“Quẫn” của Lộng Chương: Vẻ đẹp cổ điển và hiện đại

Thứ Ba, 13/02/2018, 13:10
Nhân Hội thảo 100 năm ngày sinh nhà viết kịch Lộng Chương, người tiền phong viết hài kịch ở Việt Nam, và trình diễn “Quẫn”, tại Nhà hát Lớn, đêm 7-1, tôi thú vị nghiên cứu trường hợp: “Quẫn”, hài kịch sáng giá nhất của Lộng Chương, được hai đạọ diễn, một già một trẻ dựng thành công, dù giữa họ là khoảng cách tuổi tác rất xa. 

Đạo diễn, NSND Trần Hoạt dựng “Quẫn” thành công cho Nhà hát Kịch Việt Nam, năm 1960, công diễn 2000 đêm. Đạo diễn, NSƯT Trần Lực vừa dựng “Quẫn” thành công cho sinh viên Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội, tham gia Liên hoan Sân khấu Hà Nội lần 2, năm 2016. 

Trần Hoạt và Trần Lực đã cùng thành công trên kịch bản “Quẫn” của Lộng Chương. Sự độc đáo chung nhất giữa hai đạo diễn, là cùng thiết kế bản dựng trên mỹ học sân khấu chèo truyền thống, đã dẫn đến sự độc đáo riêng về phong cách của họ trong từng vở diễn…

“Quẫn” theo phong cách hề chèo

Tôi về làm phóng viên - biên tập viên Tạp chí Sân khấu năm 1977, chưa được tận mắt xem bản dựng Quẫn cho Nhà hát Kịch Việt Nam rất thành công của đạo diễn Trần Hoạt. 

Cuối 1977, nhà viết kịch Xuân Trình, phụ trách Tạp chí Sân khấu đã tổ chức chuyến hành hương 3 người: ông, tôi và Linh Nga, phóng viên ảnh báo Nhân Dân, về tận nhà Trần Hoạt ở làng Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh, cũng quê ngoại tôi, để đối thoại, chụp ảnh, lấy tài liệu từ chính Trần Hoạt, cho tôi dựng bài: Đạo diễn hài kịch Trần Hoạt. (Bài đã đưa vào sách Sân khấu và tôi của tôi, đoạt giải Sách Lý luận phê bình xuất sắc của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, năm 1995).

Nhà viết kịch Lộng Chương.

Năm 1954, Trần Hoạt là một trong số sinh viên đầu tiên, được Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa cử đến Học viện Hí kịch Bắc Kinh, Trung Quốc, (với Đình Quang, Ngô Y Linh, Nguyễn Đình Nghi, Dương Ngọc Đức, Ngọc Phương… sau này đều được Nhà nước phong tặng NSND), học nghề đạo diễn kịch, qua hệ thống lý thuyết của C.Xtanhixlavxki, người Nga. 

Trước 1954, người Trung Quốc đã học nghề đạo diễn từ các đại học sân khấu của nước Nga Xôviết, truyền giảng cho sinh viên đạo diễn Việt, tại Học viện Hí kịch Bắc Kinh. Trường hợp đào tạo đặc biệt này, đã được gọi tên là “Kitaixki variant” (dịch: “trường hợp Trung Quốc”).

Sau học đạo diễn ở Trung Quốc, với tài năng bẩm sinh, kinh nghiệm sân khấu dày dặn và sự tích lũy đời sống thực tế dồi dào, Trần Hoạt đã ở lại Việt Nam, không du học Đông Âu, để tự chiêm nghiệm và khai thác nguồn sân khấu dân gian Việt, đặng làm giàu cho nghề đạo diễn. 

Từ cách học độc đáo ấy, ông tìm được thành công về một thể loại sân khấu Phương Tây rất hiếm thành công ở Việt Nam, đó là hài kịch. Và, phương pháp đạo diễn của Trần Hoạt, đã được chính ông xây cất trên nguyên liệu dân gian tươi rói tính hội hè làng quê của chèo cổ, tuồng cổ, dân ca quan họ Bắc Ninh. 

Làng Đình Bảng, nơi ông chôn nhau cắt rốn, thuộc vùng Kinh Bắc, cái nôi của văn minh Đại Việt có ngôi đình Đình Bảng đẹp nhất châu thổ sông Hồng, nơi phát tích vương triều nhà Lý, với Đền Đô uy nghi thờ 8 vị vua nhà Lý.

Về sân khấu truyền thống, ngôi làng hào hoa ấy là một trong ba cạnh tam giác tuồng ở Bắc Ninh: Đình Bảng - Tam Lư - Đồng Kỵ. Ông thân sinh Trần Hoạt mê tuồng, có riêng phường tuồng trong nhà. Sinh trưởng ở vùng đất đế đô ấy, Trần Hoạt cảm nhiễm sân khấu dân gian Việt từ sớm và nổi máu lãng tử cũng rất sớm. 

Lang bạt từ Bắc vào Nam, ông thâu góp cho nghề đạo diễn của mình một vốn sống hiện thực ứ đầy các loại tính cách Việt, với nghiệm sinh trên nền dân gian (folklo) Việt cổ. Thành công lớn nhất của ông, vì thế, đã thuộc về thể loại hài kịch.

Và cuộc hạnh ngộ sân khấu lớn nhất đời ông chính là với nhà viết hài kịch Lộng Chương. Trần Hoạt và Lộng Chương đều quan niệm: “Việt hóa” thể loại hài kịch - có gốc từ hài kịch Tây, phải/nên mang đậm sắc thái hồn Việt. Hài kịch Việt, với hai ông, là tích hợp nghệ thuật giữa hề chèo Việt và tính hiện đại của nghệ thuật trào lộng trong hài kịch Tây. 

Thống nhất quan niệm ấy, nhà viết Lộng Chương - nhà đạo diễn Trần Hoạt đã xuất hiện như một cặp bài trùng hài kịch làm rạng rỡ sân khấu Việt hiện đại những năm 60,70 thế kỉ 20. (Rất tiếc, kiểu cặp đôi hài kịch tác giả - đạo diễn xuất sắc này chưa từng lặp lại trong sân khấu Việt hiện đại, dù đã hiện diện hơn một cặp đôi nhà viết kịch - đạo diễn chính kịch, bi kịch). 

Với phong cách đạo diễn kết hợp hề chèo và hài kịch độc đáo, ngoài Trần Hoạt lúc bấy giờ, có lẽ khó ai dàn dựng xuất sắc đến thế, vở hài kịch sáng giá nhất của Lộng Chương: Quẫn.

Dựng Quẫn cho Nhà hát Kịch Việt Nam tung hoành trên sân khấu thủ đô những năm 60, với hàng ngàn buổi diễn, Trần Hoạt đã khẳng định, Quẫn là hài kịch đỉnh cao, từ kịch bản hoàn hảo, tạo cơ sở mỹ học về hài kịch cho ông dàn dựng bay bổng và thể hiện rực rỡ tài nghệ sắm vai kịch của dàn nghệ sĩ “gạo cội” của Nhà hát Kịch Việt Nam: Song Kim, Trần Tiến, Chu Xuân Hoan, Thu Hà…

Về nghệ thuật đạo diễn, Quẫn là thành công lớn của Trần Hoạt, thể hiện rất mạnh phẩm chất tư duy đạo diễn mảng miếng, mang phong cách đạo diễn bậc thầy về hài kịch hiện đại, trong hình thái dân gian của hề chèo. 

Với kinh nghiệm sân khấu dân gian đầy mình, Trần Hoạt đạt tới một kiểu lao động đạo diễn theo cách tự nghiệm sinh, mà sau ông, Doãn Hoàng Giang là đạo diễn kế tục xuất sắc. 

Trần Hoạt đã thành người đầu tiên nhận đường nghệ thuật đạo diễn, trong cuộc “Việt hóa” một nghề chưa từng có ở sân khấu hiện đại Việt Nam - nghề đạo diễn hài kịch, và thành công, bằng con đường tu tập độc lập của riêng mình.

“Quẫn” theo phương pháp ước lệ của chèo

Dựng Quẫn sau Trần Hoạt, gần 60 năm, Trần Lực biết mình thuộc thế hệ đạo diễn phải đối đầu với thách thức: làm sao có cách dựng mới và khác Trần Hoạt.

Cách này buộc phải tân kì với người xem Thủ đô thế kỉ 21, đã chẳng mấy mặn mà với cả hài kịch, chính kịch và bi kịch. Sân khấu hiện đại Việt hôm nay đã qua thời hoàng kim, từ thập kỉ 80 của thế kỉ trước. Và vẫn còn đó, sự khủng hoảng người xem, trong cảnh đứt mạch sân khấu kịch trường, ở những đô thị lớn nhất của Việt Nam.

Dựng Quẫn trong sự ngặt nghèo ấy, quả là thách thức sinh tử về nghề đạo diễn. Tuy nhiên, Trần Lực được học nghề đạo diễn kịch tại Đại học Sân khấu Bulgaria, và thuộc dạng “con nhà nòi”: cha là NSND Trần Bảng, một đạo diễn xuất sắc của công cuộc bảo tồn, phát huy sân khấu chèo truyền thống. Như vậy, dường như Trần Lực có máu đạo diễn từ trong huyết thống!
Một cảnh trong vở “Quẫn”.

Từ Bulgaria về Việt Nam, chưa được hành nghề đạo diễn kịch, Trần Lực rẽ sang điện ảnh. Song, Trần Lực hiểu, nghề đạo diễn sân khấu là cơ duyên phải được chờ đợi và phải được trùng phùng, khi Trần Lực quyết chọn dựng Quẫn, dường như được chuẩn bị sẵn về văn bản kịch, để hiện thực hóa giấc mơ đạo diễn của chính mình, theo phương pháp ước lệ của sân khấu chèo. 

Và dường như, trong kịch bản Quẫn, Lộng Chương đã viết một giáo đầu mang tính chỉ dẫn quý giá đối với đạo diễn nào có phương pháp tư duy tương ứng với nhà viết kịch. “Giáo đầu” ấy đã tự nhiên thành chỉ dẫn thật gan ruột mở cửa mời đạo diễn Trần Lực dựng Quẫn của ông:

Làm sao cho kịch nói Việt Nam có sắc thái Việt Nam? Tôi đã nghĩ và tìm đến chèo. Vì chèo hấp dẫn tôi với tinh thần lạc quan đặc biệt, với tính chất châm biếm sâu sắc, với cả tính chất trữ tình hồn hậu nhẹ nhàng. 

Viết vở Quẫn, tôi chú ý vận dụng một số đặc điểm của chèo, đã thể nghiệm trong thực tế: Sự giao lưu thoải mái giữa các vai trò và khán giả, sự dẫn dắt tích truyện, cấu tạo những vai hề, và ngôn ngữ chèo với tinh thần truyện tiếu lâm v.v… Tôi còn chú ý đặc biệt đến những vai hề - cơ sở châm biếm trào lộng của chèo - vì đây là một vở hài kịch. 

Và đương nhiên, câu hỏi dựng đứng trước Trần Lực: Tại sao không dùng phong cách ước lệ của chèo để dựng kịch bản Quẫn? Bởi, chính tác giả Quẫn đã viết: đây là một vở hài kịch, có những vai hề - cơ sở châm biếm trào lộng của chèo.

Phải nghiệm sinh về sự khác biệt và tương đồng giữa hài kịch Tây với hề chèo Việt, chịu nghĩ suy sâu sắc về những nghiên cứu chèo của người cha uyên bác Trần Bảng, từng chứng kiến người cha đạo diễn của mình 3 lần thay đổi mô hình thẩm mĩ trong suốt nửa thế kỉ, mới dàn dựng hoàn thiện vở chèo Quan Âm Thị Kính, được công chúng Việt và châu Âu thán phục, Trần Lực mới đủ quả quyết chọn dựng Quẫn của Lộng Chương, trong sự hợp lưu đẹp đẽ giữa dung dáng kinh điển của chèo Việt, với sự hiện đại của hài kịch Tây, dẫn đến thành công ngay trên sân khấu Hà Nội thủ đô năm 2016.

Ấn tượng mạnh nhất về đạo diễn Quẫn của Trần Lực, là khán giả có cái để xem, bởi Trần Lực đã xử lý không gian sân khấu theo cách tối giản của chèo. Sàn diễn gần như trống rỗng. Từ đầu đến cuối vở, chỉ có chiếc rương giấu đầy vàng đặt ở vị trí trung tâm sàn diễn. 

Mọi điều đáng cười mang tính hài kịch, đều diễn ra trên/ dưới/ xung quanh chiếc rương mấu chốt đó và không gian/ thời gian vở diễn thay đổi, biến ảo theo diễn xuất nhân vật của diễn viên. Theo đúng cung cách ước lệ của chèo, các nhân vật đối thoại thuận theo ngữ điệu trầm bổng như hát, các động tác tả thực của nhân vật hài kịch kiểu Tây đều được nâng lên vũ đạo kiểu chèo. 

Những màn trình diễn thăng hoa hình thể và trau chuốt đài từ sân khấu như múa, như hát ấy lại được hiện hữu trên nền giai điệu tân nhạc của bài hát Tăng gia sản xuất cứ lặp đi lặp lại, biến tấu linh hoạt theo kịch tính của từng cảnh kịch, đã khiến diễn xuất của diễn viên sắm vai bà cụ Đại Lợi bay bổng về tạo hình, gây những đợt sóng cười không dứt từ khán giả. Vai Đại Cát do Mạnh Đạt thủ diễn cũng rất thành công. 

Mạnh Đạt vững vàng xử lý nhân vật trên tinh thần biến hóa sinh động của kép chèo, nhưng cách cấu tạo nhân vật hiện đại, với những hát múa tinh vi, đã khiến Mạnh Đạt được huy chương Vàng duy nhất cho vai diễn. Thực ra, về huy chương, có thêm một Vàng nữa cho vai cụ bà Đại Lợi, vẫn là xứng đáng…

Rõ ràng, Quẫn của Trần Lực là cuộc trình làng đích đáng về nghệ thuật đạo diễn.  Phong cách ước lệ chiết xuất từ Chèo truyền thống Việt, kết hợp hài kịch Tây, đã đủ khiến Trần Lực tạo nên một cấu trúc vở diễn nhất quán, từ xử lý không gian sân khấu, đến xử lý âm nhạc kết hợp nhạc Việt với nhạc hiện đại nước ngoài, và tiếng động của những bước chân rầm rập, tạo nền âm thanh, kiểu dàn đế của chèo, từ vũ điệu hình thể đến tiếng nói sân khấu của diễn viên. 

Từ đấy, một vở hài kịch kiểu Việt đã hiện diện, vừa có cái để xem, để nghe - nhìn, để nghĩ, cho người xem, cả khi cánh màn sân khấu đã khép. Dấu ấn đạo diễn Trần Lực mạnh đến mức có thể gọi đây là vở diễn của đạo diễn, dù ở vở diễn thành công kiểu này, có thể có nguy cơ biến diễn viên thành quân cờ trong tay đạo diễn, nhất là diễn viên - sinh viên. 

Nhưng đêm diễn Quẫn, 7-1-2018, tại Nhà hát Lớn, với sự điều hòa nhạy cảm của Trần Lực, cho xuất hiện mới mẻ và xuất thần của NSND Lê Khanh trong vai bà Đại Cát, dung dáng chèo của vở hài kịch Quẫn đã trở nên hoàn hảo...

Đây có thể coi là phương pháp đạo diễn-đào tạo tốt nhất hiện nay, giúp sân khấu Việt hiện đại có sinh khí để đi tìm người xem đã mất. Và có lẽ cũng là phương pháp đạo diễn độc sáng, trong nỗ lực tự vươn tới tính hài kịch của một vở hài kịch tử tế, chứ không phải kịch hề nhảm đang gia tăng trên sân khấu sàn diễn nhà hát, rạp hát, đặc biệt là trên sân khấu truyền hình hôm nay. 

Đơn giản, vì cái hề nhảm ấy không phải hài kịch đúng nghĩa tử tế của sân khấu hiện đại Việt thế kỉ 21!

Đầu năm mới 2018!

Nguyễn Thị Minh Thái
.
.