Đường về quê!

Thứ Ba, 13/02/2018, 14:28
Đường về miền Tây từ TP Hồ Chí Minh mới vài năm gần đây có đoạn cao tốc từ Bình Chánh đến Trung Lương, còn lại gần như toàn tuyến vẫn chật hẹp dù đã giải tỏa mở rộng thêm nhưng mỗi bên cũng chỉ có 2 làn xe hơi.


Xe máy nhiều quá đành đi vào làn đường xe hơi, nguy hiểm vô cùng. Có vài đoạn đường tránh nhưng lưu lượng xe ở quốc lộ 1 vẫn không giải tỏa được bao nhiêu. Không hiểu sao đã bao nhiêu năm mà đường miền Tây vẫn "kiên trì độc đạo?”.

Ngày nào cũng vậy, từ sáng tới khuya đường miền Tây lúc nào cũng nườm nượp xe cộ. Trạm dừng chân sáng đèn suốt đêm, hàng quán nơi thị tứ hầu như thức khuya dậy sớm. Dưới những con sông, kinh rạch cắt ngang đường lộ có lúc nào im tiếng ghe máy ngược xuôi…

Từ Sài Gòn về các tỉnh miền Tây có bao nhiêu cây cầu? Chắc không ai biết hết. Cũng mới vài năm nay nhiều cây cầu đã được xây mới, xây thêm cầu đôi để ngày thường tránh nạn kẹt xe nhưng vào dịp lễ tết thì vẫn ùn ứ ở những "nút thắt cổ chai" hai bên đầu cầu. 

Chỉ riêng con đường vô thành phố Cao Lãnh từ quốc lộ 1 rẽ ngã ba An Hữu đâu đã hơn 20 cây cầu, hồi "thế kỷ trước" toàn cầu sắt lót ván gập ghềnh xe "bò" qua cầu và hành khách phải xuống đi bộ, chú lơ xe còn phải vác theo tấm ván lót những đoạn ván cầu bị mục. 

Nay cầu đã được xây bằng bê tông, đường trải nhựa ngon lành, thời gian qua đoạn đường này rút lại chỉ hơn một tiếng đồng hồ thay vì gần nửa ngày như trước.

Đường miền Tây vào mùa Tết đẹp nhất vì nhà nào cũng có vài cây mai, có khi cả một vườn mai nở vàng rực. Cây mai như người bạn của mỗi gia đình miền Tây, rằm tháng Chạp lặt lá để Tết nở hoa, nhìn mai nở biết người thân sắp về ăn tết. Nhìn mai rụng biết người thân sắp rời nhà đi thành phố… Cây mai trồng trong sân vườn nhưng người miền tây ít khi chặt cành mai vô chưng trong nhà mà để mai nở tự nhiên ngoài vườn. 

Cũng giống như ở vùng núi phía miền Bắc, đào, mận trồng trước nhà, mùa xuân nở hoa hồng hoa trắng đẹp vô cùng. Vùng thôn quê miền Bắc ít thấy trồng đào phổ biến như nông thôn Nam bộ trồng mai.

Mỗi lần về quê thấy con sông Cao Lãnh ngày càng cạn hẹp dù đã được kè bờ (má kể ngày xưa sông rộng tàu lớn còn đi về tận Nam Vang), thấy khu đất nền nhà ông cố bây giờ thành những dãy nhà phố đông đúc, nhớ hồi đó nhà máy xay gạo của ông ngoại với đống trấu đống tro cao ngang mái nhà sàn của ngoại. 

Trong nhà sàn gian giữa có dãy bàn thờ mà ngày giỗ ngày tết, bà ngoại, má và mấy dì mấy mợ chỉ lo cúng cơm ở đó cũng hết ngày. Nét xưa nay không còn nữa…

May mà còn những cây mai vàng khoe sắc rực rỡ trong sân nhà cậu Út để mỗi lần về lại nhận ra, dù sống ở đâu thì trong mỗi người vẫn luôn còn đó một quê hương…

Sài Gòn tháng 1-2018

Nguyễn Thị Hậu
.
.