Cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy bị điều tra: "Gọng kìm" bao vây

Thứ Hai, 23/04/2018, 07:42
Các nhà điều tra Pháp thông báo Nicolas Sarkozy (63 tuổi) - người đảm trách cương vị Tổng thống Pháp trong giai đoạn 2007-2012 - chính thức bị nghi phạm tội “tham nhũng thụ động”, tội danh có với mức án cao nhất 10 năm tù.

Theo đó, ông Sarkozy bị điều tra với cáo buộc chiến dịch tranh cử tổng thống của ông năm 2007 đã nhận hỗ trợ tài chính từ Libya khoảng 60 triệu USD. Số tiền này nhiều hơn gấp đôi hạn mức tài trợ chiến dịch hợp pháp vào thời điểm đó. 

Ngoài ra, nó cũng vi phạm quy tắc của Pháp đối với việc nhận tài trợ từ nước ngoài và yêu cầu phải khai báo nguồn quỹ chiến dịch.

Cho dù phía luật sư của ông Sarkozy chưa có bình luận và bản thân cựu tổng thống đã lên tiếng phủ nhận mọi cáo buộc nhưng giới quan sát nhận định đây sẽ là bê bối chính trị tài chính lớn nhất ở Pháp suốt nhiều thập kỷ, cũng như “một vết nhơ” không thể gột sạch trong sự nghiệp của ông Sarkozy.

Bê bối tham nhũng

Thông tin cựu Tổng thống Sarkozy chuẩn bị hầu tòa xuất hiện chỉ vài ngày sau khi ông chính thức bị điều tra về chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2007. Ông Sarkozy bị bắt giam hôm 20/3 để điều tra về cáo buộc nhận tài trợ trái phép từ cố lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi để tranh cử vào năm 2007.

Theo cáo buộc, ông Sarkozy đã nhận trái phép 62 triệu USD từ lãnh đạo Libya, số tiền vượt hơn gấp đôi mức tài trợ hợp pháp cho vận động tranh cử theo quy định lúc bấy giờ. Số tiền này có thể đã “được rửa” thông qua các tài khoản ngân hàng ở Panama và Thụy Sĩ. 

Cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy bị điều tra với cáo buộc nhận tài trợ trái phép từ cố lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi để tranh cử vào năm 2007.

Cựu tổng thống được cảnh sát thả vào tối 21-3 nhưng đang bị giám sát pháp lý. Thông tin chi tiết về những hạn chế ông phải tuân thủ không được tiết lộ.

Xung quanh vụ việc này còn khá nhiều “mắt xích”. Truyền thông cho biết rằng, vào tháng 1, một doanh nhân Pháp (có quan hệ rất gần gũi với ông Sarkozy) bị bắt tại Anh vì tình nghi liên quan tới số tiền ủng hộ từ nhà lãnh đạo Gaddafi. Tuy nhiên, ông này được bảo lãnh sau khi xuất hiện tại một phiên tòa ở London.

Brice Hortefeux, một cựu bộ trưởng đồng thời là đồng minh thân cận của ông Sarkozy, cũng bị cảnh sát tạm giữ để điều tra vì liên quan tới vấn đề Libya. Điểm mấu chốt là, Saif al-Islam Gaddafi, con trai Gaddafi hiện bị giam tại Libya sau khi ông Gaddafi bị lật đổ và sát hại năm 2011, từng tuyên bố Libya đã tài trợ cho ông Sarkozy tranh cử.

Chưa hết, truyền thông đã công bố một tài liệu được mô tả là “bằng chứng thuyết phục” cho thấy ông Sarkozy và ông Gaddafi đã có một thỏa thuận tài chính phi pháp.

Theo đó, tập tài liệu được viết bằng tiếng Ảrập do Mussa Kussa - tướng tình báo của ông Gaddafi - ký năm 2006, trong đó xác nhận cái gọi là “thỏa thuận hỗ trợ” ứng viên tổng thống Nicolas Sarkozy với tổng số tiền lên khoảng 60 triệu USD.

Ở vào thời điểm đó, ông Sarkozy đang giữ chức Bộ trưởng Nội vụ và tìm mọi cách để quyên tiền cho chiến dịch tranh cử Tổng thống Pháp của mình. Ngoài ra, một cuộc điều tra về nguồn tài trợ tranh cử phi pháp từ Libya được tiến hành vào năm 2013 nhưng không nêu rõ ai là nghi phạm.

Truyền thông nhận định, bê bối mới nhất của Nicolas Sarkozy liên quan mật thiết đến quan hệ giữa cựu Tổng thống Pháp và nhà lãnh đạo quá cố Muammar Gaddafi. 

Theo phỏng đoán, Gaddafi có thể đã hỗ trợ tài chính cho chiến dịch tranh cử của Sarkozy vì nhận thấy cơ hội cải thiện quan hệ từ chính trị gia đầy tham vọng này.

Điều này dường như được khẳng định chắc chắn khi Saif al-Islam Gaddafi tiết lộ ông là người có mặt trong các cuộc gặp kín giữa Sarkozy và Gaddafi ngay từ năm 2005.

Theo đó, ông Sarkozy khi ấy là Bộ trưởng Nội vụ Pháp đã đến Libya, nghe theo lời cố vấn từ trợ lý của mình là chánh văn phòng Claude Gueant và trùm buôn vũ khí Ziad Takieddine. 

Với các mối quan hệ của mình, Takieddine trở thành cầu nối quan trọng giữa Gaddafi, lãnh đạo quốc gia giàu có nhưng đang bị phương Tây cô lập, với Sarkozy, chính trị gia đầy tham vọng đang cần nguồn hỗ trợ tài chính lớn cho chiến dịch tranh cử.

Trong các cuộc gặp bí mật, ông Sarkozy đã hứa hẹn sẽ cải thiện quan hệ giữa Pháp và Libya để đổi lấy việc Gaddafi tài trợ cho chiến dịch tranh cử của mình.

Lời đề nghị rất hấp dẫn đối với Gaddafi vì kể từ năm 2003, lãnh đạo này đã nỗ lực rất nhiều để Libya tái hòa nhập cộng đồng quốc tế, sau nhiều năm bị cấm vận và cô lập với cáo buộc là nước tài trợ khủng bố và phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt. Nicolas Sarkozy nổi tiếng về tài ăn nói và dường như ông đã gây được ấn tượng tốt với Gaddafi.

Sau đó, ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm 2007, và có những động thái củng cố quan hệ với Gaddafi như mời nhà lãnh đạo Libya đến Paris vào năm 2007 trong chuyến thăm kéo dài 5 ngày, bất chấp sự phản đối của một số lãnh đạo châu Âu và chính trị gia đối lập trong nước. Sarkozy lúc đó khẳng định Gaddafi “không phải một nhà độc tài trong cảm nhận của thế giới Ảrập”.

Nhà lãnh đạo... lắm tật

Trong thời gian giữ chức Tổng thống Pháp, Nicolas Sarkozy thường xuyên vướng vào những bê bối và thị phi của dư luận. Không giống những người tiền nhiệm, Sarkozy thường chiếm vị trí nổi bật trên những tờ báo lá cải, bị coi là một lãnh đạo “lấp lánh” vì phong cách quá khoa trương. 

Ông đi nghỉ trên du thuyền của những người bạn giàu có, tiệc tùng tại nhiều nhà hàng sang trọng bậc nhất của Pháp và có sở thích dùng những chiếc đồng hồ xa xỉ.

Chưa hết, ông từng nhiều lần đưa ra những phát ngôn gây tranh cãi và dính líu vào các bê bối liên quan đến chiến dịch tranh cử năm 2007. 

Tại một sự kiện về nông nghiệp năm 2008, Sarkozy đã tức giận “chửi” một người đàn ông từ chối bắt tay mình là “thằng khốn”; hay ông từng so sánh nhà báo với những kẻ ấu dâm và gọi các thanh niên ở ngoại ô Paris là “lũ tiện dân”.

Nhà lãnh đạo Pháp tiếng tăm một thời còn bị chỉ trích vì lạm quyền và tham nhũng. Tháng 10-2009, Sarkozy bị cáo buộc “gia đình trị” vì đã giúp con trai Jean Sarkozy trong nỗ lực trở thành người đứng đầu cơ quan điều hành quận thương mại lớn nhất nước Pháp.

Ông Sarkozy từng bị cáo buộc nhận tài trợ bất hợp pháp từ nữ tỷ phú Liliane Bettencourt (bên phải) - người phụ nữ giàu nhất nước Pháp.

Ngoài ra, ông Sarkozy còn bị cáo buộc có liên quan tới gian lận trong việc tăng mức chi tiêu cho chiến dịch tranh cử năm 2012, nghi ngờ đội ngũ của ông nhờ một công ty có tên Bygmalion cung cấp chứng từ cùng hóa đơn giả. Năm đó, ông thất bại từ vòng đầu và phải tự tuyên bố rút lui trước ứng viên Francois Hollande.

Tiếp đó, ngày 3-7-2012, chỉ 2 tháng sau khi Sarkozy kết thúc nhiệm kỳ tổng thống, cảnh sát Pháp khám nhà và văn phòng của ông để phục vụ cuộc điều tra cáo buộc chiến dịch tranh cử của ông năm 2007 nhận tài trợ bất hợp pháp từ nữ tỷ phú Liliane Bettencourt - người phụ nữ giàu nhất nước Pháp.

Chưa dừng lại, năm 2014, Sarkozy bị cảnh sát thẩm vấn về cáo buộc “mua chuộc” thẩm phán cấp cao Gilbert Azibert ngồi vào một vị trí danh giá ở Monaco để đổi lấy thông tin về các cuộc điều tra liên quan đến bê bối bản thân.

Vụ việc xoay quanh các cuộc gọi năm 2014, chỉ 2 năm sau khi ông Sarkozy rời khỏi Điện Elysee.

Cụ thể, ông Sarkozy đã có nhiều cuộc điện đàm với Gilbert Azibert, khi đó đang chịu trách nhiệm điều tra các hoạt động gây quỹ trái phép trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống năm 2007 của ông. 

Cựu tổng thống dùng mật danh là Paul Bismuth, đề nghị sẽ tận dụng các mối quan hệ nhằm giúp vị thẩm phán này leo lên một vị trí danh giá hơn ở Monaco, nhằm đổi lấy các thông tin điều tra.

Đối với bê bối mới nhất, những người chỉ trích tin rằng Sarkozy còn thiết lập cả quan hệ mờ ám với các điệp viên Libya hay lái buôn súng ống, đồng thời “âm thầm” nhận các vali chứa hàng triệu USD từ chính quyền Gaddafi tại Paris. 

Bất chấp mọi cáo buộc liên quan đến tham nhũng và lạm quyền, ông Sarkozy tuyên bố không làm gì sai trái và “không có gì phải hổ thẹn hay sợ hãi”.

Ông luôn phủ nhận việc nhận tiền ủng hộ từ nhà lãnh đạo quá cố của Libya, đồng thời gọi những cáo buộc đó là “lố bịch”.

Chưa hết, ông khẳng định bản thân là nạn nhân của một chiến dịch gây bất ổn bắt đầu từ tháng 3-2011, dựa trên những lời buộc tội từ Saif al-Islam Gaddafi. 

Ông cho rằng những người cáo buộc ông ở Libya đang kiếm cớ để trả đũa quyết định của ông khi triển khai máy bay chiến đấu Pháp tham gia cuộc nổi dậy lật đổ Gaddafi năm 2011.

Cựu Tổng thống Pháp cho biết những lùm xùm khiến cuộc sống của ông trở thành địa ngục và thất bại trong nỗ lực quay lại chính trường. Quả thực, tuy Sarkozy chưa bị truy tố hay phải ra tòa nhưng những lùm xùm kiểu này có thể nói đã trở thành dấu chấm hết cho nỗ lực tái tranh cử tổng thống của ông...

Hồng Hạnh
.
.