Tiến sĩ Trần Đình Lý – Trưởng phòng Đào tạo, Đại học Nông Lâm TP HCM:

Những ai đặt ra sự tạm bợ, ngắn hạn sẽ luôn có sự khuất tất, phớt lờ trước sự thật

Thứ Ba, 28/02/2017, 11:28
Câu chuyện cô Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Trung Yên (Hà Nội) có nhiều hành vi gian dối xung quanh sự cố một học trò bị xe taxi đâm gãy chân trong sân trường như một hồi chuông gióng vang khiến dư luận thức tỉnh về sự chân thật, về đạo đức.

Chân thật hay dối trá? Phóng viên Chuyên đề An ninh thế giới Giữa tháng - Cuối tháng đã có cuộc luận bàn về vấn đề này cùng Tiến sĩ Trần Đình Lý - một nhà quản lý giáo dục.

Trẻ em không biết nói dối nếu không có “gương” từ người lớn

- Phóng viên: Thưa tiến sĩ Trần Đình Lý, có ý kiến cho rằng “càng lên cao, tính chân thật trong mỗi con người càng phai dần đi”. Ý kiến của ông như thế nào?

- Tiến sĩ Trần Đình Lý: Bạn đang hỏi “cao” về thâm niên tuổi tác hay về chức vụ? Mà cho dù là tuổi tác hay chức vụ thì tôi nghĩ nhận định này chưa hẳn đã đúng. Nó không đúng vì sẽ làm chạnh lòng, thậm chí xúc phạm những người đã cống hiến suốt đời, sống chân thật, họ không thích và cũng chưa hề dối trá. 

Nhưng ý kiến này cũng có thể làm giật mình những ai đó đã không sống thật với bản thân. Đã là sự thật thì sẽ luôn luôn là sự thật. Nếu sự thật luôn được tìm cách bưng bít, khoả lấp bằng những động thái, quan điểm, cách làm, nhằm đánh lừa dư luận, hoặc thêu dệt theo một hướng khác thì sự thật không bao giờ là sự thật nữa.

Người ta vẫn nói, “một nửa cái bánh mỳ là một nửa cái bánh mỳ, một nửa sự thật sẽ không còn là sự thật”. Theo tôi, những điều thuộc về sự thật, đặc biệt là tính chân thật luôn mang tính bền vững và mãi không thể khoả lấp.

Câu chuyện về bà Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Trung Yên (Hà Nội) được báo chí và dư luận quan tâm đầy trách nhiệm. Họ bức xúc lắm mới dùng đến những từ ngữ ngoài ý muốn: “Khi sự dối trá lên ngôi”, “sự bức xúc lên tiếng”, “khi hiệu trưởng chối bay chối biến”... 

Điều mà xã hội càng ngày càng bất bình, đó là cách hành xử quanh co, vô trách nhiệm đến vô cảm của bà Hiệu trưởng. Sự việc xảy ra rõ như ban ngày, ngay trong sân ngôi trường do chính bà quản lý, nhưng bà lại thoái thác, chối bỏ tất cả, không thể hiểu được...

Chính nhờ ở vị trí cao nhất, mà bà đã lấy quyền điều hành để thực hiện một số động tác gọi là khảo sát cán bộ giáo viên và học sinh để hòng thay đổi sự thật. Và, thông qua sự dối trá, sự việc trở nên tồi tệ và đáng bị phê phán. Đã thế, khi bị phản ứng (về việc tổ chức lấy ý kiến khảo sát), bà hiệu trưởng lại nâng tầm tội lỗi bằng cách đổ hoàn toàn cho người thuộc cấp của mình.

Tiến sĩ Trần Đình Lý – Trưởng phòng Đào tạo, Đại học Nông Lâm TP HCM.

Đặc biệt, những câu chuyện thật đã được kiểm chứng bởi những người liên quan, thì dù giấu giếm cũng không khỏa lấp được. Tôi nghĩ, ai trong chúng ta cũng đều biết thành ngữ "cây kim lâu ngày trong bọc cũng lòi ra". Ở đây, tôi không loại trừ sự thật không được phơi bày, nếu chỉ ít người có tính dối trá biết được.

Thừa nhận với bạn, khi con người càng lớn, ở một quy mô lớn, sự bưng bít, khoả lấp sự thật càng cao hơn. Một em bé không biết nói dối nếu người lớn không dạy em nói dối. 

Lãnh đạo của một đơn vị sẽ có "quyền" bưng bít sự thật hơn những người thuộc cấp trong hệ thống. Lúc này, không chỉ cao hơn, mà trình độ bưng bít lớn hơn khi được hỗ trợ của công nghệ. Có nghĩa, sự gian dối càng hiện đại, tinh vi hơn. Hậu quả ở đây là sự ảnh hưởng. Nếu mức độ thấp, sự dối trá ít ảnh hưởng thì càng lên cao, đặc biệt những nhà quản trị cấp cao, có đầy đủ quyền lực để bưng bít là mối nguy hại.

- Ông vừa nói, “trẻ em không biết nói dối nếu người lớn không dạy”, điều đó có nghĩa bản tính chân thật luôn có trong mỗi người từ lúc hình thành. Ông có thể lý giải vì sao con người ngày càng phát triển thì càng dễ nói dối hơn?

- Ý này cũng có 2 mặt, chưa hẳn chính xác cho mọi đối tượng. Nhưng nếu đúng, tôi nghĩ đây là điều dễ hiểu. Nhưng điều tôi muốn đề cập với bạn không phải là con người cá nhân mà là con người của tổ chức.

Khi gắn với bất kỳ một tổ chức nào, con người sẽ luôn phải tuân thủ và tìm cách bảo vệ cho tổ chức, cũng có nghĩa là họ đang bảo vệ mình. Cá nhân sẽ bị chi phối bởi các yếu tố như điều kiện làm việc, thu nhập, mối quan hệ, sự thăng tiến, quyền lợi của mình và quyền lợi chung của tập thể. 

Nếu anh hết lòng, hết mình vì tập thể theo hướng tích cực là rất tuyệt vời. Nhưng nếu hết lòng, hết sức vì tập thể nhưng lại làm điều khuất tất, tiêu cực, không thật, thậm chí làm đủ mọi cách để khoả lấp cái xấu thì đây là hành vi đáng lên án.

Tất nhiên, tôi cũng nghĩ, chúng ta cũng nên thông cảm cho họ nếu văn hóa của đơn vị đó không dựa trên nền tảng là sự chân thật. Điều này, không sớm thì muộn, chính cá nhân sẽ bị ảnh hưởng.

Nhưng phải lưu ý rằng, những người ở vị trí thấp, sự đóng góp cho tập thể chưa đủ lớn, nếu có sự khoả lấp thì sự ảnh hưởng có thể kiểm soát được. Những vị trí cao, đặc biệt các nhà quản trị cấp cao nếu cố gắng để che giấu sự thật thì mức độ ảnh hưởng rất nghiêm trọng, hậu quả nặng nề.

Như vậy, chúng ta thấy rất rõ, lý do để một cá nhân sẵn sàng khoả lấp đi sự thật là do cá nhân họ. Điều này vừa là quyền lợi cá nhân, vừa là đặc điểm cá nhân. Nếu đặc điểm cá nhân họ là người trung thực thẳng thắn, luôn phê phán điều xấu, sẽ bộc lộ dù có bị tổ chức siết chặt. Và dù tổ chức có siết đi chăng nữa, nhưng người thẳng thắn, trung thực, có quan điểm khác biệt với lãnh đạo thì họ có quyền đưa ra quan điểm riêng của mình. Còn với tập thể, xuất phát điểm là sự chân thật của những cá nhân trong tập thể ấy.

- Bản thân ông đã từng chứng kiến câu chuyện nào về sự chân thật hay dối trá mà ông ấn tượng không?

 - Đương nhiên là có. Tôi có may mắn tiếp xúc với rất nhiều người làm về truyền thông, doanh nhân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước cũng không ít. Câu chuyện nghe lại cũng có, chứng kiến cũng có. Nhưng bạn hỏi vậy, đồng nghĩa với việc tạo cho tôi một áp lực đầy trách nhiệm là phải nhìn nhận đánh giá một vấn đề theo cách thẳng thắn, trung thực, không né tránh, mặc dù có những sự nhạy cảm, tế nhị.

Tôi từng chứng kiến nhiều người gặp khó khăn trong công việc và sẵn sàng chia sẻ với mọi người, nhưng có người không biết sự sẻ chia là gì. Họ để trong lòng, thậm chí họ còn không đoái hoài đến mặt trái của vấn đề, chỉ tập trung vào điều tốt đẹp, suy nghĩ và hành động tích cực. 

Tôi cho rằng, đây là những người có quan điểm tích cực. Điều đó có nghĩa, không phải họ không dám nói ra điều xấu mà họ có tư duy rất tích cực. Tôi nghiệm ra, những người tích cực không tập trung vào khó khăn mà tập trung vào giải pháp.

Tiến sĩ Trần Đình Lý với sinh viên...

Không thể khỏa lấp cho “nói dối dễ thương”

- Có một điều rằng, cuộc sống này vẫn có nhiều sự không thật mà không phương hại đến ai. Thậm chí, nói dối nhưng đạt được kết quả tốt, ông có cho rằng cũng cần ủng hộ điều này?

- Điều mà bạn vừa đề cập được hiểu là sự “nói dối dễ thương”. Điều này có nghĩa, nói dối mà không phương hại đến người khác, không phương hại đến tổ chức hay cộng đồng. Nhưng điều này phải thêm điều kiện là mang lại kết quả tốt thì mới được đánh giá theo hướng tốt. Còn nói dối vì một động cơ nào đó nhưng không đạt được kết quả thì rất đáng trách. Nói dối dù dễ thương cũng không thể khoả lấp.

Tôi thì nghĩ, bất kì người nào cũng có hai sứ mệnh là cần phải làm gì để lại trong bản đồ cuộc đời bản thân hay cho tổ chức của mình. Vì vậy, chúng ta sẽ luôn xác định mục tiêu cho từng giai đoạn. Có thể bạn đạt được mục tiêu này trên năng lực của bạn, nếu có khả năng và điều kiện được đáp ứng. Nhưng cũng có thể bạn đạt được mục tiêu bằng mọi giá. Đó chính là cán cân giữa hai bên, mà một bên là thực lực còn bên kia là các yếu tố như quan hệ, hậu duệ, tiền tệ. Cũng có thể gọi đây là cán cân giữa sự thật và sự dối trá.

Tôi từng chứng kiến và thấy rằng, nếu cá nhân nào làm việc dựa trên nền tảng là lợi ích chung của đơn vị thì tính bền vững rất cao. Còn dựa vào lợi ích riêng hoặc lợi ích nhỏ (nhóm nhỏ) thì sẽ luôn không bền vững.

Đương nhiên, không thể phủ nhận có một số ít thành công dựa vào việc đi đường vòng, nhưng lâu dài thì cũng không bền vững. Khi ngộ ra thành tích không phải do năng lực thì đã để lại hậu quả nghiêm trọng. Tôi cũng nghĩ, đạt được một vị trí nào đó rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn là có tồn tại được ở vị trí đó hay không.

Nếu vị trí đó không phù hợp sẽ trở thành thảm hoạ cá nhân, sâu xa hơn là thảm hoạ tập thể. Minh chứng cho điều này, khi mà bà Hiệu trưởng của câu chuyện nghe nói được luân chuyển đến với tư cách là một người có “thành tích” ăn bớt tiền của học sinh hơn 10 năm trước.

 - Bản thân ông có cổ vũ sự nói dối dễ thương như ông vừa đề cập?

 - Điều này ở trong một tình huống nào đó cứu cánh cho sự ngắn hạn trước mắt. Cũng có thể đây là những tình huống để phục vụ cho sự chân thật lâu dài thì cần được xem xét thấu đáo. Nhưng điều này không thể dài hạn là cứ luôn luôn xảy ra tình trạng nói dối dễ thương.

Nói dối mà không có hại cho ai cả, hay vì một lý do tế nhị nhạy cảm nào đó trong cuộc sống, không bị ai phản đối, ném đá, thậm chí còn nhận được sự cảm thông, chia sẻ, đương nhiên sẽ không được cổ súy, nhưng trong một chừng mực nào đó, đừng quá lên án họ.

- Ông vừa đề cập đến những yếu tố có thể làm ảnh hưởng tới tính chân thật như thu nhập, mối quan hệ, thăng tiến, quyền lợi cá nhân, tập thể. Nhưng ông có cho rằng, nếu cá nhân không bị áp lực từ tập thể thì họ sẽ luôn chân thật ?

- Điều này phụ thuộc vào bản lĩnh của họ. Ai có bản lĩnh, đủ năng lực, có con tim và khối óc vượt qua chính mình mới khẳng định được giá trị bản thân. Ai hời hợt, vì lợi ích trước mắt, không thấy được mục tiêu cuộc đời sẽ khó vượt qua điều này. Khi không vượt qua được thì có nghĩa họ cũng chỉ mới sống trong ngắn hạn.

- Còn sự dối trá được mua bằng tiền để thành sự thật thì sao?

- Đó là sự trả giá để “đổi trắng thay đen” thành công. Nhưng cần chia buồn với thành công này. Như phân tích trên đây, nó chắc chắn sẽ không bền vững, khi sự thật được phơi bày, “số tiền lớn hơn” theo “luật bất thành văn” chắc chắn sẽ không còn đất sống, nhường chỗ cho sự ăn năn, hối cải.

Làm giáo dục không chân thật thì không thể giáo dục người khác

- Dư luận hiện rất quan tâm tới câu chuyện giáo dục vừa xảy ra ở Hà Nội, khi bà Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Trung Yên lại nói dối một cách vô cùng quyết liệt để chối bỏ trách nhiệm. Là người trong ngành ông có điều gì lấn cấn?

- Tôi nghĩ đây là vấn đề cần quan tâm nhiều nhất, nhiều hơn và sớm hơn. Tất cả những việc này đều có một điểm chung là sự phù hợp. Câu chuyện của cô giáo Trường Mầm non Sen Vàng hay bà Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Trung Yên là sự đáp ứng để tồn tại. Điều tôi muốn đề cập ở đây là sự phù hợp về lĩnh vực nghề nghiệp. Một cô nuôi dạy trẻ hay một giáo viên nếu không có tố chất, có gốc thương yêu trẻ, kỹ năng phù hợp mà thông qua các con đường khác không chính thống để đạt được vị trí này thì đó chính là hậu quả.  

Bạn thấy đó, thời điểm này công tác tư vấn hướng nghiệp tuyển sinh đang được quan tâm nhiều. Nếu các em học sinh chọn nghề, chọn ngành mà không phù hợp với năng lực, sở trường bản thân thì hậu quả của nó sẽ còn dài dài. Danh sách sinh viên bị buộc thôi học ở các trường đại học, cao đẳng sẽ ngày càng dài thêm.

Tỷ lệ và số lượng cử nhân, kỹ sư tốt nghiệp ra trường bị thị trường lao động chối từ ngày càng nhiều. Sự lãng phí cho bản thân gia đình và xã hội càng lớn. Nếu cá nhân chọn nghề sai: nghề bác sĩ nhưng sợ máu, sợ mùi bệnh viện; nghề kế toán mà lại ngán các con số, ngán ngẩm sự tính toán; cô nuôi dạy trẻ mà không có lòng yêu thương trẻ; làm giáo dục mà có những hành vi phản giáo dục thì làm sao có sản phẩm tốt được?

Trong một tổ chức, phải quán triệt tư tưởng chủ đạo xuyên suốt rằng, phải chân thật mới đào tạo ra được những người chân thật. Câu chuyện xảy ra tại Trường Đại học Luật TP HCM vừa qua khi xử lý việc sinh viên photo 8 cuốn giáo trình, nhiều người cho rằng đây là điều đúng đắn. Dù rằng, một số quan điểm nhân văn theo hướng ngược lại, nhưng ý nghĩa của câu chuyện này là để mọi người quan tâm đến luật.

...và trong một buổi tư vấn thông tin chọn trường, ngành, nghề.

Ai nói dối, ai làm ảnh hưởng tới ngành cứ  theo luật xử lý

- Tôi nhớ rằng, lúc còn nhỏ tất cả chúng ta đều được học những bài học đạo đức rất thú vị. Không ai phủ nhận nền tảng giáo dục sẽ rất quan trọng, nhưng theo quan sát của tôi nền tảng này đang dần bị mài mòn khi có quá nhiều sự dối trá xuất hiện. Đó cũng là điều đáng phải luận bàn, thưa ông?

 - Tôi thấy vấn đề này một phần cũng do truyền thông. Như câu chuyện gặp nhau cuối năm vừa qua mà truyền thông phản ánh là so sánh luận án của tiến sĩ và trứng con gà ri. Quả thật, những người làm giáo dục có nhiều cảm xúc rất khác nhau. Sẽ có rất nhiều người chạnh lòng vì không thể đánh đồng tất cả các cơ sở đào tạo theo cách “cá mè một lứa”.

Nếu có một vài cơ sở đào tạo không bảo đảm chất lượng, thậm chí phá rào, làm ảnh hưởng tới cả ngành giáo dục thì cần phải trị đến cùng các cơ sở đó. Nếu cách đưa và đẩy thông tin không đúng ra dư luận, thì nó vừa làm mất uy tín của ngành vừa làm chạnh lòng những cơ sở, những cá nhân nghiêm túc.

Điều này cũng giống như câu chuyện của Trường Đại học Luật TP HCM mà chúng ta vừa nêu, là không đạt được mục tiêu này thì sẽ đạt được mục tiêu khác. Hay nói thẳng ra, là câu chuyện này đa mục tiêu. Có lẽ, chúng ta rất cần sự kỷ luật để một người công dân tuân thủ pháp luật hơn là sự răn đe. Tôi nghĩ đào tạo giáo dục cho số đông nên đây là trách nhiệm của toàn xã hội, chứ không thể chỉ ngành giáo dục.

Tôi từng chứng kiến câu chuyện ở TP HCM trước đây, khi trao giải thưởng cho hai đơn vị về sáng tạo khoa học kỹ thuật, trong đó một giải thưởng được nhiều người biết đến là thụ tinh nhân tạo ở Bệnh viện Từ Dũ, còn một công trình nghiên cứu khác được tôn vinh là việc nhân giống heo ở trường đại học.

Ở công trình này, nhà khoa học vô cùng khiêm tốn, không muốn đề cập, kể cả khi nhà báo phỏng vấn, đến khi công trình được trả một bản quyền rất tối thiểu. Sau đó, truyền thông đưa tin theo hướng đây là công trình của doanh nghiệp. Đúng là một thảm họa. Quay lại vấn đề, các yếu tố tố chất, năng lực, sở trường đặc biệt trong giáo dục rất quan trọng. Nếu chọn người không phù hợp để rồi cùng dối trá, khoả lấp, nếu không thật thì cuối cùng điều gì đến sẽ đến.

Tôi nghĩ, luôn phải cân nhắc khi nói gì, làm gì. Khi bảo vệ cái gì cũng phải lưu ý, dù trước mắt không đưa lại hậu quả gì, nhưng có là thảm kịch sâu xa không. Dù không muốn nhắc nhưng có lẽ, "vụ án con ruồi" đã cho chúng ta thấy rõ ngắn hạn hay dài hạn có giá trị.

- Quan sát ngành giáo dục chúng ta thấy rất nhiều sự thật đã được bóc trần. Có ý kiến cho rằng sự dối trá bắt nguồn từ kỷ luật trong ngành giáo dục chưa nghiêm. Ý ông ra sao?

- Trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã có những chỉ đạo hết sức cương quyết, không để chìm xuồng bất cứ vụ, việc nào, không có "vùng cấm", có công thì thưởng, có tội thì xử lý nghiêm, đúng trách nhiệm. 

Các sự việc được bóc trần chứng tỏ quyết tâm của người đứng đầu, của cả hệ thống chính trị khi phát hiện ra vụ việc. Dù có trễ, nhưng, không có sự bắt đầu nào là muộn cả! Nên có chính sách thật mạnh mẽ với những người phát hiện sai phạm, che giấu sự thật, cần có người hay tổ chức theo dõi giám sát, tránh để chìm xuồng. Vì khi xuồng chìm vừa bị mất tài sản, mất người vừa làm ô nhiễm môi trường, tạo gánh nặng cho đời sau.

Tại sao không tôn vinh những người nói thật

- Cái quan trọng trong mọi việc là giá trị cuối cùng chứ không phải tán dương hay sự tung hô. Theo ông, chúng ta có nên thẳng thắn để đón nhận câu nói "thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng” hay “mất lòng trước được lòng sau"?

 - Tôi nghĩ, cá nhân nào cũng sẽ có mục tiêu riêng. Có những mục tiêu tạm bợ, giới hạn, nhưng sẽ có những cá nhân đưa ra mục tiêu dài hạn, dù thăng trầm, thậm chí thất bại. Sự thất bại này có ý nghĩa và giá trị rất lớn. Tôi nghĩ, những ai đặt ra sự tạm bợ, ngắn hạn sẽ luôn có sự khuất tất, phớt lờ trước sự thật. Chúng ta vẫn thường hay nói “mọi thứ rồi sẽ qua đi, cuối cùng có một thứ duy nhất ở lại, đó là cái tình”. Nếu đó là giá trị lớn nhất về mặt tình cảm, thì trong công việc sự lan toả, biết đến và yêu mến là giá trị lớn nhất.

Nhưng chúng ta cũng nên nhớ rằng, điều đó không có nghĩa là tiêu cực, để đi qua một nơi khác hoặc tiến thân lên mức cao hơn. Đó chưa phải là chân giá trị. Tôi nghĩ văn hoá của doanh nghiệp, đơn vị rất quan trọng để cá nhân của doanh nghiệp đó có dám nói và đương đầu với sự dối trá không.

- Ông có công nhận rằng, nếu sự thật không được công bố thì sự tò mò, suy diễn và đặc biệt là sự mất niềm tin lẫn nhau càng lớn?

- Đó là sự nguy hại từ việc bưng bít sự thật về cái xấu. Đây đúng là hậu quả chứ không hiệu quả. Có thể trước mắt là do tổ chức, do mình mà chúng ta tạm gọi đây là sự hi sinh cá nhân. Nhưng sự hi sinh này có đáng không? Hãy làm tốt việc của mình trước khi chỉ trích người khác. Vì vậy đừng "chạy" đủ kiểu vì nếu chạy được, chạy tốt mà không có việc làm tương xứng, không phù hợp thì bi kịch sẽ đến cho chính cá nhân và cho cả tập thể.

Tôi đã từng chứng kiến, nhiều nhà khoa học làm khoa học rất giỏi nhưng "được" chuyển sang làm quản lý. "Có sự khác nhau không hề nhẹ giữa năng lực nghiên cứu và năng lực quản lý". Sự "không phù hợp" sẽ tạo ra lãng phí và thất thoát nhân tài ghê gớm. Có khi đó cũng là bi kịch cho chính tổ chức đó.

- Chúng ta từng chứng kiến rất nhiều người dám nói sự thật nhưng sau đó lại bị trù dập đến tận cùng. Ông có đồng ý với tôi rằng đây là rào cản với mỗi người khi muốn đưa sự thật ra ánh sáng?

- Khi sự cố không hay bị khoả lấp, tôi nghĩ nguyên nhân có thể người đứng đầu muốn giải quyết rạch ròi. Nhưng có thể đứng trên lợi ích chung của tập thể khi câu chuyện bị phát tán sẽ ảnh hưởng tới thành tích, thi đua. Đã có nhiều trường hợp một cá nhân bị kỷ luật thì tập thể nơi cá nhân công tác bị cắt hết thành tích. Vì vậy, vấn đề sâu xa ở đây là các tiêu chí thi đua phải đánh giá đến bản chất vấn đề. Tại sao chúng ta không chuyển sự việc từ một đơn vị có sự cố vẫn được đón bảng vàng thi đua vì dám trung thực, và trị đến cùng những sai phạm hơn là một đơn vị "sạch bong" mà dối trá.

Ở đây, chúng ta đã có sự lựa chọn sai khi không nhìn đúng bản chất sự việc. Thái độ thẳng thắn, sửa sai trước cái xấu cần được quan tâm nhiều hơn vẻ bề ngoài bóng bẩy. Tôi tin, nếu làm như vậy sẽ có nhiều sự thật được phơi bày.

Dẫu biết rằng, nghề nào hay ở đâu cũng có người chân thật – dối trá, người thế này người thế nọ. Với sự cảnh báo từ những câu chuyện không hay vừa qua, sự quan tâm đầu tư của ngành giáo dục và của chính phủ, sẽ không để thiệt thòi cho chính các em và nền giáo dục, kinh tế nước nhà. Hy vọng, sẽ sớm không còn những mảng tối như những câu chuyện đau lòng vừa qua, thay vào đó chúng ta sẽ thấy được toàn ngành giáo dục lành mạnh, trong sáng, tất cả đều thật.

- Cảm ơn ông đã trao đổi!

Nguyễn Tuệ Minh (thực hiện)
.
.