụ thể, chứ không phải là lỗi hệ thống. 

Thế nên phải luôn  nhắc nhở các công ty khi nào gặp một lỗi cụ thể thì phải trích lỗi đấy ra, viết lại và chờ đợi. Có thể từ mỗi một lỗi như vậy sẽ lại có một đạo luật tương ứng ra đời.

Quay trở lại ví dụ mà tôi vừa nói về việc AI có vẻ không thích người da màu lắm, hẳn nhiên là sửa cái lỗi này ở AI dễ hơn nhiều ở con người. Vì xét cho cùng AI là máy móc còn con người là một tập hợp của những quan điểm bị ảnh hưởng bởi vô số các yếu tố văn hóa khác nhau. Đó là ưu điểm rất lớn của AI so với con người.

30. Nghĩa là trong những lĩnh vực nào đó, một bộ phận con người nào đó thấy rằng việc phải thay đổi quan điểm của mình là khó quá, việc thay đổi hành vi càng khó hơn thì tốt nhất là hãy "khoán" hết cho AI, thưa ông? Bây giờ thì tôi muốn hỏi trong quá trình ông làm việc với tổng thống về AI, có bao giờ ý kiến của ông mâu thuẫn với ý kiến của tổng thống không?

- Chúng tôi chưa bao giờ cãi nhau về vấn đề này. Nhóm cố vấn của ông Obama về AI giống như một nhóm tự học với nhau chứ không phải một nhóm người quyền lực nhằm cố gắng chỉ ra quan điểm của mình và ra sức bảo vệ quan điểm ấy. Chúng tôi tự học với nhau và cùng nhau khám phá những kiến thức mới.

31. Khi Tổng thống Obama rời Nhà Trắng, Tổng thống mới Donald Trump vẫn duy trì những chính sách về AI chứ?

- Ông ấy vẫn giữ các chính sách nhưng tuyển chọn các cố vấn hoàn toàn mới.

32. Vậy có điểm khác nào giữa hai tổng thống không, thưa ông?

- Theo quan sát của tôi, ông Trump có vẻ ít quan tâm hơn và khá là thụ động trong nghiên cứu về AI so với ông Obama.

Tổng thống Mỹ phải làm việc vì những người đã bỏ phiếu cho mình

33. Chúng ta sẽ dừng câu chuyện về AI ở đây và sẽ nói về một câu chuyện mà chúng tôi rất tò mò:  Phải như thế nào thì một người Mỹ mới có thể trở thành cố vấn của Tổng thống Mỹ?

- Đó là sự kết hợp của kĩ năng và may mắn. Trong trường hợp của tôi chẳng hạn, khi tôi làm tiến sĩ với một nhóm chuyên gia nghiên cứu khác, trong khi rất nhiều người quan tâm tới các vấn đề về số học, tính toán thì tôi quan tâm nhiều hơn cả tới các chính sách xã hội.

Người hướng dẫn đề tài của tôi khi đó cũng là người từng làm việc cho cựu Tổng thống Bill Clinton và tôi được ông ấy tiến cử với ông Obama. 

Khi ông Obama tham gia chiến dịch tranh cử tổng thống, ông ấy đã gọi điện cho tôi và mời tôi về làm cố vấn cho các vấn đề kinh tế trong chiến dịch tranh cử. Sau đó tôi đã làm cố vấn cho tổng thống trong 8 năm, kể từ ngày đầu tiên đến ngày cuối cùng của ông ấy tại Nhà Trắng.

34. Tôi vẫn thấy báo chí phương Tây nhắc đến khái niệm “chủ nghĩa tư bản thân hữu”, tức là việc một số nhà tư bản lớn luôn cố tìm cách tác động lên các chính sách kinh tế nhằm phục vụ tốt nhất cho lợi ích của mình.  Trong quá trình đó, những nhà tư bản - những doanh nghiệp liệu có gặp gỡ, nhờ vả gì những người rất thân cận với tổng thống như ông không?

- Những công ty như thế thường có ảnh hưởng tới thành viên quốc hội nhiều hơn, bởi vì những người ngồi trong Nhà Trắng quá thông minh để nhận ra những chiêu trò và sự lọc lõi của họ.

35. Nhưng chắc không tránh được việc cũng có những công ty đến gặp ông và đề nghị với ông một điều tế nhị nào đó chứ? Thậm chí, có thể tặng quà ông?

- Nếu như có nhận quà thì theo quy định, giá trị món quà đấy phải dưới 20 USD. Nhưng thậm chí là tôi chưa từng nhận bất cứ món quà nào có giá trên 2 USD cả.

36. Ở nước Mỹ, những nhà lãnh đạo quốc gia cũng như những người làm việc cho các nhà lãnh đạo quan tâm đến vấn đề "lý tưởng công việc" như thế nào, thưa ông?

- Với các Tổng thống Mỹ, lý tưởng cao nhất là đưa tổ quốc của mình ở vị trí cao hơn trên trường quốc tế. Và những người phụng sự tổng thống đương nhiên cũng đi theo lý tưởng này. 

37. Có một đạo luật hay một bản quy tắc nào ràng buộc người ta với những lý tưởng như vậy không?

- Những người đi bỏ phiếu chính là bỏ phiếu cho quyền lợi, cho ước mơ của họ và tổng thống làm việc là vì niềm tin và trách nhiệm của những người bỏ phiếu cho mình. 

Chúng tôi cũng có đạo luật nếu như tổng thống vi phạm một điều gì đó thì thẩm phán sẽ can thiệp và có thể truất quyền tổng thống. Ngoài ra, vai trò giám sát, phản biện những nhà lãnh đạo của báo chí Mỹ cũng là cực kỳ quan trọng.

38. Ông có thể tổng kết ngắn gọn, suốt 8 năm làm việc cho Tổng thống Obama, trong đó có 4 năm làm Chủ tịch Hội đồng Cố vấn kinh tế cho Tổng thống Obama, ông đã làm được gì và chưa làm được gì không?

- Có 3 điều tôi làm được: thứ nhất là giúp nước Mỹ thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, thứ hai là giúp cho 20 triệu người dân Mỹ có bảo hiểm y tế và cuối cùng là đã đặt nền móng cho một số ý tưởng công nghệ mà có thể giúp nước Mỹ phát triển tốt hơn trong tương lai.

Tôi nghĩ có một điều tương đối khó khăn, mang tính đặc thù của chính trị Mỹ, đó là việc có quá nhiều quan điểm trái ngược giữa Văn phòng Tổng thống và Quốc hội. Do vậy, có những chính sách mà tôi nghĩ là có thể thông qua thì cuối  cùng lại không thông qua được. Đó là điều tôi tiếc nuối nhất. 

- Xin chân thành cảm ơn ông!

Phan Đăng – Lan Anh (thực hiện)
.
.