Chào Mây nhé!

Thứ Hai, 21/06/2021, 10:41
Tôi quen chú Lợi khi cùng ngồi đọc sách ở Thư viện Quốc gia. Nói chuyện vài lần và quý mến nhau luôn. Chú là Tiến sĩ ngôn ngữ, vốn hiểu biết về văn học và văn hóa với tôi lúc đó là vô cực. Tôi rất mến phục ông.


Một thời gian, chú bảo đến nhà cho mượn mấy cuốn sách quý. Và tôi gặp Mây. Nó cao loằng ngoằng, mặt đầy mụn, tóc xù tung lõa xõa một áng bồng bềnh. Mây xách xô rác, cúi đầu chào rồi xỏ dép tông của bố đi đổ. Người tôi thì đã đông cứng lúc nào.

Tôi chăm đến nhà chú Lợi hơn, nhất là ưa chọn những giờ cô chú vắng nhà. Mây vẫn mở cửa cho vào. Lúc đó là mùa hè và bọn tôi có vẻ thân nhau hơn. Nhiều hôm Mây nấu cơm cho ăn, đa số là rau muống luộc, thịt kho từ hôm trước và rán thêm quả trứng. Và đa phần thời gian hai đứa cắm mặt vào những cuốn sách trong phòng đọc của chú Lợi. Thỉnh thoảng Mây lại kiếm chuyện chữ nghĩa ra tranh luận um ti, nhiều lúc ngược ngạo đến khó chịu. Bọn tôi có chung với nhau một mùa hè bình yên và cả khu tập thể Thanh Xuân như chỉ có hai đứa.

Một ngày tháng 6, Hoa hậu Thu Thủy đột ngột rời cõi tạm...

Cô vợ chú Lợi, tôi quên tên mất rồi, mua cho hai đứa hai tuýp kem trị mụn. Cô bảo, chúng mày chịu khó bôi, giai gái gì mà mụn nổi gò nổi đống đầy mặt, phát khiếp. Mây cãi, bọn con mới lớn, kệ!

Tôi nắm tay, Mây để yên. Tôi hỏi, Mây bảo từ từ để có kết quả thi đại học đã.

Thỉnh thoảng tôi chở Mây trên cái xe Cub 81 đi lòng vòng Hà Nội. Ghé qua vài hiệu sách cũ. Lên Phan Đình Phùng đi chơi sấu. Qua mùa sấu rụng vàng là mùa hoa sấu thơm dịu trong mưa. Lên hồ Tây đi chơi sen. Qua mùa sen nở là mùa lá sen ruỗng vàng. Vừa đi vừa hát bài hát chung của hai đứa: “Mây lang thang”. "Mây, sao còn bay mãi không bay về đây/ Sao còn lờ lững che ngang rừng cây/ Sao còn hờ hững với tôi từng giây/ Hay còn mơ nghĩ đến ai nào đây..." đến đoạn này thì tôi hát một mình, Mây thì không "Mây, xin dừng chân đến với tôi một đêm/ Xin đừng bay trốn môi hôn thật êm...".

Tôi theo Mây đến lớp Hành trang người mẫu ở Cung Việt - Xô. Hồi đó các hoạt động phong trào rất mạnh và khá sâu. Cung Việt - Xô có cả các câu lạc bộ dạy thanh nhạc, nhạc cụ, múa, mỹ thuật, MC, breckdance… từ đây sau này xuất hiện rất nhiều gương mặt sáng giá. Cùng với Mây là những Bảo Ngọc, Tôn Hiếu Anh, Thanh Hà, Hải Yến, Hoàng Xuân, chị em Mai Thu Huyền, Mai Thu Trang, Đỗ Vân Anh, chị em sinh đôi Thúy Hằng - Thúy Hạnh… Lúc đó nhìn những dáng người cao lều nghều đi lại ưỡn ẹo, tôi chỉ thấy ngứa mắt. Mây bảo, hay Vũ tập làm người mẫu đi, anh cao cũng mét bảy sáu mà. Tôi lừ mắt, không điên! Nhưng càng về sau càng thấy họ đẹp dần lên. Mây ừ hứ bảo, thế Vũ cứ vẽ cho đẹp, thiết kế thời trang đi, bọn em diễn!

Có lần Mây ghé qua xưởng vẽ Hàng Bài tìm tôi. Hồi đó tôi vừa đi học vừa làm ở xưởng kiến trúc của anh Di, kiến trúc sư. Ngôi biệt thự cổ gần như bỏ hoang ở góc ngã tư Hàng Bài, Lý Thường Kiệt lóc nhóc toàn sinh viên nam xây dựng, kiến trúc. Cả lũ con trai quần đùi, trần trùng trục thấy gái đẹp đến thì nháo nhào tìm quần áo mặc, loạn hết cả lên.

Mây đứng chờ ngoài cửa, quay mặt đi cười. Tôi rót nước vối cho Mây uống rồi bảo mấy thằng đàn hát. Ghé tai thằng guitar chính nói nhỏ, “Mây lang thang” nhé! Bọn tôi đàn hát say đắm cả buổi. "Đời tôi đã xót xa nhiều cũng vì yêu/ Niềm thương nhớ biết đến bao giờ làm mây quên lãng/ Chào mây nhé, mây bay về, về phía trời cao/ Ôi niềm ao ước, mối tình tha thướt như làn mây lướt…"… Cứ thế mà hết một buổi chiều.

Rồi đột ngột Mây bảo là sẽ đi thi hoa hậu. Mẹ Mây hình như là phóng viên ở Báo Tiền phong đã đăng ký rồi. Mây hỏi, Vũ, em làm hoa hậu được không? Tôi trợn mắt bảo, không nhá, mặt thì đầy mụn, ngực thì như bức tường! Tôi mười mươi biết Mây mà thành hoa hậu thì chắc chắn tôi không còn hy vọng gì nữa.

Mây đỗ thủ khoa Đại học Ngoại giao, tôi định nhắc lại chuyện kia thì Mây đi thi hoa hậu. Mây được nhà may Đức Hùng tài trợ trang phục. Nghệ sĩ Đức Hùng lúc đó nổi danh như một nhà thiết kế giàu sáng tạo. Tôi đưa Mây đi thử trang phục. Anh đưa đôi giày cao gót, bảo Mây thử đầm dạ hội. Mây vén rèm bước ra, lồng lộng nhan sắc trong chiếc đầm nhung màu nước biển ấy. Tôi đơ hàm không nói được gì, nhắm nghiền mắt, lắc đầu liên tục, thôi xong rồi, xong rồi, xong rồi...!

Vòng nào Mây thi tôi cũng đi theo, đứng cánh gà cổ vũ. Sau mỗi lượt thi tôi đưa bình nước, Mây hớp một ngụm nhỏ, bảo, sao có giấy mời mà Vũ không xuống phòng khán giả ngồi mà đứng chỗ tối thế này? Tôi bảo, anh ở đây cũng tốt, anh đứng trong bóng tối quen rồi. Tôi hòa với đám bạn bè Mây gào khản cả tiếng. Nhưng bụng tôi thì không ngừng khấn thầm, lạy Trời Phật cho Mây trượt, trượt đi, trượt đi, trượt đi... ! Và, Hoa hậu Báo Tiền phong năm ấy là Mây! Thôi rồi Vũ ơi!

Mây quá bận rộn với những hoạt động sau đăng quang. Tôi thì thấy ngại nên không đến nhà và cũng không alô. Mây gọi điện trách, Vũ bị làm sao thế? Tôi bảo, chả sao cả, Mây cứ lo công việc đi. Bụng nghĩ, tôi đứng trong bóng tối quen rồi! Và cứ thế xa dần.

Mây bất ngờ gọi điện, nói như ra lệnh, em sắp đi Mỹ, Vũ tiễn em ra sân bay đi! Giải thưởng năm ấy ngoài hiện vật, hiện kim còn có một chuyến đi du lịch Mỹ cho Hoa hậu và Á hậu 1. Ngày Mây bay, tôi chần chừ mãi cũng rồi cũng đến. Mây quàu quạu, tưởng không đến chứ, xe lại thừa một chỗ! Chú Lợi cau mày, đến chết cũng không bỏ được cái tính khạu bọ cau có ấy! Mây thì hoảng hốt, ôi cái túi du lịch để sách của con đâu ấy nhỉ? Đúng là cái đồ nghiện đọc!

Xe 7 chỗ đầy hành lý, rẽ qua tòa soạn báo đón Á hậu 1 Trịnh Kim Chi cùng ra sân bay. Trịnh Kim Chi lúc đó vừa tốt nghiệp Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội và vừa chuyển vào TP. Hồ Chí Minh. Chi nói giọng pha nửa Nam nửa Bắc, da ngăm nâu, tóc xõa mềm, đeo bờm, áo dài trắng như nữ sinh. Mây thì đã đỡ hơn nhiều nhưng mặt vẫn còn mụn.

Mây đeo kính đen, quần jean, sơ mi trắng buộc túm vạt cao lên, hở eo và tóc đã cắt ngắn, nhìn hiện đại và năng động lắm. Trên xe hai cô ấy cứ chị chị em em, luyên thuyên chào mào sáo sậu suốt. Gần tới sân bay, mọi người có vẻ thiu thiu ngủ, Mây đưa qua người mẹ nắm lấy tay tôi một lúc, môi mấp máy nói gì đó không thành tiếng.

Máy bay bay đi mang theo Mây của tôi xa mãi!

Một lần, tôi vô tình kể chuyện mình với bố Sĩ Hanh và bố Xuân Huyền. Bố Huyền bảo bố Hanh viết kịch bản đi. Nhà hát Tuổi trẻ sau đó dựng vở "Người yêu tôi là hoa hậu" là dựa vào chuyện tôi. Hôm xem diễn vở, nam chính đứng bên cánh gà cổ vũ nữ chính vai hoa hậu trong màn thi bikini, tôi tự nhiên nhớ mình và Mây ngày trước quá. Đã mấy năm rồi… Nghe nói hình như Mây chuẩn bị lấy chồng. Mây đã xem vở kịch này chưa? Mây có biết đó là chuyện của bọn mình không? Và Mây có còn hát “Mây lang thang” nữa không? "Mây, mây buồn mây khóc mỗi khi vào mưa/ Hay là mây nhớ mối duyên tình xưa/ Khi tình chưa biết đớn đau là chi/ Khi dòng nước mắt chưa hoen vào mi…".

Về sau, thỉnh thoảng tôi vẫn nghe tin tức về Mây… Rồi chú Lợi mất vì tai biến. Tôi không đến dự đám tang được. Sau, đến nhà, thấy trên tường vẫn treo bức tranh tôi tặng gia đình hồi trước, tự hỏi mình, sao lúc ấy lại vẽ bông loa kèn đó rũ xuống thế kia nhỉ? Cô vợ chú kể toàn những chuyện buồn. Còn Mây thì toàn những suy nghĩ, hành xử, quyết định rồ dại... Thỉnh thoảng tôi và Mây vẫn lướt qua nhau ở đâu đó… chỗ này… chỗ khác… không trò chuyện gì. Có lần vô tình gặp, Mây nghếch mặt kiêu hãnh, cười toe toét, em bỏ chồng rồi! Thế đấy!

Hôm nay trĩu lòng nghe tin Mây đi! Chào Mây nhé! Lúc đó Mây đã nói gì với tôi nhỉ? Vũ, đừng buồn!

Chào Mây nhé, Mây bay về phía trời cao!

Nguyễn Anh Vũ
.
.