Hàng chục hộ dân lo sợ “hà bá” nuốt nhà

Thứ Hai, 22/12/2014, 10:18
Nhiều năm qua, bờ sông Bù Lu chảy qua thôn Cảnh Dương, xã Lộc Vĩnh (Phú Lộc, Thừa Thiên- Huế) liên tục bị sạt lở lấn sâu vào thôn, xóm khiến hàng chục hộ dân ở ven sông luôn phải sống trong cảnh lo lắng, thấp thỏm. Đến nay, do thiếu kinh phí nên tỉnh Thừa Thiên- Huế vẫn chưa xây bờ kè kiên cố để khắc phục nạn sạt lở bờ sông Bù Lu…

Trong cơn mưa tầm tã, bà Bùi Thị Nhớ (50 tuổi, ở thôn Cảnh Dương) dẫn chúng tôi đến những vị trị sạt lở được xem là nghiêm trọng nhất dọc bờ sông Bù Lu. Chỉ tay về phía mấy ngôi nhà nằm sát mép sông chưa biết bị đổ sập lúc nào, bà Nhớ lo lắng nói: “Sạt lở ghê quá chú ơi! Mấy hôm nay trời mưa to, nước sông chảy cuồn cuộn và “nuốt” dần bờ cát, sâu vào khu dân cư. Những ngôi nhà ven sông này rồi cũng sẽ bị sập xuống sông mất thôi...”.

Theo lời kể của bà Nhớ: Đầu năm 1980, gia đình bà cùng nhiều hộ dân khác đi kinh tế mới, chuyển về sinh sống ở thôn Cảnh Dương. Do thấy ven bờ sông Bù Lu đất đai tươi tốt, phì nhiêu lại thuận lợi trong việc đánh bắt thủy sản nên vợ chồng bà quyết định xây nhà ở khu vực này để sống. Lúc đó, bờ sông cách nhà đến vài ba trăm mét, thế nhưng chỉ mấy năm gần đây, bờ sông đã tiến vào sát khu dân cư.

Đặc biệt, mùa mưa năm 2014, tình trạng sạt lở bờ sông Bù Lu càng diễn biến phức tạp, đã “nuốt” luôn phần đất và gian nhà phía sau của gia đình bà Nhớ. Nhiều điểm sạt lở mới có độ dốc thẳng đứng từ 3-3,5m. Lo lắng an nguy tính mạng trước “cửa miệng hà bá” nên gia đình bà Nhớ và một số hộ dân ở khu vực sạt lở đã di chuyển đến ở nhờ nhà những người bà con…

Cách đó không xa, nhà ông Phạm Ngọc Mau cũng có nguy cơ đổ ập xuống sông vì sạt lở đã đến sát tường nhà. Người đàn ông ngoài 50 tuổi, đầu đã hai màu tóc này nói như cầu cứu: “Nói thật với chú chứ đêm nằm ngủ mà cứ lo sợ nhà bị sập, hoặc bị cuốn ra sông. Không riêng chi gia đình tui mà gần 50 hộ dân sống dọc tuyến bờ sông Bù Lu này cũng chung tình cảnh ấy. Giờ cứ thấy mưa bão là bà con cứ thấp thỏm không yên vì không biết nhà bị cuốn trôi khi mô!”.

Bờ sông Bù Lu, đoạn qua thôn Cảnh Dương bị sạt lở nghiêm trọng.

Theo ông Phan Phước Dĩnh, Trưởng thôn Cảnh Dương, để hạn chế sạt lở dọc bờ sông Bù Lu, năm 2012, địa phương đã tổ chức nạo vét sông Lạch Tray (một nhánh sông Bù Lu) nhằm khơi thông dòng chảy và đóng hàng ngàn cọc tre, gia cố bờ bao cát ngăn chặn tình trạng sạt lở mới. Tuy nhiên, chỉ được một thời gian ngắn. Đến nay, do mưa bão cộng thêm địa hình đất cát ven sông bị xói mòn đã dẫn đến nạn sạt lở nghiêm trọng.

Qua thống kê của UBND xã Lộc Vĩnh, hiện toàn thôn Cảnh Dương có đến 400 hộ dân, nhưng có gần 1/3 số hộ dân sinh sống ven sông Bù Lu để đánh bắt thủy sản, bị ảnh hưởng nạn sạt lở bờ sông.

Trước tình hình trên, đầu năm 2013, UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế đã phê duyệt dự án hỗ trợ di dời nhà ở nằm trong vùng sạt lở theo Nghị định 22 của Chính phủ. Nhưng đến nay, trong số 17 hộ dân nằm trong danh sách di dời thì chỉ mới có 6 hộ dân nhận 20 triệu đồng hỗ trợ để chuyển đến ở Khu tái định cư Lộc Vĩnh xây nhà ở. Riêng các hộ dân còn lại, vì thiếu kinh phí xây dựng nhà nên chưa thể di dời, phải sống trong lo lắng, sợ hãi.

Trao đổi về thực trạng sạt lở dọc tuyến sông Bù Lu, ông Bùi Ngọc Ga, Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh cũng bày tỏ nhiều băn khoăn: “Tính trung bình mỗi năm bờ sông Bù Lu bị xâm thực từ 10-12m và hiện khu vực sạt lở kéo dài 2km với nhiều điểm sạt lở rất nặng. Trong 2 năm qua, có trên 10 gian nhà của người dân đã bị sập xuống sông. Nếu tình trạng sạt lở kéo dài thì chắc chắn khu dân cư ven sông Bù Lu sẽ bị xóa tên khỏi bản đồ hành chính của xã...”.

Trước tốc độ sạt lở chóng mặt dọc tuyến sông Bù Lu, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên- Huế cùng UBND huyện Phú Lộc đã đến khảo sát thực địa bờ sông. Tuy nhiên, nhiều hộ dân sống ven sông Bù Lu cho rằng, cái bây giờ họ cần không phải là những kế hoạch nằm trên giấy mà là những “hành động cụ thể” từ các cơ quan chức năng.

Trên hết, niềm mong mỏi nhất của các hộ dân là được quan tâm, xây dựng một tuyến kè chống sạt lở dọc con sông Bù Lu để người dân ổn định cuộc sống về lâu dài, nhất là vào mùa mưa bão. Hoặc có biện pháp hỗ trợ kịp thời để họ di dời nhà cửa ra khỏi vùng sạt lở đến nơi ở mới an toàn…

Anh Khoa
.
.