Vết giày và mùi đất

Thứ Sáu, 16/02/2018, 07:11
Một mùa hè, tôi đến Fiji, một hòn đảo xanh rực nằm ở Nam Thái Bình Dương. 

Từ trên máy bay, đoạn video cảnh báo vật phẩm sinh học liên tục phát đi phát lại. Nội dung có đoạn: Nếu bạn mang theo trái cây, hạt giống, thịt… hay bất cứ sản phẩm sinh học nào, hãy khai báo tại sân bay. Fiji phạt rất nghiêm khắc với những người giấu các sản phẩm này không khai báo. 

Vài ngày sau đó, bạn tôi bay từ Fiji về lại quê nhà ở New Zealand. Buổi tối, bạn ngồi cạnh tôi, cầm một chiếc chổi cọ giày, cọ sạch bụi đất bám trên giày sau những ngày chu du ở đảo để chuẩn bị bay về New Zealand.

Bạn nói: "Ở những hòn đảo quanh đây, cậu nên cọ sạch giày khỏi đất bụi trước khi bay đến nơi nào đó. Sinh thái ở các hòn đảo quá nhạy cảm. Nếu cậu mang theo một loại sinh vật nguy hiểm nào đó, nó có thể tiêu diệt một loài nào đó trên đảo."

Từng loại đất có gì khác nhau, và con người đang ở đâu giữa những bụi mù tung lên khi dấu chân dẫm đạp qua từng phần của thân thể đất?

Những mùa hè ở Angkor Wat, tôi nhìn những thân người đổ mồ hôi bước xuống xe vào đạp chân lên những nền đá tuổi đời gần 9 thế kỷ. Màu da của họ, trắng, đen, nâu, vàng. Gót giày họ, từ Nike, Adidas, Salomon hầm hố, đến những chiếc dép lào Havana lệt quệt xanh đỏ. Họ quấn tung bụi mù lên mũi tôi.

Tôi cố nhớ lại. Đất ở Angkor có mùi cát, nông và nhạt. Thứ mùi chứng minh sự nghèo nàn, đói khổ vô chừng, hanh hanh luồn vào phổi. Họ mang theo bao nhiêu sinh vật từ nửa kia của địa cầu, dưới gót giày bám sâu của dân du hành, chậm chạp len vào cát mù ở Angkor. Tò mò. Hổn hển. Bị thiêu trong ánh nắng trắng xác khô rốc.

Xứ sở này không phải Fiji, không phải một ốc đảo cô lập để bị sinh vật kỳ lạ nhảy dù xuống từ gót giày đầy bụi đất và tấn công. Nhưng bao nhiêu cát bụi sẽ tung lên hơi thở người, sẽ chen lấn nhau vào tế bào cơ thể họ. Sẽ ở lại mãi mãi.

Sẽ nhắc họ rằng kỳ quan khổng lồ ngoài kia họ thấy là một đền thờ bất tận. Sẽ ở lại trong hơi thở họ, gót chân họ, sẽ đi vào đáy sâu tiềm thức của họ. Một tòa thành kịch tính như trong bộ phim Mỹ hành động nào đó. Một giấc mơ từ thế kỷ 12 bị đóng băng lại vĩnh viễn và sống tiếp cuộc đời khác bên những con người bé nhỏ đang hành hương từ khắp ngả địa cầu để ngắm nhìn.

Mọi ánh nhìn của du khách đều kiêu kỳ và thách thức. Nó giam hãm đền thờ như một linh vật kỳ diệu bị nhốt trong lồng. Đây là cửa đền. Kia là thân đền. Đó đây là cột trụ. 

Người ta đã di chuyển những khối đá hàng mét khối để làm thành từng khối tượng mỉm cười. Ánh nhìn mổ xẻ linh vật của thời gian nhưng lại chẳng có chút gì kết nối với tâm sự và cảm xúc của những con người đã áp cả sự sống và niềm tin của họ vào một đền thờ kỳ vĩ. 

Không thấy mùi đất. Không nghe được những xung động đã chạm vào hàng ngàn số phận con người và đẩy họ về một hướng, nâng những khối đá lên và tạo thành sự kỳ vĩ, và chìm xuống thành sự vô hình bên trong hạt cát khô bỏng chỉ ám mùi hanh lên từng đợt thở.

Mùi đất gọi ra những xung động và cách con người chuyển động.

Mùi đất ở dải đất ngập bùn tới nửa thân người ở Lào tanh hương của sự sống. Đó là thứ vị tanh của đời sống quẫy đạp tràn đầy bên dưới. Ngoài kia, dưới làn nước chậm chạp của sông Mekong là vô số sự sống đang quẫy đạp. Là hàng ngàn con cá giương mắt nhìn bóng nước.

Là hàng trăm loài cỏ rêu, cây xanh, rau nước mọc bên bờ. Bùn nâu no đầy ấp ủ sâu trong nó  những thì thầm của sự sống. Mùi tanh của cá, của loài rắn nước bơi nhanh, của những con ốc sên chậm chạp ngoi lên đầu ngọn cây xanh biếc. Bùn ở Mekong không có mùi xác chết như trong cách người ta mô tả về đầm lầy như nghĩa địa muôn loài.

Dòng nước này kéo những thân thể chìm xuống đi xa và bồi đắp lên bằng vô số lần những hạt phù sa và thân phận của sinh vật từ nơi khác đến. Nó tái sinh vĩnh viễn và lặp lại sự bất diệt đó, và tỏa thành mùi bùn khi ta cúi sát mình lắng nghe.

Mùi đất trên dải nước hồ trong nhất ở miền Nam, Thale Noi, lại không rực lên sự sống kiểu Mekong. Nước ở miệt này trong và lẳng lặng, cô lập mình khỏi dòng chảy chung của những dòng chảy quanh đó. Một vụng nước khổng lồ được tạo ra và đơn độc tồn tại. 

Những đóa hoa súng nở hồng cả mặt hồ, và hàng ngàn vụng hoa màu trắng li ti khởi mình buông theo nước chảy dưới mặt nước trong suốt. Đất ở đây bị tách mùi khỏi nước. Nước không chút hơi bùn và chỉ thơm rất nhẹ mùi cây cỏ đong đưa chen giữa dòng nước.

Hàng chục loài thủy sinh đã biến mất từ khi con người chèo xuồng máy và mặc tình tận hưởng sự giàu có của con hồ. Cây cầu dài nhất Thái Lan được xây bắc ngang qua hồ. Những chú cá vô tâm có ngước nhìn lên để chứng kiến sự kỳ dị của một dải bê tông khổng lồ vừa vắt qua thân thể hành trình của mình? - Chúng im lặng tiếp tục bơi đi, tan đi nhưng không thể tái sinh như ở nơi đất có mùi bùn và nước chảy rì rầm ở Mekong.

Chúng biến mất không vết tích, để một ngày được nêu danh trong hơn 50 loài đã biến mất vĩnh viễn khỏi con hồ, chỉ còn là các ký tự trong đề tài khoa học in trên giấy. Không ký ức nào nhớ nổi chúng mang hình hài gì. Cũng như mùi đất khi tôi đi xuồng ra giữa hồ và hít vào ngực một nắm bùn trên tay. Mùi của thân cỏ tan đi. Không nhiều. Và bay hơi mất dạng không tăm tích.

Mùi đất làm tôi nhớ con người đã can dự và bấu sâu đến mức nào vào vùng đất này.

Thời gian đi leo núi ở Red River Gorge, có những ngày đi bộ dài, tôi băng qua những quả đồi đầy những giếng dầu nhỏ mà dân địa phương lắp đặt để khai thác dầu mỏ trên những cánh đồng bé. Đồng trồng ngô. Hoặc những đoạn rừng tự nhiên có đặt thiết bị ở giữa. 

Nhưng tuyệt nhiên không có mùi đất. Đất khô mùa đông. Đất bám vào vô vàn cây ngô kéo dài hàng chục ki lô mét. Nhưng mùi dầu loãng ra, rồi đọng lại, làm khô hơi thở. Tôi chỉ hít vào toàn mùi dầu. Tôi vốc một nắm đất đá lổn nhổn màu trắng, cố ngửi xem thứ sinh vật gì đang len lỏi trong đó. Thứ mùi như kim khí đó xoáy lên và đâm thẳng vào phổi.

Như tôi đang đứng giữa một trạm xăng dầu ở quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới này. Đất bị ăn thịt trong cuộc hành quân của loài người kiếm tìm sự tiện nghi ồn ã và tàn bạo. Đất bị con người bấu vào, hút đi tất cả, để lại một mặt trận bẽ bàng và lộn xộn. Hồn nhiên như sự khai phá. Hồn nhiên như sự trưởng thành từ đất mẹ. Không chút tiếc tay hay tiếc nuối gì.

Trên những con đường ấy, có lần tôi kinh ngạc không thể ngửi thấy mùi đất dù ngay dưới thân mình. Ở Rặng Núi Lớn Grand Canyon, tôi chạy bộ theo con đường Bright Angel Trail dài 12km xuống đáy vực sâu 1000m. Bụi đất mù tung lên.

Mỗi tầng cao một sinh cảnh thay đổi. Từ những khối đá đủ màu sắc khổng lồ, đến những đoạn đất mùn bám lên đá tạo sinh cây cỏ, đến đáy vực là cả một khu vườn tuyệt đẹp của thiên nhiên, đầy ắp màu xanh và dòng suối lạnh dẫn ra sông Colorado chảy qua bốn bang.

Nhưng tôi không thể ngửi thấy mùi đất, dù có nhiều lần đã ngã dúi dụi trên đường. Chỉ có mùi của hàng đoàn các con la chở người du lịch rùng rùng lên xuống. Chỉ có mùi của những đôi giày thể thao, tấm nylon, balo vải dù, bình nước nhựa. Mùi của hàng triệu con người lướt qua thô bạo dưới từng bước chân dẫn xuống lòng vực. Hệt như Angkor Wat.

Tôi hồ nghi mình đang rơi vào cuốn phim quay chậm của sự hủy diệt vô lối mà con người kiêu hãnh đang tạo ra. Họ đi tới nửa kia của Trái Đất, dòm Angkor Wat như sinh vật trong lồng, và họ đến phần này địa cầu, nhìn Grand Canyon như con đường mòn để thể hiện sự kiêu ngạo sẵn sàng dẫm đạp tất cả.

Dẫm đạp để bụi mù tung lên. Dẫm đạp để hàng triệu thớ đất trộn lẫn vào nhau như cách tổ tiên và ta đã đi khai phá thế giới này từ hàng ngàn năm trước. Con người chẳng sợ gì. Mỗi cung đường đều chỉ là giới hạn bé mỏng đằng nào họ cũng lướt gót giày qua. Nhưng có bao nhiêu người chợt tỉnh dậy và biết một gót giày bám đất của họ sẽ đem ân phước hay sự chẳng lành gì đến với vùng đất họ tiếp cận?

Bao nhiêu người sẽ dùng chổi cọ sạch giày vì sợ một vùng đất bị tổn thương bởi chuyến đi của mình?

Khải Đơn
.
.