Ngừng lại, nhìn sâu, để thấy mình

Thứ Ba, 23/03/2021, 20:43
Mưa xuân lất phất, một đoạn nhỏ trên đường Lạc Long Quân ven Hồ Tây (Hà Nội) rợp trắng hoa lê. Không biết từ năm nào, cứ dịp này là người ta mang những cành lê Sapa về đây bán. Người đi qua, nhìn thấy "rừng lê trong phố" dễ mấy ai cầm lòng? Nếu không lãng đãng văn chương nhớ tới câu thơ cổ "Ngày xuân con én đưa thoi/Cành lê trắng điểm một vài bông hoa" thì ít nhất cũng phải có một vài thoáng trầm trồ. Hai vợ chồng ghé vào hỏi mua, và chọn ngay một cành nở bung hoa trắng.


"Hoa nở bung thế này chơi được bao lâu, anh chị chọn cành khác mà mua" - cậu bán hàng tư vấn. Là kẻ ngoại đạo với hoa, hai vợ chồng răm rắp nghe theo, chọn một cành mà theo tư vấn của anh ta là "toàn nụ và nụ, có thể cắm trong nhà cả tháng trời". Rồi cậu ấy véo von: "200.000, không mặc cả!". Nhất trí cao, 200.000 để tậu về nhà một thoáng xuân tươi tắn, rẻ chán! Thế rồi hai vợ chồng hì hục cột cành lê vào đuôi xe, vênh váo phi trên đường.

Đến ngã tư Điện Biên Phủ, dừng đèn đỏ, đột nhiên một ông cụ phía dưới lao lên hỏi: "Cô chú mua cành này bao tiền vậy?". "Dạ, 200.000 cụ ạ". Nghe thế, ông cụ cười khà khà: "Cô chú bị lừa rồi. Đây là cành củi, héo quắt lại, chứ lê với la gì".

- Có cách nào cứu không cụ?

- Thôi thế này: về nhà đốt gốc, đổ nước âm ấm vào cắm, hy vọng nó cũng ra được vài bông.

Nghe thế buồn quá! Nhưng biết phải làm sao? Quay lại cự cãi với cậu bán hàng thì không dám. "Cùng lắm thì coi như mất có 200.000, lời qua tiếng lại làm gì cho mệt" - vợ bảo thế! Thôi đành cứ mang nó về nhà, cắm thử xem sao. Một ngày trôi qua "cành củi" trong nhà vẫn gầy đuồng đuỗng và trơ khấc. Ngày thứ hai cũng thế. Vợ đi ra nhìn một cái, đi vào nhìn một cái cứ như thể chỉ một bông được nở ra là cả một mặt trời phát quang.

Chồng cố tỏ ra bình thản, nhưng trong lòng cũng đợi chờ hoang mang lắm. Đêm thứ hai, vợ ngủ rồi, chồng lấy cớ ngồi làm việc nhưng kỳ thực là để soi chân tơ kẽ tóc "cành củi", xem rốt cuộc nó có phụ mình không. Lâu lắm rồi mới nhìn sâu thật sâu vào một cành cây như thế. Nó gầy, cằn, khô nhưng vẫn có hiếm hoi những chiếc lá nhỏ xíu nhú ra. Những chiếc lá mới nhú thì phải. Những chiếc lá rồi sẽ tiếp tục bung mở hay sẽ co quắp lại như thể chết non? Những chiếc lá có phải là những niềm hy vọng cho mình? Chồng lẩn thẩn nghĩ, và bấm bụng: Tý nữa sẽ vào kể vợ nghe. Ai dè lát sau vào, vợ đã ngáy khò. Chắc trong cơn mơ cũng lăn tăn: mình mua cành lê hay cành củi?

"Anh ơi, có hoa rồi, có hoa rồi" - Sáng hôm sau vợ hân hoan vào báo tin. Chồng bật khỏi giường, chạy ra phòng khách, lấy điện thoại chụp ngay lại hình ảnh những bông hoa đầu tiên. "Thế chứ! Phải thế chứ" - chồng nói với vợ mà chẳng biết mình đang nói cái gì. Kể từ hôm ấy hai vợ chồng tối nào cũng uống trà ngắm hoa. Mà nói "ngắm hoa" hơi xấu hổ, vì thực sự có biết ngắm nghía gì đâu. Nói chính xác là nhìn sâu vào cành, nhìn sâu vào lá, nhìn sâu vào bông, và nhìn sâu vào cả những cánh hoa.

Những bông hoa nho nhỏ xinh xinh sao mà giống những chiếc nhẫn đính hôn được "đính" lên những thân cành vững chắc. Càng nhìn càng thấy khoan khoái, càng thi nhau tưởng tượng. Mà thôi, nói tưởng tượng lại thấy xấu hổ. Chính xác phải là vừa nhìn sâu vào những bông hoa vừa cùng nhau chém gió. Vợ "chém" trước:

- Lâu rồi em mới nhìn sâu vào một cành hoa như vậy. Mọi khi cứ mua hoa về cắm vào bình là xong.

- Anh cũng thế! Từ lâu rồi anh chưa ngừng lại, nhìn sâu vào một bông hoa.

- Anh thấy gì?

- Thấy nắng gió, thấy sương tuyết.

- Em thấy gì?

- Em thấy sự thanh tao!

Đọc tới đây bạn đã thấy trình độ chém gió tối thượng của vợ chồng nhà này chưa? Thế mà vẫn chưa hết đâu nhé. Trong cơn bay bay cảm xúc, gã chồng chém tung trời:

-Chúng ta cứ nhìn mọi thứ lớt phớt vội vàng quá. Phải nhìn thật sâu như thế này mới thấy sự sống kỳ diệu hơn mình vẫn tưởng.

Khiếp! Sến súa đến thế là cùng! Nói chuyện với nhau mà cứ như thể mấy diễn viên cải lương đang hành nghề vậy - bạn đang nghĩ vậy phải không? Mong bạn thông cảm nhé, bởi khi "cơn sến" đã lên cao thì đây vẫn chưa phải là đoạn kết. Chồng còn huyên thuyên nói với vợ về việc từ giờ trở đi phải tập nhìn sâu - cảm nhận kỹ càng mọi vi mô sống trong gia đình mình. Nhìn sâu vào mắt hai đứa con. Nhìn sâu vào một cái bình. Nhìn sâu vào một chén nước, một bát cơm.

Đột nhiên chồng nhớ lại ngày xưa, cái ngày rất lâu rồi từng đọc một cuốn sách nào đó của thiền sư Thích Nhất Hạnh nói về chuyện này thì phải. Thiền sư bảo con người hiện đại phải sống gấp, sống nhanh quá, và đấy có vẻ là lý do chính khiến mình không thể chạm vào cái lõi kỳ diệu của cuộc sống. Thiền sư từng đặt ra câu hỏi: Khi ăn cơm bạn nghĩ gì? Nghĩ cơm đơn giản là cơm - là cái thứ cơ bản chui vào dạ dày mỗi ngày để nuôi sống cơ thể phải không? Nếu chỉ nghĩ như vậy thì có thể ta đã phụ công lao của cõi vũ trụ này. Thiền sư quan niệm khi đưa miếng cơm vào miệng ta phải cảm nhận được đó là một tặng phẩm đất trời dành cho ta.

Cây lúa mọc lên từ đất, lấy những chất dinh dưỡng từ đất. Trong hạt gạo ta ăn vì thế có thể có cả xương cốt của ông bà, cha mẹ ta. Bao nhiêu thế hệ đã sống và đã chết, hình hài của họ đã tan rã vào trong đất. Có thể trong một tiền kiếp nào đó, chính ta cũng đã ngồi, đã chết và đã tan ra vào trong đất theo cách đó. Bây giờ ta ăn miếng cơm - ăn hạt gạo thì cũng có nghĩa là ta đang ăn xương cốt của chính mình.

Trong hạt gạo có ta, có người, có nắng, có gió, có mưa, có bão, có cả linh hồn vũ trụ. Nếu ta nhìn sâu vào miếng cơm, ăn trong chánh niệm và quán tưởng mênh mông về đời sống của từng cây lúa, từng hạt gạo thì ta sẽ trở nên sâu sắc hơn và thấy mình nhiệm màu hơn so với chính mình vẫn nghĩ. Nghe chồng thao thao bất tuyệt kể những chuyện này, vợ vừa nhấp trà vừa gật gù.

Rồi vợ hỏi: Trong bông hoa kia, liệu cũng có tiền kiếp của ta?

Có thể lắm chứ, vì cây hoa kia cũng lớn lên từ đất. Bao nhiêu thế hệ người đã sống, đã chết, đã tan rã vào trong đất, tạo nên chất dinh dưỡng, nuôi nấng từng rễ cây? Chỉ có điều trong đời sống bận rộn ngày hôm nay, có mấy khi chúng ta chịu ngừng lại, nhìn sâu vào hoa để thấy mình? Có mấy khi chúng ta chịu ngừng lại, tắt đi tất cả những thiết bị công nghệ liên quan, nhìn sâu vào một bát cơm, một hạt gạo để thấm thía tận hưởng những giá trị được tạo lập từ những miền xa xôi vô lượng kiếp?

Thậm chí, có mấy khi chúng ta chịu ngừng lại, nhìn sâu vào những mắt của những đứa con để thấy cả một vũ trụ hồn nhiên tinh tuý đã mất của chính mình? Ngừng lại, ngắt đi những ràng buộc không cần thiết, nhìn sâu hơn vào đời sống, rốt cuộc chúng ta sẽ trả lời được câu hỏi quan trọng nhất: sống để làm gì?

Đây là những triền miên suy nghĩ theo đúng kiểu "chồng nói vợ khen", chứ cả vợ lẫn chồng đến lúc này cũng chưa làm được. Như chuyện nhìn sâu vào bông hoa lê trên cành lê bị một người đi đường cảnh báo là "cành củi" - nếu không bị cảnh báo như thế, có lẽ hai vợ chồng lần này cũng chỉ cắm cành lê như hàng trăm lần cắm hoa, trang trí phòng khách trước đó mà thôi. Một vài cánh hoa lê cũng đã bắt đầu rụng xuống chiếc ghế salon được kê ngay bên cạnh.

Chồng nhặt lên một cánh.

Vợ nhặt lên một cánh.

Hai vợ chồng còn say sưa, sến sẩm chém gió cả đêm!

Mỹ Chân
.
.