Trước lòng tốt, nếu không thể ủng hộ, cũng xin đừng đố kị

Thứ Ba, 01/11/2016, 15:17
Mùa bão lụt năm nay ở miền Trung, bên cạnh những hình ảnh đầy ám ảnh về số phận của những người dân nghèo miền Trung trong thiên tai, là câu chuyện xúc động về những cá nhân đã dùng sự ảnh hưởng của mình để kêu gọi nhiều chục tỷ đồng và nhiều tập thể đã quyên góp vận chuyển nhiều chuyến hàng đến ủng hộ người dân miền Trung, để những món quà tình nghĩa có thể đến nơi cần đến kịp thời trong lúc hoạn nạn.

Khi cả nước đang hướng về miền Trung, phóng viên Chuyên đề An ninh Thế giới Giữa tháng – Cuối tháng đã có một cuộc trao đổi với ông Hồ Xuân Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về chuyện xã hội hóa từ thiện.

- Phóng viên: Thưa ông Hồ Xuân Hùng, mùa bão lũ ở miền Trung năm nay không phải là một mùa bão lũ lớn so với những trận bão, trận lụt lịch sử một số năm trước. Thiệt hại có lẽ cũng không bằng. Nhưng lại là một mùa bão lũ gây tranh cãi. Ví dụ như câu chuyện Thủy điện Hố Hô xả nước không đúng quy trình, gây thiệt hại vô cùng lớn cho người dân.

Từng là Chủ tịch tỉnh Nghệ An, rồi làm Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – nơi có nhiệm vụ khuyến nghị với chính phủ đối với việc xây dựng thủy điện, ông nghĩ sao về vấn đề này?

- Ông Hồ Xuân Hùng: Chúng ta phải công bằng nhìn nhận rằng không phải năm nay, hay những năm gần đây, mà từ nhiều thế kỷ rồi, trước khi có cả thủy điện, thủy lợi, trước khi rừng bị tàn phá như bây giờ, thì miền Trung đã luôn là cái rốn bão lũ của cả nước.

Giống như người Nhật Bản phải thích nghi với động đất, người Philippines phải chấp nhận những cơn siêu bão, người miền Trung đã sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này đều phải hiểu rằng, bão lũ là đặc tính tự nhiên của vùng đất này, và cả đời họ sẽ buộc phải sống chung với nó, buộc phải thích nghi với nó, buộc phải chống chọi với nó để sinh tồn và vươn lên.

Những năm gần đây, tình hình bão lụt ở miền Trung trở nên phức tạp hơn, tôi cho là vì nhiều nguyên nhân, không chỉ là do thủy điện, ví dụ như vấn đề biến đổi khí hậu khiến cho thiên tai cũng trở nên nặng nề và khó dự đoán hơn trước, dẫn đến việc dự báo thời tiết khó chính xác và bị động trong việc đối phó với bão lũ.

Cộng với đó là mật độ dân số cao hơn, kết cấu hạ tầng tăng lên, trở thành gánh nặng cho hệ môi trường, rồi cả nạn chặt phá rừng, đã khiến thiệt hại của chúng ta qua mỗi mùa bão lũ tăng lên đáng kể. Tuy không phải lỗi của riêng gì thủy điện, nhưng việc mật độ các công trình thủy lợi và thủy điện gia tăng chóng mặt những năm gần đây cũng đã tạo ra những thay đổi rất lớn về dòng chảy tự nhiên, làm lũ lụt miền Trung trở nên khó lường và khó ứng phó hơn trước rất nhiều.

Đã có thời kỳ chúng ta tự hào về việc dùng kỹ thuật để “thay trời đổi đất, sắp xếp lại giang sơn”. Nhưng không phải sự thay đổi nào cũng tốt. Cũng có những sự thay đổi mà có thể hôm nay, ngày mai, chúng ta sẽ phải trả giá khi cố tình cải tạo trái với quy luật tự nhiên. 

Ngày trước, khi xây dựng thủy điện, người ta cho rằng thủy điện ngoài việc là một nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế, thì sẽ giúp điều tiết nguồn tài nguyên nước hiệu quả hơn.

Nhưng cuối cùng thì sao, khi hạn hán, thiếu nước, thì thủy điện tích nước; khi cần tiêu nước thì thủy điện xả nước. Hoàn toàn không có lợi ích nào về điều hòa hạn hán, bão lũ trong việc xây dựng thủy điện.

Nên việc xây dựng thủy điện, tuy đem lại những lợi ích kinh tế không nhỏ, nhưng mặt khác cũng gây ra những áp lực lớn đến đời sống của người dân, nhất là với mật độ thủy điện, thủy lợi dày đặc và tràn lan như hiện nay. Đó là lý do mà mấy năm nay, cứ đến mùa bão lũ, là câu chuyện các hồ thủy điện, thủy lợi xả lũ lại gây ra bức xúc lớn đến vậy.

- Nếu hiểu rằng thủy điện có thể gây ra hậu quả với đời sống người dân, tại sao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không khuyến cáo cho chính phủ về vấn đề này, nhất là giai đoạn ông làm Thứ trưởng – giai đoạn mà thủy điện vừa và nhỏ được xây dựng ồ ạt khắp cả nước , vì đây vốn là nhiệm vụ của Bộ Nông nghiệp?

- Chúng tôi đã đưa ra rất nhiều khuyến cáo đấy chứ! Không những chúng tôi phải báo cáo việc đó với Chính phủ, mà còn phải làm việc trực tiếp với từng địa phương. Bởi vấn đề quy hoạch thủy điện ở nước ta rất phức tạp. 

Những thủy điện có quy mô tầm trung trở nên sẽ do Chính phủ quyết định, nhưng việc xây dựng thủy điện vừa và nhỏ lại được trao quyền tự quyết cho các địa phương. Mà nguồn lợi kinh tế mà thủy điện đem lại là không nhỏ, nên có những địa phương đã đặt những lợi ích về kinh tế lên cao hơn lợi ích chung của người dân, dẫn đến mật độ thủy điện vượt quá mức an toàn cho một con sông. Ví dụ như ở miền Trung hiện nay, có những con sông có đến 7 – 8 đập thủy điện. 

- Ý ông là những khuyến cáo của Bộ Nông nghiệp đã không được lắng nghe?

- Họ lắng nghe chứ! Lúc nào họ cũng lắng nghe. Nhưng họ nghe mà vẫn làm. Thật ra Bộ Nông nghiệp chỉ có thẩm quyền đưa ra khuyến cáo, khuyến nghị, vì nhiệm vụ và giới hạn thẩm quyền của chúng tôi chỉ liên quan đến yếu tố rừng và nguồn nước, còn chuyện quy hoạch thủy điện là do Bộ Công thương.

Thậm chí, đối với những thủy điện có quy mô quá nhỏ, thì cũng không cần có ý kiến từ Bộ Nông nghiệp. Nhưng 1 thủy điện nhỏ không sao,10 thủy điện nhỏ sẽ là vấn đề. Một Hố Hô xả lũ đã gây ra những bức xúc như thế, nhưng nhiều thủy điện cùng xả lũ như Hố Hô, thì đó sẽ là thảm họa với miền Trung. Đó là cái giá mà chúng ta đang bắt đầu phải trả cho việc quy hoạch thủy điện không hợp lý.

Về lâu dài, nó sẽ tạo ra những biến đổi khôn lường về hệ sinh thái trong những khu vực này, làm thay đổi khí hậu, thay đổi môi trường, và tạo ra những nguy cơ có thật mỗi mùa mưa lũ, nhất là một nơi có nhiều thảm họa thiên nhiên như miền Trung. Mà những năm gần đây, những nguy cơ đó càng rõ ràng hơn bao giờ hết. Khi mà hàng loạt sự cố nứt đập thủy điện, rồi xả lũ không đúng quy trình ở các đập thủy điện miền Trung xảy ra, gây ra những thiệt hại đáng kể cho người dân trong vùng.

Tôi tìm hiểu về thủy điện và thủy lợi ở nhiều nước trên thế giới, biết một sự thật rất buồn là không nơi nào làm thủy điện, thủy lợi như Việt Nam mình. Các nước khác làm thủy điện, thủy lợi, bao giờ nguyên tắc đầu tiên của họ cũng là tôn trọng tự nhiên, cố gắng không làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái. Nước ta thì tuy nói thế, nhưng không làm được. Mọi công trình chúng ta làm đều ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái.

- Nhiều năm nay, miền Trung vẫn là nơi nghèo nhất của cả nước. Thiên tai xảy ra hàng năm có phải đã kéo lùi sự phát triển của vùng đất này?

- Bão lũ ở miền Trung mỗi năm gây ra những tổn thất không nhỏ. Nó làm người miền Trung gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng tôi vẫn nghĩ, suy cho cùng miền Trung nghèo không phải vì lý do đó. Đó chưa bao giờ là lý do chính. Nếu là bão lũ thì Philippines, Nhật Bản, hay những khu vực như Vân Nam (Trung Quốc) là những nơi chịu nhiều thảm họa thiên tai hơn ta nhiều chứ?

Người Nhật Bản phải đối mặt với từ động đất, bão lũ đến sóng thần, nhưng tất cả những điều đó không ngăn được những vùng đất ấy phát triển, không ngăn được những con người ở vùng đất ấy vươn lên. Miền Trung nghèo, vì nước mình còn nghèo, Chính phủ chưa đủ sức để lo cho dân và vì chiến lược phát triển cho phù hợp với từng vùng miền, nước ta vẫn chưa có.

Người miền Trung kiên cường lắm. Vì mảnh đất đó quá lắm thiên tai. Người miền Trung có thể sống chung với thảm họa, từ khô hạn đến lũ lụt. Quê tôi ở Nghệ An. Tôi đã từng chứng kiến những bà con ở dọc sông Lam xây dựng những ngôi nhà, mà ngôi nhà nào cũng có cái chạn (gác xép). Lúc bình thường, đó là nơi chứa đồ dùng.

Khi lũ đến, nó trở thành nơi vừa cất  lương thực, thực phẩm, đồ đạc có giá trị, vừa là nơi ngủ, nơi sinh hoạt của cả gia đình. Thậm chí, mái ngói chỗ chạn xép đó luôn có thể mở được để gọi người cầu cứu trong trường hợp nước dâng quá cao.

Họ cứ ở đó, bình thản chờ lũ rút, rồi lại quay lại với cuộc sống thường nhật. Nghĩa là người miền Trung, tự thân họ đã thích nghi với cuộc sống đó trong cuộc đấu tranh sinh tồn của mình, để chủ động với mọi tình huống. Dù không ai sung sướng với việc đó cả, nhưng biết làm sao được khi mà không phải ai cũng có nhiều lựa chọn.

Nhưng cũng vì miền Trung còn nghèo, lại là cái rốn thiên tai, lũ lụt của cả nước, nên tôi vẫn mong, mọi chính sách về kinh tế, mọi quy hoạch về thủy điện đối với khu vực này cần được quan tâm nhiều hơn bây giờ.

- Chắc là những ngày vừa qua, khi theo dõi báo chí và mạng xã hội, ông cũng sẽ thấy mùa bão lụt ở miền Trung năm nay xuất hiện nhiều đoàn từ thiện do những cá nhân có ảnh hưởng trong xã hội phát động, nhiều hơn hẳn những năm trước. Và đặc biệt năm nay, các tổ chức từ thiện cá nhân này, dường như tạo được uy tín và những ảnh hưởng tích cực với xã hội hơn, thậm chí còn hơn nhiều tổ chức xã hội khác. Như cá nhân MC Phan Anh, chỉ trong vài ngày đã kêu gọi được gần 20 tỷ đồng từ thiện, và con số này có thể còn tăng nữa trong những ngày tới…

- Thật ra các nước trên thế giới, chuyện xã hội hóa từ thiện đã phổ biến từ lâu. Có những cá nhân lập ra những quỹ từ thiện và tổ chức hoạt động chuyên nghiệp không kém gì các tổ chức của chính phủ. Nên tôi nghĩ, việc nhiều cá nhân có ảnh hưởng xã hội ở Việt Nam phát triển những chương trình hành động như vậy là một tín hiệu đáng mừng, và cũng là xu hướng tất yếu của xã hội.

- Nhưng ví dụ như câu chuyện của MC Phan Anh – người trong vài ngày qua đã kêu gọi được số tiền ủng hộ khổng lồ, đã có những người ủng hộ, nhưng cũng có những người không ủng hộ; đã có những người cảnh báo rằng, nếu không có một chiến lược cụ thể, thì việc hoạt động từ thiện xuất phát từ tấm lòng đó thậm chí có thể gây ra những rắc rối về pháp lý cho chính những người khởi xướng. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

- Tôi nghĩ rằng, trước một  thảm họa thiên nhiên như vậy, nếu có những người sẵn sàng bỏ thời gian, công sức, tiền bạc và có những nghĩa cử cao đẹp như vậy, mà không hề toan tính lợi ích cá nhân, thì tại sao chúng ta lại phản đối, tại sao chúng ta lại dị nghị. Đành rằng mỗi mùa bão lũ, Chính phủ đều có kế hoạch cứu trợ miền Trung.

Nhưng nguồn lực của nhà nước mình còn có hạn, nếu có những cá nhân đứng ra chia sẻ gánh nặng đó, để công tác cứu trợ được nhanh hơn, kịp thời hơn, để công cuộc tái thiết sau thiên tai được tiến hành gấp rút hơn, thì đó là may mắn của đất nước.

Truyền thống “lá lành đùm lá rách” là truyền thống lâu đời của người Việt mình. Xu hướng xã hội hóa là xu hướng tất yếu của thế giới. Sao chúng ta phải lo sợ? Tôi hoàn toàn ủng hộ những cá nhân như thế và không thể hiểu được lý do vì sao lại có người không ủng hộ, lý do vì sao lại có người băn khoăn.

Tôi nghĩ thế này, đứng trước lòng tốt ấy, nếu không thể ủng hộ, cũng xin đừng đố kị; nếu không thể chia sẻ, cũng xin đừng dọa dẫm. Tôi không dám khẳng định 100% những cá nhân đứng lên phát động, kêu gọi từ thiện đều là trong sáng, không có động cơ cá nhân. Có thể có những người kêu gọi được 10 đồng từ thiện, nhưng giữ lại đến 4 đồng, còn chỉ mang đi từ thiện 6 đồng. Và tôi đã từng chứng kiến những việc ấy, không chỉ một lần.

Nhưng điều đó không có nghĩa rằng chúng ta mất niềm tin vào việc xã hội hóa từ thiện. Tôi tin, những người đứng lên để kêu gọi, tập hợp những người xung quanh làm việc tốt, thứ nhất là những người có lương tâm, thứ hai là những người có địa vị, có ảnh hưởng xã hội.

Mà thường những người này họ không thiếu thốn để phải đi cấu véo tiền từ thiện của người nghèo. Thế nên, chúng ta hãy cứ đặt niềm tin vào họ. Vì khi không dám đặt niềm tin vào ai cả, chúng ta sẽ chẳng có cơ hội để chia sẻ tấm lòng, giúp đỡ những người đang cần chúng ta giúp, những người mà chúng ta muốn giúp.

Nhưng dù là nỗ lực cứu trợ từ chính phủ; dù là tấm lòng của một cá nhân như MC Phan Anh đứng ra kêu gọi 20 tỷ đồng; dù những chuyến hàng cứu trợ của “Cơm có thịt” của nhà báo Trần Đăng Tuấn thì đó cũng chỉ là những hành động cứu trợ khẩn cấp khi có tình huống cấp bách.

Cuối cùng, tôi vẫn cho rằng, sẽ là vô cùng mệt mỏi, nếu chúng ta cứ “mất bò mới lo làm chuồng”, sẽ là vô cùng mệt mỏi, nếu chúng ta chỉ đợi lũ lụt đến rồi mới lo cứu trợ. Quy hoạch lại thủy điện,  phủ xanh đất rừng, ngăn chặn biến đổi khí hậu, giảm thiểu tối đa thiên tai, mới là nhiệm vụ quan trọng nhất. Và nhiệm vụ đó, Chính phủ buộc phải đứng ra gánh vác, chứ không tổ chức hay cá nhân nào có thể làm được.

- Với kinh nghiệm từ những năm làm chủ tịch một tỉnh thường xuyên phải đối mặt với thiên tai như Nghệ An, ông có lưu ý gì với các hoạt động hiện nay hay không?

- Tôi nghĩ chuyện cứu trợ mùa lũ giống như hành động tiếp máu cho bệnh nhân cấp cứu. Đó là việc làm cần thiết, khẩn cấp và cần được cả xã hội chia sẻ và ủng hộ. Nhưng cũng có rất nhiều thứ phải lưu ý: Thứ nhất, chúng ta không thể chỉ tiếp máu cho một vài bệnh nhân mà quên đi những bệnh nhân khác cũng đang nguy kịch không kém. Tôi từng chứng kiến có những mùa lũ lụt, vì lý do nào đó, ví dụ như quá xa xôi, hay đường xá đi lại quá khó khăn, nên các đoàn từ thiện thường đổ vào một vài huyện, xã nhất định.

Những huyện vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn thường bị lãng quên. Thế nên, có những xã có cả chục đoàn cứu trợ đến, có những xã không có đoàn nào. Có những gia đình nhận được mấy chục phần quà từ thiện, có những gia đình một gói mỳ tôm cứu đói cũng không có.

Cùng chia sẻ thông tin với chính quyền địa phương để phân bổ quà từ thiện, để hoạt động đó thật sự có ý nghĩa và công bằng với tất cả người dân vùng lũ, là điều mà chúng ta nên làm để tránh thiệt thòi cho những vùng sâu, vùng xa.

Thứ hai, tôi vẫn muốn nói thêm về cách chúng ta cho đi những gì chúng ta có. Có những lần tôi đi cứu trợ, chứng kiến những hành vi từ thiện rất “vô văn hóa”, ví dụ như ngồi trên xe mà quăng từng gói mỳ tôm hay hàng cứu trợ xuống đường cho người dân. Đó là hành vi rất phản cảm, rất phản từ thiện. Và tôi đã phản ứng rất dữ dội với những hành vi đó. Khi chúng ta đã làm việc thiện, nghĩa là cái tâm của chúng ta phải thực sự thiện, đừng làm việc thiện theo kiểu ban ơn. Xúc phạm dân nghèo lắm!

Thứ ba, mỗi thời điểm, cách chúng ta hỗ trợ người dân như thế nào cũng rất quan trọng. Đừng nghĩ lúc nào bà con vùng lũ cũng chỉ cần mỳ tôm. Lúc khẩn cấp, họ cần lương thực, thực phẩm; nhưng khi lũ bắt đầu rút, họ cần tiền để sửa chữa nhà cửa, cần máy bơm, hút nước để rửa sạch nhà, cần chăn màn, quần áo, sách vở… để bắt đầu lại cuộc sống.

- Hôm vừa rồi, có một tờ báo quốc tế đã nói đến việc sự tham gia của các tổ chức dân sự trong công tác từ thiện đang ngày càng trở nên phổ biến ở Việt Nam. Ông nghĩ thế nào, khi mà một vài năm trở lại đây, người dân có xu hướng ủng hộ và tin tưởng những tổ chức từ thiện của cá nhân hơn là những tổ chức cứu trợ do nhà nước lập ra?

- Thật ra bản thân chính phủ không bao giờ làm từ thiện. Bởi mọi việc cứu trợ của chính phủ với những vùng khó khăn đều là nhiệm vụ tất yếu. Những tổ chức từ thiện, cứu trợ có yếu tố nhà nước, không có nghĩa là nhà nước đang làm công tác từ thiện. Đó chỉ là đặc điểm của các tổ chức  xã hội của Việt Nam, những nơi luôn bị các mệnh lệnh hành chính chi phối.

Chính thói quen hoạt động theo cung cách hành chính đã khiến cho việc hỗ trợ của những tổ chức này với người dân các vùng thiên tai, khó khăn đôi khi trở nên kém hiệu quả hơn cả những quỹ, nhóm do cá nhân phát động.

Không chỉ thế, khi một cá nhân đứng ra làm công tác từ thiện, với một nhóm nhỏ gọn nhẹ, chuyện cứu trợ của họ sẽ diễn ra gọn gàng hơn, tốn kém ít chi phí hơn, và đôi khi những chi phí đó còn do chính họ tình nguyện bỏ ra, vì vậy, số tiền ủng hộ luôn đến được với người dân gần như tuyệt đối.

Những tổ chức cứu trợ xã hội lâu đời của chúng ta thì khác. Nhiều khi chi phí về đi lại, về con người, chi phí để thực hiện các hoạt động từ thiện đó, đều tính cả vào số tiền kêu gọi được. Đó là một trong những lý do  khiến hoạt động từ thiện kém hiệu quả hơn.

Vì thế, nếu người dân có ủng hộ những tổ chức cá nhân cũng là đương nhiên. Và tôi cho rằng nó là quyền lựa chọn của mỗi cá nhân. Ủng hộ cho tổ chức nào, cho hội nhóm nào, cho cá nhân nào không quan trọng. Quan trọng là cuối cùng, mục đích vẫn là chia sẻ và giúp đỡ những người cần giúp đỡ và sự giúp đỡ đó đến được tay người cần được giúp đỡ.

- Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Nguyên Lê (thực hiện)
.
.